Khu thương mại tự do có thể xoay chuyển cục diện kinh tế – du lịch?

Chỉ chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất quốc gia, nhưng 21 Khu thương mại tự do của Trung Quốc đã đóng góp tới khoảng 18% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Nếu đặc khu kinh tế được ví như “chiếc đũa thần” làm nên hành trình lột xác thần kỳ của các vùng đất nghèo khó, ít tiềm năng trong quá khứ như Dubai, Thâm Quyến, Incheon (Hàn Quốc), thì khu thương mại tự do là hình thái kinh tế mở, hiện đại, đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế đã được nhiều quốc gia áp dụng trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Trung Quốc mở khu thương mại tự do đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 2013

Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESAP), nhiều quốc gia ở khu vực châu Á đã áp dụng FTZ để phát triển nền kinh tế quốc gia bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các FTZ. FTZ được coi là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, nằm ngoài lãnh thổ hải quan, được thiết kế để thu hút FDI và mang lại môi trường kinh doanh thông thoáng với nhiều ưu đãi, cơ sở hạ tầng tốt cũng như các lợi thế khác. Vậy khu thương mại tự do đã và đang hình thành, tạo ảnh hưởng như thế nào tại các cường quốc châu Á.

Trung Quốc: Mở cửa ngoạn mục và thành công ngay từ FTZ đầu tiên

Sự phát triển Khu thương mại tự do (FTZ) của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua với 22 FTZ, mở đường cho chiến lược cải cách trải dài các khu vực ven biển, nội địa và biên giới, như một biểu tượng cho sự mở cửa cấp cao của Trung Quốc.

Cầu cảng hoàn toàn tự động tại cảng Thanh Đảo trong khu thương mại tự do ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc luôn rất nhộn nhịp. Trong vòng 1 năm hoạt động đầu tiên, tính đến tháng 7/2023, hơn 5.000 doanh nghiệp đã được thành lập với số vốn đầu tư hơn 60 tỷ nhân dân tệ (9,13 tỷ USD).

Khu thương mại tự do tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

UNCTAD công nhận thành tựu của các FTZ của Trung Quốc trong thập kỷ qua, bắt đầu từ Thượng Hải vào năm 2013, trong bối cảnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hiện, nhà máy sản xuất xe điện duy nhất ở Trung Quốc của hãng Tesla (Mỹ) cũng được đặt tại FTZ Thượng Hải.

Vào năm 2022, mặc dù chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất quốc gia, nhưng 21 FTZ của nước này đã đóng góp tới khoảng 18% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối lượng xuất nhập khẩu ở Trung Quốc, dữ liệu từ Bộ Thương mại (MOFCOM) cho thấy.

Cũng theo MOFCOM, tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài của các khu FTZ cao hơn mức trung bình quốc gia 5,7 điểm phần trăm, trong khi tốc độ tăng trưởng ngoại thương vượt mức trung bình quốc gia 4,8 điểm phần trăm.

Phát triển mô hình thương mại tự do thậm chí có thể xoay chuyển cục diện kinh tế, du lịch. Một nghiên cứu cho thấy việc Trung Quốc phát triển khu thương mại tự do Thượng Hải (SFTZ) từng khiến ngành du lịch Hồng Kông (Trung Quốc) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với việc mở thêm nhiều cảng và cấp “visa khi đến” cho công dân Trung Quốc, Thượng Hải có thể sẽ chuyển hướng khách du lịch Trung Quốc đi du lịch trên tàu đến những nơi khác ngoài Hồng Kông. Lĩnh vực tác động tiềm tàng thứ hai là du lịch y tế của Hồng Kông. Trung Quốc đã quan tâm đến việc phát triển du lịch y tế và SFTZ mang lại cơ hội để phát triển điều này bằng cách cho phép thành lập các cơ sở y tế 100% vốn nước ngoài.

Chi tiêu bán lẻ của du khách Trung Quốc đại lục đóng góp 60% thu nhập du lịch của Hồng Kông (2013). Khi các trung tâm bán lẻ miễn thuế ở Thượng Hải cung cấp hàng hóa miễn thuế, người tiêu dùng từ các vùng sông Dương Tử giàu có sẽ bị thu hút đến mua sắm ở SFTZ chứ không phải ở Hồng Kông …

Iran: Hình mẫu khu tự do Anzali thúc đẩy phát triển du lịch

Việc hình thành các khu công nghiệp thương mại tự do trên thế giới thường dẫn đến sự phát triển và thịnh vượng của các khu vực xung quanh, đặc biệt du lịch. Các khu công nghiệp-thương mại tự do, nhờ cơ chế pháp lý và sự dễ dàng trong thương mại quốc tế, có thể phát triển du lịch và do đó tạo ra tiến bộ vượt bậc. Chẳng hạn, khu tự do Anzali là một trong những khu vực tự do quan trọng nhất ở Iran và là khu vực tự do duy nhất trên bờ biển Caspi, được thành lập năm 2005.

