Trong quý 1/2025, giá thuê đất công nghiệp tại phía Bắc đạt trung bình 139 USD mỗi m2 cho kỳ hạn thuê, tăng gần 4% so cùng kỳ năm 2024.

Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường do CBRE Việt Nam vừa công bố mới đây, tại phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng 3,7% so với cùng kỳ, đạt trung bình 139 USD mỗi m2 (khoảng 3,6 triệu đồng một m2) cho kỳ hạn còn lại. Đà tăng này tập trung ở các khu công nghiệp có mức lấp đầy tốt khiến chủ đầu tư điều chỉnh giá thuê.
Mức hấp thụ các khu công nghiệp phía Bắc đạt gần 80% với khoảng 200 ha, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Quý đầu năm ghi nhận nhiều dự án được khởi công như nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Lite-On ở Quảng Ninh trị giá 690 triệu USD hay nhà máy Victory Giant Technology ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 540 triệu USD.
Với thị trường kho xưởng xây sẵn, giá thuê cũng tăng 2,3-2,6% theo năm, đạt ngưỡng 4,7-4,9 USD mỗi m2 một tháng. Tỷ lệ lấp đầy kho xưởng đạt trên 80%. CBRE cho biết nhóm công ty logistics dẫn dắt nguồn cầu nhà kho xây sẵn tại phía Bắc, theo sau là các công ty sản xuất điện tử, thiết bị thể thao.
Còn theo Cushman & Wakefield, một số khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc đã tăng giá thuê 4-5% kéo theo mức thuê trung bình của thị trường tăng theo. Nhu cầu thuê đất công nhiệp chủ yếu đến từ các ngành linh kiện điện tử, sản xuất máy móc.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, đà tăng giá thuê đất, kho xưởng công nghiệp được thúc đẩy bởi lực hút FDI cũng như lĩnh vực sản xuất, cụ thể, chỉ số sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong quý I tăng hơn 2% so với cùng kỳ.
Cùng đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn ngoại đổ vào bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Điều này thúc đẩy diễn biến tích cực tại thị trường cho thuê đất công nghiệp phía Bắc, vốn có lợi thế vị trí, cơ sở hạ tầng cải thiện cùng tâm lý thị trường tích cực.
Những thách thức đặt ra cùng cơ hội
Dù chứng kiến đà tăng giá cho thuê, theo các chuyên gia, phân khúc bất động sản công nghiệp có thể đối diện với nhiều thách thức khi nguy cơ việc Hoa Kỳ có thể áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam thời gian tới vẫn đặt ra dù đang được tạm hoãn trong 90 ngày.
Theo đó, các chuyên gia cho biết hạ tầng khu công nghiệp cũng như thương mại dịch vụ, nhà ở sẽ chịu tác động trực tiếp khi dòng vốn ngoại sụt giảm khiến nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê – mua.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cho rằng sắc thuế nếu áp dụng sẽ gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam trong ngắn hạn. Thay vì xu hướng mở rộng đầu tư, họ sẽ có xu hướng trì hoãn, quan sát tình hình.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài An đánh giá, xét trong dài hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Lợi thế này đến từ những cải cách tích cực của Nhà nước để tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục đầu tư cùng việc đầu tư hàng loạt dự án lớn như cao tốc Bắc Nam, đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai.
Theo đó, bà Nguyễn Hoài An cho rằng, để duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chú trọng cải thiện hạ tầng về đường xá kết nối, điện lưới khu công nghiệp, nâng cao chất lượng lao động cũng như có thêm các chính sách ưu đãi.
Trong ba tháng đầu năm 2025, theo số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) công bố, vốn FDI đăng ký vào kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong kỳ, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng vốn đăng ký cấp mới, có 850 dự án được cấp phép với hơn 4,3 tỷ USD. Ngành công nghiệp chế biến dẫn đầu về vốn đăng ký với 2,6 tỷ USD, chiếm gần 61%.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút 1,1 tỷ USD vốn đăng ký mới trong quý đầu năm, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Cộng cả vốn điều chỉnh, các nhà đầu tư ngoại rót gần 2,3 tỷ USD vào bất động sản, tăng 46% so với quý I năm ngoái.
Xét về đối tác, Singapore tiếp tục dẫn đầu với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Avison Young Việt Nam đánh giá, dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo hãng này, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động hóa đa dạng chuỗi sản xuất và cung ứng nhờ sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, vị trí chiến lược…
Trong khi đó, một báo cáo từ Savills Việt Nam cho rằng tốc độ đô thị hóa mạnh giúp nhà đầu tư ngoại nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc, như công nghiệp, logistics, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.
Cụ thể, Savills nhìn nhận quy mô và tổng mức đầu tư của khối ngoại khá đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chú trọng đến dự án phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
“Pháp lý là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ”, Savills đánh giá.
Trước lo ngại dòng vốn ngoại vào bất động sản có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, các chuyên gia cho biết một số phân khúc có thể bị tác động trong ngắn hạn như hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và nhà ở. Cùng với đó, các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, lưu trú du lịch cũng có thể chịu tác động khi nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê-mua.
Tuy nhiên, theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của sắc thuế trên đến thị trường bất động sản Việt Nam. Theo ông này, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, các nhà đầu tư FDI luôn có kế hoạch dự phòng và tầm nhìn dài hạn. Bài học từ đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp thận trọng hơn trong quản lý tồn kho và kiểm soát sản lượng nhằm tránh gián đoạn đơn hàng khi chi phí logistics tăng vọt.
“Dù có thể gặp biến động ngắn hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chiến lược ngoại giao khéo léo, đa dạng hóa đối tác thương mại và có thị trường tiêu dùng hấp dẫn, giúp thu hút các khoản đầu tư lớn từ nhiều quốc gia”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam nhìn nhận.
Theo Lê Sáng – Nhịp sống thị trường Link