Thêm nhiều KCN được các ông lớn đầu tư trước thềm sáp nhập tỉnh

WHA, Sumitomo, Kinh Bắc, IDICO, Hòa Phát, Thaco… vừa được chấp thuận đầu tư loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp quy mô lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Thời gian gần đây, nhiều khu công nghiệp quy mô lớn khắp các miền đã được các địa phương phê duyệt. Đơn cử, tại phía Bắc, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC) mới đây đã được chấp thuận đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Quế Võ mở rộng 2 (Bắc Ninh).

Dự án có quy mô hơn 140 ha, được thực hiện tại xã Mộ Đạo, xã Yên Giả và phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.878 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Bắc Giang vừa chấp thuận cho CTCP Đầu tư Công nghiệp Công nghệ Ninh Sơn đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tiên Sơn – Ninh Sơn (giai đoạn 1). Dự án có quy mô gần 90 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.649 tỷ đồng, tiến độ thực hiện là 24 tháng.

CTCP Đầu tư phát triển Yên Bình mới đây cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Yên Bình 2 nằm tại TP Phổ Yên và huyện Phú Bình, Thái Nguyên.

Dự án có tổng diện tích gần 300 ha, tổng vốn đầu tư 3.650 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 565 tỷ đồng. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai không quá 24 tháng kể từ ngày được giao đất.

Hay CTCP IDICO Ninh Bình (công ty con thuộc Tổng công ty IDICO – CTCP) vừa qua cũng được chấp thuận đầu tư KCN Phú Long tại Ninh Bình. Dự án có quy mô hơn 400 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Tại khu vực miền Trung, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN WHA Smart Technology 2 – Thanh Hóa.

Dự án do CTCP WHA Industrial Zone Thanh Hóa, thuộc Tập đoàn WHA Industrial Development International (SG) PTE. LTD (Thái Lan) làm nhà đầu tư.

Tổng diện tích sử dụng đất KCN gần 175 ha, thuộc địa bàn các xã Thiệu Giang, Thiệu Quang, Thiệu Thịnh và Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.450 tỷ đồng (tương đương 58 triệu USD). Tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dự kiến không quá 36 tháng.

Một nhà đầu tư ngoại khác là Sumitomo Corporation – tập đoàn đa ngành lớn đến từ Nhật Bản cũng vừa được chấp thuận đầu tư KCN Thăng Long Thanh Hóa (giai đoạn 1) tại địa phương này.

Dự án có diện tích 167 ha, thuộc các xã Đông Yên, Đông Văn (TP Thanh Hóa) và Đồng Tiến, Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn). Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.918 tỷ đồng, tương đương gần 116 triệu USD. Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng.

Hay Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và Đô thị Chu Lai Trường Hải – doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương vừa được chấp thuận đầu tư KCN cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải mở rộng.

Dự án này có quy mô gần 115 ha, nằm tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1.434 tỷ đồng.

Tại phía Nam, UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa phê duyệt hai dự án khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đầu tiên là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Tâm – giai đoạn 1. Nhà đầu tư là CTCP Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Tập đoàn Hòa Phát).

Dự án có quy mô gần 492 ha; địa điểm thực hiện tại xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 4.188 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 628 tỷ đồng; vốn huy động là 3.560 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là 48 tháng.

Thứ hai là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN công nghệ cao Phú Yên. Nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn N&G.  Quy mô dự án gần 256 ha, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa. Tổng vốn đầu tư hơn 2.369 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là 54 tháng.

Bất động sản công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ sáp nhập?

Bên cạnh những thách thức do thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn FDI, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ được hưởng lợi nhờ việc mở rộng địa giới đơn vị hành chính.

Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghiệp Savills Hà Nội đánh giá, việc sáp nhập các tỉnh thành nếu được thực hiện bài bản sẽ mở đường cho sự hình thành của các hệ sinh thái đô thị – công nghiệp tích hợp, có sức hấp dẫn cao hơn đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng chọn lọc điểm đến.

Việc mở rộng địa giới đơn vị hành chính giúp các tỉnh có thể quy hoạch thêm nhiều khu công nghiệp mới với diện tích lớn hơn, cung cấp thêm lựa chọn cho doanh nghiệp. Từ việc gia tăng quỹ đất, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ dễ dàng tìm được vị trí phù hợp để mở nhà máy, tránh tình trạng khan hiếm đất công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu cao.

Bên cạnh đó, sau sáp nhập, các tỉnh có diện tích lớn hơn có điều kiện để phân vùng rõ ràng hơn, từ đó phát triển các khu công nghiệp hoặc tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như Khu công nghiệp hỗ trợ hoặc khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành sản xuất lớn hoặc một ngành sản xuất cụ thể nào đó như ô tô, bán dẫn.

“Các địa phương vốn đã là điểm sáng về thu hút đầu tư, khi được sáp nhập và phối hợp chặt chẽ hơn về quy hoạch, sẽ bổ trợ lẫn nhau về cơ sở hạ tầng, lao động và định hướng phát triển. Quy mô lớn giúp địa phương đạt chuẩn cao hơn về hạ tầng và quản lý, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”, vị này phân tích.

Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh địa giới hành chính tất yếu sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt yếu tố, từ quy hoạch sử dụng đất, cấp phép đầu tư, cho đến thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường và xây dựng.

Ông Thomas nhận định, trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn do thay đổi đầu mối quản lý và chính sách chưa kịp đồng bộ giữa các địa phương sáp nhập. Tuy nhiên, về dài hạn, đây là cơ hội lớn để tái thiết khung pháp lý minh bạch và hiệu quả hơn. Việc phối hợp và thống nhất thủ tục trong các khu vực hành chính mới sẽ giúp tiết kiệm thời gian và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư.

Theo Hà Lê – Doanh nghiệp & Kinh Doanh Link

Bài viết liên quan
error: Content is protected !!

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555