Khu công nghiệp – thương mại tự do Anzali, Iran

Theo tạp chí Du lịch và Phát triển thuộc Hiệp hội Khoa học Du lịch Iran, nghiên cứu cho thấy việc thành lập khu tự do Anzali thúc đẩy phát triển du lịch ở tỉnh Gilan. Kết quả mô phỏng cho thấy so với bối cảnh khi chưa thành lập khu tự do Anzali, việc thành lập khu tự do Anzali đã làm giá trị gia tăng bình quân đầu người của du lịch tỉnh Gilan tăng lên hơn 30%.

Nằm ở tỉnh Gilan, phía bắc Iran, Khu công nghiệp-thương mại tự do Anzali là khu vực tự do duy nhất ở phần phía nam của Biển Caspian với diện tích 9.400 ha và bờ biển dài 40 km. Đây là một trong bảy khu công nghiệp – thương mại tự do của đất nước.

Việc thành lập các khu vực thương mại tự do ở Iran bắt nguồn từ năm dương lịch Iran 1368 (tháng 3 năm 1989 – tháng 3 năm 1990) sau khi thu nhập từ dầu mỏ của nước này giảm trong năm trước đó, khiến chính phủ phải thúc đẩy xuất khẩu phi dầu mỏ.

Malaysia và Singapore: Sớm ban hành các đạo luật để phát triển khu thương mại tự do

Chính phủ Malaysia đã ban hành Đạo luật các khu vực tự do năm 1990 để thiết lập các khu vực miễn thuế trong nước nhằm đơn giản hóa các quy định hải quan và tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại.

Ở Malaysia, có 22 Khu công nghiệp tự do (FIZ) và 24 Khu thương mại tự do (FCZ). Các khu vực tự do nổi tiếng nhất là Port Klang, Pasir Gudang và Bayan Lepas.

Khu thương mại tự do Port Klang được thành lập vào năm 2004 tại Malaysia

Các khu thương mại tự do ở Singapore là những khu vực kinh tế được chỉ định mang lại hải quan thuận lợi và điều kiện về thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong đó. Các FTZ ở Singapore bước đầu được thành lập vào năm 1969 để củng cố mục tiêu của đất nước trở thành trung tâm thương mại trung chuyển.

Có 9 khu thương mại tự do ở Singapore, nổi bật nhất là sân bay Changi và Cảng Jurong. Tập đoàn Sân bay Changi có một loạt các dịch vụ mở rộng. Nơi đây cung cấp hơn 100.000 mét vuông không gian nhà kho và văn phòng kết hợp, có khả năng xử lý ít nhất ba triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay cũng tự hào về hơn 70 ha khu thương mại tự do, được bổ sung bởi các hoạt động hải quan 24/7 và ít nhất 14 bãi đỗ xe chở hàng chuyên dụng.

Một cửa hàng miễn thuế tại sân bay Changi

Các FTZ phát triển với tốc độ nhanh chóng. Năm 1975, chỉ có khoảng 79 FTZ tồn tại, trải rộng trên vài chục quốc gia. Đến năm 2019, dữ liệu của OECD chỉ ra rằng các FTZ đã tăng 4.300%, với ít nhất 3.500 FTZ hiện có mặt trên 130 quốc gia. Theo tổ chức tư vấn tài chính GFI có trụ sở tại Washington (Mỹ), sự tăng trưởng mạnh mẽ này không phải là ngẫu nhiên. Những khu vực này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa, đặc biệt hấp dẫn đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình muốn thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại Việt Nam, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó cho phép lập khu thương mại tự do Đà Nẵng với hàng loạt cơ chế ưu đãi về thuế, phí, đất đai và hỗ trợ riêng biệt để tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố sông Hàn. Khu thương mại tự do sẽ là nơi thu hút đầu tư, tài chính, dịch vụ chất lượng cao, đồng thời tạo ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực hạ tầng, du lịch, dịch vụ. Điều này kỳ vọng giúp Đà Nẵng phát triển bứt phá trở thành thành phố đáng sống, đáng đầu tư hàng đầu khu vực.

Thuỵ Anh

Theo Báo Công Thương

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555