QUY HOẠCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 1287/QĐ-TTgHà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 1903/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 418/BC-HĐTĐ ngày 17 tháng 01 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tại văn bản số 4679/CV-HĐTĐ ngày 16 tháng 6 năm 2023 về rà soát hồ sơ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 176/TTr-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8312/BKHĐT-QLQH ngày 06 tháng 10 năm 2023 về rà soát tổng thể hồ sơ trình phê duyệt và dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88 km² tại tọa độ 15°55’ đến 16°14’ vĩ độ Bắc, 107°18’ đến 108°20’ kinh độ Đông và vùng biển gồm quần đảo Hoàng Sa được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng của thành phố, phát huy hiệu quả kết nối, liên kết vùng.

b) Đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

c) Xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực. Phân bổ không gian phát triển hợp lý theo mô hình các cụm liên kết ngành chặt chẽ. Tập trung phát triển kinh tế theo 3 trụ cột: (1) Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột Du lịch; (2) Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn: (i) công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và (ii) công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (3) Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn: (i) cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và (ii) trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

d) Kết hợp tốt giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gia tăng mật độ kinh tế trên một diện tích đất và hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng dùng chung; giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch trở thành một trong các trụ cột quan trọng, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; giữa phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biển đảo.

đ) Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Thành phố đáng sống; duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên; đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng; ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng 2,5-3%; công nghiệp – xây dựng tăng 10-10,5% (công nghiệp tăng 11,5-12%); dịch vụ tăng 9,5-10%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp – xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%.

+ GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 USD.

+ Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp 50-55% trong tăng trưởng kinh tế.

+ Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 17,5-18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5-13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP, trong đó cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông chiếm khoảng 10-15%.

+ Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm.

+ Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11-12%/năm.

– Về xã hội:

+ Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 2,9%/năm; trong đó tăng tự nhiên khoảng 1,35-1,4%/năm. Đến năm 2030, dân số thành phố khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 66%.

+ Duy trì phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở; 30-35% trường mầm non và 40% trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia.

+ 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; đạt trên 20 bác sỹ/10.000 dân; 70 giường bệnh/10.000 dân.

+ Duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố từ 1-1,5%/năm.

– Về kết cấu hạ tầng, đô thị:

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.

+ Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 23-26%, trong đó tỷ lệ đất giao thông đô thị (tính đến đường liên khu vực) đạt tối thiểu 9-10%, tỷ lệ đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 10-25% (gồm: xe buýt đô thị, xe buýt kế cận, các phương thức vận tải công cộng và bán công cộng khác).

– Về môi trường:

+ 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt trên 97%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%.

+ 90% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

+ Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45-47%.

– Về quốc phòng, an ninh: Phấn đấu 100% xã, phường đạt cơ sở vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá phát triển

a) Các nhiệm vụ trọng tâm

(1) Tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.

(2) Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.

(3) Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.

(4) Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục – đào tạo chất lượng cao.

(5) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

(6) Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại.

(7) Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Các khâu đột phá phát triển

(1) Xác định đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng.

(2) Phát huy vai trò của các thành phần kinh tế gồm: kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.

(3) Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tận dụng và phát huy cơ hội của xu thế phát triển khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, làn sóng đầu tư theo hướng có lợi cho Việt Nam và thành phố; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị.

(4) Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng cho phát triển bền vững.

4. Tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng

a) Du lịch

– Tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, một trong những Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, xanh, thông minh, tổ chức các hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.

– Tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, chính và bổ trợ. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá, kết hợp với ứng dụng công nghệ và gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống.

– Định hướng chất lượng sản phẩm/dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình; ưu tiên phát triển dòng sản phẩm/dịch vụ cao cấp và siêu sang.

b) Thương mại

– Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt bình quân 10-12%/năm.

– Ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử và đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; phấn đấu tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua hệ thống phân phối hiện đại đạt tối thiểu 65%.

– Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại liên quan đến du thuyền.

c) Vận tải, logistics

– Phát triển các ngành logistics – vận tải, kho bãi tăng trưởng trên 11%/năm. Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông – Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế. Hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng.

– Xã hội hóa các dịch vụ vận tải, vận tải đường thủy và các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

d) Thông tin – truyền thông

– Hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.

– Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nội dung báo chí, phát thanh, truyền hình, hình thành các nền tảng số trên môi trường mạng, khuyến khích sử dụng chung nền tảng số đa dịch vụ. Hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thông cấp huyện. Phát triển dịch vụ bưu chính số, nền tảng vận chuyển hàng hóa số, phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại di dộng (M-commerce).

– Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và chuỗi khu công viên phần mềm, tạo sự liên kết trong nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.

– Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo tinh thần kết hợp tự cường sáng tạo và hợp tác quốc tế có chọn lọc. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng các cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đề xuất thí điểm Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cấp khu vực tại thành phố. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số có khả năng dẫn dắt, làm chủ công nghệ, tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

– Sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác để người dân tham gia giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia, Hệ thống an ninh mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia.

đ) Tài chính – ngân hàng

Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Tăng trưởng bình quân của ngành đạt 8,5%/năm. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chất lượng. Phát triển các phương tiện, hình thức thanh toán mới, hiện đại, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển bền vững các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa, đảm bảo an ninh, an toàn.

e) Công nghiệp

Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, cụ thể:

– Phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano v.v.. trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.

– Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống theo hướng sản xuất, chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.

– Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.

2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác a) Kinh tế biển

– Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

– Định hướng phát triển du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, các ngành khai thác, chế biến thủy, hải sản, công nghiệp ven biển và các ngành kinh tế biển mới; sắp xếp và tổ chức hợp lý không gian phát triển ngành kinh tế biển, đô thị biển, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian biển; liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và phát triển kinh tế biển thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2030 đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 15%.

b) Nông, lâm nghiệp, thủy sản

– Phát triển nông nghiệp đô thị, hữu cơ, sinh thái, bền vững; phát triển các vùng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, xây dựng khu công viên sinh thái nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

– Xây dựng lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, trồng rừng gỗ lớn, khai thác rừng theo hướng công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới tán rừng.

– Phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Hình thành Trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường truyền thống Hoàng Sa; đầu tư xây dựng Cảng cá và Chợ Thủy sản đầu mối Thọ Quang thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phục vụ du lịch.

c) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

– Phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ.

– Xây dựng và triển khai đề án “Đà Nẵng – Thành phố đổi mới sáng tạo”. Xây dựng, phát triển các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, tập trung ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp gắn với sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin và tài chính – ngân hàng.

d) Văn hóa, thể thao

– Xác định văn hóa và bản sắc dân tộc là yếu tố quan trọng. Phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội và gắn với phát triển du lịch, cung cấp cho du khách cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về bản sắc dân tộc độc đáo của Đà Nẵng, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

– Xây dựng “nếp sống văn hóa – văn minh đô thị”, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật và hội nhập quốc tế. Phấn đấu 100% thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư hoàn thiện, đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh; xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu.

– Phát triển công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá văn hoá Đà Nẵng, Việt Nam ra thế giới, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật của vùng và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

– Xây dựng sự nghiệp thể dục thể thao thành phố phát triển đa dạng; phát triển thể thao thành tích cao ngày càng chất lượng, hiệu quả.

đ) Giáo dục và đào tạo

Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và của khu vực ASEAN. Mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục – đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh ngoài công lập đạt: mầm non khoảng 55%, tiểu học khoảng 3%, trung học cơ sở khoảng 3,2%, trung học phổ thông khoảng 14,8%. Thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở, huy động ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề…, đảm bảo 100% học sinh hoàn thành chương trình trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông bằng các hình thức đào tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tỉ lệ giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn trên 95%. Xây dựng mô hình trường đạt chuẩn theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa của các cấp học, ngành học. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.

e) Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

– Xây dựng và phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân ở tất cả các tuyến. Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, là hạt nhân của khu vực và cả nước với các dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và du khách, hình thành và phát triển sản phẩm du lịch y tế.

– Đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các trạm y tế xã, phường, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình và cộng tác viên, nhân viên y tế khối phố. Phát triển kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học Y Dược chất lượng cao. Kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh và hoàn thiện, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và tuyến quận, huyện; hiện đại hoá Trung tâm Kiểm nghiệm; hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu.

g) Lao động, việc làm, an sinh xã hội

– Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của thành phố, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, dự báo nguồn nhân lực có chất lượng và độ tin cậy cao.

– Xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, an bình và đáng sống; tiếp tục xây dựng thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”; tập trung công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng yếu thế; thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố.

– Huy động các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn, nâng chuẩn nghèo phù hợp với đời sống người dân; có giải pháp khắc phục các chiều thiếu hụt, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chủ trương “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

h) Quốc phòng, an ninh

Gắn phát triển kinh tế – xã hội với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Chủ động phòng ngừa làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia.

3. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội

a) Phân vùng phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội

Các hoạt động kinh tế – xã hội được liên kết trong mối liên hệ hữu cơ trong tổng thể cấu trúc quy hoạch thành phố Đà Nẵng trên cơ sở vùng sinh thái và 03 vùng đặc trưng, kết nối với nhau qua 02 vành đai kinh tế phía Bắc, phía Nam và 04 cụm việc làm, gồm: (1) Cụm Cảng biển và Logistics; (2) Cụm Công nghiệp công nghệ cao; (3) Cụm Đổi mới sáng tạo; (4) Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

– Vùng ven mặt nước nằm dọc bờ biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng, ven các con sông trong thành phố, kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và một phần quận Cẩm Lệ; vùng ven biển kết nối đường bờ biển dài từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Nam. Tổ chức thành 04 tiểu vùng gắn với cụm việc làm Cảng biển và logistics, gồm: (1) Trung tâm hành chính, thương mại – dịch vụ; (2) Sân bay và khu vực logistics trung tâm; (3) Khu vực phát triển hỗn hợp kết hợp kinh doanh với du lịch dọc theo Bờ Đông và Vịnh Đà Nẵng; (4) Khu vực hàng hải và logistics phía Bắc Vịnh Đà Nẵng.

– Vùng lõi xanh nằm giữa thành phố, kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang. Tổ chức thành 03 tiểu vùng gắn với cụm việc làm Cụm Công nghiệp công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, gồm: (5) Vùng lõi xanh nằm ở những ngọn đồi ở trung tâm thành phố; (6) Các khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại khu vực Tây Bắc thành phố, gắn với cảng biển và logistic; (7) Khu các Trường đại học và sử dụng hỗn hợp.

– Vùng sườn đồi là không gian mở rộng lớn ven sườn các đồi núi phía Tây, kết nối hữu cơ giữa các khu vực thuộc huyện Hòa Vang và kết nối với các quận khác. Tổ chức thành 03 tiểu vùng gắn với cụm việc làm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: (8) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Tây Nam thành phố; (9) Khu dự trữ phát triển phía Nam thành phố.

– Vùng sinh thái gồm khu vực rừng, núi và đồi phía Tây, bán đảo Sơn Trà, huyện Hoàng Sa và các sông, hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái. Tổ chức thành 03 tiểu vùng gắn với các vùng du lịch sinh thái và phát triển lâm nghiệp: (10) Các khu du lịch sinh thái phía bắc Cảng Liên Chiểu; (11) Các khu du lịch sinh thái khu vực miền núi phía Tây; (12) Vùng rừng (cây xanh tự nhiên) thuộc khu bảo tồn Sơn Trà và vùng rừng sinh thái phía Tây.

Ngoài ra, định hướng phát triển các khu dân cư phân bố trên địa bàn thành phố với các bản sắc độc đáo của ba vùng đặc trưng và phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.

b) Các cực, trung tâm phát triển kinh tế – xã hội

(1) Trung tâm thành phố: bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.

(2) Trung tâm công nghiệp công nghệ cao: bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

(3) Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics: tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.

(4) Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê.

(5) Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu: tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao.

(6) Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản tại khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.

(7) Các khu du lịch sinh thái núi gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà), Khu vực Hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch suối Hoa…)… thuộc huyện Hòa Vang; Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Khu du lịch sinh thái suối Lương, các khu du lịch phía Đông, phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải Vân, Khu du lịch sinh thái đồi Chim Chim, Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải Vân, quận Liên Chiểu; khu vực sinh thái nghỉ dưỡng phía Đông tại bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa.

c) Các vành đai phát triển kinh tế – xã hội

– Hình thành 02 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 04 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng, gồm:

+ Vành đai kinh tế phía Bắc – Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics: kết nối từ Cụm cảng biển và Logistics thuộc quận Liên Chiểu tới cụm công nghiệp công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang,

+ Vành đai kinh tế phía Nam – Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: kết nối từ Cụm đổi mới sáng tạo thuộc quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tới cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc huyện Hòa Vang.

d) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính

Giai đoạn 2023-2025 có 16 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, gồm các phường: Thạch Thang, Hải Châu I, Hải Châu II, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận thuộc quận Hải Châu; các phường: Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tân Chính, Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián, Hòa Khê thuộc quận Thanh Khê; phường An Hải Đông thuộc quận Sơn Trà. Trong đó, phường Thạch Thanh có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, nằm ở vị trí trung tâm của quận Hải Châu, tập trung nhiều cơ quan hành chính; có yếu tố lịch sử, văn hóa, có di tích quốc gia đặc biệt, thuộc trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét không sắp xếp. Dự kiến sắp xếp 15 phường, gồm các phường: Hải Châu I, Hải Châu II, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận thuộc quận Hải Châu; các phường: Tam Thuận, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Tân Chính, Chính Gián, Vĩnh Trung, Thạc Gián, Hòa Khê thuộc quận Thanh Khê; phường An Hải Đông thuộc quận Sơn Trà.

Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.

Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ, NÔNG THÔN VÀ CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Định hướng phát triển không gian đô thị

– Toàn thành phố được tổ chức theo 03 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu gồm: (1) Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông: diện tích khoảng 6.644 ha; (2) Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng: diện tích khoảng 1.530 ha; (3) Phân khu Cảng biển Liên Chiểu: diện tích khoảng 1.285 ha; (4) Phân khu Công nghệ cao: diện tích khoảng 5.585 ha; (5) Phân khu Trung tâm lõi xanh: diện tích khoảng 4.775 ha; (6) Phân khu Đổi mới sáng tạo: diện tích khoảng 3.903 ha; (7) Phân khu Sân bay: diện tích khoảng 1.327 ha; (8) Phân khu đô thị Sườn đồi: diện tích khoảng 2.729 ha; (9) Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: diện tích khoảng 2.986 ha; (10) Phân khu Dự trữ phát triển: diện tích khoảng 5.858 ha; (11) Phân khu sinh thái phía Tây: diện tích khoảng 57.692 ha; (12) Phân khu sinh thái phía Đông: bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.232 ha.

– Điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực. Phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.

2. Phương án tổ chức hệ thống đô thị

Thời kỳ 2021-2030, hệ thống đô thị thành phố bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về mật độ dân số, mật độ xây dựng, các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy định và tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt. Phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập Thị xã trong thời gian sớm nhất. Đến năm 2030, thị xã Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, tỷ lệ đô thị hóa trên 90%, trung tâm hành chính của Thị xã dự kiến đặt tại xã Hoà Phong. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.

3. Định hướng phát triển khu vực trung tâm

– Khu đô thị hiện hữu gồm 06 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp): Định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại (Central Business District – CBD) hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống. Kiểm soát hành lang ven biển; thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng, các không gian mở trong các khu dân cư, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng chung toàn thành phố.

– Khu vực phát triển đô thị mới: phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố. Đến năm 2030, khu vực đô thị hoá được xác định tại 9 xã của huyện Hoà Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 90%.

– Định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm: xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.

4. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phương án phân bố hệ thống điểm dân cư

a) Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

Khu vực nông thôn thành phố Đà Nẵng tập trung tại huyện Hoà Vang, được định hướng cụ thể trong phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện.

b) Định hướng phát triển mô hình khu, điểm dân cư nông thôn theo tuyến liên kết các cụm, điểm dân cư. Trên cơ sở dân cư phân tán theo tuyến hiện trạng, dân cư mới hình thành tập trung tại 02 khu vực trọng điểm phía Bắc (tại xã Hòa Liên) và phía Nam (tại xã Hòa Phong) để đảm bảo hiệu quả về sử dụng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo dư địa phát triển trong tương lai. Các trung tâm xã bố trí tại các khu vực nút dân cư tập trung cao có liên kết giao thông thuận lợi, tạo thành các vệ tinh quanh khu vực trọng điểm vùng.

5. Phương án phát triển các khu chức năng

a) Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các cụm công nghiệp

– Các khu công nghiệp

+ Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Chuyển đổi Khu công nghiệp Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình khu công nghiệp sinh thái.

+ Hình thành mới các khu công nghiệp: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các khu công nghiệp hiện hữu.

+ Ưu tiên đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Hòa Ninh để đáp ứng nhu cầu hạ tầng công nghiệp. Nghiên cứu quy hoạch bổ sung Khu công nghiệp Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.

(Chi tiết theo Phụ lục I)

– Khu công nghệ cao

Sớm đưa các khu chức năng của Khu Công nghệ cao vào hoạt động trước năm 2025. Điều chỉnh, mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế. Kết nối Khu Công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với Khu Công nghệ cao.

