Xung đột, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu…. đang tạo ra những thay đổi mà chúng ta mới bắt đầu mường tượng ra với thương mại toàn cầu.
Những chiếc xe tải từ một công ty vận tải có trụ sở ở Connecticut, Mỹ chứa đầy phụ tùng ô tô và quần áo, được đưa tới Marocco thông qua Eo biển Gibraltar. Tại Nhật Bản, một nhà máy bán dẫn mới đã làm thay đổi hoàn toàn vùng nông thông yên tĩnh. Ở Pháp, nhân viên của một nhà máy pin đang phải học cách giám sát những đồng nghiệp mới: Robot.
Có vẻ không liên quan nhưng những điều này đại diện cho một sự chuyển đổi trong thương mại thế giới. Căng thẳng Mỹ – Trung, xung đột Nga – Ukraine đang khiến các công ty đưa chuỗi cung ứng về “gần nhà” hơn. Sự thay đổi từ nhiên liệu hóa thạch đang thúc đẩy nhu cầu đối với các vật liệu cần thiết cho điện khí hóa. Trí tuệ nhân tạo buộc người lao động phải học những kỹ năng mới để không bị máy móc thay thế….
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, rất lâu trước khi những xu hướng này được phản ánh trong dữ liệu thống kê của chính phủ, chúng đã thay đổi thương mại toàn cầu, với giá trị hàng hóa và dịch vụ lên tới 32.000 tỷ USD/năm. Phóng viên Bloomberg đã đến tận nơi để “mục sở thị” xem những biến động diễn ra thế nào.
Vào một ngày đẹp trời, Shelby Alamillo băng qua Rio Grande đến 8 lần. Anh lái xe dọc cầu World Trade, nơi có 8 làn đường bụi bặm nối khu trung tâm công nghiệp của Mexico với nam Texas. Là lái xe tải của công ty Super Transporte Internacional SA de CV, Alamillo chuyên chở phụ tùng ô tô đến và đi từ Mỹ và Mexico.
“Đoàn xe này thực sự rất ấn tượng. Lần đầu tiên làm công việc này, tôi đã bị sốc”, người lái xe 39 tuổi kể lại.
Tuyến vận tải này được gọi là Port Laredo, gồm một sân bay, một đường ray tàu hỏa và 4 cây cầu dành cho xe cơ giới. Không có tuyến đường bộ, đường biển hay đường không nào của Mỹ xử lý số hàng giá trị cao hơn tuyến Port Laredo. Bơ, đồ nội thất và ô tô được đưa tới phía bắc từ Mexico. Phụ tùng ô tô, ngô và xăng đi về phía Nam từ Mỹ.
Hiện tại, Alamillo cho biết việc đi qua cây cầu chỉ mất ít nhất 10 phút nhưng đôi khi, việc tắc nghẽn khiến hành trình này kéo dài từ 3 đến 4 tiếng. Cơ quan phụ trách giao thông vận tải bang Texas cho biết vào năm 2050, trung bình quãng thời gian cần thiết để qua lại cây cầu này có thể lên tới 8h47 phút. Năm nay, Kia Corp. của Hàn Quốc và Tesla Inc. đều công bố kế hoạch sản xuất xe điện mới ở bang biên giới Nuevo León của Mexico, nơi đang bùng nổ đầu tư từ nước ngoài.
Các tuyến đường từ Mỹ tới Mexico và ngược lại đang trở nên tấp nập khi Washington cố gắng đa dạng chuỗi cung ứng vì xung đột thương mại với Trung Quốc. Maeva Cousin, một nhà kinh tế của Bloomberg, tính toán rằng các loại thuế quan đang khiến hàng hóa Trung Quốc gặp rào cản với thị trường Mỹ và Mexico đang lấp đầy những khoảng trống này. Điều này cũng dẫn tới sự bùng nổ cơ sở hạ tầng ở Mexico.
