Gần đây, tình hình thị trường bất động sản phía tây trong đó có huyện Quốc Oai khá sôi động. Một phần nhờ vị trí địa lý huyện Quốc Oai chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, được quy hoạch đồng bộ, tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, hệ thống giao thông dọc theo trục đại lộ Thăng Long khá thuận tiên… Hãy cùng chúng tôi xem xét quy hoạch huyện Quốc Oai nhé!
Tổng quan về huyện Quốc Oai, Hà Nội
Vị trí địa lý
Theo bản đồ quy hoạch huyện Quốc Oai nằm ở phía tây ngoại thành của thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 20 km:
- Phía đông giáp quận Hà Đông và huyện Hoài Đức
- Phía tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
- Phía nam giáp huyện Chương Mỹ
- Phía bắc giáp huyện Thạch Thất và huyện Phúc Thọ
Đơn vị hành chính
Huyện Quốc Oai hiện có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Quốc Oai (huyện lỵ) và 20 xã: Cấn Hữu, Cộng Hòa, Đại Thành, Đồng Quang, Đông Yên, Hòa Thạch, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Phú Cát, Phú Mãn, Phượng Cách, Sài Sơn, Tân Hòa, Tân Phú, Thạch Thán, Tuyết Nghĩa, Yên Sơn, Đông Xuân.
Những điểm nhấn trong bản đồ quy hoạch huyện Quốc Oai
Đô thị Hòa Lạc
– Khu đô thị Hòa Lạc được quy hoạch là khu đô thị “thông minh”, đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là đô thị nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội trên cơ sở gắn kết địa hình tự nhiên, với hệ thống không gian, cảnh quan khu vực Ba Vì – Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh).
– Hình thành 04 cụm không gian chức năng chuyên biệt (gồm: Khu Đại học quốc gia Hà Nội; Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu trung tâm y tế tập trung; Khu đô thị sinh thái). Đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.
– Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô khoảng 150 ha bao gồm các chức năng nghiên cứu, sản xuất công nghệ, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
– Trung tâm y tế tập trung với quy mô khoảng 200 ha bao gồm tổ hợp các chức năng chuyên sâu về y tế như khám chữa bệnh, điều dưỡng, nghiên cứu đào tạo y dược, sản xuất trang thiết bị y tế và các dịch vụ y tế đồng bộ khác.
Quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội
Hạ tầng kinh tế
Công nghiệp, làng nghề
– Chú trọng đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện gắn với quy hoạch các ngành, các lĩnh vực. Chỉ đạo việc triển khai xây dựng đối với các dự án đã được Thành phố phê duyệt.
– Triển khai lấp đầy Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chuyển đổi loại hình công nghiệp tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai trở thành khu phức hợp sinh thái (chức năng: trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bảo tàng thiên nhiên, triển lãm làng nghề và đào tạo), tổng diện tích đất khu, cụm công nghiệp đến năm 2030 khoảng 225 ha (Một phần Khu công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 150 ha, một phần Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai khoảng 70 ha).
– Xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Nghĩa Hương, hoàn thiện phát triển các cụm công nghiệp Tuyết Nghĩa, Thạch Thán, Liệp Tuyết, Sài Sơn, Ngọc Mỹ… theo chủ trương của các cấp có thẩm quyền.
– Phát huy tiềm năng của 14 làng nghề và các ngành sản xuất hiện có. Đa dạng hoá các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, lao động học nghề và xuất khẩu lao động. Thúc đẩy học nghề lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng cường lao động trẻ trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tạo cơ hội việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động.
Dịch vụ, thương mại và du lịch
Dịch vụ
– Phát triển dịch vụ dần trở thành hoạt động kinh tế chính trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn Huyện theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ đô thị chất lượng cao, đa dạng dịch vụ, bao gồm: đào tạo; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; du lịch sinh thái gắn với làng nghề,… của vùng đệm và vành đai xanh ven sông Đáy.
– Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cung cấp các sản phẩm tiêu dùng hoặc nguyên liệu sản xuất có chất lượng cao cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu và cụm công nghiệp.
– Phát triển hệ thống chợ gắn với các điểm dịch vụ cung ứng hàng hóa, vật tư sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị để đáp ứng phục vụ các loại hàng hóa có chất lượng.
– Đầu tư xây dựng các khu du lịch, khu đô thị sinh thái, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành thương mại, dịch vụ và du lịch.
Quy hoạch giao thông
Đường sắt
– Hai tuyến đường sắt ngoại ô (nội vùng) trên địa bàn huyện Quốc Oai được hoạch định theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô:
– Tuyến đường sắt Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc-Ba Vì (tuyến số 5) đi nổi dọc theo dải phân cách giữa Đại lộ Thăng Long. Trong phạm vi đồ án bố trí 02 ga đường sắt.
– Tuyến đường sắt Xuân Mai-Hòa Lạc-Sơn Tây kết nối các độ thị vệ tinh, chạy dọc theo hành lang Quốc lộ 21, dự kiến đi trên cao để tránh giao cắt, ảnh hưởng đến giao thông đường bộ.
Đường bộ
Đường cao tốc, Quốc lộ
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, mạng lưới giao thông đối ngoại trong phạm vi lập Quy hoạch chung huyện Quốc Oai bao gồm:
– Đại lộ Thăng Long: mặt cắt ngang điển hình rộng B–140m (06 làn xe cao tốc và đường gom đô thị hai bên). Hành lang dải phân cách giữa dọc tuyến dự trữ để bố trí tuyến đường sắt ngoại ô Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc-Ba Vì (tuyến số 5) đi nổi.
– Quốc lộ 21: Kết nối theo hướng Bắc-Nam, là đường trục chính liên đô thị trong chuỗi đô thị Sơn Tây-Hoà Lạc-Xuân Mai, nâng cấp mở rộng lên đường cấp I với 06-08 làn xe, có hành lang dành cho tuyến đường sắt nội vùng kết nối đô thị Sơn Tây- Hòa Lạc-Xuân Mai.
– Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2)-Vành đai 5: Quy mô, vị trí hướng tuyến đường xây dựng mới thực hiện theo đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đang hoàn thiện để trình duyệt và Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 5.