(Chi tiết theo Phụ lục I)

– Các khu công nghệ thông tin tập trung

Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); hoàn thiện khu Công nghệ thông tin tập trung, Dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại phường Hoà Xuân, Khu Công nghệ thông tin DanangBay, Tòa nhà Viettel Đà Nẵng, Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi. Phát triển các Khu công viên phần mềm do các nhà mạng Viễn thông – công nghệ thông tin làm chủ đầu tư.

– Các cụm công nghiệp

(Chi tiết theo Phụ lục II)

+ Các cụm công nghiệp, làng nghề hiện hữu:

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng sang phát triển các lĩnh vực khác. Di dời hoạt động sản xuất thô tại Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn vào khu/cụm công nghiệp phù hợp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.

Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác: Phát triển trên cơ sở khai thác lợi thế về sinh thái, bảo vệ môi trường; đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã; gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với hoạt động du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.

+ Các cụm công nghiệp thành lập mới:

Triển khai đầu tư xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam.

Đưa Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao (Khu phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao Đà Nẵng) ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp cả nước để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Liên (gần Khu Công nghệ cao).

Nghiên cứu hình thành Cụm công nghiệp Sơn Trà. Bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp mới trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, bố trí di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư.

Nghiên cứu hình thành một số cụm công nghiệp có diện tích phù hợp tại các mỏ khoáng sản sau khi đóng cửa trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện về địa chất, địa hình, hạ tầng và bảo vệ môi trường.

(Chi tiết theo Phụ lục III)

b) Các khu du lịch

– Phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch. Trong đó, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (có bao gồm loại hình tàu thủy lưu trú du lịch), thiết kế sáng tạo, độc đáo, khác biệt, thân thiện môi trường.

– Phát triển Khu du lịch Sơn Trà và Nam Bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà) thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế; các điểm du lịch văn hóa – lịch sử; khu, điểm tham quan, du lịch vui chơi giải trí hiện đại và đặc sắc; khu, điểm du lịch sáng tạo. Quy hoạch hạ tầng phục vụ tuyến tham quan, du lịch biển trên tuyến hàng hải quốc tế gắn với điểm du lịch biển đảo Hoàng Sa.

– Đầu tư hoàn thiện hạ tầng để đưa các khu vực trung tâm thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách. Phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò.

– Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các khu vực vùng núi huyện Hòa Vang, khu vực suối Lương, quận Liên Chiểu.

c) Các khu nghiên cứu, đào tạo

Định hướng tổ chức sắp xếp không gian phát triển ngành giáo dục đảm bảo mục tiêu cơ bản là ở đâu có dân cư, ở đó có trẻ em và phải có trường học, đáp ứng cho 100% trẻ em ở độ tuổi đến trường với bán kính phục vụ phù hợp với quy định.

– Đối với các khu đô thị hiện hữu: Nâng cao hệ số sử dụng đất kết hợp mở rộng diện tích đất cho giáo dục.

– Đối với khu vực phát triển mới: Phân bố cơ sở giáo dục đảm bảo bán kính phù hợp cho từng cấp học theo quy định và đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô dân số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Đà Nẵng tạo thành khu đô thị Đại học mới tại quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.

– Hình thành các cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành cho Phân khu công nghệ cao Đà Nẵng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chuyên dụng phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistis, dịch vụ chất lượng cao như: công nghệ vi điện tử, công nghệ nano, bán dẫn, vi mạch, ứng dụng FPGA, trí tuệ nhân tạo, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và của vùng.

d) Các khu thể dục thể thao

– Tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện Khu liên hợp Thể dục thể thao Hòa Xuân, Trường đua ngựa, câu lạc bộ thể thao biển v.v.. Phát triển các không gian giải trí và thể thao cấp thành phố, các trung tâm thể thao cấp quận, huyện; xây dựng các Khu thể dục thể thao đa năng cấp quận, huyện.

– Đầu tư xây dựng các Khu liên hợp thể thao đa năng như: Nhà thi đấu thể thao, Phòng thể thao đa năng, Sân vận động trong nhà. Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thể thao công cộng ở tổ dân phố, khu dân cư, các phường, xã… tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng thể dục thể thao thuận tiện cho việc tập luyện của người dân.

– Duy trì các sân gôn hiện có và quy hoạch các dự án sân gôn mới kết hợp du lịch tại các vị trí có tiềm năng khi đảm bảo các điều kiện theo quy định về pháp luật có liên quan, gồm: Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hồ Hòa Trung; Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Liên – Hòa Bắc; Khu phức hợp khách sạn, sân golf Hòa Phong – Hòa Phú; Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Phú – Hòa Nhơn (cuối tuyến Bà Nà – Suối Mơ).

đ) Các khu bảo tồn

(Chi tiết theo Phụ lục IV)

– Tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng của thành phố như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân…; các hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển, các khu vực đất ngập nước…

– Trùng tu, bảo tồn phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời vẫn bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời và danh lam thắng cảnh.

e) Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

– Hình thành, đưa vào hoạt động các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn với phân khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao được xác định tại khu vực phía Tây Nam thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây (gồm: Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn).

– Tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng Cảng cá Thọ Quang và khu neo đậu tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang, đầu tư xây dựng các hạ tầng để phục vụ khai thác ngư trường Hoàng Sa.

– Phát triển lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Hòa Vang. Phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn và kết hợp phát triển du lịch dưới tán rừng tại khu vực Bà Nà, bán đảo Sơn Trà.

g) Khu vực khó khăn

Xác định xã Hòa Bắc là khu vực khó khăn của thành phố. Phấn đấu hàng năm giảm 30-40%/tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều từng giai đoạn. Tập trung quản lý, bảo vệ rừng và nguồn nước; phát triển kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và có bản sắc riêng; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội. Đến năm 2025, xây dựng Hòa Bắc trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch. Đến năm 2030, phát triển Hòa Bắc trở thành xã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn đô thị loại V; là điểm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng chất lượng cao của huyện và thành phố.

h) Các khu vực có vai trò động lực

– Khu vực động lực số 1 – đô thị lõi: gồm Khu trung tâm đô thị Lịch sử thuộc quận Hải Châu (CBD1), khuyến khích phát triển hình thức sử dụng đất hỗn hợp, đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ nhằm tạo môi trường phù hợp cho cả sinh sống, làm việc và sẽ trở thành trung tâm thương mại sầm uất; và khu vực nội đô thuộc quận Sơn Trà, quận phía đông cầu sông Hàn (CBD2)

– Khu vực động lực số 2: Khu vực nội đô thuộc quận Thanh Khê và Liên Chiểu dọc theo vịnh Đà Nẵng, tập trung phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven Vịnh Đà Nẵng. Khuyến khích hình thành một CBD mới tại khu vực trung tâm Vịnh gắn với trục thương mại dịch vụ trên (khu vực đô thị nén).

– Khu vực động lực số 3: Khu đô thị sáng tạo ở khu vực Phía Nam, gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Quý) và quận Cẩm Lệ, tập trung phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục – thể thao chất lượng cao.

– Khu vực động lực số 4: Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, kết nối tỉnh Quảng Nam và Tây Nguyên với thành phố Đà Nẵng. Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản. Mở rộng không gian đô thị về phía Tây Bắc kết nối các khu công nghiệp, công nghệ cao với các khu ở mới.

– Khu vực động lực số 5: Tổ hợp đô thị – công nghiệp công nghệ cao, định hướng giai đoạn đầu năm 2030 sẽ hình thành cụm liên hợp gồm: Trung tâm hội chợ triển lãm miền Trung, thương mại (outlet) gắn với du lịch; Trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng.

– Khu vực động lực số 6: Tổ hợp đô thị cảng biển Liên Chiểu, trung tâm dịch vụ logistics gắn với cảng Liên Chiểu.

i) Khu quân sự, an ninh

– Bố trí các khu vực quốc phòng, an ninh bảo đảm nguyên tắc giữ vững thế trận phòng thủ, bảo vệ được các địa hình, các công trình phòng thủ có giá trị, sẵn sàng triển khai lực lượng khi có tình huống tác chiến; đồng thời đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đầu tư nguồn lực xây dựng các công trình phòng thủ cấp thành phố, quận, huyện, các địa bàn trọng điểm sẵn sàng động viên quốc phòng; xây dựng các khu dân cư và hạ tầng kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng bảo vệ biên giới, biển, đảo.

– Quy hoạch bố trí, đầu tư, nâng cấp cải tạo, mở rộng các công trình, cơ quan, trụ sở của các lực lượng Công an cấp thành phố, quận, huyện, phường, xã và những vị trí trọng yếu, thuận lợi trong công tác đảm bảo an ninh trật tự như: sân bay, bến cảng, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp,… Bố trí đảm bảo mỗi quận, huyện đều có trụ sở của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với bán kính phục vụ tối đa 3 km đối với khu vực trung tâm đô thị và 5 km đối với các khu vực khác.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải

a) Đường bộ

– Xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Thạnh Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nâng cấp đường cao tốc La Sơn – Túy Loan; Quốc Lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng (dài khoảng 8 km) đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; Quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng (dài khoảng 25 km) đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV, 02 làn xe; đường tránh Nam Hải Vân (đoạn Hòa Liên – Hải Vân và Hòa Liên – Túy Loan. Xây dựng các nút giao thông khác mức kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị.

(Chi tiết theo Phụ lục V, Bảng 5.1)

– Mạng lưới đường đô thị:

+ Xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc; nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam hầm Hải Vân – Túy Loan, tuyến đường từ đường Vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn – Túy Loan (phía sau Khu công nghệ cao), kết nối đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài, từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới để tạo thành trục chính kết nối Đông – Tây.

+ Xây dựng tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành; xây dựng công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa – Trần Phú sang đường Vân Đồn – Trần Hưng Đạo, tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài thông tuyến đường Hoàng Văn Thái, Vành đai phía Tây II và đường tránh Nam Hải Vân; đồng thời tính toán các giải pháp kết nối Cảng biển và Ga Kim Liên…

(Chi tiết theo Phụ lục V, Bảng 5.2)

+ Xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các nút giao thông: Tổ chức giao cắt khác mức đối với các nút giao giữa các tuyến đường bộ với đường sắt quốc gia quy hoạch.

(Chi tiết theo Phụ lục V, Bảng 5.3)

– Giao thông công cộng:

+ Tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm tăng mật độ bao phủ tuyến, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; khuyến khích phương tiện thân thiện môi trường như: xe buýt điện, CNG, LPG…

+ Đường sắt đô thị: Xây dựng 02 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 03 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển. Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia Bắc – Nam (sau khi di dời Ga đường sắt hiện trạng ra khỏi trung tâm thành phố) để xây dựng, đồng thời kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT theo định hướng TOD.

(Chi tiết theo Phụ lục V, Bảng 5.4)

+ Xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên – Huế).

– Phát triển loại hình giao thông phi cơ giới. Hình thành các tuyến đường dành riêng cho xe đạp để khai thác du lịch trải nghiệm thành phố.

– Giao thông tĩnh và công trình đầu mối (bến xe):

+ Xây dựng mới Bến xe phía Bắc tại phía Bắc nút giao đường tránh Nam Hải Vân và đường Vành đai phía Tây 2; bến xe phía Tây tại khu vực nhà máy xi măng Hòa Khương (sau khi di dời), huyện Hòa Vang. Cải tạo, nâng cấp Bến xe phía Nam; chuyển đổi Bến xe trung tâm thành đầu mối giao thông công cộng.

+ Xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng, bãi đỗ xe trung chuyển đảm bảo diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị. Khuyến khích khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe kết hợp thương mại dịch vụ.

+ Bố trí sẵn quỹ đất (ngầm/nổi) phù hợp cho các vị trí ga đầu cuối, ga trung chuyển (ngầm/nổi/trên cao), depot của các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn MRT và LRT. Định hướng phát triển các ga này theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (xe buýt, xe đạp công cộng, taxi, …) kết hợp quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ tập trung. Các trạm trung chuyển chính bao gồm: Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng hiện trạng, Ga Đà Nẵng mới theo quy hoạch, Công viên 29/3, Cảng Sông Hàn…

(Chi tiết theo Phụ lục V, Bảng 5.5)

b) Đường sắt

– Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía Đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng – Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030.

– Di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà – Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tái phát triển khu vực Ga Đà Nẵng hiện trạng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng chính kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ theo định hướng phát triển TOD và CBD.

– Xây dựng Ga Trung tâm logistics đường sắt tại khu vực xã Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia, đường bộ quốc gia và đường vành đai thành phố; quy hoạch các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối giữa Đường sắt quốc gia, Ga Trung tâm logistics đường sắt với Cảng biển Liên Chiểu và các đầu mối có nhu cầu thu gom, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

c) Đường hàng không

– Đến năm 2030: Nâng cấp, mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên khoảng 25 triệu hành khách/năm và là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.

– Tầm nhìn đến năm 2050: Tiếp tục mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm với các phân khu chức năng đa dạng, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

d) Cảng biển

– Đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu là cảng hàng hóa và các bến công vụ, sà lan; công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, tàu công ten nơ có sức chở đến 8.000 TEU.

– Khu bến Tiên Sa: từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch quốc tế phù hợp tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu.

– Khu bến Thọ Quang: Tiếp tục giữ nguyên không phát triển Khu bến Thọ Quang, là khu bến tổng hợp, bến công vụ và các bến quốc phòng an ninh; cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn.

đ) Đường thủy nội địa

– Luồng tuyến đường thủy nội địa và các bến thủy nội địa được tổng hợp tại Phụ lục VI. Tuyến sông Hàn – sông Vĩnh Điện sẽ chuyển thành luồng địa phương khi đủ tiêu chí theo định hướng quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia.

– Phát triển các tuyến vận tải hành khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn; các tuyến vận tải hành khách từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, tuyến cảng Tiên Sa – khu du lịch Làng Vân – hòn Sơn Trà Con; tuyến cảng Tiên Sa – Cửa Đại – Cù Lao Chàm và các tuyến sông Cu Đê đi Hòa Bắc, Hòa Vang.

– Phát triển các tuyến vận tải hành khách đường biển phục vụ nhu cầu đi lại của người dân kết hợp phát triển du lịch như: tuyến Hạ Long – Đà Nẵng; Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Huế – Thuận An – cảng Tiên Sa – cảng Sông Hàn, tuyến Đà Nẵng – Đảo Lý Sơn, tuyến Đà Nẵng – Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tuyến Đà Nẵng – đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); các tuyến vận tải hành khách đường biển quốc tế trực tiếp từ các nước: Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Á đến cảng biển Đà Nẵng.

e) Cảng cạn: định hướng phát triển cảng cạn kết hợp Trung tâm logistics Hòa Nhơn tại gần giao cắt giữa đường Hoàng Văn Thái và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, khu vực Nam Hải Vân.

g) Kiểm định phương tiện: xây dựng mới, nâng cấp các trung tâm đăng kiểm và dây chuyền kiểm định hiện đại, khuyến khích xã hội hóa công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Đến năm 2030, phát triển mới 04 đơn vị đăng kiểm với 08 dây chuyền kiểm định; giai đoạn 2030-2050 phát triển mới 08 đơn vị.

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

– Nguồn cấp điện cho thành phố từ hệ thống truyền tải điện quốc gia thông qua lưới điện truyền tải 500kV, 220kV và lưới điện phân phối 110kV.

– Nguồn năng lượng tái tạo: Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời mái nhà, sinh khối, nguồn từ xử lý chất thải rắn, điện gió ngoài khơi… Đối với tiềm năng về năng lượng mặt trời mặt đất, năng lượng mặt trời mặt nước và điện khí sẽ nghiên cứu để phát triển theo nhu cầu phụ tải và điều kiện thực tế phù hợp.

– Phát triển lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng.

– Xây dựng các đường dây truyền tải điện có dự phòng phát triển lâu dài, sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung trên hàng cột; hiện đại hoá và từng bước ngầm hoá lưới điện khu vực nội thành; từng bước nâng cấp, chuyển đổi các trạm biến áp phục vụ dân sinh theo hướng hiện đại, đảm bảo mỹ quan.

– Lưới điện 500 kV: Đến năm 2030, xây dựng đường dây 500 kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi, chiều dài toàn tuyến 2×500 km, đoạn đi qua thành phố Đà Nẵng dài khoảng 30,4 km. Xây dựng đường dây 500 kV Đà Nẵng – Dốc Sỏi mạch 2, chiều dài toàn tuyến 2×100 km, đoạn qua thành phố Đà Nẵng khoảng 6,8 km. Nâng công suất TBA 500 kV Đà Nẵng từ 2×450 MVA lên thành 2×900 MVA.

– Lưới điện 220 kV: Đến năm 2030, xây dựng mới 04 trạm và cải tạo 02 trạm biến áp 220 kV, tổng công suất 1.500 MVA. Đến năm 2050, định hướng cải tạo nâng công suất 03 trạm biến áp 220 kV, tổng công suất 750 MVA.

– Lưới điện 110 kV: Đến năm 2030, xây dựng mới 10 trạm và nâng cấp cải tạo 12 trạm biến áp 110 kV; đến năm 2050, định hướng xây dựng mới 09 trạm và nâng cấp cải tạo 11 trạm.

– Lưới điện trung áp phục vụ liên huyện: khi quy hoạch các khu dân cư mới cần bố trí quỹ đất để bố trí các trạm biến áp 22/0,4 kV ở khu vực trung tâm phụ tải, đảm bảo bán kính cấp điện không quá 400m ở khu vực nội thành và không quá 600 m ở khu vực nông thôn.