Mặc bộ quần báo bảo hộ trắng từ đầu tới chân, các học viên nhìn qua cửa sổ vào những dây chuyền sản xuất tự động trong nhà máy. Các cánh tay robot màu vàng đang xử lý một khối lượng lớn các chi tiết liên quan tới pin xe điện, vốn đòi hỏi lắp ráp trong một môi trường kín để tránh bụi và độ ẩm. Ở miền Tây Nam nước Pháp, những công nhân này đang được đào tạo một kỹ năng đặc biệt: Giám sát hoạt động của robot.
Chỉ sau 5 tuần đào tạo, Ludovic Josien, người từng làm việc trong các nhà máy sản xuất ô tô truyền thống, phải sẵn sàng can thiệp khi máy móc làm sai gì đó. “Mọi thứ ở đây là một thế giới mới. Tất cả các giao thức hiện đại phải được học và áp dụng rất, rất nhanh”, Josien cho biết.
Josien làm việc cho công ty Automotive Cells Co., hay ACC. Dù mới chỉ 3 năm tuổi nhưng công ty này đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của châu Âu nhằm thách thức vị thế thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực pin xe điện. Hàng loạt doanh nghiệp ô tô lớn, từ Mercedes-Benz Group AG tới Stellantis NV., đều đang ủng hộ ACC.
Josien đang học nghề tại nơi mà ACC gọi là “nhà máy thử nghiệm”, nơi họ phát triển các sản phẩm và thử nghiệm các phương pháp sản xuất. Nó nằm ở thị trấn Nersac, thuộc tỉnh Charente trong vùng Nouvelle-Aquitaine tây nam nước Pháp.
Sau khi quá trình đào tạo hoàn tất, Josien sẽ đi tới nơi cách đó 650 km về phía bắc, làm việc trong cái gọi là siêu nhà máy của công ty đặt tại Douvrin. ACC đang thuê xây dựng đội ngũ 2.000 nhân sự để chuyên trách giám sát robot. Việc khó khăn nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc với công nghệ tối tân, điều không sẵn có trên thị trường.
Gilles Tardivo, giám đốc nhà máy, nhấn mạnh: “Chúng tôi buộc phải làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh khi mọi thứ diễn biến rất nhanh”.
Ngay bên kia biên giới của Detroit, Mỹ là một cánh đồng đầy sỏi, cát và cỏ nằm trơ trọi thuộc đất của Canada. Gió từ hồ St. Clair gần đó thổi qua địa điểm này. Vào một ngày hồi tháng 5, 2 tòa nhà nhìn giống những chiếc nhà kho được xây dựng, đứng sừng sững với những cây cột lộ ra cùng lá cờ Canada tung bay trên đỉnh cần cẩu.
Nhìn bề ngoài không có gì đặc biệt nhưng dự án nằm tại hạt Windsor, bang Ontario, Canada này lại tượng trưng cho những vấn đề chiến lược công nghiệp của một quốc gia, ngay cả khi nó có thể khiến họ ở vào thế đối đầu với một quốc gia đồng minh vốn có mối quan hệ thân thiết. Và thế đối đầu ấy vẫn thành hiện thực ngay cả khi Mỹ và Canada đều đồng thuận về tầm quan trọng của việc chuyển sản xuất về gần nhà hơn so với đặt ở Trung Quốc.
Nhà máy ở Canada dự kiến sẽ sản xuất pin cho hàng triệu xe điện hoạt động trên khắp Bắc Mỹ. NextStar Energy Inc.—một liên doanh giữa Stellantis (công ty sở hữu các thương hiệu Chrysler, Dodge và Jeep) của Mỹ và LG Energy Solution của Hàn Quốc—cho biết họ sẽ tạo ra 2.500 việc làm.
