Bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội quản lý

Đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang làm việc với UBND TP.Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đối với việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP.Hà Nội quản lý; dự kiến sẽ trình Chính phủ trước ngày 28/7.

Theo bà Phạm Thị Vân Anh, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời hạn đặt ra đến 1/8/2023, thực hiện công tác bàn giao cho Hà Nội

Cũng theo bà Vân Anh, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội xây dựng đề án chuyển giao Khu Công nghệ Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với UBND TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội để thuận lợi cho việc chuyển giao, không làm ảnh hưởng gián đoạn hoạt động của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng như tác động đến cơ sở này khi thay đổi chủ thể quản lý.

Bộ cũng phối hợp với UBND TP.Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiến hành rà soát tất cả các nội dung công việc có liên quan, chuẩn bị các điều kiện công việc cần thiết để có thể tiến hành bàn giao ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quản lý.

Được biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha và được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229.000 người.

Đến hết tháng 5/2023, có 1.410ha được giải phóng mặt bằng, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Tổng diện tích đất đã sử dụng tính đến hết 5/2023 khoảng 663ha.

Đến hết năm 2022, Ban Quản lý đã giải ngân hơn 9.885 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Ngoài ra, các chủ đầu tư hạ tầng cũng giải ngân khoảng 607 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu USD trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án đã có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề.

Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư tại đây đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao, có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong số này phải kể tới các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)…

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Đây là khu công nghệ cao quốc gia, cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực công nghệ mạnh; hình thành được hệ sinh thái tương đối đầy đủ, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghiệp, các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…

Theo Khánh Dung

Tạp chí điện tử Môi trường và đô thị Link

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555