– Phương án cấp điện cho hệ thống LRT và MRT từ mạng lưới các trạm biến áp phân phối của từng khu vực mà các tuyến tàu điện, đường sắt đi qua, tùy theo nhu cầu cụ thể của từng đoạn tuyến và trạm điều hành/dừng trong hệ thống sẽ lắp đặt các trạm biến áp có công suất lắp đặt phù hợp.

– Khuyến khích đầu tư phát triển trạm sạc ô tô điện theo hướng xã hội hóa.

(Chi tiết theo Phụ lục VII)

3. Phương án phát triển mạng lưới viễn thông

– Xây dựng Công viên phần mềm Đà Nẵng, bao gồm cả Khu Công viên phần mềm số 2 trở thành khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm quốc gia.

– Phát triển mới 01 trạm cập bờ cáp quang biển; mở rộng dung lượng truyền dẫn các tuyến cáp quang SMW3 và APG tại Trạm cập bờ cáp quang biển Hoà Hải. Cập nhật các tuyến viễn thông trục quốc tế, quốc gia, liên thành phố đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn.

– Thu hút đầu tư 01 trung tâm dữ liệu quy mô khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành IT-HUB của quốc gia và khu vực; 02 Trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia; phát triển Trung tâm dữ liệu hiện tại phục vụ chính quyền thành phố, các dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số; triển khai mới 02 Trung tâm dữ liệu và 01 Trung tâm tính toán hiệu năng cao. Phát triển trung tâm vùng mạng bưu chính KT1, vùng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. Phát triển hạ tầng bưu chính Megahub, Hub cho tuyến trục thương mại điện tử và miền Trung.

– Phát triển hạ tầng mạng viễn thông hữu tuyến metronet nội thị sử dụng các công nghệ NGN, mạng viễn thông di động 5G và các thế hệ tiếp theo, mạng viễn thông vô tuyến dành cho thiết bị IOT, mạng viễn thông phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh sử dụng các công nghệ chuyển mạch trục hiện đại, phù hợp với sự phát triển quốc tế (công nghệ NGN và các công nghệ tiếp theo), bảo đảm băng thông truyền dẫn cho các dịch vụ viễn thông băng rộng.

– Ngầm hoá cáp viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo hướng sử dụng chung với hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, chiếu sáng, cấp thoát nước và được quy hoạch, lồng ghép vào quá trình triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, các khu đô thị, khu dân cư mới… Bảo đảm hạ tầng truyền hình số mặt đất hoạt động hiệu quả; triển khai hệ thống truyền thanh, quảng bá trên nền tảng công nghệ số.

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước

a) Thủy lợi

– Đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa hiện có; sửa chữa các đập dâng, trạm bơm và hệ thống kênh tưới, tiêu thoát nước. Đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê kè, cống, đập ngăn mặn và triều cường. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

b) Cấp nước

(Chi tiết theo Phụ lục VIII)

– Công trình đầu mối: Duy trì/nâng công suất các nhà máy nước hiện trạng; quy hoạch mới nhà máy nước sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia (nhánh sông An Trạch – Bàu Nít – Hà Thanh) hoặc sông Thu Bồn: xây dựng mới năm 2030, công suất cấp nước 120.000 m³/ngày.

– Đầu tư các công trình điều tiết nước cho các nhà máy nước cầu Đỏ, nhà máy nước Hòa Liên (như: đập Quảng Huế, đập Sông Nam – Sông Bắc,…)

(Chi tiết theo Phụ lục IX)

5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải

a) Nước thải

– Lưu vực thoát nước: nước thải được thu gom về các trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị; nước thải của 12 phân khu được thu gom và xử lý theo các lưu vực. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế được thu gom xử lý riêng cục bộ tại nguồn đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

– Mạng lưới thoát nước thải: khu vực đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng; khu vực các đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn; khu vực ven biển tách nước thải riêng hoàn toàn hoặc nâng cao khả năng thu gom nước thải để ngăn chặn nước thải xả ra biển.

– Trạm xử lý nước thải: Tổng công suất các trạm xử lý nước thải sinh hoạt năm 2030 đạt 515.000 m³/ngày. Trước mắt, nước thải phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán.

(Chi tiết theo Phụ lục IX).

b) Chất thải rắn

Tiếp tục đầu tư tiến tới hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác, trạm phân loại rác, khu liên hợp xử lý rác…) với công nghệ tiên tiến. Theo đó:

– Đến năm 2030, hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000 tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý: chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp…; kêu gọi đầu tư nhà máy tái chế rác thải đô thị. Quy mô, công nghệ từng nhà máy do thành phố quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành.

– Sau năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố quy mô 200 ha bao gồm các công năng, hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố và mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày ở giai đoạn phù hợp tùy thuộc vào lượng chất thải rắn phát sinh thực tế.

(Chi tiết theo Phụ lục X)

6. Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy

– Đến năm 2030, xây dựng, nâng cấp, cải tạo 19 cơ quan, doanh trại Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại các xã, phường, đảm bảo mỗi quận, huyện có tối thiểu 01 vị trí trụ sở, doanh trại Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chú trọng các khu vực trọng điểm: Cảng Liên Chiểu, Cảng Tiên Sa, Khu Công nghệ cao và khu vực Sông Hàn, Sông Cu Đê… Đến năm 2050, quy hoạch bổ sung 06 vị trí trụ sở, doanh trại Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

– Xây dựng, nâng cấp, cải tạo 15 bến bãi lấy nước, hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình và hệ thống thông tin liên lạc theo quy định của Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, quy định của Bộ Công an và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao

– Bảo tồn và phát huy các công trình tôn giáo, di tích lịch sử, lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị. Lập hồ sơ xếp hạng ít nhất 08 di tích cấp quốc gia và cao hơn; đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho 01-02 hiện vật.

– Đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án: Nhà hát lớn thành phố, Quảng trường trung tâm thành phố, các bảo tàng chuyên đề, các công viên biển dọc vịnh Đà Nẵng và Bờ Đông, công viên tại khu đất Đài phát sóng An Hải (quận Sơn Trà), Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh, Thư viện khoa học Tổng hợp cấp vùng, Thư viện Khoa học Tổng hợp Khu vực phía Tây Bắc, phía Nam, phía Đông Nam, Quảng trường Trung tâm khu vực Tây Bắc thành phố…

– Phấn đấu 100% công trình thiết chế văn hóa cấp thành phố được đầu tư hoàn thiện; 50% Khu công nghiệp có Trung tâm Văn hóa – Thể thao; 100% Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận, huyện được đầu tư hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 100% thư viện các quận, huyện được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn thư viện điện tử, có phòng đọc thiếu nhi, phòng đọc dành cho người khiếm thị, có hệ thống tra cứu thông tin, kết nối internet; phấn đấu 50% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Văn hóa Thiếu nhi; 30% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Văn hóa Lao động.

– Đầu tư, bổ sung các không gian mở, vườn dạo trong các khu dân cư nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho dân cư đô thị.

(Chi tiết theo Phụ lục XI)

2. Phương án phát triển hạ tầng thương mại

– Đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 02 chợ bán buôn (Chợ đầu mối Hòa Phước, Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang) và Khu logistics, dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối và ngành bán buôn tại Hòa Phước. Quy hoạch sử dụng đất tại chợ đầu mối Hòa Cường sau khi được đầu tư thay thế đảm bảo khai thác sử dụng hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

– Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng lại chợ Cồn; nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc xây mới chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Bắc Mỹ An và một số chợ khác trên địa bàn theo hướng duy trì chợ truyền thống văn minh, hiện đại.

– Đầu tư xây dựng Tổ hợp Thể thao, giải trí, thương mại Hòa Xuân (Sporthub), các trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận, huyện, khu phi thuế quan, khu thương mại tự do và Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế hạng A (sau năm 2025). Vị trí nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay như: tuyến Hoàng Văn Thái – Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành – Cảng Liên Chiểu; Hoàng Văn Thái – Nhà ga; Hoàng Văn Thái – Vành đai Tây 2 – Lê Đại Hành – Ga hàng không; tuyến phía Nam của vị trí 3 (28,3 ha) kết nối với trung tâm logistics trong Phân khu Đô thị Sườn đồi; tuyến LRT trên đường Hoàng Văn Thái.

(Chi tiết theo Phụ lục XII)

– Hình thành các cụm trung tâm logistics tập trung, trong đó có 01 trung tâm logistics cấp vùng và các cụm trung tâm logistics phụ trợ, cụ thể: (1) Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu (trung tâm logistics cấp vùng, hạng I); (2) Trung tâm logistics đường sắt; (3) Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng; (4) Trung tâm logistics Hòa Nhơn kết hợp cảng cạn; (5) Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời, phát triển các trung tâm logistics và các kho bãi khác tại các khu, cụm công nghiệp và trên các đường tránh của tuyến đường cao tốc (Trung tâm logistics Hòa Phước, Trung tâm logistics Hòa Phú, Trung tâm logistics Hòa Hiệp Bắc, v.v..).

– Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt: Phát triển hệ thống kho xăng dầu, kho LPG, kho LNG quy mô cấp quốc gia theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển 2 kho xăng dầu quy mô cấp tỉnh (dưới 5.000 m³) tại khu vực quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà và các trạm chiết nạp khí đốt quy mô nhỏ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, xem xét theo nhu cầu thực tế, phát triển các kho xăng dầu, khí đốt với quy mô phù hợp và phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan. Đầu tư xây dựng tuyến đường ống Liên Chiểu – Hòa Liên (Hòa Vang) và các hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp tới các khu công nghiệp để cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ trong khu công nghiệp, đường ống dẫn khí từ kho LNG đến các nhà máy điện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hộ tiêu thụ…

(Chi tiết theo Phụ lục XII)

3. Phương án phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ

Ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án: Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp; nâng cấp, mở rộng Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo quy định; hình thành các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tại phân khu Công nghệ cao và phân khu Đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của thành phố và mục tiêu liên kết phát triển vùng, liên vùng.

4. Phương án phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo

– Tiếp tục mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô giáo dục – đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình, đảm bảo định mức cháu/nhóm, học sinh/lớp theo quy định, đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục trung học phổ thông có chất lượng; đến năm 2030, mỗi quận, huyện có 1 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật cho 3 trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp. Kêu gọi đầu tư thành lập các trường quốc tế, trường liên cấp quốc tế.

– Mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam thành phố, đặc biệt là Làng Đại học Đà Nẵng để tạo thành Khu đô thị Đại học mới. Phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm khu vực. Các trường đại học công lập và tư thục chủ động hội nhập sâu, rộng vào nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

– Hình thành mới một số cơ sở đào tạo dạy nghề, viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành tại phân khu Công nghệ cao. Đến năm 2030, xây dựng 7 trường cao đẳng đào tạo nghề chất lượng cao, trong đó có 4 trường cao đẳng có một số nghề đạt cấp độ khu vực và quốc tế.

5. Phương án phát triển hạ tầng y tế

– Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế đảm bảo tính cân đối, đồng bộ, kết nối, hiệu quả, đảm bảo người dân được tiếp cận thuận lợi. Mỗi khu đô thị có ít nhất một phòng khám đa khoa (trung tâm y tế và trung tâm chăm sóc sức khỏe). Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (xã, phường); bổ sung đầy đủ trang thiết bị y tế theo chuẩn, đảm bảo nhu cầu sơ cứu, cấp cứu ban đầu và khám, điều trị các bệnh thông thường.

– Đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố và quận, huyện. Huy động các nguồn lực để thành lập các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa sâu ứng dụng kỹ thuật cao; hình thành bệnh viện quốc tế tại phân khu Đổi mới sáng tạo để liên kết với các trường đại học y dược trong khu vực. Đến năm 2030, hình thành 01 bệnh viện hạng đặc biệt, ít nhất 02 bệnh viện đạt tiêu chuẩn cấp vùng và 02 bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nghiên cứu hình thành Trung tâm thương mại, phấn phối y dược phẩm.

– Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị y tế phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đến năm 2030, trình độ kỹ thuật về trang thiết bị y tế của Đà Nẵng ngang tầm với các nước trong khu vực; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng các trang thiết bị y tế.

6. Phương án phát triển hạ tầng an sinh xã hội

– Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ an sinh xã hội bền vững, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; trong đó chú trọng đảm bảo về chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về trợ giúp xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội, về dịch vụ việc làm.

– Bố trí quỹ đất phù hợp đảm bảo tương ứng về quy mô tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần; thu hút đầu tư xây dựng mới cơ sở cai nghiện số 2, các Viện dưỡng lão.

(Chi tiết Phương án phát triển hạ tầng giáo dục – đào tạo, y tế, an sinh xã hội tại Phụ lục XIII)

VII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030

1. Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất đến năm 2030

– Đất nông nghiệp: diện tích 66.373,00 ha, giảm 4.888,27 ha

– Đất phi nông nghiệp: diện tích 61.677,96 ha, tăng 5.872,06 ha

– Đất chưa sử dụng: diện tích 422,00 ha, giảm 983,79 ha

(Chi tiết theo Phụ lục XIV, Bảng 15.1)

2. Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 theo khu chức năng

– Khu sản xuất nông nghiệp: diện tích 4.595,99 ha, giảm 2.390,82 ha.

– Khu lâm nghiệp: diện tích 23.916,47 ha, giảm 8.260,80 ha.

– Khu du lịch: diện tích 4.718,10 ha, tăng 3.627,93 ha.

– Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: diện tích 34.130,00 ha, chiếm 26,57% diện tích tự nhiên, tăng 3.681,09 ha.

– Khu phát triển công nghiệp: diện tích 2.412,00 ha, tăng 912,08 ha

– Khu đô thị: diện tích 20.899,00 ha, tăng 5.615,86 ha.

– Khu thương mại – dịch vụ: diện tích 1.223,09 ha, tăng 320,31 ha.

– Khu dân cư nông thôn: diện tích 6.078,31 ha, giảm 3.505,63 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục XIV, Bảng 15.1)

3. Phương án chuyển mục đích sử dụng đất đến năm 2030

– Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp: Phương án phân bổ đất đai đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng có 4.906,44 ha đất nông nghiệp chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp.

– Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở: đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng có 222,55 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở.

(Chi tiết theo Phụ lục XIV, Bảng 15.2)

4. Phương án đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng đến năm 2030

Đến năm 2030, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng là 983,79 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục XIV, Bảng 15.3)

VIII. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN

1. Phương án tổ chức lãnh thổ nông thôn và quy hoạch vùng huyện Hòa Vang

Quy hoạch vùng huyện Hòa Vang bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Hòa Vang với tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người. Phấn đấu xây dựng huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành Thị xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất, trung tâm hành chính thị xã Hòa Vang dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.

– Phân vùng không gian gồm 02 tiểu vùng dân cư nông thôn và một tiểu vùng sinh thái:

+ Tiểu vùng Đông Bắc gắn với tiểu vùng dân cư phía Bắc Hòa Vang, gồm 4 xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn. Khu vực phát triển trọng tâm nằm tại phía Đông khu công nghệ cao và dưới chân núi Bà Nà, trung tâm tiểu vùng tại khu vực xã Hòa Liên gắn với tổ hợp đô thị – công nghiệp công nghệ cao.

+ Tiểu vùng Đông Nam gắn với tiểu vùng dân cư phía Nam Hòa Vang, gồm 7 xã: Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước. Trung tâm tiểu vùng đồng thời là huyện lỵ huyện Hòa Vang đặt tại xã Hòa Phong.

+ Tiểu vùng sinh thái phía Tây: khu vực rừng, núi và đồi phía Tây thuộc các xã: Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phú, Hoà Khương.

– Tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống. Tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045. Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang, bao gồm khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống được cải tạo, chỉnh trang, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hiện có.

– Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của thành phố.

– Phân vùng chức năng gồm 04 vùng:

+ Vùng công nghiệp công nghệ cao: định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung, công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khai thác lợi thế các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao có sẵn và hình thành các khu công nghiệp mới, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng; hình thành các trọng điểm, đầu mối giao thương về công nghiệp, logistics cho toàn vùng.

+ Vùng phát triển dân cư: hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của lực lượng lao động trong vùng.

+ Vùng du lịch sinh thái: phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là khu vực Tây Nam (xã Hòa Ninh, Hòa Phú và Hòa Khương) và khu vực Tây Bắc (xã Hòa Bắc).

+ Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: khai thác vùng sản xuất phía Nam thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn phát triển mô hình nông nghiệp hữu có, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.

2. Quy hoạch vùng huyện Hoàng Sa

Định hướng phát triển huyện đảo Hoàng Sa kết hợp đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với tạo lập và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc và rộng khắp; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển; kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các Bên trên biển Đông (DOC) và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

IX. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học a) Phương án phân vùng môi trường

– Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng; các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà, khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân; huyện Hoàng Sa.

– Vùng hạn chế phát thải: vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt (nếu có); vùng đất ngập nước quan trọng đã được xác định theo quy định của pháp luật; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị; khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.