Tuy nhiên, NextStar đã tạm dừng dự án vào tháng 5 khi họ nhận thấy các gói viện trợ tốt hơn từ Mỹ. Trước đó, Canada cam kết viện trợ khoảng 755 triệu USD cho liên doanh này trong quá trình xây dựng nhà máy. Đứng trước nguy cơ NextStar về Mỹ, chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau đã nâng mức hỗ trợ tối đa lên 15 lần, tương đương 11,3 tỷ USD (ưu đãi dựa trên hiệu suất, tùy thuộc vào những gì mà Canada và chính quyền bang Ontario nhận được từ nhà máy của NextStar). Và họ đã thành công trong việc giữ nhà máy ở lại.
“Trước khi Mỹ đề xuất một khoản viện trợ, liên doanh này và phía Canada tỏ ra hài lòng với khoản trợ cấp 755 triệu USD của chính phủ Canada. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra hoàn toàn có thể trở thành bài học trong kinh doanh, ít nhất là ở thời điểm này”, Flavio Volpe, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Canada, cho biết.
Ẩn mình trong những ngọn đồi xanh thoai thoải của County Kerry ở phía tây Ireland, một công ty khởi nghiệp đang tiến hành một thử nghiệm có thể làm rung chuyển ngành sản xuất toàn cầu. Wazp, công ty chuyên sản xuất mặt và tay cho ma-nơ-canh của nhà bán lẻ Ikea, đang tạo ra sản phẩm bằng một công nghệ rất mới.
Trước đây, nhà bán lẻ đồ nội thất Ikea của Thụy Điển thường tìm tới Trung Quốc để sản xuất những mặt hàng kể trên bởi chi phí thấp. Nhưng Wazp đang nắm trong tay một giải pháp làm thay đổi cuộc chơi: In 3D. Nhân viên của Wazp chỉ cần nhấn nút là cỗ máy có thể tạo ra một chiếc bàn tay dạng lưới có kích thước giống bàn thay thật. Sản phẩm được tạo ra sau vài phút và công việc duy nhất của con người là nhấn nút và phủ bụi khỏi sản phẩm.
Đối với 2 nhà đồng sáng lập là Shane Hassett và Mariana Kobal, họ đang hướng tới sản xuất theo yêu cầu với giá thành rẻ như sản xuất hàng loạt. Dành một năm tại vườn ươm của một trường đại học địa phương, Hassett và Kobal đã tìm ra lối đi của riêng mình và cũng được Chính phủ Ireland tài trợ bởi tính khả thi của nó.
Cho đến gần đây, in 3D vẫn chỉ là cách để tạo ra nguyên mẫu chứ không phải sản xuất hàng loạt. Hassett tự tin rằng không lâu nữa, ứng dụng này có thể thay thế các lao động trên dây chuyền, đưa các nhà sản xuất tới gần hơn với khách hàng và giảm rác thải cũng như lượng khí thải carbon.
Khi các công ty đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các nhà máy ở Trung Quốc, Hassett nhìn thấy một thị trường đang bùng nổ, nhất là ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu, vốn có chi phí nhân công đắt đỏ.
Tại một ngôi làng ở Namibia, Tueurora Kaatahi lớn lên trong ngôi nhà mái tôn được phủ phía trên với phân bò và bùn. Bà của cô bán đường, bột ngô, muối và thuốc lá ở gian ngoài còn ông cô chăn nuôi đàn gia súc phía sau. Tháng 9 này, cô ấy sẽ kết thúc một hành trình đầy bất ngờ: Tốt nghiệp Đại học SOAS ở London với bằng thạc sĩ về nghiên cứu văn hóa và sáng tạo – vốn rất quan trọng với các sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật.
Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, Kaatahi được hưởng lợi từ quyết định “ly hôn” với Liên minh châu Âu mà Vương quốc Anh đưa ra. Sau Brexit, để chuẩn bị cho sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng sinh viên EU đăng ký học ở Anh vì nhiều rào cản, chính phủ đã hạ bớt yêu cầu thị thị thực với phần còn lại của thế giới.
Điều này dẫn đến làn sóng sinh viên từ châu Phi, châu Á và Trung Đông đổ về Anh. Kaatahi là một trong số đó. Cô dự định làm việc ở Anh khoảng 5 năm trước khi trở về sống ở Namibia. Ở chiều ngược lại, những sinh viên như Kaatahi trở thành điểm sáng cho kinh tế Vương quốc Anh thời kỳ hậu Brexit.
