Quý doanh nghiệp là một nhà đầu tư và đang muốn đầu tư thực hiện dự án lớn ở tỉnh Tuyên Quang? Doanh nghiệp đang loay hoay tìm kiếm thông tin rằng sẽ đầu tư vào địa điểm nào, chỗ đó đất đai, nhân công, điện, nước thế nào? Sau đây là những thông mà doanh nghiệp bạn cần tìm hiểu trước khi thực hiện đầu tư dự án tại tỉnh Tuyên Quang.
Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng trung du – miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165 km. Nếu đi từ trung tâm thành phố Hà Nội di chuyển lên Tuyên Quang, bạn có thể chọn 2 cung đường. Cung đường thứ nhất: Đi qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai (ký hiệu CT.05) và rẽ vào đường thoát IC09 đi tới thị xã Phú Thọ, TT. Thanh Ba và đến Tuyên Quang (không kể thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến Cao tốc Nội Bài – Lào Cai). Tổng giờ di chuyển khoảng gần 3 giờ. Cung đường thứ 2: Đi qua cao tốc Nội Bài – Lào Cai và rẽ vào đường thoát IC04 (Nút giao với Quốc lộ 2B tại xã Kim Long, huyện Tam Dương đi tới thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Tổng thời gian di chuyển khoảng hơn 2 giờ. Sắp tới, đoạn đường đấu nối từ Tuyên Quang đến cao tốc Nội Bài – Lào Cai (khoảng 39,2km) được hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Tuyên Quang, với thời gian còn dự kiến khoảng 1,5 giờ.
Địa điểm đặt dự án đầu tư ở đâu thì phù hợp?
Nếu bạn là nhà đầu tư có nhà máy sản xuất, lựa chọn sáng suốt nhất để đặt các nhà máy sản xuất là ở các khu, cum công nghiệp. Theo Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tuyên Quang sẽ thành lập mới 6 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp, cụ thể:
Có 6 khu công nghiệp (KCN) sẽ được thành lập mới gồm: KCN Nhữ Khê – Đội Cấn (bám dọc đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, 75 ha, TP Tuyên Quang và huyện Yên Sơn); KCN Tam Đa (75 ha, nằm tại huyện Sơn Dương); 4 khu công nghiệp sẽ được thành lập mới khi tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, gồm: KCN Tân Long (TP. Tuyên Quang); KCN Nhữ Khê (huyện Yên Sơn); KCN Nam Sơn Dương (huyện Sơn Dương) và KCN Thái Sơn – Thành Long (huyện Hàm Yên).
18 CCN được thành lập mới gồm: CCN An Hòa – Long Bình An (75 ha, TP. Tuyên Quang); CCN Thái Long – Lưỡng Vượng (50 ha, TP Tuyên Quang); CCN Nhữ Khê (40 ha, huyện Yên Sơn); CCN Yên Sơn (53 ha, huyện Yên Sơn); CCN Trung Môn (30 ha, huyện Yên Sơn); CCN Phú Thịnh (35 ha, huyện Yên Sơn). CCN Xuân Vân (50 ha, huyện Yên Sơn); CCN Ninh Lai – Thiện Kế (75 ha; huyện Sơn Dương); CCN Phúc Ứng 2 (60 ha, huyện Sơn Dương); CCN Phúc Ứng 3 (40 ha, huyện Sơn Dương); CCN Tam Đa (75 ha, huyện Sơn Dương); CCN Trung Hòa (25 ha, huyện Chiêm Hóa); CCN Xuân Quang (20 ha, huyện Chiêm Hóa); CCN Yên Nguyên (30 ha, huyện Chiêm Hỏa); CCN Đức Ninh (25 ha, huyện Hàm Yên); CCN Thái Sơn (30 ha, huyện Hàm Yên); CCN Phúc Sơn 1 (30 ha, huyện Lâm Bình); CCN Phúc Sơn 2 (20 ha, huyện Lâm Bình). Trong đó, có 4 CCN đã thành lập gồm CCN Phúc Ứng (74 ha, huyện Phúc Ứng); CCN Tân Thành (72,2 ha, huyện Hàm Yên); CCN An Thịnh (75 ha, huyện Chiêm Hóa) và CCN Khuôn Phươn (20 ha, huyện Na Hang). Một cụm công nghiệp đã thành lập, được dự kiến mở rộng là CCN Thắng Quân (58 ha; huyện Yên Sơn); một CCN được nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp trên diện tích quy hoạch khu công nghiệp cũ là CCN Sơn Nam (50 ha, huyện Sơn Dương)[1].