– Vùng bảo vệ khác: các khu vực còn lại trên địa bàn thành phố.

b) Phương án bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

– Khu vực đa dạng sinh học cao, bao gồm: hệ sinh thái rừng tự nhiên, hệ sinh thái ven biển, quy hoạch bảo vệ và phát triển đất ngập nước nội địa.

– Các vùng đất ngập nước quan trọng gồm: Hồ Đồng Nghệ, Hồ Hòa Trung, Hồ Trước Đông, Hồ Hóc Khế.

– Các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân.

c) Phương án phát triển bền vững rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ- TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 là 60.881 ha, trong đó: diện tích rừng đặc dụng là 34.130 ha; diện tích rừng phòng hộ là 11.778 ha và diện tích rừng sản xuất là 14.973 ha.

Tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2030 là 56.763,2 ha, phân bổ trên 04 quận, huyện Hòa Vang, Sơn Trà, Liên Chiểu và Cẩm Lệ, trong đó: diện tích rừng đặc dụng là 34.130 ha; diện tích rừng phòng hộ là 11.778 ha và diện tích rừng sản xuất là 10.855,2 ha.

d) Phương án phát triển các khu nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng

Khai thác, cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang hiện có theo hướng sử dụng đất tiết kiệm, văn minh, hiện đại. Có phương án di dời các khu nghĩa trang nằm xen kẽ trong khu dân cư về các khu nghĩa trang tập trung theo quy hoạch. Hình thành các cơ sở hỏa táng mới để đáp ứng nhu cầu táng trong tương lai. Bố trí nhà tang lễ bảo đảm phân bố phù hợp trên địa bàn các quận, huyện.

(Chi tiết theo Phụ lục X)

2. Phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản

– Đá xây dựng: quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đá xây dựng tại 14 khu vực, tổng diện tích 452,3 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 87.324.500 m³.

– Đất san lấp: quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đất san lấp tại 16 khu vực, tổng diện tích 872,04 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quy hoạch là 87.240.000 m³ phân bố trên địa bàn huyện Hòa Vang.

(Chi tiết theo Phụ lục XV)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

– Trong mọi trường hợp, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt.

– Trong điều kiện bình thường, thực hiện phân phối đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo nhu cầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Thứ tự ưu tiên: (1) Cấp nước sinh hoạt; (2) Cấp nước nông nghiệp; (3) Cấp nước công nghiệp; (4) Cấp nước môi trường; (5) Giao thông thủy.

– Trong trường hợp hạn hán thiếu nước, hạn chế phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

– Nguồn nước chính phân bổ cho các nhu cầu dùng nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng là nguồn nước mặt sông Vu Gia – Thu Bồn (sông liên tỉnh) và lưu vực sông Cu Đê (sông nội tỉnh), trong đó:

+ Phân bổ nguồn nước sông Vu Gia (nhánh sông Yên) tại đập An Trạch và tại Cầu Đỏ để duy trì công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước Sân Bay từ 320.000 m³/ngày đêm lên 420.000 m³/ngày đêm giai đoạn 2030-2050.

+ Nghiên cứu phân bổ nguồn nước tại Sông Vu Gia (nhánh sông tại An Trạch – Bàu Nít – Hà Thanh) hoặc sông Thu Bồn (dự kiến tại Giao Thủy) để xây dựng nhà máy nước mới với công suất 120.000 m³/ngày đêm vào năm 2030 và đến 240.000 m³/ngày đêm vào năm 2050.

+ Phân bổ nguồn nước sông Cu Đê tại Nam Mỹ và Hồ Sông Bắc (đầu tư xây dựng mới Hồ Sông Bắc với dung tích 50 triệu m³) để đáp ứng công suất khai thác của nhà máy nước Hòa Liên từ 120.000 m³/ngày đêm lên 240.000 m³/ngày đêm vào năm 2030 và đạt 400.000 m³/ngày đêm vào năm 2050.

+ Phân bổ nguồn nước Hồ Hòa Trung từ 10.000 m³/ngày lên 20.000 m³/ngày đêm giai đoạn 2025-2030 và dừng khai thác vào năm 2050.

+ Phân bổ nguồn nước tại Suối Đá, Suối Tình để duy trì công suất khai thác của Nhà máy nước Sơn Trà I, II đến năm 2030 là 7.000 m³/ngày đêm và dừng khai thác hoàn toàn vào giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050.

+ Phân bổ nguồn nước Suối Lương để duy trì công suất Nhà máy nước Hải Vân đến năm 2030 là 5.000 m³/ngày đêm và dừng khai thác hoàn toàn vào giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050.

– Nước dự phòng, dự trữ cấp cho nhu cầu dùng nước được khai thác tại các hồ: Hòa Trung, Đồng Nghệ và Sông Bắc (sau khi xây dựng) và nước dưới đất.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai trên địa bàn

– Vùng bị ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh: toàn bộ vùng đất liền và trên biển, khu vực nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng là quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.

– Vùng bị ảnh hưởng của lũ, lũ quét, ngập lụt: các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Quá Giáng, Vĩnh Điện, Cu Đê…

– Vùng bị ảnh hưởng sạt lở đất, đá: huyện Hòa Vang (các xã miền núi và trung du: Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Hòa Liên); quận Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc); quận Sơn Trà (phường Thọ Quang); quận Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Tây).

– Vùng bị ảnh hưởng của sạt lở bờ biển, xâm thực biển: bờ biển các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với chiều dài khoảng 30km.

– Vùng bị ảnh hưởng sạt lở ven sông: các xã, phường dọc theo các sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ – Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện.

– Phạm vi ảnh hưởng của sóng thần: các quận ven biển Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu; Biển Đông và huyện đảo Hoàng Sa.

b) Phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Củng cố, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kè sông, kè biển (dọc vịnh Đà Nẵng, kè biển khu đô thị Đa Phước, kè Nam Ô) đảm bảo chịu được mức bão trên cấp 12, tần suất P=1%, đồng thời có tính đến hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Tăng cường tu bổ hệ thống đê, kè chống lũ đảm bảo tiêu chuẩn chống lũ cho các sông.

X. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, xác định các dự án lớn có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

(Chi tiết theo Phụ lục XVI)

XI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư

– Giai đoạn 2021-2030 dự kiến cần huy động khoảng 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (theo giá hiện hành), đạt khoảng 40% GRDP, trong đó vốn đầu tư khu vực kinh tế Nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư (giai đoạn 2021-2025 khoảng 25-30% và giai đoạn 2026-2030 khoảng 20-25%); vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 60-65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư.

– Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án động lực, trọng điểm mang tính động lực, đảm bảo tính đồng bộ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

– Thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế; tăng cường áp dụng các hình thức PPP trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng.

– Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch, đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Tập trung nghiên cứu cơ chế huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; ban hành các cơ chế chính sách đặc thù mới để tạo động lực xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị.

– Rà soát quỹ đất để có phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh khơi thông nguồn lực; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất đai.

– Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại… Mở rộng kết nối thị trường trong nước và ngoài nước; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của thành phố, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

2. Về phát triển nguồn nhân lực

– Triển khai có hiệu quả Đề án thu hút nguồn nhân lực khu vực công và đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực tư để thu hút lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn.

– Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thông qua kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, bổ sung cơ sở vật chất để thực hành đầy đủ và chuyên sâu, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế, sử dụng những chuyên gia của doanh nghiệp hướng dẫn thực hành có kỹ năng tay nghề cao…

– Tiếp tục thực hiện các chính sách về dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; dạy nghề cho lao động thuộc hộ di dời, giải tỏa mất đất sản xuất; các chính sách về tài chính như: đầu tư không hoàn lại, cho vay lãi suất ưu đãi… đối với các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, có hiệu quả và tạo nhiều việc làm.

– Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; triển khai thực hiện Đề án Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động; thu thập chính xác, đầy đủ thông tin dữ liệu cung – cầu lao động từ các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động.

– Tổ chức hiệu quả các sàn giao dịch việc làm định kỳ; tăng số lượng các phiên giao dịch việc làm di động ở các địa phương, các trường đại học, trường nghề để kết nối người học với các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng phỏng vấn, chọn lựa công việc…

– Giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết hợp việc giải quyết thất nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề. Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động.

3. Về bảo vệ môi trường, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

a) Về bảo vệ môi trường

– Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trong khu vực đô thị, các khu dân cư. Tăng cường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

– Đầu tư mới hoặc chuyển đổi công nghệ của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang công nghệ xử lý chất thải có kết hợp với thu hồi năng lượng, ưu tiên áp dụng công nghệ có hiệu quả tối ưu về tiêu chí chất lượng môi trường, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khuyến khích, phát triển sử dụng năng lượng mới đem lại hiệu quả cao.

– Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, tăng cường kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

– Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và có giải pháp nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp dân cư, khách đến du lịch và công tác tại thành phố nhằm xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn minh cho người dân và du khách, góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững.

b) Về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

– Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ.

– Triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

– Đẩy mạnh hiệu quả hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ. Phát triển về số lượng và chất lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ.

– Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hệ sinh thái.

c) Về chuyển đổi số

– Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn liền với triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

– Triển khai thực hiện quản lý quy hoạch đô thị thông minh dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị số hóa, các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo. Quản lý, duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, Kiến trúc Thành phố thông minh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và yêu cầu phát triển Chính phủ số, Thành phố thông minh.

4. Về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

– Tập trung triển khai liên kết vùng và hợp tác quốc tế đối với một số lĩnh vực được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như: du lịch, công nghệ thông tin, logistics…

– Thực hiện tốt các hoạt động liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; phối hợp xây dựng chiến lược phát triển kinh tế với mục tiêu xác định các ưu tiên trọng điểm cho mỗi địa phương gắn với lợi thế cạnh tranh của toàn vùng về khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, các sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ logistics, liên kết phát triển du lịch…

– Tăng cường hợp tác phát triển trong lĩnh vực đầu tư, logistics, thương mại, du lịch… thông qua các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối giữa Đà Nẵng, các địa phương trên tuyến tại Việt Nam với các tỉnh Nam Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.

– Cải tiến và tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nguồn đầu tư và viện trợ nước ngoài thông qua tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại nước ngoài, các đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

– Tích cực tham gia xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động văn hóa đối ngoại của địa phương. Tăng cường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) và các bộ, ngành Trung ương có liên quan trong việc giới thiệu, điều phối các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ về địa phương để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

5. Về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

– Nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng và trật tự xây dựng, tập trung quản lý quy hoạch, kiến trúc đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng các đô thị xanh, thành phố thông minh; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình và thủ tục hành chính về quản lý quy hoạch kiến trúc.

– Kiểm soát chặt chẽ nguồn lực quỹ đất, bảo vệ, sử dụng đất tiết kiệm, chuyển đổi hợp lý đất đai, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố một cách ổn định và bền vững.

– Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.

6. Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

– Kịp thời tổ chức công bố công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời phát hiện các vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai thực hiện.

– Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ.

– Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và nhu cầu của thị trường nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của từng vùng và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương, kết nối định hướng phát triển ngành, lãnh thổ và liên kết vùng; đồng thời đảm bảo thống nhất và liên kết giữa các quy hoạch.

– Xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên triển khai các dự án động lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh, có sức lan tỏa tới các dự án khác.

– Các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ở các cấp, các ngành; kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy hoạch. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát thực hiện quy hoạch, kịp thời phát hiện, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền các hành vi sai trái, ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch để xử lý theo quy định.

– Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành nhằm tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch một cách hiệu lực, hiệu quả.

XII. BẢN ĐỒ QUY HOẠCH

Chi tiết danh mục bản đồ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục XVII.

Điều 2.

1. Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ, cơ sở để triển khai lập các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các chương trình, dự án, đề án trên địa bàn phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan; đồng thời, người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ, tình hình thực tế và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch thành phố được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

3. Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

Điều 3.

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

a) Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.

b) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch; tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

d) Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

đ) Thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

e) Thực hiện rà soát nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về: (i) tính chính xác của các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác; (ii) phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này; bảo đảm tính đồng bộ, không chồng lấn, xung đột giữa các nội dung của các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật có liên quan; (iii) nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu ý kiến của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định và rà soát hồ sơ quy hoạch; (iv) thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết nêu tại Tờ trình số 176/TTr-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2023.

Điều 4. Các bộ, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết, phối hợp với thành phố nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Thành ủy Đà Nẵng;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, QHĐP (3).
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHỆ CAO, CÁC KHU CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu công nghệ cao, khu công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích (ha)
Hiện trạng2030 (dự kiến)
ACác khu công nghiệp phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (2.412 ha)
ICác KCN đã thành lập1.135,911.085,81
1Khu công nghiệp Đà NẵngQuận Sơn Trà50,1
2Khu công nghiệp Hòa KhánhQuận Liên Chiểu394394
3Khu công nghiệp Liên ChiểuQuận Liên Chiểu289,35289,35
4Khu công nghiệp Hòa CầmQuận Cẩm Lệ149,84149,84
5Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộngQuận Liên Chiểu132,6132,6
6Khu công nghiệp Hòa Cầm – giai đoạn 2 (đã có quyết định chấp thuận CTĐT)Quận Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang120,02120,02
IICác KCN có trong quy hoạch695,6637,02
1Khu công nghiệp Hòa NhơnHuyện Hòa Vang237,00237,00
2Khu công nghiệp Hòa NinhHuyện Hòa Vang400,02400,02
3Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ caoHuyện Hòa Vang58,53
IIIKCN quy hoạch mới (bổ sung)456,42
1KCN Hòa VangHuyện Hòa Vang456,42
Tổng cộng1.831,462.179,25
BKhu Công nghệ cao phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ
1Khu công nghệ caoHuyện Hòa Vang1.128,41.130
CDự kiến mở rộng khu công nghệ cao khi thành phố được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định
1Mở rộng khu công nghệ cao (đã thành lập)Huyện Hòa Vang1.710

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp, khu công nghệ cao sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẬP TRUNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287 /QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu công nghệ thông tin tập trungĐịa điểm dự kiếnDiện tích (ha)
Hiện trạng2030 (dự kiến)
ICác khu đang hoạt động
1Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà NẵngQuận Hải Châu1,0881,088
2Khu Công nghệ thông tin tập trungHuyện Hòa Vang131,093131,093
3Khu Công nghệ thông tin tập trung – Khu phức hợp Văn phòng FPTQuận Ngũ Hành Sơn5,935,93
IICác khu đang xây dựng
1Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1)Quận Hải Châu2,857
IIIMột số khu dự kiến quy hoạch mới
1Không gian sáng tạo phường Hòa XuânQuận Cẩm Lệ17,298
2Tòa nhà Viettel Đà NẵngQuận Hải Châu1,076
3Khu Công nghệ thông tin DanangBayQuận Liên Chiểu3,519
Tổng cộng162,864

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các Khu Công nghệ thông tin tập trung sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư. Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên cụm công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến (ha)Tiến độ đầu tư dự kiến
2020Đến năm 2030Sau năm 2030
ICụm công nghiệp hiện có39,5929,0929,09
1Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộngHuyện Hòa Vang29,59
2Cụm công nghiệp Cẩm LệQuận Cẩm Lệ10,029,0929,092021-2030
IICụm công nghiệp quy hoạch mới503,8728,8
1Cụm công nghiệp Hòa Khánh NamQuận Liên Chiểu13,2913,292023-2030
2Cụm công nghiệp Sơn TràQuận Sơn Trà50,6350,632023-2030
3Cụm công nghiệp Hòa Liên (*)Huyện Hòa Vang58,5358,532023-2030
4Cụm công nghiệp Hòa Liên 2Huyện Hòa Vang50,050,02023-2030
5Cụm công nghiệp Hòa NhơnHuyện Hòa Vang24,7524,752023-2030
6Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 1 (Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm)Huyện Hòa Vang44,044,02023-2030
7Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 2Huyện Hòa Vang75,075,02023-2030
8Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 3Huyện Hòa Vang46,046,02023-2030
9CCN Sản xuất thô đá mỹ nghệ Non NướcHuyện Hòa Vang47,047,02023-2030
10CCN Sản xuất vật liệu xây dựngHuyện Hòa Vang75,075,02023-2030
11Cụm công nghiệp Nam SơnHuyện Hòa Vang19,619,62023-2030
12Cụm công nghiệp Nam Sơn 2Huyện Hòa Vang75,02031-2050
13Cụm công nghiệp Hòa Vang 1Huyện Hòa Vang75,02031-2050
14Cụm công nghiệp Hòa Vang 2Huyện Hòa Vang75,02031-2050
Tổng cộng39,59532,89757,89

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.