Jonathan Portes, giáo sư kinh tế và chính sách công tại King’s College London, cho biết những sinh viên này đã đóng góp 51,9 tỷ USD cho nền kinh tế Vương quốc Anh trong năm học 2021-2022, tăng 34% so với 3 năm trước. “Nước Anh sẽ gặp rắc rối lớn nếu không có những sinh viên quốc tế này”, giáo sư Portes nhận định.
Những chuyến hàng ra vào không bao giờ ngừng lại ở vùng biển Địa Trung Hải màu xanh coban của Brindisi, một cảng ở miền nam Italy. Du thuyền, tàu chở hàng và ngày càng nhiều tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng cập vào các cảng bê tông màu xám ngoét với đầy dây cáp, cần cẩu và các thùng conterner.
Dòng LNG chảy qua Brindisi đang nhiều hơn bao giờ hết khi Liên minh châu Âu không còn muốn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, dòng chảy khí từ bắc xuống nam. Bây giờ, hướng đi đã đảo ngược. Khí đốt từ Bắc Phi và Trung Đông đang thay thế khí đốt của Nga (vốn được đưa tới châu Âu qua hệ thống đường ống).
Liên minh châu Âu đang chấp thuận chi trả chi phí để mở rộng cảng Brindisi, cho phép nó tiếp nhận nhiều tàu hơn. Một đường ống mới, được gọi là EastMed-Poseidon, đang tới châu Âu từ Israel. Công ty vận chuyển khí đốt Snam SpA của Đức đang lên kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD cho một mạng lưới đường ống dọc theo bờ biển phía đông nước Ý.
Các nhóm môi trường đang phản đối EastMed-Poseidon và việc mở rộng cảng Brindisi vì những tác động tiềm ẩn với sinh vật biển. Một cư dân Brindisi lo ngại các hoạt động xây dựng liên quan tới hạ tầng năng lượng sẽ làm hỏng vẻ đẹp của một thị trấn cổ. Thế nhưng, những người khác lại đang say sưa với viễn cảnh vị thế thành phố trong thương mại toàn cầu được nâng cao cũng như số việc làm sẽ ngày càng tăng ở khu vực tương đối nghèo của Italy.
Gabriele Menotti Lippolis, người đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp Confindustria Brindisi, cho biết: “Chúng tôi tự hào về vai trò của mình và đang nỗ lực làm việc để đáp ứng những thách thức và cơ hội mới”.
Mỗi ngày, khoảng 60 xe tải của XPO Inc. lên phà đi qua eo biển Gibraltar. Họ vận chuyển phụ tùng ô tô, quần áo và các hàng hóa khác từ châu Phi tới châu Âu. Những chiếc xe XPO chạy ầm ầm qua cảng gần Tangier, thành phố cổ kính của Maroco với những ngôi nhà quét vôi trắng và những con đường quanh co. Cảng Tanger Med chỉ mới ra đời năm 2007 nhưng nó đã thành cảng container bận rộn nhất châu Phi.
XPO có trụ sở tại Greenwich, Connecticut. Doanh thu hàng năm của nó ở Maroco đã đạt 99 triệu USD, tăng trưởng 30%/năm. Hoạt động kinh doanh đang bùng nổ phản án Maroco có vị trí thuận lợi như thế nào để phát triển thịnh vượng. Các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đang dần lấp đầy các vùng nông thôn phía bắc Maroco với những nhà máy. Hàng nghìn người Maroco làm việc tại Renault SA và các nhà máy lắp ráp ô tô khác. Công xưởng Máy bay Boeing của Mỹ dự kiến cần tới 8.700 lao động khi nó đi vào hoạt động trong năm 2028. Các cảng cũng đang mở rộng mạnh mẽ để đáp ứng làn sóng xe điện.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc và Maroco đang lên kế hoạch biến một vùng đất gồ ghề toàn những ngọn đồi thoai thoải và những trang trại cừu nằm cách biển 2 giờ lái xe thành cái gọi là Thành phố Công nghệ Tanger – ngôi nhà của hàng trăm công ty Trung Quốc.
