Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế huyện Thanh Oai đến năm 2030

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Do đó, huyện đã xin bổ sung phát triển quy hoạch đô thị; bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp; nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc trục phát triển phía Nam và tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế hiện đại, đồng bộ nhằm khai thác hết lợi thế vùng ven đô với hàng trăm làng nghề truyền thống, lợi thế đất đai, lợi thế giao thông, lợi thế nguồn lao động….

Quy hoạch phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề:

– Đối với cụm công nghiệp: Phát triển theo hướng phát triển bền vững, phát triển công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ có giá trị, quy mô đầu tư lớn và hiệu quả. Ưu tiên phát triển công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ. Bao gồm: Cụm công nghiệp Kim Bài diện tích 50 ha, phía Đông Bắc thị trấn Kim Bài; Cụm công nghiệp Bích Hòa diện tích 10,3 ha; Cụm công nghiệp Tân Ước diện tích 50 ha; Cụm công nghiệp Bình Minh – Cao Viên, 41,3 ha; Cụm công nghiệp Bình Minh, diện tích khoảng 10 ha. Cụm công nghiệp Thanh Oai tại xã Bích Hòa (công nghiệp thuộc thành phố Hà Nội), tiếp tục hoạt động ổn định, cải tiến công nghệ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cụm công nghiệp Kim Bài trên trục kinh tế huyện Thanh Oai đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư quan tâm xây dựng nhà xưởng, nhà máy sản xuất công nghiệp

– Cụm tiểu thủ công nghiệp: phát triển chủ yếu phục vụ ngành nghề nông thôn, chú trọng bảo vệ môi trường, kết hợp bảo tồn và khai thác du lịch. Bao gồm các cụm TTCN: Thanh Thùy – xã Thanh Thùy, diện tích khoảng 6ha; Dân Hòa – xã Dân Hòa, diện tích khoảng 5ha; Tam Hưng – xã Tam Hưng, diện tích khoảng 10ha; Kim Thư – xã Kim Thư, diện tích khoảng 10ha; Hồng Dương – xã Hồng Dương, diện tích khoảng 10ha; Phương Trung – xã Phương Trung, diện tích khoảng 10ha; Thanh Cao – xã Thanh Cao, diện tích khoảng 10ha;

– Làng nghề: Duy trì phát triển 87 làng có nghề truyền thống, (51 làng đã được công nhận là làng nghề) theo hướng sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kết hợp với du lịch.

Quy hoạch phát triển Nông, lâm, ngư nghiệp:

Phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng các mô hình, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, gìn giữ các vùng lúa năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các vùng rau sạch cung cấp cho người dân địa phương và thành phố Hà Nội.

Chăn nuôi tập trung xa khu dân cư được quy hoạch tại những vùng có điều kiện cấp, thoát nước và xử lý nước thải cũng như chất thải rắn tốt, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch.

Quy hoạch phát triển Thương mại – dịch vụ:

Chợ đầu mối Bích Hoà – Thanh Oai theo quy hoạch đã được xây dựng và đi vào hoạt động

Hình thành mạng lưới công trình thương mại đồng bộ, hiện đại. Tập trung xây dựng mạng lưới chợ đầu mối và chợ dân sinh ở khu vực nông thôn, trung tâm thương mại, mua sắm, siêu thị tại khu vực đô thị.

– Cải tạo nâng cấp 18 chợ hiện có; Đầu tư xây dựng mới 11 chợ, trong đó có 01 chợ đầu mối tại thôn Đồng Gùm – xã Bích Hòa và 10 chợ hạng 3 tại các xã chưa có chợ.

– Quy hoạch xây dựng 01 Trung tâm mua sắm hạng 1 tại xã Bình Minh và 01 siêu thị tại thị trấn Kim Bài.

– Xây dựng 06 khu giết mổ Gia súc gia cầm công nghiệp và thủ công trên địa bàn các xã

– Xây dựng mới 09 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện.

Định hướng phát triển du lịch:

Phát triển không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy. Định hướng quy hoạch toàn bộ khu vực bãi bồi sông Đáy là khu vực hỗn hợp du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, kết nối tuyến du lịch đường thủy sông Đáy với du lịch làng nghề truyền thống ven sông. Cải tạo không gian làng xóm hiện hữu, phát triển du lịch văn hóa – lễ hội gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…. phát triển các điểm dân cư theo hướng nhà vườn, sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần, đáp ứng nhu cầu du lịch và nhu cầu của người dân đô thị trung tâm đến ở.

Gắn kết các điểm di tích văn hóa, lịch sử, các khu vực cảnh quan có giá trị trên tuyến dọc sông Đáy như đền chùa tại các xã bằng việc tăng cường hệ thống giao thông liên thôn. Định hướng phát triển hệ thống giao thông gắn kết các làng nghề khai thác du lịch với Quốc lộ 21B, gắn kết các làng nghề với không gian sinh thái cảnh quan nông nghiệp và cây xanh ven sông Đáy. Các làng nghề thủ công (như đan lát, lồng chim, mũ lá, gỗ mỹ nghệ…), mở rộng đường giao thông đến trung tâm các làng xóm có nghề, xây dựng trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm của làng nghề.

Nối kết các làng, thôn có nghề tiếp cận với trục chính giao thông của xã cũng như Huyện với QL21B, tuyến giao thông thủy sông Đáy qua các bến thuyền nhằm tạo động lực phát triển du lịch làng nghề. Tổ chức các trục tuyến đi bộ, cảnh quan, tuyến xe đạp cảnh quan ven sông Đáy, tuyến du lịch kết nối các làng nghề.

Phát triển các vùng trồng hoa, cây hoa và cây ăn quả, cây cảnh, giữ gìn hệ cây xanh sinh thái tự nhiên phục vụ phát triển du lịch.

Xây dựng một số cụm dịch vụ du lịch quy mô nhỏ gắn với các Cụm đổi mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp và du lịch.

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555