(*) Hình thành trên cơ sở chuyển đổi từ KCN hỗ trợ Khu CNC (Khu phụ trợ phục vụ Khu CNC Đà Nẵng)

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU THỂ THAO, SÂN GÔN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trình, dự ánĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến
ICác khu thể thao
1.1Các khu hiện có
1Cải tạo, nâng cấp Bể bơi thành tích caoQuận Hải Châu8.871 m2
2Cải tạo, sửa chữa Nhà tập võ TaekwondoQuận Hải Châu9.555 m2
3Tiếp tục đầu tư hoàn thiện Khu liên hợp thể thao Hòa XuânQuận Cẩm Lệ28,7 ha
1.2Các khu dự kiến đầu tư xây dựng mới
1Trung tâm huấn luyện và đào tạo Taekwondo khu vực miền Trung tại thành phố Đà NẵngQuận Liên Chiểu2 ha
2Trung tâm thể thao chất lượng cao tại Khu vực Tây Bắc thành phốQuận Liên Chiểu2 ha
3Câu lạc bộ thể thao biểnQuận Ngũ Hành Sơn26.215 m2
4Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại Hòa XuânQuận Cẩm Lệ34 ha
5Trường đua ngựaHuyện Hòa Vang42,5 ha
6Trung tâm huấn luyện Đấu kiếm quốc tế tại Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2 ha
IICác sân gôn
2.1Các khu đang thực hiện
1Bà Nà Hills Golf ClubHuyện Hòa Vang165 ha
2BRG Da Nang Golf ResortQ. Ngũ Hành Sơn200 ha
3BRG Golf ClubQ. Ngũ Hành Sơn150 ha
2.2Các khu vực tiềm năng dự kiến phát triển sân gôn
1Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hồ Hòa TrungHuyện Hòa Vang200 ha
2Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Liên – Hòa BắcHuyện Hòa Vang200 ha
3Khu phức hợp khách sạn, sân golf Hòa Phong – Hòa PhúHuyện Hòa Vang551 ha
4Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Phú – Hòa Nhơn (cuối tuyến Bà Nà – Suối Mơ)Huyện Hòa Vang270 ha

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, đồng thời không vượt chỉ tiêu phân bổ đất đai đã được duyệt và đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh. Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Bảng 5.1: Các tuyến đường bộ đối ngoại

TTTuyến đường trong địa phận TP Đà NẵngĐiểm đầuĐiểm cuốiChiều dài dự kiến (km)(1)Quy mô tối thiểu (làn xe)Lộ trình đầu tư
2022-20252026-2030Sau 2030
ICao tốc Bắc Nam (CT.01)
1La Sơn (Thừa Thiên Huế) – Hòa Liên (Đà Nẵng)Giáp huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên HuếXã Hòa Liên, huyện Hòa Vang29,76MR (4 làn)MR (6 làn)
2Hòa Liên – Túy Loan (Đà Nẵng)Xã Hòa Liên, huyện Hòa VangXã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang12,36MR (4 làn)MR (6 làn)
3Đà Nẵng – Quảng NgãiXã Hòa Nhơn, huyện Hòa VangGiáp thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam7,86MR
IICao tốc Đà Nẵng – Kon Tum (CT.21)Đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng NamCửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum3,54XM
IIIQuốc lộ 1AQuận Liên ChiểuHuyện Hòa Vang37,24-6
IVQuốc lộ 14B32,16
Đoạn Km0+00 (Cảng Tiên Sa) – Km24+100Cảng Tiên Sa, quận Sơn TràĐường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, huyện Hòa Vang24,16
Đoạn Km24+100 – Km32+126 (giáp Quảng Nam)Đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, huyện Hòa Vang– Giáp huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam84-6MR
VQuốc lộ 14GQuốc lộ 14B, huyện Hòa VangGiáp huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam252MR
VIVành đai phía Nam4-6
Cầu Cổ Cò – QL. 1AĐường Trường Sa, quận Ngũ Hành SơnQuốc lộ 1, huyện Hòa Vang7,76MR
QL.1A – QL.14BQuốc lộ 1, huyện Hòa VangQuốc lộ 14B, huyện Hòa Vang6,46MR
VIIVành đai phía TâyQuốc lộ 14B, huyện Hòa VangĐường cao tốc đoạn Hò Liên – Túy Loan, huyện Hòa Vanga 214-6XM

(1): Chỉ tính chiều dài dự kiến trong địa phận thành phố Đà Nẵng

MR: Mở rộng; XM: Xây mới

Bảng 5.2. Dự án đầu tư cải tạo và xây dựng đường bộ theo giai đoạn

TTTên đườngĐiểm đầuĐiểm cuốiPhân kì đầu tưPhương án
IĐường trục chính đô thị
1Vành đai Tây 2Đường 601ĐT6052021-2030Làm mới
2Vành đai Tây 1Nguyễn Tất Thành nối dàiLê Văn Hiến2021-2030Làm mới Cải tạo, mở rộng
3Vành đai phía TâyĐường HCMQL14B2021-2030 2031-2045Làm mới Cải tạo, mở rộng
4Hòa Phước – Hòa KhươngQL14BQL12031-2045Cải tạo, mở rộng
5ĐT 605Vành đai Tây 2Giáp Quảng Nam2021-2030Cải tạo, mở rộng
6Bà Nà Suối Mơ Nối DàiBà Nà Suối MơVành đai phía Tây2021-2030Làm mới
7Đường nối Vành đai Tây 2 tới cao tốcVành Đai Tây 2Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi2031-2045Làm mới
8Tuyến ngầm xuyên sân bay bằng hầm đường bộVành đai tây 2Duy Tân2021-2030Làm mới
9Đường Võ Chí Công nối dàiVõ Chí CôngNam Kỳ Khởi Nghĩa2021-2030Làm mới
IIĐường chính đô thị
10Đường nối từ Đường số 2 khu CN Hòa Khánh qua nghĩa trang thành phố và ga Đà Nẵng mớiĐường số 2 KCN Hòa KhánhĐường vành đai Tây 12021-2030Làm mới
IIIĐường liên khu vực dự kiến (*)
11Đường giữa Vành đai tây và Vành đai tây 1Đường Trung TâmVành đai tây2021-2030Làm mới
12Nguyễn Sinh Sắc nối dàiQL1Hoàng Văn Thái2021-2030Làm mới
13Lê Trọng TấnQL1Vành đai tây 22021-2030Cải tạo, mở rộng
14Lê Trọng TấnVành đai tây 2Hoàng Văn Thái2021-2030Cải tạo, mở rộng
15Đường kết nối QL14B với KCN Hòa NhơnQL14BKCN Hòa Nhơn2021-2030Làm mới
16Đường kết nối Vành đai tây 1 với KCN Hòa NhơnVành đai tây 1KCN Hòa Nhơn2021-2030Làm mới
17Đường 3/2 kéo dàiNguyễn Tất ThànhBiển2021-2030Làm mới
18Đống Đa nối Lê DuẩnĐống ĐaLê Duẩn2021-2030Làm mới
19Hầm qua sông HànĐống ĐaVân Đồn2031-2045Làm mới
20Nguyễn Phước Lan nối dàiMai Đăng ChơnNam Kỳ Khởi Nghĩa2021-2030Làm mới
21Đường Ngô Xuân ThuQL1Đường ven sông Cu Đê2021-2030Cải tạo, mở rộng
22Đường Ngô Xuân Thu nối dài đi xã Hòa BắcĐường ven sông Cu ĐêĐT 6012021-2030Làm mới, cải tạo, mở rộng
IVĐường gom cho cao tốc
23Đường gom hai bên cao tốc Đà Nẵng – Quảng NgãiNút giao 14BX. Hòa Tiến, H. Hòa Vang (giáp Quảng Nam)2021-2030Làm mới
VĐường nối vào các cảng biển, cảng cạn và trung tâm logistics
24Đường nối vào cảng Liên Chiểu từ QL1AQL1ACảng Liên Chiểu2030-2050Làm mới
25Đường nối vào các trung tâm logistics và cảng cạnTheo phương án và tiến độ đầu tư các trung tâm logisticsLàm mới, cải tạo, mở rộng

Ghi chú: (*) Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

Bảng 5.3. Các nút giao thông chính khác mức

TTTên nút giaoKiểu giao cắt
Giao cắt đường bộ và đường sắt quốc gia quy hoạch
1Nút giao đường sắt với đường Vành đai TâyĐường sắt với đường trục chính
2Nút giao đường sắt với đường Nguyễn Tất Thành nối dàiĐường sắt với đường trục chính
3Nút giao đường sắt với ĐT 602Đường sắt với đường trục chính
4Nút giao đường sắt với đường trục nối với KCN Hòa KhánhĐường sắt với đường trục chính
5Nút giao đường sắt với đường Hoàng Văn TháiĐường sắt với đường trục chính
6Nút giao đường sắt với đường nối từ QL14B đến Tuyến đường Vành đai Tây 1Đường sắt với đường trục chính
7Nút giao đường sắt với QL14BĐường sắt với đường trục chính
8Nút giao đường sắt với đường nối từ KCN Hòa Cầm đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đường Hòa Cầm 1)Đường sắt với đường trục chính
9Nút giao đường sắt với Tuyến đường Vành đai Tây 1Đường sắt với đường trục chính
10Nút giao đường sắt với ĐT 605Đường sắt với đường trục chính
11Nút giao đường sắt với đường Hòa Phước – Hòa KhươngĐường sắt với đường trục chính
12Giao giữa tuyến Đường sắt Đà Nẵng – Kon Tum với Vành đai phía NamĐường sắt với đường vành đai

Bảng 5.4. Danh sách các tuyến MRT và LRT

TTKý hiệu/tên gọi tuyếnHướng tuyến dự kiến
1MRT1Bến xe phía Bắc (quy hoạch) – Nguyễn Tất Thành nối dài – KCN Hòa Khánh – Vành đai Tây 2 – đi ngầm qua sân bay Đà Nẵng – Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Tri Phương (Công viên 29.3) – Lê Duẩn – Điểm trung chuyển trung tâm (ga Đà Nẵng hiện tại)
2MRT2Cao đẳng Việt Hàn – đường Trần Đại Nghĩa – đường Lê Văn Hiến – đường Ngũ Hành Sơn – đường Ngô Quyền – đường Trần Thánh Tông – qua sông Hàn – Cảng sông Hàn – Đống Đa – điểm trung chuyển trung tâm (Ga Đà Nẵng hiện tại)
3LRT1Công viên 29.3 – Hùng Vương – chợ Hàn
4LRT2Duy Tân – qua sông Hàn – Nguyễn Văn Thoại – Bãi biển Mỹ Khê
5LRT3Ga Đà Nẵng mới – đường số 2 KCN Hòa Khánh – biển Nguyễn Tất Thành
6LRT4CHKQT Đà Nẵng – Nguyễn Văn Linh – sông Hàn – Võ Văn Kiệt – bãi biển Mỹ Khê
7LRT5Ngã 3 đường sắt quốc gia gần hồ Bàu Trảng – QL1A phía Tây sân bay – đường Trường Chinh – QL1A – Bến xe phía Nam hiện tại
8LRT6Bến xe phía Tây Nam quy hoạch – trung tâm hành chính huyện Hòa Vang – QL14B – đường 2/9 – chân cầu Trần Thị Lý
9LRT 07Ga Đà Nẵng hiện tại – đường sắt quốc gia hiện tại – ngã 3 Huế – đường Hoàng Thị Loan – bám theo đường sắt quốc gia hiện tại – Khu đô thị cảng Liên Chiểu
10LRT 08Nút giao đường Nguyễn Hữu Thọ với Duy Tân – đường Võ Chí Công – khu vực Bãi tắm Tân Trà (đường Trường Sa)
11LRT 09Cuối đường Nguyễn Tất Thành (kết nối với tuyến LRT06 và tuyến du lịch ven vịnh Đà Nẵng) – Nguyến Tất Thành nối dài đi qua Khu CNTT tập trung – dọc tuyến đường quy hoạch giữa đường cao tốc Quốc gia và đường Vành Đai Tây – Trung tâm hành chính Hòa Vang – Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân – Minh Mạng
12LRT 10Khu đô thị du lịch Bà Nà – đường Bà Nà Suối Mơ – ga Đà Nẵng (quy hoạch) – đường Hoàng Văn Thái – đường Nguyễn Sinh Sắc – Bờ biển Nguyễn Tất Thành
13LRT 11Bến xe phía Nam – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Cao đẳng Việt Hàn
14LRT du lịch sông HànBạch Đằng – cảng sông Hàn – qua sông Hàn – Vân Đồn – Trần Hưng Đạo – qua sông Hàn (song song cầu Trần Thị Lý) – đường 2/9 – Bạch Đằng
15 LRT du lịch bờ biển Mỹ Khê – Phạm Văn ĐồngNút giao Võ Quý Huân với Trường Sa – Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa – Lê Đức Thọ – Yết Kiêu – cảng Tiên Sa
16LRT du lịch bờ biển Nguyễn Tất ThànhNút giao đường Nguyễn Tất Thành nối dài với Nguyễn Tất Thành – dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành – đường 3.2

Bảng 5.5. Danh sách các ga trung chuyển chính của hệ thống MRT và LRT

a) Danh sách các điểm trung chuyển cấp 1 của mạng lưới MRT, LRT

TTTên điểm trung chuyểnVị trí dự kiếnCác tuyến LRT chạy qua
1Ga trung chuyển Trung tâmGa Đà Nẵng hiện tại (sau khi di dời). Bố trí nổi, ngầmMRT02, LRT 07
2Ga trung chuyển Cảng sông HànĐường Như Nguyệt cạnh Cảng sông Hàn. Bố trí nổi, ngầmMRT02, tuyến vận tải du lịch mặt đất số 2, các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa (tuyến du lịch, nội tỉnh và liên tỉnh đi Quảng Nam)
3Ga trung chuyển CV 29/3 (đi Cảng HKQT Đà Nẵng)Gần nút giao Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Văn LinhMRT 02, LRT 08 trung chuyển với MRT 01 đi Cảng HKQT Đà Nẵng.
4Ga trung chuyển Ga hành khách Đà Nẵng mớiBố trí 01 tuyến vận tải kết nối ga Đà Nẵng mới với nhà ga tuyến LRT10 tại vị trí gần giao cắt đường Bà Nà – Suối Mơ với đường AH1Ga MRT1 và LRT4 kết nối với Nhà ga nội địa và quốc tế quy hoạch
5Ga trung chuyển tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng(1) Ga điểm đầu tuyến LRT4 kết nối vào Nhà ga quốc tế mới. Vị trí dưới bãi đỗ xe trước ga hành khách nội địa hiện nay(2) Ga điểm đầu tuyến LRT4 kết nối vào nhà ga nội địa mới. Vị trí ngay trước khi tuyến MRT1 ra khỏi ranh giới phía Đông sân bayLRT03, LRT 10 kết nối ga Đà Nẵng mới

b) Danh sách các điểm trung chuyển cấp 2 và 3 của mạng lưới MRT, LRT

TTTên điểm trung chuyểnTTTên điểm trung chuyển
Điểm trung chuyển cấp 2Điểm trung chuyển cấp 3
1MRT1 với BX phía Bắc1LTR 1 với LRT du lịch ven sông Hàn
2MRT1 với LRT 92LTR 4 với LRT du lịch ven sông Hàn
3MRT1 với LRT 33LTR 2 với LRT 8
4MRT1 với LRT 104LTR 2 với LRT du lịch ven sông Hàn
5MRT1 với LRT 55LTR 2 với LRT 6
6MRT1 với LRT 26LTR 2 với LRT 8
7MRT1 với LRT 47LTR 2 với LRT 9
8MRT1 với LRT 18LTR 2 với LRT du lịch ven biển Mỹ Khê
9MRT2 với LRT du lịch ven biển Mỹ Khê9LTR 3 với LRT 7
10MRT2 với LRT 410LTR 3 với LRT 9
11MRT2 với LRT 211LTR 5 với LRT 6
12MRT2 với LRT 912LTR 5 với LRT 7
13MRT2 với LRT 1113LTR 5 với LRT 9
14LTR 6 với LRT 8
15LTR 6 với LRT 9
16LTR 7 với LRT 9
17LTR 7 với LRT 10
18LTR 9 với LRT 10
19LTR 10 với LRT du lịch ven biển NTT

c) Danh sách các depot của các tuyến MRT, LRT

TTSố hiệu tuyếnDự kiến nhu cầu đất (ha)Ghi chú
1MRT0125,0Depot đặt gần Bến xe phía Bắc
2MRT0225,0Depot đặt gần Trường đại học Việt Hàn
3LRT010,5Depot đặt gần nút giao Nguyễn Chí Thanh – Hùng Vương
4LRT021,0Depot đặt chân cầu Trần Thị Lý bờ Đông sông Hàn
5LRT033,0Depot đặt tại điểm cuối tuyến (xã Hòa Nhơn)
6LRT041,0Depot đặt tại khu đất trống giao Nguyễn Văn Linh – Man Thiện
7LRT0515,0Depot đặt gần Bến xe phía Nam
8LRT111,0
9LRT0620,0Depot đặt gần Bến xe phía Tây Nam
10LRT0715,0Depot đặt tại KCN Liên Chiểu
11LRT0815,0Depot đặt gần Trường đại học Việt Hàn
12LRT0930,0Depot đặt tại xã Hòa Nhơn
13LRT1015,0Depot đặt gần Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ
14LRT du lịch 2 bờ sông Hàn5,00Depot đặt gần chân cầu Thuận Phước (bờ Tây)
15LRT du lịch dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành (N02)6,00Depot đặt gần chân cầu Thuận Phước (bờ Tây)
16LRT du lịch dọc bờ biển Mỹ Khê – Phạm Văn Đồng (N01)8,00Depot đặt trong khu đất cảng Tiên Sa (quy hoạch chuyển đổi thành cảng khách quốc tế)
Tổng185,5

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Bảng 6.1. Quy hoạch luồng tuyến phát triển cảng thủy nội địa

