Mất sổ đỏ!!!!!
Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) là giấy tờ cực quan trọng, được chúng ta bảo quản, cất két rất kỹ càng, tuy nhiên vẫn có những rủi ro, sự kiện gây mất sổ đỏ như: Rơi giấy tờ, thiên tai, lũ lụt cuốn trôi, mối mọt, chuột, gián cắn phá, ẩm mốc gây rách không thể phục hồi, gặp hỏa hoạn cháy sổ…. Gặp trường hợp này chúng ta phải làm sao?
Theo quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có quyền đề nghị cấp lại sổ đỏ khi bị mất nhưng phải thực hiện một số bước để xác thực việc mất (tránh trường hợp lợi dụng quy định cấp lại sổ đỏ để lừa đảo, ví dụ như bán cho nhiều người…) Vậy thủ tục làm lại sổ đỏ bị mất như thế nào?
I. Trình tự làm lại sổ đỏ bị mất
Tham khảo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
Bước 1: Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất sổ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Bước 2: Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất sổ đỏ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị sổ đỏ nộp 01 bộ hồ sơ như mục (1) đề nghị cấp lại sổ đỏ.
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm sau:
– Kiểm tra hồ sơ;
– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất;
– Lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy sổ đỏ bị mất, đồng thời ký cấp lại sổ đỏ;
– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
– Trao sổ đỏ cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
II. Nơi nộp hồ sơ làm lại sổ đỏ bị mất
Tham khảo Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP
Người có đề nghị làm lại sổ đỏ bị mất có thể nộp hồ sơ tại các nơi sau đây:
– Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
– Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại:
+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
– Ủy ban nhân dân cấp xã (chỉ áp dụng với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu).
III. Hồ sơ làm lại sổ đỏ bị mất
Tham khảo Khoản 2 Điều 9, Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, khoản 9 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT
Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ do bị mất gồm có:
– Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
– Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân;
Giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;
Trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
Nguồn tổng hợp