Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu. Đây là dự án giao thông trọng điểm thuộc nhóm A, được thực hiện từ năm 2025 – 2028, với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 11.844 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố Hà Nội.

Điểm đầu Km0+00 kết nối với điểm cuối tuyến đường vành đai 3,5, đoạn Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về phía đê Hữu Hồng, huyện Thanh Trì.
Điểm cuối Km7+500 kết nối với đường vành đai 3,5, cách đê Tả Hồng khoảng 700m, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Quy mô mặt cắt ngang đoạn tuyến bao gồm cầu và đường song hành hai bên. Cầu chính vượt sông Hồng dài khoảng 680m, bề rộng cầu chính 32,3m, tổng bề rộng cầu (gồm cả phần neo dây văng) 38,3m. Cầu sẽ có 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Cầu dẫn dài khoảng 6,52km, bề rộng cầu dẫn 33m. Đường dẫn đầu cầu phía Hưng Yên dài khoảng 300m, bề rộng 33m. Hệ thống đường song hành 2 bên bảo đảm tiêu chuẩn đường chính khu vực..
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, đây là một trong những công trình trọng yếu thuộc tuyến đường Vành đai 3,5 – tuyến đường dài 45,64km nối Hà Nội với Hưng Yên, có vai trò phân bổ lưu lượng giao thông từ các trục hướng tâm của Thành phố, giúp giảm áp lực cho các tuyến đường hiện tại như đường Vành đai 3, quốc lộ 1A, đường Giải Phóng, đường 70…

Cầu Ngọc Hồi không chỉ giúp cải thiện kết nối giao thông mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại khu vực. Với việc kết nối hai địa phương có sự phát triển mạnh mẽ như Hà Nội và Hưng Yên, cầu Ngọc Hồi sẽ tạo ra một hành lang kinh tế mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và logistics.
Hấp dẫn đầu tư bất động sản công nghiệp: Hưng Yên với vị trí gần Hà Nội, việc kết nối với khu vực phía Nam Hà Nội qua cầu Ngọc Hồi sẽ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư muốn đầu tư, xây dựng mở rộng nhà máy trong điều kiện quỹ đất công nghiệp phía Nam Hà Nội khá ít ỏi với vài cụm công nghiệp quy mô nhỏ, hoặc phải dịch chuyển về phía Hà Nam thì Hưng Yên có thể là lựa chọn thay thế tuyệt vời với các điều kiện hạ tầng, chi phí xây dựng, giá thuê đất rất cạnh tranh.
Về lâu dài, Hưng Yên sẽ là khu vực nhận được nhiều lợi ích hơn từ cầu Ngọc Hồi, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Với giá đất thấp, cộng thêm chính sách phát triển hạ tầng tốt và các ưu đãi từ chính quyền địa phương, Hưng Yên sẽ là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng công nghiệp giá rẻ và thuận tiện.
Hà Nội sẽ hưởng lợi từ việc giảm tải giao thông, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa và phát triển các khu công nghiệp ngoại thành, nhưng Hưng Yên sẽ là khu vực trực tiếp nhận được làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp và công nghiệp chế biến.
Datkhucongnghiep.com sẽ tiếp tục các bài viết phân tích sâu hơn về tác động của cầu Ngọc Hồi đối với sự phát triển của Hưng Yên.