TTTên sôngChiều dài dự kiến (km)Cấp kỹ thuật
Hiện trạngNăm 2030
1Sông Hàn (đoạn từ cửa sông Hàn đến hạ lưu cầu sông Hàn)4II
2Sông Hàn (đoạn từ hạ lưu cầu sông Hàn đến cầu Nguyễn Văn Trỗi)2,4IIIIII
3Sông Hàn (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến ngã ba sông Hàn – Vĩnh Điện – Cẩm Lệ)3IVIV
4Sông Vĩnh Điện10,3VV định hướng IV
5Sông Cẩm Lệ8,7VV
6Sông Túy Loan14,1VIVI
7Sông Yên6,1VI
8Sông Quá Giáng (Bầu Sấu)2,3VI
9Sông Cu Đê39,7VV
10Sông Cổ Cò (đoạn từ ngã ba Vĩnh Điện, Cổ Cò đến hạ lưu chùa Quan Âm)3,5VV
11Sông Cổ Cò (đoạn từ hạ lưu chùa Quan Âm đến điểm cuối sông)4,8VIV

Bảng 6.2. Danh sách cảng, bến hành khách đường thủy nội địa dự kiến

TTTên bên thủy nội địaĐịa điểm dự kiến
ITuyến du lịch sông Hàn: 11 vị trí
1Bến du thuyền quốc tế Thuận PhướcQuận Sơn Trà
2Bến du thuyền quốc tế Đa PhướcQuận Hải Châu
3Bến du thuyền tại khu vực dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng – Marina ComplexQuận Sơn Trà
4Bến tại khu vực dự án Olalani Riverside TowerQuận Sơn Trà
5DHC-MARINA bến du thuyền và câu lạc bộ thể thao dưới nước (đã xây dựng)Quận Sơn Trà
6Bến/ Cầu tàu tại khu vực Khu dịch vụ du lịch ven sông HànQuận Sơn Trà
7Khu vực hợp Bến cảng du thuyền sông HànQuận Hải Châu
8Cảng sông HànQuận Hải Châu
9Cảng phía Tây cầu Nguyễn Văn TrỗiQuận Hải Châu
10Bến thuyền tại khu công viên chuyên đề văn hóa và vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía Đông Nam Đài tưởng niệmQuận Hải Châu
11Bến thuyền tại dự án Tổ hợp công trình thương mại dịch vụ kết hợp ở phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà NẵngQuận Ngũ Hành Sơn
IITuyến du lịch sông Cu Đê – sông Trường Định: 05 vị trí
12Khu vực phía Bắc cầu Nam ÔQuận Liên Chiểu
13Khu vực bến Hầm Vàng trên tuyến sông Cu Đê cách cầu Nam Ô khoảng 1 km (cuối đường Ngô Xuân Thu)Quận Liên Chiểu
14Khu vực dự án Golden Hills CityQuận Liên Chiểu
15Khu vực dự án Golden Hills City mở rộngHuyện Hòa Vang
16Khu vực Khe Răm, xã Hòa Bắc (định hướng du lịch tắm, thăm quan suối Khe Răm)Huyện Hòa Vang
IIITuyến du lịch sông Cổ Cò – Sông Cái (Sông Vĩnh Điện): 13 vị trí
17Khu vực khu di tích lịch sử làng văn hóa K20Quận Ngũ Hành Sơn
18Cầu tàu tại khu vực chùa Quan Thế Âm thuộc khu công viên văn hóa lịch Ngũ Hành SơnQuận Ngũ Hành Sơn
19Khu vực khu đô thị công nghệ FPT Đà NẵngQuận Ngũ Hành Sơn
20Khu vực khu liên hợp thể dục thể thao Hòa XuânQuận Cẩm Lệ
21Khu vực Khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi theo tiêu chuẩn Nhật Bản (phía Đông sông Vĩnh Điện đoạn giáp Quảng Nam)Quận Ngũ Hành Sơn
22Cầu tàu tại khu vực KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò N4.1Quận Ngũ Hành Sơn
23Cầu tàu tại khu vực KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò N4.2Quận Ngũ Hành Sơn
24Cầu tàu tại khu vực KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò N4.3Quận Ngũ Hành Sơn
25Bến thuyền tại khu vực KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò N4.4Quận Ngũ Hành Sơn
26Bến thuyền tại khu vực KĐT ven sông Hòa Quý – Đồng Nò N4.5Quận Ngũ Hành Sơn
27Cầu tàu tại khu vực khu mở rộng Khu đô thị ven sông Hoà Quý – Đồng Nò về phía ĐôngQuận Hành Sơn
28Bến khu vực cầu Cổ Cò mới đường Võ Quí HuânQuận Ngũ Hành Sơn
29Bến tại dự án Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (vị trí 1 tại chân cầu Bùi Tá Hán)Quận Cẩm Lệ
IVTuyến du lịch sông Cẩm Lệ – Sông Túy Loan – sông Yên: 10 vị trí
30Khu vực Trung tâm hội chợ triển lãmQuận Cẩm Lệ
31Khu vực làng Phong LệQuận Cẩm Lệ
32Khu vực Cẩm Nê, xã Hòa TiếnHuyện Hòa Vang
33Khu vực khu di tích đình làng Túy LoanHuyện Hòa Vang
34Khu vực khu du lịch Thái Lai (đã xây dựng)Huyện Hòa Vang
35Khu vực Bara An Trạch – xã Hòa KhươngHuyện Hòa Vang
36Khu vực vùng rau Túy LoanHuyện Hòa Vang
37Khu vực chùa Quang HưngHuyện Hòa Vang
38Khu bến tại dự án Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (vị trí 2 tại Công viên Bãi Chuối)Quận Cẩm Lệ
39Cầu tàu tại dự án Khu Đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (vị trí 3 tại khu thể thao)Quận Cẩm Lệ
VKhu vực vịnh Đà Nẵng: 04 vị trí
40Khu vực khu du lịch Làng VânQuận Liên Chiểu
41Khu vực bãi Sủng CỏQuận Liên Chiểu
42Khu vực bãi Mà ĐaQuận Liên Chiểu
43Khu vực Xuân ThiềuQuận Liên Chiểu
VITuyến du lịch xung quanh Bán đảo Sơn Trà: 19 vị trí trí ký hiệu từ T1 đến T10; từ X16 đến X22; N9 (Bến du thuyền cảng Tiên Sa) và N10 (Bến du thuyền khu nghỉ dưỡng Inter Continental)
VIIKhu vực tránh trú bão cho các tàu du lịch: 02 vị trí
63Khu neo đậu bờ hữu cầu Nguyễn Tri PhươngQuận Cẩm Lệ
64Khu neo đậu vực sông Cổ Cò (Thượng lưu X5- Đồng Nò)Quận Ngũ Hành Sơn

PHỤ LỤC VII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CẤP ĐIỆN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Bảng 7.1. Nguồn cấp điện tiềm năng

TTNguồn điệnCông suất (MW)Địa điểm
1Năng lượng mặt trời mái nhà1.138Toàn thành phố
2Năng lượng sinh khối15Khu công nghiệp Liên Chiểu (đã được phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2021 về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)
3Năng lượng từ xử lý chất thải rắn18Bãi rác Khánh Sơn, Quận Liên Chiểu (đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh)
36Khu xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng
4Điện gió gần bờ và ngoài khơi500Quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn

Ghi chú: Việc triển khai các dự án nêu trên chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.

Bảng 7.2. Lưới điện

TTNội dungĐơn vịQuy mô, công suất dự kiến giai đoạn 2021-2030
ILưới điện 500kV
1TBA 500kV
Cải tạo, nâng công suấttrạm/máy/MVA900MVA→1800MVA
2Đường dây 500kVkm
Xây dựng mớikm37,2
IILưới điện 220kV
1TBA 220kV
Xây dựng mớitrạm/máy/MVA04/04/1.000MVA
Cải tạotrạm/máy/MVA02/02/500MVA
2Đường dây 220kV cải tạo, xây dựng mớikm
Xây dựng mớikm43,4
Cải tạokm23
IIILưới điện 110kV
1TBA 110kV
Xây dựng mới
Số TBATBA10
Công suấtMVA733
Cải tạo
Số TBATBA12
Công suấtMVA665
2Đường dây 110kV cải tạo, xây dựng mới
Xây dựng mớikm59,43

Bảng 7.3. Trạm biến áp, đường dây 500 kV

TTHạng mụcĐơn vịQuy mô đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2030
ATrạm biến áp 500kV
1Cải tạo trạm 500kV Đà Nẵng, thay 02 MBA 450MVA bằng 02 MBA 900MVAMVA1.800
BXây mới đường dây 500kV
1Quảng Trạch – Dốc SỏiKm2×30,4
2Mạch 2 Đà Nẵng – Dốc SỏiKm2×6,8

Bảng 7.4. Trạm biến áp, đường dây 220 kV

TTHạng mụcĐơn vịQuy mô đầu tư dự kiến
2021-20302031-2050
ATrạm biến áp 220 kV
IXây mới1.000
1Trạm 220 kV Hải Châu, máy 1MVA250
2Trạm 220 kV Sân bay Đà Nẵng, máy 1MVA250
3Trạm 220 kV Liên Chiểu, máy 1MVA250
4Trạm 220 kV Tiên Sa, máy 1MVA250
IICải tạo500750
1Trạm 220 kV Ngũ Hành Sơn, máy 2MVA250
2Trạm 220 kV Hải Châu, máy 2MVA250
3Trạm 220 kV Sân bay Đà Nẵng, máy 2MVA250
4Trạm 220 kV Liên Chiểu, máy 2MVA250
5Trạm 220 kV Tiên Sa, máy 2MVA250
BĐường dây 220 kV
IXây mới43,49
1Hải Châu – Hòa Khánhkm2×9,9
2Hải Châu – Ngũ Hành Sơnkm2×10,5
3Liên Chiểu – rẽ Hòa Khánh – Huếkm4×3
4Sân bay Đà Nẵng – rẽ Hòa Khánh – Đà Nẵngkm2×8
5Tiên Sa (An Đồn) – rẽ Hải Châu – Ngũ Hành Sơnkm2×4
6Hòa Khánh – rẽ Hải Châu – Đà Nẵngkm2×1
Xây mới nâng khả năng tải và cấp điện ngoài tỉnh đi qua địa bàn Đà Nẵng
7Đà Nẵng – Điện Bànkm2×8
8Đà Nẵng 500 kV – rẽ Ngũ Hành Sơn – Duy Xuyênkm2×8
IICải tạo, nâng tiết diệnkm23
1Nâng khả năng tải Huế – Hòa Khánhkm2×15
2Đà Nẵng – Tam Kỳ – Dốc Sỏikm2×8

Bảng 7.5. Trạm biến áp, đường dây 110 kV

TTHạng mụcĐơn vịQuy mô đầu tư dự kiến
2021-20302031-2050
ATrạm 110kV
IXây dựng mới733630
1Chi LăngMVA126
2Thuận PhướcMVA63
3Cảng Tiên SaMVA40
4Hòa PhongMVA63
5NM Thép Đà NẵngMVA63
6Cảng Liên ChiểuMVA63
7Khuê TrungMVA63
8Hòa Khánh NamMVA126
9Thọ QuangMVA63
10Sân bay Đà NẵngMVA63
11Hòa HảiMVA63
12Hòa Liên 2MVA63
13Hòa NhơnMVA63
14Làng VânMVA126
15An HảiMVA63
16Hòa ChâuMVA63
17Hòa SơnMVA63
18Phước LýMVA63
19Công viên 29/3MVA63
IICải tạo585693
1An Đồn, mở rộng 01 ngăn lộ 110kVMVA
2Thuận Phước, lắp máy 2-63MVAMVA63
3Khuê Trung, lắp máy 2-63MVAMVA63
4Quận 3, thay máy biến áp 40MVA bằng máy biến áp 63MVAMVA23
5Liên Chiểu, thay 2 máy biến áp 40MVA bằng 2 máy biến áp 63MVAMVA46
6Cầu Đỏ, thay máy biến áp 40MVA bằng máy biến áp 63MVAMVA23
7NM Thép Đà Nẵng, lắp máy 2-63MVAMVA63
8Ngũ Hành Sơn, thay máy biến áp 40MVA bằng máy biến áp 63MVAMVA23
9Cảng Tiên Sa- Lắp máy 2-40MVA- Thay 02 máy biến áp 40MVA bằng 02 máy biến áp 63MVAMVA40 46
10Hòa Xuân- Lắp máy 2-40MVA- Thay 02 máy biến áp 40MVA bằng 02 máy biến áp 63MVAMVA40 46
11Hòa Liên, thay 2 máy biến áp 40MVA bằng máy biến áp 63MVAMVA46
12Hòa Phong, lắp máy 2MVA63
13Sân bay Đà NẵngMVA63
14Thọ Quang, lắp máy 2MVA63
15Cảng Liên ChiểuMVA63
16Hòa Hải, lắp máy 2MVA63
17An Hải, lắp máy 2MVA63
18Hòa Nhơn, lắp máy 2MVA63
19Hòa Liên 2, lắp máy 2MVA63
20Hòa Châu, lắp máy 2MVA63
21Hòa Sơn, lắp máy 2MVA63
22Phước Lý, lắp máy 2MVA63
23Công viên 29/3, lắp máy 2MVA63
BĐường dây 110kV
IXây dựng mớikm60,6323,1
1Xuân Hà – Chi Lăng, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×3,1
2An Đồn – Cảng Tiên Sa, cáp ngầm XLPE-1200mm2km1×4,9
3Thuận Phước – Cảng Tiên Sa, cáp ngầm XLPE-1200mm2km1×9,6
4Nhánh rẽ trạm 110kV Hòa Phongkm2×0,03
5Nhánh rẽ trạm Hòa Liên, tuyến thứ 2km2×2,2
6Nhánh rẽ trạm 220kV Hải Châu vào tuyến cáp ngầm 110kV Xuân Hà – Chi Lăng, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×0,5
7Xuất tuyến 110kV sau trạm biến áp 220kV Hải Châu, cáp ngầm XLPE-1200mm2km1×5
8Xuất tuyến 110kV sau trạm biến áp 220kV Liên Chiểu đến trạm biến áp 110kV Cảng Liên Chiểu, cáp ngầm XLPE-1200mm2km4×4,0
9Xuất tuyến 110kV sau trạm biến áp 220kV Liên Chiểu, cáp ngầm XLPE-1200mm2km4×1,0
10Quận 3 – Điện Nam – Điện Ngọckm2×15
11Nhánh rẽ trạm 110kV Khuê Trung, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×1
12Liên Chiểu – NM Thép Đà Nẵngkm2×1,5
13Nhánh rẽ trạm 110kV Hòa Khánh Nam, cáp ngầm XLPE- 1200mm2km2×1
14Tiên Sa (220kV) – Thọ Quang, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×6
15Nhánh rẽ trạm 110kV Sân bay Đà Nẵng, cáp ngầm XLPE- 1200mm2km2×0,1
16Xuất tuyến trạm 110kV Sân bay Đà Nẵng, cáp ngầm XLPE- 1200mm2km4×0,5
17Nhánh rẽ trạm 110kV Hòa Hải, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×4
18Nhánh rẽ trạm 110kV Cảng Liên Chiểu, cáp ngầm XLPE- 1200mm2km2×1,2
19Nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Hòa Liên 2km2×0,1
20Nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Hòa Nhơnkm2×5
21Nhánh rẽ trạm 110kV Làng Vân, cáp ngầm XLPE-1200mm2km4×3
22Ngũ Hành Sơn (220kV) – An Hải, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×3
23Nhánh rẽ trạm 110kV Hòa Châukm2×1
24Nhánh rẽ trạm 110kV Hòa Sơnkm2×1
25Hòa Liên (220kV) – Hòa Khánh Namkm2×6
26Nhánh rẽ trạm 110kV Công viên 29/3, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×1
27Sân bay Đà Nẵng – Phước Lý, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×3
IICải tạo, nâng tiết diệnkm97,267
1Mạch 2 Quận 3 (Ngũ Hành Sơn) – An Đồn, cáp ngầm XLPE- 1200mm2km1×4,9
2Mạch 2 Đà Nẵng – Đại Lộckm2×14,8
3Hòa Khánh – Hòa Khánh 2km2×1,862
4Cầu Đỏ – Hòa Khánhkm2×11,2
5Nhánh rẽ vào trạm biến áp 110kV Xuân Hàkm2×4
6Nhánh rẽ vào trạm biến áp 110kV Cầu Đỏkm2×15,5
7Nhánh rẽ vào trạm biến áp 110kV Liên Trìkm2×4,4
8Cải tạo tuyến Điện Nam Điện Ngọc – Ngũ Hành Sơn (220kV)km2×14,6
9Ngầm hóa đoạn tuyến từ T413-T401 đường dây 110kV Huế-Đà Nẵng đi qua dự án Golden Hills city, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2,47
10Đà Nẵng – Điện Bànkm6,1
11Đà Nẵng – Điện Nam Điện Ngọckm15,3
12Dự án di dời, hạ ngầm đường dây 110kV Hòa Khánh 2 – Cầu Hai/Lăng Cô, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×0,335
13Cải tạo, di dời, hạ ngầm đường dây 110kV nhánh rẽ Xuân Hà, cáp ngầm XLPE-1200mm2km2×4
14Hạ ngầm đường dây 110kV Quận Ba – An Đồn, đoạn từ trạm biến áp 110kV Quận Ba đến cột H60A và từ cột H62 đến cột H63km2×1,8

Ghi chú: Việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV phải căn cứ vào Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

