Buồn của Trung Quốc: Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng người trẻ không dám tiêu pha, giới hạn tiêu 1 triệu đồng/tháng, bữa ăn ‘nâng lên đặt xuống’ không quá 35.000 đồng

Ăn tại căng tin công cộng, săn hàng giá rẻ, một xu hướng hoàn toàn trái ngược với thế giới đang diễn ra tại Trung Quốc.

Nhiều nơi trên thế giới, việc “chi tiêu trả thù” hậu đại dịch vẫn tiếp tục. Đây là xu hướng người tiêu dùng mạnh tay chi nhiều hơn bình thường để bù đắp lại khoảng thời gian đại dịch họ bị kìm hãm. Nhưng tại Trung Quốc, một điều hoàn toàn trái ngược đang diễn ra. Đó là “tiết kiệm trả thù”.

Thay vì vung tiền mua sắm bốc đồng, giới trẻ Trung Quốc đang tiết kiệm một cách quyết liệt .

Tiết kiệm để trả thù đã trở thành một xu hướng trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Giới trẻ Trung Quốc đặt ra các mục tiêu tiết kiệm hàng tháng cực gắt gao.

Một thanh niên 26 tuổi có nickname Little Zhai Zhai chia sẻ chi tiết kế hoạch tiết kiệm của mình, hạn chế chi tiêu mỗi tháng tối đa ở mức 300 nhân dân tệ (41,28 USD, hay khoảng 1 triệu VNĐ). Trong một đoạn video gần đây, cô chia sẻ rằng chi phí ăn uống hàng ngày được cắt giảm xuống chỉ còn 10 nhân dân tệ (1,38 USD hay 35.000 đồng).

Một số khác tìm đến những nhóm tiết kiệm trên mạng xã hội. Họ tạo thành một tập thể giúp các thành viên bám sát mục tiêu của mình. Để tiết kiệm, họ đưa ra giải pháp ăn uống tại căng tin công cộng, nơi thường dành cho người già với mức giá tương đối rẻ.

Giám đốc điều hành Shaun Rein của công ty nghiên cứu China Market Research Group cho biết: “Không giống như giới trẻ những năm 2010 thường chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được và vay tiền để mua những món đồ ưa thích như túi xách Gucci và iPhone, giới trẻ Trung Quốc đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn”.

Một dấu hiệu nhận biết khác cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang thắt chặt hầu bao là những cụm từ liên quan đến tiết kiệm trở nên thịnh hành. Họ nỗ lực tìm kiếm các khoản ưu đãi, giảm giá khi mua sắm.

Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của giới trẻ, đặc biệt là gen Z (1997 – 2012), những người chấp nhận vay nợ để đi du lịch. Theo báo cáo Prosperity Index, thay vì tiết kiệm, 73% Gen Z ở Mỹ cho biết họ thà có chất lượng cuộc sống tốt hơn là có nhiều tiền trong ngân hàng.

Vậy tại sao giới trẻ Trung Quốc ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu?

Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, cho biết: “Giới trẻ có thể cảm nhận giống như những giới khác: Nền kinh tế đang hoạt động ảm đạm”.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tổng tiền gửi bằng nhân dân tệ của các hộ gia đình trong quý 1 của năm 2024 đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi GDP quý 1 của Trung Quốc vượt kỳ vọng, đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng là 4,5% vào năm 2025.

Các chuyên gia trao đổi với CNBC rằng thêm một yếu tố nữa là thị trường lao động bị thắt chặt, đặc biệt gây khó khăn cho giới trẻ.

Jia Miao, trợ lý giáo sư tại NYU Thượng Hải, cho biết hiện tượng người trẻ từ chối tiêu tiền là có thật. Đơn giản là vì một số người không tìm được việc làm, hoặc họ cảm thấy việc tăng thu nhập khó khăn hơn. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu ít tiền đi.

Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở mức 14,2%, cao hơn nhiều so với mức bình quân toàn quốc là 5%. Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức về mức lương hàng tháng mà sinh viên đại học kiếm được, nhưng một cuộc khảo sát cho thấy mức lương trung bình hàng tháng của những người có bằng đại học kiếm được vào năm 2023 là 6.050 nhân dân tệ (832 USD, tương đương 21 triệu VNĐ), cao hơn 1% so với một năm trước đó.

Giám đốc Shaun Rein chia sẻ: “Sẽ phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là chờ đến khi thị trường bùng nổ thì (họ) mới cảm thấy thoải mái để chi tiêu trả thù”.

Anh Dũng

Theo Nhịp sống thị trường

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555