Chính sách đầu tư của tỉnh Tuyên Quang gồm những ưu đãi gì?
Chính phủ có các quy định về ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách miễn thuế, giảm thuế, thuê đất… Tại tỉnh Tuyên Quang, các ưu đãi về thuế nói chung tại các khu, cum công nghiệp gồm có:
Thứ nhất, về thuế nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định của doanh nghiệp (Kể cả trường hợp mở rộng quy mô dự án). Miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng thay thế, các bộ phận rời trong dây chuyền, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất.
Thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp: Về thuế suất, thuế suất ưu đãi 10% áp dụng trong thời gian 15 năm đối với dự án thuộc ngành nghề thuộc diện ưu đãi đầu tư. Thuế suất ưu đãi 17% áp dụng trong thời gian 10 năm đối với dự án đầu tư còn lại.
Thứ ba, miễn thuế: Miễn 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo đối với dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Miễn 02 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư còn lại.
Thứ tư, về chính sách ưu đãi về đất đai: Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 03 năm. Miễn tiền thuê đất 11 năm đối với dự án thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Miễn tiền thuê đất 07 năm đối với dự án đầu tư còn lại.
Cùng với ưu đãi về thuế, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ kinh phí đào tạo cho lao động của doanh nghiệp với mức hỗ trợ 50% (tối đa 2 triệu VND/người/khóa học) đối với khóa học đào tạo trong nước. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, gồm: Tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống thoát nước đến hàng rào của khu công nghiệp; cân đối ngân sách của địa phương để hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước thải chung trong hàng rào khu công nghiệp cho các nhà đầu tư.
Giá cho thuê đất, giá điện, nước và chi phí nhân công được tính như thế nào?
Giá cho thuê đất đối với từng nhóm đất được tính rõ ràng và cụ thể. Tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Nghị quyết 20/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/20219, trong đó thông qua Bảng giá đất tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020-2024. Nhà đầu tư cần liên hệ với cơ quan đầu mối về xúc tiến đầu tư (Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang, có địa chỉ và liên hệ bên dưới bài viết) để xác định rõ từng khu vực dự kiến thuê đất thực hiện dự án. Về thời hạn cho thuê, các nhà đầu tư lưu ý thời hạn cho thuê đất nói chung là 50 năm. Tiền cho thuê đất trả theo hình thức một lần hoặc nhiều lần. Tại Khu công nghiệp Sơn Nam, giá cho thuê đất là 0,0857 USD/m2/năm.
Về giá điện, có nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Giá điện sinh hoạt được tính khác với giá điện sản xuất, kinh doanh tại các thời điểm sử dụng khác nhau. Cụ thể, giờ bình thường được tính với giá 1.388 đồng/kWh; giờ thấp điểm là 869 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.459 đồng/kWh.
Giá nước cũng được tính tùy theo mục đích sử dụng, gồm nước phục vụ cho sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất và dịch vụ. Cụ thể, giá nước sinh hoạt là 4.500 đồng/m3; giá nước sản xuất là 8.000 đồng/m3 và giá nước dịch vụ, du lịch, xây dựng là 10.000 đồng/m3.
Thông tin về giá đất đai, điện, nước nêu trên được trích từ nguồn: http://ipc.tuyenquang.gov.vn/.
Trong chi phí về nhân công, mức lương trả cho công nhân được tính theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng, nhà đầu tư trả cho người lao động làm việc tại các địa bàn trên tỉnh Tuyên Quang sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng tại khu vực thành phố Tuyên Quang là 3.640.000 đồng/tháng. Còn các khu vực như Huyện Chiêm Hóa, Huyện Hàm Yên, Huyện Lâm Bình, Huyện Na Hang, Huyện Sơn Dương, Huyện Yên Sơn, nhà đầu tư trả cho người lao động mức lương tối thiểu là 3.250.000 đồng/tháng. Các mức lương trả cho công nhân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tính chất công việc, mức độ độc hại, nguy hiểm của công việc, thỏa thuận giữa người chủ và công nhân, tăng ca làm thêm giờ…