PHỤ LỤC VIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THỦY LỢI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnMục tiêu
ITrạm bơm cải tạo
1Cải tạo, sửa chữa trạm 02 bơm An Trạch, Bích BắcHuyện Hòa VangCấp nước sản xuất cho huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn
IIHồ cải tạo
1Nâng cấp đảm bảo an toàn hồ, nạo vét chống bồi lấp và tăng dung tích chứa 03 hồ Đồng Nghệ, Hòa Trung và Trước ĐôngHuyện Hòa VangCấp nước sinh hoạt, sản xuất cho huyện Hòa Vang, các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ
IIIHồ xây mới
1Xây dựng mới hồ chứa nước Sông Bắc (giai đoạn 2)Huyện Hòa VangCấp nước sinh hoạt, sản xuất cho huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu
IVĐập dâng
1Nâng cấp, sửa chữa đập dâng An Trạch, Hà ThanhHuyện Hòa VangCấp nước sản xuất cho huyện Hòa Vang và cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Đà Nẵng

PHỤ LỤC IX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP NƯỚC, XỬ LÝ NƯỚC THẢI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiến
ACÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC
ICải tạo, nâng cấp
1Nhà máy nước Cầu ĐỏQuận Cẩm Lệ
2Nhà máy nước Sân bayQuận Hải Châu
3Nhà máy nước Hòa LiênHuyện Hòa Vang
4Nhà máy nước Hòa TrungHuyện Hòa Vang
5Các nhà máy nước Suối Lương, Suối Đá, Suối TìnhQuận Sơn Trà, Liên Chiểu
IIXây dựng mới
1Nhà máy nước sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia (nhánh sông An Trạch – Bàu Nít – Hà Thanh) hoặc sông Thu BồnHuyện Hòa Vang
2Đầu tư xây dựng trạm bơm tại huyện Đại Lộc và tuyến ống chuyển dẫn nước thô để bơm, dẫn nước sông Thu Bồn về An TrạchHuyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
BCÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ NƯỚC THẢI
ICải tạo, nâng cấp
1Trạm xử lý nước thải Phú LộcQuận Thanh Khê
2Trạm xử lý nước thải Sơn TràQuận Sơn Trà
3Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành SơnQuận Ngũ Hành Sơn
4Trạm xử lý nước thải Hòa XuânQuận Cẩm Lệ
5Trạm xử lý nước thải Liên ChiểuQuận Liên Chiểu
IIXây dựng mới
1Trạm xử lý nước thải Hòa Nhơn, Hòa VangHuyện Hòa Vang
2Các trạm xử lý nước thải phân tán, cục bộ cho khu vực phía Tây Nam thành phốHuyện Hòa Vang

PHỤ LỤC X

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGHĨA TRANG, CƠ SỞ HỎA TÁNG, KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcĐịa điểm dự kiến
AQuy hoạch nhà tang lễ, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng
IHiện trạng, cải tạo, nâng cấp
1Nghĩa trang Hòa NinhHuyện Hòa Vang
2Nghĩa trang Hòa SơnHuyện Hòa Vang
3Nghĩa trang Gò CàHuyện Hòa Vang
4Nghĩa trang tại thôn An Châu, xã Hòa PhúHuyện Hòa Vang
5Nghĩa trang phục vụ giải tỏa dự án đường Hồ Chí MinhHuyện Hòa Vang
6Nghĩa trang phục vụ di dời mộ đồng bào dân tộc Cơ TuHuyện Hòa Vang
7Nhà tang lễ đường Quang TrungQuận Hải Châu
8Nhà tang lễ đường Lê Đại HànhQuận Cẩm Lệ
9Nhà tang lễ Quân khu V, đường Nguyễn Hữu ThọQuận Hải Châu
10Nhà hỏa táng tại Nghĩa trang Hòa SơnHuyện Hòa Vang
IIXây dựng mới
1Nhà hỏa táng mới tại nghĩa trang thôn An Châu, xã Hòa PhúHuyện Hòa Vang
2Nhà tang lễ nhân dân số 2 phường Hòa MinhQuận Liên Chiểu
3Nhà tang lễ tại khu đất dự trữ phát triển bệnh viện Đà Nẵng, phường Hòa QuýQuận Ngũ Hành Sơn
4Nhà tang lễ tại khu đất bệnh viện chất lượng cao – khu công nghiệp An ĐồnQuận Sơn Trà
5Nhà tang lễ tại xã Hòa NhơnHuyện Hòa Vang
6Nhà tang lễ tại bệnh viện định hướng xây dựng tại xã Hòa SơnHuyện Hòa Vang
7Nhà tang lễ tại khu đất quy hoạch trụ sở khám bệnh chất lượng cao và trung tâm đào tạo cán bộ tại thành phố Đà NẵngQuận Cẩm Lệ
BKhu xử lý chất thải rắn tập trung
1Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (công suất 1.800-2.000 tấn/ngày)Quận Liên Chiểu
2Các trạm trung chuyển rác tại các quận, huyện (công suất khoảng 500 tấn/ngày/trạm)Các quận/huyện
3Các nhà máy xử lý chất thải nguy hại (công suất khoảng 250-500 tấn/ngày)Thành phố Đà Nẵng
4Hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phốThành phố Đà Nẵng
5Các nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt (khoảng 1.000-2.000 tấn/ngày)Thành phố Đà Nẵng
6Các nhà máy xử lý bùn thải (công suất khoảng 500 m3/ngày)Thành phố Đà Nẵng
7Các nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng (công suất khoảng 2.000 tấn/ngày)Thành phố Đà Nẵng
8Đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (Hộc rác số 7 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn)Quận Liên Chiểu
9Khu chôn lấp tro xỉQuận Liên Chiểu

Ghi chú: Quy mô, công nghệ từng nhà máy do thành phố quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành.

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VĂN HÓA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcSố lượngĐịa điểm dự kiến
IDi tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận02
IIDi tích cấp quốc gia25
1Đã được công nhận17
2Phấn đấu được công nhận mới (cấp quốc gia và cấp cao hơn)08Thành phố Đà Nẵng
IIIDi tích cấp thành phố
1Đã được công nhận65
2Phấn đấu được công nhận mới20-25Thành phố Đà Nẵng
IVDi sản phi vật thể đã được công nhận7
VBảo vật quốc gia
1Đã được công nhận6
2Phấn đấu được công nhận mới1-2Thành phố Đà Nẵng
VIDanh mục dự án, thiết chế văn hóa cấp thành phố xây dựng mới thời kỳ 2021-2030
1Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn01Quận Ngũ Hành Sơn
2Di tích Thành Điện Hải01Quận Hải Châu
3Công viên tại khu đất Đài phát sóng An Hải01Quận Sơn Trà
4Bảo tàng Đà Nẵng tại 42, 44 Bạch Đằng, 31 Trần Phú01Quận Hải Châu
5Cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và dự án chiếu sáng nghệ thuật “Dòng sông ánh sáng”01Quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn
6Di tích Hải Vân Quan01Quận Liên Chiểu
7Nâng cấp, cải tạo công viên 29 tháng 301Quận Thanh Khê
8Bảo tàng tranh “trận chiến 1858-1860” tại Đà Nẵng01Đang tìm địa điểm
9Nhà hát lớn thành phố01Quận Hải Châu
10Trường quay Đà Nẵng01H.Hòa Vang/Q.Sơn Trà
11Đầu tư quảng trường Trung tâm01Quận Hải Châu
12Bảo tàng biển Việt Nam tại Đà Nẵng01Quận Sơn Trà
13Công viên Thanh Niên01Quận Cẩm Lệ
14Trung tâm văn hóa – Điện ảnh thành phố01Quận Cẩm Lệ
15Bảo tàng Chăm cơ sở 2 tại Phong Lệ01Quận Cẩm Lệ
16Thư viện Khoa học Tổng hợp cấp vùng01Quận Hải Châu
17Thư viện Khoa học Tổng hợp khu vực Tây Bắc01Quận Liên Chiểu
18Thư viện Khoa học Tổng hợp Nam thành phố01Huyện Hòa Vang
19Thư viện Khoa học Tổng hợp Đông Nam thành phố01Quận Ngũ Hành Sơn
20Bảo tàng Mỹ thuật cơ sở 201Thành phố Đà Nẵng
21Nhà trưng bày các tác phẩm, hiện vật do các tổ chức cá nhân hiến tặng01Quận Hải Châu
22Khu tổ hợp công trình thương mại dịch vụ kết hợp ở phục vụ Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng01Quận Ngũ Hành Sơn

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ (HẠNG 1) VÀ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

12.1. Hạ tầng thương mại

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnCấp hạng
Hiện trạngNăm 2030
ACHỢ
1Chợ CồnQuận Hải Châu11
2Chợ HànQuận Hải Châu11
3Chợ Đống ĐaQuận Hải Châu11
4Chợ MớiQuận Hải Châu11
5Chợ đầu mối Hòa CườngQuận Hải ChâuĐầu mối
6Chợ chuyên doanh rau củ quả phía Tây thành phốQuận Liên Chiểu1
7Chợ Hòa KhánhQuận Liên Chiểu11
8Chợ Bắc Mỹ AnQuận Ngũ Hành Sơn21
9Chợ Đầu mối Thuỷ sản Thọ QuangQuận Sơn TràĐầu mốiĐầu mối
10Chợ Thọ QuangQuận Sơn Trà1
11Chợ Siêu thị Đà NẵngQuận Thanh Khê11
12Chợ Đầu mối Hòa PhướcHuyện Hòa VangĐầu mối
BHẠ TẦNG THƯƠNG MẠI KHÁC
1Khu logistics dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối và ngành bán buôn thành phố Đà NẵngHuyện Hòa Vang
2Khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèmHuyện Hòa Vang
3Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Đà Nẵng (hạng A)Huyện Hòa Vang
4Khu thương mại tự do, các khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèmQ. Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, H. Hòa Vang

Ghi chú: Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

12.2. Hạ tầng dự trữ xăng dầu mở rộng, xây mới

TTTên khoĐịa điểm dự kiếnQuy mô dự kiến (m3)Diện tích dự kiến (m2)Thời gian dự kiếnGhi chú
IMở rộng, nâng công suất (cấp Quốc gia1)26.000
1Mở rộng kho xăng dầu Khuê MỹQuận Ngũ Hành Sơn+10.0002021-2030Hiện trạng 76.200 m3
2Mở rộng kho xăng dầu Liên Chiểu K83Quận Liên Chiểu+10.0002021-2025Hiện trạng 35.930 m3
3Mở rộng kho xăng dầu PETECQuận Liên Chiểu+6.0002021-2025Hiện trạng 9.900 m3
IIĐầu tư, xây dựng mới (cấp Quốc gia)55.00032.000-52.000
1Kho xăng dầu Tiên SaQuận Sơn Trà40.00020.000-40.0002021-2030
2Kho xăng dầu Liên ChiểuQuận Liên Chiểu15.00012.0002021-2030
IIIĐầu tư, xây dựng mới (cấp tỉnh)9.80010.000
1Kho xăng dầu Hoà Hiệp BắcQuận Liên Chiểu5.0005.0002021-2030
2Kho xăng dầu tại quận Sơn Trà (kho nổi kết hợp cấp phát trên cạn)Quận Sơn Trà4.8005.0002021-2030
Tổng cộng90.80042.000-62.000Hiện trạng 164.590 m3

Ghi chú: Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

____________________

1 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

12.3. Tuyến ống xăng dầu (cấp Quốc gia)

TTTuyếnChiều dài tuyến (km)Thời gian dự kiến
1Xây mới tuyến ống xăng dầu Liên Chiểu – Hòa Liên10-202031-2050

12.4. Hạ tầng kho/trạm khí đốt, đường ống dẫn khí

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnSức chứa, công suất
2021-20302031-2050
IHạ tầng dự trữ LPG mở rộng, xây mới cấp Quốc gia (tấn)12.00010.000
1Mở rộng kho LPG Petrolimex Đà NẵngQuận Sơn Trà1.000
2Kho LPG Thọ Quang Đà Nẵng (xây mới)Quận Sơn Trà6.000
3Kho LPG Liên Chiểu Đà Nẵng (xây mới)Quận Liên Chiểu5.00010.000
IIHạ tầng dự trữ LNG cấp Quốc gia (triệu tấn/năm)
1Kho LNG Liên Chiểu Đà Nẵng (xây mới)Quận Liên Chiểu0,5-11
IIITuyến ống dẫn khí cấp Quốc gia (tỷ m3/năm)
1Các hệ thống đường ống dẫn khí từ các kho LNG tới các nhà máy điện, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hộ tiêu thụ…0,5-3(*)
IVHạ tầng dự trữ LPG xây mới cấp tỉnh (tấn/trạm)
1Các trạm chiết nạp LPG trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao tại Đà NẵngCác Khu CN, cụm CN, Khu CNC500-1.500
VHạ tầng dự trữ LNG, CNG cấp tỉnh
1Trạm nạp CNG (tấn/năm)KCN Hòa Cầm, Quận Cẩm Lệ300
2Trạm nạp CNG (tấn/năm)KCN Hòa Khánh, Quận Liên Chiểu300
3Các trạm cấp khí trung tâm CNG/LNG (tỷ m3/năm)Các KCN, CCN, Khu CNC0,01-0,1
VITuyến ống dẫn khí cấp tỉnh (tỷ m3/năm)
1Các hệ thống đường ống phân phối khí thấp ápCác Khu CN, CCN, Khu CNC0,1-0,3(*)
VIIPhương án phát triển hạ tầng dịch vụ cung ứng xăng dầu khác cấp tỉnh (ha)Ghi chú
1Khu dịch vụ hậu cần kỹ thuật dầu khí miền Trung tại Đà NẵngQuận Sơn Trà1,9Vốn NĐT
2Khu dịch vụ cung ứng xăng dầu kết hợp tránh bãoQuận Sơn Trà1(diện tích mặt nước)Vốn NĐT (2023-2025)

Ghi chú: (*) Công suất, chiều dài tuyến ống sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư.

Ngoài dự kiến nêu trên, xem xét theo nhu cầu thực tế, điều chỉnh, phát triển thêm các kho/trạm khí (LPG, LNG, CNG) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển Liên Chiểu… để đa dạng hóa nguồn nhiên liệu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

PHỤ LỤC XIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, Y TẾ, AN SINH XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcSố cơ sởĐịa điểm dự kiến
ACác cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp
IGiáo dục trung học phổ thông
1Cơ sở duy trì hoạt động3707 quận, huyện
2Quy hoạch mới6
IIGiáo dục thường xuyên
1Cơ sở duy trì hoạt động3Các Quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ; Huyện Hòa Vang
2Quy hoạch mới0
IIIGiáo dục nghề nghiệp
3.1Cơ sở duy trì hoạt động36
3.2Quy hoạch mới30
1Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng1Quận Ngũ Hành Sơn
2Trường Cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật Đà Nẵng1Quận Ngũ Hành Sơn
3Trường Cao đẳng7Huyện Hòa Vang, Quận Cẩm Lệ, Quận Ngũ Hành Sơn (đào tạo các lĩnh vực công nghệ cao, logictis, các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố… đạt chuẩn khu vực và quốc tế)
4Trường Trung cấp6
5Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp15
BCác cơ sở y tế
ICơ sở y tế công lập cấp thành phố, quận, huyệnGồm 99 cơ sở hiện có (04 Bệnh viện Bộ ngành, 95 cơ sở y tế công lập do thành phố quản lý) và 04 cơ sở quy hoạch mới103
1.1Duy trì nâng cấp các cơ sở y tế công lập hiện có (Bệnh viện đa khoa Nam Liên Chiểu, 10 bệnh viện tuyến thành phố (03 Bệnh viện có 02 trụ sở là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản – Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền); 07 Trung tâm y tế quận, huyện; 01 trụ sở Sở Y tế cũ; các trạm y tế xã, phường; 06 Trạm cấp cứu; 06 đơn vị hệ dự phòng; 05 cơ sở cũ của các đơn vị sát nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)95
1.2Mở rộng tại vị trí hiện có08
1Bệnh viện Phụ sản – NhiQuận Ngũ Hành Sơn
2Bệnh viện Đà NẵngQuận Hải Châu
3Bệnh viện MắtQuận Hải Châu
4Bệnh viện Tâm thầnQuận Liên Chiểu
5Bệnh viện Da LiễuQuận Thanh Khê
6Trung tâm Y tế quận Hải ChâuQuận Hải Châu
7Trung tâm Y tế huyện Hoà VangQuận Hòa Vang
8Trung tâm Y tế quận Sơn TràQuận Sơn Trà
1.3Quy hoạch chuyển vị trí mới04
1Trung tâm Pháp YQuận Thanh Khê
2Trạm cấp cứu Ngũ Hành SơnQuận Ngũ Hành Sơn
3Bệnh viện Phụ sản – Nhi cơ sở 3 (khi TTYT quận Liên Chiểu xây dựng Bệnh viện phía Tây thành phố 1000 GB)Quận Liên Chiểu (TTYT Liên Chiểu hiện nay)
4Trung tâm Giám định Y khoaQuận Hải Châu
1.4Quy hoạch mới04
1Bệnh viện Đà Nẵng (cơ sở 2)Quận Ngũ Hành Sơn
2Bệnh viện Bắc Hòa VangHuyện Hòa Vang
3Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Bệnh viện phía Tây thành phố 1000 GB)Quận Liên Chiểu
4Trung tâm đào tạo Y khoaHuyện Hoà Vang
IICơ sở y tế ngoài công lập14
2.1Duy trì các cơ sở hiện có06
2.2Quy hoạch mới08
1Trung tâm chăm sóc người cao tuổiHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ
2Bệnh viện đa khoa/chuyên khoa chất lượng caoHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ/Sơn Trà
3Trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng caoHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ
4Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệmHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ
5Trung tâm điều trị Ung bướu quốc tế chất lượng caoLiên Chiểu
6Trung tâm sức khỏe môi trường và lao độngHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ
7Trung tâm phân phối dược phẩmHòa Vang
8Đầu tư các cơ sở/mô hình khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng caoHòa Vang/Liên Chiểu/Ngũ Hành Sơn/Cẩm Lệ/Sơn Trà
CCơ sở an sinh xã hội
ICơ sở hiện có17
IIQuy hoạch mới5
1Viện dưỡng lão 1Quận Cẩm Lệ
2Viện dưỡng lão 2, 3Huyện Hòa Vang
3Cơ sở cai nghiện số 2Huyện Hòa Vang