“Maroco đang tận dụng cơ hội mà nhiều quốc gia, bao gồm những nền kinh tế hùng mạnh nhất, muốn trao cho họ để đẩy mạnh đầu tư và tăng cường sản xuất ở quốc gia này”, Luis Gomez, chủ tịch XPO khu vực châu Âu, cho biết.
Tại thị trấn nông thôn Kikuyo của Nhật Bản, buổi sáng bắt đầu với một số vụ tắc đường tồi tệ nhất của đất nước. Hàng nghìn kỹ sư, mà không ít trong số đó phải chấp nhận mất 90 phút trên đường, nhích từng bước một trên con đường chạy qua những cánh đồng củ cải và cà rốt. Đó là cái giá họ phải trả để tới làm việc tại trung tâm bán dẫn hiện đại nhất nước Nhật.
Để giành lại vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, Nhật Bản đang lên kế hoạch tài trợ 14 tỷ USD cho các nhà máy và dây chuyền sản xuất mới. Chính phủ đang trả một nửa chi phí cho một nhà máy của TSMC, công ty bán dẫn khổng lồ của đảo Đài Loan (Trung Quốc) để xây nhà máy ở Kikuyo và đang đàm phán nhà máy thứ 2 gần đó.
Thế nhưng, sự phẫn nộ lại đang hình thành trong cư dân Kikuyo, làm suy yếu sự ủng hộ chính trị cho tham vọng bán dẫn của nước Nhật. Giờ đây, nhiều tài xế chọn cách đi đường phụ để tránh tắc nghẽn, phóng nhanh trên những con đường làng vốn xưa nay chẳng mấy người qua lại.
Satoru Futa, một thành viên lâu năm của hội đồng thị trấn Kikuyo, nói rằng: “TSMC chẳng mang lại gì ngoài những rắc rối”. Người đàn ông 70 tuổi đổ lỗi tình trạng giao thông hỗn loạn liên quan đến các nhà máy bán dẫn khiến 3 người bạn của ông tử vong.
Về phần mình, TSMC cho biết họ đang làm việc với chính quyền địa phương để mở rộng đường và khuyến khích người lao động sử dụng phương tiện công cộng.
Trước khi bước chân vào nhà máy, các công nhân tại Dixon Technologies phải bước qua một phòng thổi khí nhằm thổi bay mọi bụi bẩn trên người họ trước khi bước vào dây chuyền lắp ráp điện thoại. Mỗi sản phẩm được ghép lại bởi hàng trăm bộ phận và cần tới 45 phút để một chiếc điện thoại Motorola sáng bóng ra đời.
Để giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc, Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang đưa ra nhiều ưu đãi tài chính để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước như Dixon. Hiện tại, tỷ trọng sản xuất trong GDP của Ấn Độ là 13%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 25% mà ông Modi đề ra.
Trung Quốc vượt trội hơn so với Ấn Độ trong việc tạo ra các công nghệ phức tạp, cái gọi là giá trị gia tăng khiến người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng như đồ điện tử. Chính phủ Trung Quốc cho biết giá trị gia tăng của các nhà sản xuất nước này hiện là 49% trong khi của Ấn Độ mới chỉ là 20%.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ. Các thương hiệu lớn thuê Dixon gia công. Ngoài Motorola, khách hàng của họ còn có Samsung Electronics, Nokia, Reliance Jio và cả Xiaomi. Doanh thu hàng năm mới nhất của Dixon là 1,5 tỷ USD, cao gấp 5 lần so với 5 năm trước….
Bài: Linh Anh
Thiết kế: Hải An
Tham khảo: Bloomberg
Theo Nhịp sống thị trường Link