Khu công nghiệp Bỉm Sơn – Thanh Hóa

KHU CÔNG NGHIỆP BỈM SƠN

Khu công nghiệp Bỉm Sơn là một trong tám khu công nghiệp thuộc quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 và điều chỉnh quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 tại Công văn số 2269/TTg-KTN ngày 13/11/2014, với mục tiêu xây dựng và phát triển một khu công nghiệp tập trung đa ngành.

I. QUY HOẠCH KCN:

KCN Bỉm Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1471/2005/QĐ-UBND ngày 02/6/2005 với diện tích quy hoạch ban đầu là là 540 ha; sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích KCN Bỉm Sơn là 5324,92 ha. KCN Bỉm Sơn được phân thành 2 khu: Khu A và khu B, hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Bỉm Sơn được đầu tư bởi 03 nhà đầu tư hạ tầng, trong đó:

1.Khu công nghiệp Bỉm Sơn A – Khu A

Được chính thức thành lập tại Quyết định số 3187/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh, với diện tích khoảng 308,63 ha, giao cho 02 Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN làm chủ đầu tư:

– Bắc khu A: Do Công ty cổ phần đầu tư phát triển VID Thanh Hóa làm Chủ đầu tư hạ tầng KCN, diện tích khoảng 163,36 ha.

– Nam khu A: Do Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng (trước đây là Công ty cổ phần kiến trúc Phục Hưng) làm Chủ đầu tư, diện tích khoảng 145 ha.

2. Khu công nghiệp Bỉm Sơn B

Do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HUD4 làm Chủ đầu tư và chính thức được thành lập tại Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 01/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh với diện tích sau điều chỉnh quy hoạch là 216,29 ha.

II. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ HỆ THỐNG HẠ TẦNG KCN:

1. Bắc Khu A – KCN Bỉm Sơn:

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Bắc Khu A – Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa do Công ty cổ phần đầu tư phát triển VID Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã được Ban cấp GCNĐKĐT số 26221000171 lần đầu ngày 18/12/2013, số 5470102643 chứng nhận điều chỉnh lần thứ 3 ngày 06/9/2018. Diện tích của KCN theo quy hoạch là 163 ha, tổng vốn đầu tư của Dự án là 886,5 tỷ VNĐ, đến nay vốn thực hiện của dự án đạt khoảng 450 tỷ VNĐ.

2. Nam Khu A – KCN Bỉm Sơn:

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Nam Khu A – Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa do Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng làm chủ đầu tư đã được Ban cấp GNCĐKĐT Số 26221000138 lần đầu ngày 08/02/2013, số 3750277445 chứng nhận điều chỉnh lần thứ 01 ngày 11/12/2017. Diện tích được quy hoạch sau các lần điều chỉnh là 145 ha, tổng vốn đầu tư của Dự án là 516,7 tỷ VNĐ, vốn thực hiện đạt khoảng 450 tỷ VNĐ. Dự án đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích khoảng 130 ha.

3. Khu B – KCN Bỉm Sơn:

Dự án Xây dựng khai thác và kinh doanh hạ tầng Khu B – Khu công nghiệp Bỉm Sơn do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4 làm chủ đầu tư đã được Ban cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GNCĐKĐT) Số 26221000040 lần đầu ngày 24/9/2008, chứng nhận điều chỉnh lần thứ 2 ngày 05/5/2015. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 547 tỷ VNĐ, vốn thực hiện đạt khoảng 380 tỷ VNĐ.

III. KẾT QUẢ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP:

1. Kết quả thu hút đầu tư:

Đến  thời điểm hiện tại, KCN Bỉm Sơn đã thu hút được 52 dự án (trong đó 29 dự án ĐTTN với tổng vốn đăng ký là 7.076.5 tỷ VNĐ, 23 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 375,6 triệu USD. Diện tích các dự án thứ cấp đã thuê khoảng 216,61 ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng hơn 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê).

Trong những năm vừa qua, tình hình thu hút đầu tư tại KCN Bỉm Sơn có nhiều khởi sắc, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài với quy mô lớn như: Tổ hợp 03 dự án của Tập đoàn Shandong Intco – Singapore với tổng vốn đầu tư là 215 triệu USD và có thể tăng thành 322 triệu USD vào cuối năm nay (Nhà máy Intco Medical Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 120 triệu USD, Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD, Dự án sản xuất sản phẩm trang trí công nghệ thân thiện với môi trường với tổng vốn đầu tư là 25 triệu USD), dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial với tổng vốn đầu tư là 63,7 triệu USD.

2. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp:

Đến nay, có khoảng 20/49 dự án đã đi vào hoạt động toàn bộ hoặc một phần. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ ước đạt 1.652,5 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 2.305 tỷ đồng, với giá trị nhập khẩu là 21,9 triệu USD, xuất khẩu đạt 31 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước đạt 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2638 lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Công tác bảo vệ môi trường tại KCN:

Về xử lý rác thải: Đối với rác thải của các doanh nghiệp được các doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị xử lý rác thải để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý.

Về xử lý nước thải:

– Nam Khu A: Nhà đầu tư hạ tầng đã xây dựng xong và đi vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

– Bắc khu A: Công ty đầu tư phát triển VID Thanh Hóa đang đầu tư xây dựng 01 đơn nguyên (mođun) với công suất là 6.000m3 m3/ngày đêm và tổng vốn đầu tư khoảng 45 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 4/2022 đi vào vận hành thử.

– Khu B: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HUD4 đầu tư 01 đơn nguyên (mođun) với công suất là 490 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư là 5,1 tỷ VNĐ (đã được Ban thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật tại văn bản số 2712/BQLKKTNS&KCN-QLXD ngày 06/9/2019). Dự kiến đến khoảng tháng 6/2022 sẽ đi vào vận hành thử nghiệm.

4. Về vấn đề cấp nước cho KCN:

Ngày 29/10/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống cấp nước thô Bỉm Sơn tại huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn tại Quyết định số 4634/QĐ-UBND, với công suất thiết kế là 100.000 m3 nước thô/ngày đêm và tổng vốn đầu tư khoảng 962 tỷ VNĐ do Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát – CTCP làm chủ đầu tư. Hiện nay, Ban đang phối hợp với UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND huyện Hà Trung để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án đầu tư để đáp ứng yêu cầu cấp nước cho các dự án tại KCN Bỉm Sơn.

Nguồn Ban quản lý các khu công nghiệp Thanh Hóa

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555