PHỤ LỤC XIV

CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Bảng 14.1. Chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 thành phố Đà Nẵng

TTChỉ tiêu sử dụng đấtHiện trạng 2020Diện tích cấp quốc gia phân bổDiện tích cấp tỉnh xác định, bổ sungQuy hoạch sử dụng đất đến năm 2030So sánh tăng (+), giảm (-)
Diện tích (ha)Cơ cấu (%)Diện tích (ha)Cơ cấu (%)
(1)(2)(3)(4)(5)(6)(7)=(8)-(6)(8)(9)(10)=(8)-(4)
Tổng diện tích tự nhiên128.472,96100,00128.472,960,00128.472,96100,00
1Đất Nông nghiệpNNP71.261,2755,4766.373,000,0066.373,0051,66-4.888,27
1.1Đất trồng lúaLUA3.517,822,741.639,000,001.639,001,28-1.878,82
Tr.đó: Đất chuyên trồng lúa nướcLUC3.517,822,741.639,000,001.639,001,28-1.878,82
1.2Đất trồng cây lâu nămCLN1.902,021,481.310,321.310,321,02-591,70
1.3Đất rừng phòng hộRPH8.938,276,9611.778,000,0011.778,009,172.839,73
1.4Đất rừng đặc dụngRDD30.448,9123,7034.130,000,0034.130,0026,573.681,09
1.5Đất rừng sản xuấtRSX23.329,0018,1614.973,000,0014.973,00(1)11,65-8.356,00
Tr.đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiênRSN3.687,592,873.688,000,003.687,592,870,00
1.6Đất nông nghiệp còn lại (Đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác)NKH3.125,252,432.542,682.542,681,98-582,57
2Đất phi nông nghiệpPNN55.805,9043,4461.678,000,0061.677,9648,015.872,06
2.1Đất quốc phòngCQP32.863,7325,582.628,000,002.628,002,05-30.235,73
2.2Đất an ninhCAN107,130,08153,000,00153,000,1245,87
2.3Đất khu công nghiệpSKK1.499,921,172.412,000,002.412,001,88912,08
2.4Đất cụm công nghiệpSKN0,00532,89532,890,41532,89
2.5Đất thương mại, dịch vụTMD2.382,171,853.065,943.065,942,39683,77
2.6Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệpSKC720,770,56432,10432,100,34-288,67
2.7Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sảnSKS66,930,05505,95505,950,39439,02
2.8Đất phát triển hạ tầng cấp quốc giaDHT5.896,244,598.637,000,008.637,006,722.740,76
2.8.1Đất xây dựng cơ sở văn hóaDVH24,680,02506,000,00506,000,39481,32
2.8.2Đất xây dựng cơ sở y tếDYT65,290,05154,000,00154,000,1288,71
2.8.3Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạoDGD493,650,381.092,000,001.092,000,85598,35
2.8.4Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thaoDTT219,140,17271,000,00271,000,2151,86
2.8.5Đất giao thôngDGT4.784,933,725.645,000,005.645,004,39860,07
2.8.6Đất thủy lợiDTL193,450,15407,59407,590,32214,05
2.8.7Đất công trình năng lượngDNL31,580,02118,000,00118,000,0986,42
2.8.8Đất công trình bưu chính, viễn thôngDBV23,650,02240,000,00240,000,19216,35
2.8.9Đất phát triển hạ tầng còn lại (đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội, đất xây dựng cơ sở KH&CN và đất chợ)59,780,05203,41203,410,16143,63
2.9Đất xây dựng kho dự trữ quốc giaDKG0,0011,000,0011,000,0111,00
2.10Đất có di tích lịch sử – văn hóaDDT18,460,0118,000,0018,00(2)0,01-0,46
2.11Đất danh lam thắng cảnhDDL22,250,02104,00104,000,0881,75
2.12Đất bãi thải, xử lý chất thảiDRA80,440,06207,000,00207,000,16126,56
2.13Đất ở tại nông thônONT2.464,291,921.646,621.646,621,28-817,67
2.14Đất ở tại đô thịODT4.675,643,645.880,925.880,924,581.205,28
2.15Đất xây dựng trụ sở cơ quanTSC67,040,0576,5776,570,069,53
2.16Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệpDSN25,200,0225,4025,400,020,20
2.17Đất xây dựng cơ sở ngoại giaoDNG0,670,0015,6715,670,0115,00
2.18Đất cơ sở tôn giáoTON93,770,0787,0287,020,07-6,75
2.19Đất làm nghĩa trang nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa tángNTD1.016,670,79381,94381,940,30-634,73
2.20Đất phi nông nghiệp còn lại (đất SX VLXD, làm đồ gốm, khu vui chơi giải trí cộng đồng, đất sinh hoạt cộng đồng, đất cơ sở tín ngưỡng, đất sông ngòi, kênh, rạch, suối, đất có mặt nước chuyên dụng và đất phi nông nghiệp khác)3.804,592,9634.856,9434.856,94(3)27,1331.052,35
3Đất chưa sử dụngCSD1.405,791,09422,000,00422,000,33-983,79
4Đất khu công nghệ cao (4)KCN659,950,511.1300,001.130,00(5)1,331.050,05
5Đất đô thị (4)KDT25.001,8119,4625.0020,0025.002,0019,460,19
6Khu chức năng (4)
6.1Khu sản xuất nông nghiệpKNN6.986,815,444.595,993,58-2.390,82
6.2Khu lâm nghiệpKLN32.177,2725,0523.916,4718,62-8.260,80
6.3Khu du lịchKDL1.090,170,854.718,103,673.627,93
6.4Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh họcKBT30.448,9123,7034.130,0026,573.681,09
6.5Khu phát triển công nghiệpKPC1.499,921,172.412,001,88912,08
6.6Khu đô thịDTC15.283,1411,9020.899,0016,275.615,86
6.7Khu thương mại – dịch vụKTM902,780,701.223,090,95320,31
6.8Khu dân cư nông thônDNT9.583,947,466.078,314,73-3.505,63

Ghi chú:

(1) Theo kết quả rà soát 3 loại rừng, diện tích rừng sản xuất là 10.855,2 ha; (2) Đất có di tích lịch sử – văn hóa dự kiến là 52,13 ha khi thành phố được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; (3) Bao gồm diện tích của huyện đảo Hoàng Sa (30.500,00 ha) và Đất khu công nghệ cao (1.130,00 ha); (4) Không tổng hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên; (5) Dự kiến mở rộng khu công nghệ cao lên 1.710 ha khi thành phố được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch thành phố được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 326/QĐ- TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Bảng 14.2. Phương án chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2021-2030

TTChỉ tiêu sử dụng đấtDiện tích (ha)
1Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệpNNP/PNN4.906,44
1.1Đất trồng lúaLUA/PNN1.796,48
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặtLUC/PNN1.796,48
1.2Đất trồng cây lâu nămCLN/PNN571,50
1.3Đất rừng phòng hộRPH/PNN9,25
1.4Đất rừng sản xuấtRSX/PNN1.825,93
Trong đó: Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiênRSN/PNN
1.5Đất nông nghiệp còn lại (Đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác)703,28
2Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp
3Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ởPKO/OCT222,55

Bảng 14.3. Phương án đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng đến năm 2030

STTChỉ tiêu sử dụng đấtDiện tích (ha)
1Đất Nông nghiệpNNP
2Đất phi nông nghiệpPNN983,79
2.1Đất quốc phòngCQP4,86
2.2Đất an ninhCAN1,00
2.3Đất khu công nghiệpSKK104,02
2.4Đất cụm công nghiệpSKN33,13
2.5Đất thương mại, dịch vụTMD138,67
2.6Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệpSKC7,57
2.7Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sảnSKS6,00
2.8Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyệnDHT396,25
2.8.1Đất xây dựng cơ sở văn hóaDVH54,03
2.8.2Đất xây dựng cơ sở y tếDYT4,36
2.8.3Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạoDGD112,06
2.8.4Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thaoDTT23,92
2.8.5Đất giao thôngDGT145,49
2.8.6Đất thủy lợiDTL12,57
2.8.7Đất công trình năng lượngDNL1,59
2.8.8Đất công trình bưu chính, viễn thôngDBV36,00
2.8.9Đất phát triển hạ tầng còn lại (đất xây dựng cơ CSHT dịch vụ xã hội, đất xây dựng cơ sở KH&CN và đất chợ)6,23
2.9Đất xây dựng kho dự trữ quốc giaDKG1,00
2.10Đất có di tích lịch sử – văn hóaDDT0,08
2.11Đất danh lam thắng cảnhDDL20,61
2.12Đất bãi thải, xử lý chất thảiDRA6,55
2.13Đất ở tại nông thônONT14,36
2.14Đất ở tại đô thịODT210,18
2.15Đất xây dựng trụ sở cơ quanTSC0,43
2.16Đất làm nghĩa trang nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa tángNTD1,50
2.17Đất phi nông nghiệp còn lại (đất SX VLXD, làm đồ gốm, khu vui chơi giải trí cộng đồng, đất sinh hoạt cộng đồng, đất cơ sở tín ngưỡng, đất sông ngòi, kênh, rạch, suối, đất có mặt nước chuyên dung và đất phi nông nghiệp khác)37,58

PHỤ LỤC XV

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu vực quy hoạchĐịa điểmDiện tích dự kiến (ha)Trữ lượng dự kiến (m3)
IQuy hoạch đá làm vật liệu xây dựng thông thường
1QH.1 (ĐXD)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang45,84.580.000
2QH.2 (ĐXDXã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang32,43.240.000
3QH.3 (ĐXD)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang25,12.510.000
4QH.4 (ĐXD)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang70,310.545.000
5QH.5 (ĐXD)Xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang48,814.640.000
6QH.6 (ĐXD)Xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang4,01.050.000
7QH.7 (ĐXD)Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu20,74.816.000
8QH.8 (ĐXD)Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang93,523.375.000
9QH.9 (ĐXD)Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang20,73.105.000
10QH.10 (ĐXD)Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang26,63.990.000
11QH.11 (ĐXD)Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang6,3472.500
12QH.12 (ĐXD)Xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang28,75.740.000
13QH.13 (ĐXD)Xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang14,64.599.000
14QH.14 (ĐXD)Xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang14,84.662.000
Tổng số (ĐXD):452,387.324.500
IIQuy hoạch đất làm vật liệu san lấp
1QH.1 (ĐSL)Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang5,0500.000
2QH.2 (ĐSL)Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang8,4840.000
3QH.3 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, Hòa Liên, huyện Hòa Vang119,511.950.000
4QH.4 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang114,411.440.000
5QH.5 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, Hòa Liên, Hoà Sơn, huyện Hòa Vang11911.900.000
6QH.6 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, huyện Hòa Vang79,67.960.000
7QH.7 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang80,68.060.000
8QH.8 (ĐSL)Xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang75,77.570.000
9QH.9 (ĐSL)Xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang2,34270.000
10QH.10 (ĐSL)Xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang34,23.420.000
11QH.11 (ĐSL)Xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang105,810.580.000
12QH.12 (ĐSL)Xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang13,51.350.000
13QH.13 (ĐSL)Xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang101.000.000
14QH.14 (ĐSL)Xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang6,0600.000
15QH.15 (ĐSL)Xã Hoà Phú, huyện Hòa Vang111.100.000
16QH.16 (ĐSL)Xã Hòa Phong, Hoà Phú, huyện Hòa Vang878.700.000
Tổng số (ĐSL):872,0487.240.000

Ghi chú: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm rà soát, bảo đảm không chồng lấn với khu vực khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; phù hợp với các quy hoạch khác và các quy định của pháp luật có liên quan.

PHỤ LỤC XVI

DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2023-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Ghi chú:

– Tên công trình, dự án có thể thay đổi và dự án có thể phân khai thành các dự án phù hợp.

– Quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu, tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư của các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình phê duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

– Các công trình, dự án khác căn cứ vào Quy hoạch chuyên ngành của địa phương, các kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

TTTÊN DỰ ÁNĐỊA ĐIỂM DỰ KIẾNPHÂN KỲ ĐẦU TƯ DỰ KIẾN
ACÁC DỰ ÁN DỰ KIẾN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
1Tuyến đường vành đai phía Tây 2 (đoạn từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến cuối tuyến)Quận Liên Chiểu2023-2030
2Mở rộng, nâng cấp tuyến đường tránh Nam hầm Hải VânHuyện Hòa Vang2025-2030
3Mở rộng Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng (khi thành phố được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất)Huyện Hòa Vang2025-2030
4Đầu tư xây dựng Cảng cá và Chợ Thủy sản đầu mối Thọ Quang thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với phục vụ du lịch (Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng giai đoạn 3)Quận Sơn Trà2025-2030
5Trung tâm nghề cá lớn thành phố Đà NẵngQuận Sơn Trà2025-2050
6Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại thành phố Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2023-2030
7Đại học Đà NẵngQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
BCÁC DỰ ÁN KHÁC
IGiao thông vận tải
1Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – kêu gọi đầu tư các bến theo quy hoạchQuận Liên Chiểu2023-2030 Sau 2023
2Các dự án trong Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng- Hạ tầng kỹ thuật phía đầu Bắc;- Xây dựng ga hàng hóa- Mở rộng nhà ga hành khách T1- Xây dựng mới nhà ga hành khách T3Quận Hải Châu2023-2030
3Di dời ga đường sắt Đà Nẵng- Xây dựng nhà ga mới và hạ tầng liên quan theo quy hoạch- Cải tạo, phát triển ga Kim LiênQuận Thanh Khê, Huyện Hòa Vang2023-2030
4Cải tạo, nâng cấp QL14GHuyện Hòa Vang2025-2030
5Công trình qua sông Hàn (nối từ đường Đống Đa đến đường Vân Đồn – Trần Thánh Tông)Quận Sơn Trà2023-2030
6Đầu tư tuyến kết nối giao thông sân bay về phía Tây và nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng khai thác của cảng Hàng không quốc tế Đà NẵngQuận Hải Châu, Thanh KhêSau 2030
7Tuyến đường nối từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn TháiQuận Liên Chiểu2023-2025
8Tuyến đường phía Tây khu du lịch sinh thái suối Lương, khớp nối tuyến đường số 7 KCN Liên Chiểu với đường Ngô Xuân ThuQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
9Tuyến đường kết nối đường vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn – Túy Loan (phía sau Khu Công nghệ cao)Quận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
10Đường Vành đai phía Tây 1 (tuyến đường giữa đường Vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc nối từ đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) qua Quốc Lộ 14B gần Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và kéo dài đến biển)Quận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
11Tuyến đường số 9 nối Khu công nghệ cao với đường vành đai phía Tây (MC3-3)Huyện Hòa Vang2023-2030
12Các tuyến đường ven sông Túy Loan, sông Yên, sông cầu ĐỏHuyện Hòa Vang2023-2030
13Cụm nút giao thông Lê Thanh Nghị – Cách Mạng Tháng Tám – Thăng Long – đường dẫn lên cầu Hòa XuânQuận Hải Châu, Cẩm Lệ2023-2030
14Bến xe phía Bắc, phía Tây thành phốHuyện Hòa Vang2025-2030
15Các cầu qua sông Túy Loan, sông Cái, sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê theo quy hoạchQuận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang2023-2030
16Đầu tư các bến thủy nội địa theo quy hoạchQuận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
17Các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phốThành phố Đà Nẵng2023-2030
18Nghiên cứu dự án vận tải công cộng khối lượng lớn: MRT (tàu điện ngầm, tốc độ cao), LRT (đường sắt nhẹ đô thị) hoặc hình thức tương tựThành phố Đà Nẵng2023-2030
IIHạ tầng kỹ thuật khác
1Các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Cảng Liên Chiểu, Ga hàng hóa (hậu cần đường sắt)Quận Liên Chiểu2023-2030
2Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Hòa Hiệp BắcQuận Liên Chiểu2023-2030
3Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Khu công nghệ caoKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2025
4Cảng cạn Hòa Nhơn kết hợp hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần khácHuyện Hòa Vang2023-2025
5Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Hòa NinhHuyện Hòa VangĐến 2030
6Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Hòa PhướcHuyện Hòa VangĐến 2030
7Dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần Hòa PhúHuyện Hòa VangĐến 2030
8Hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần hàng khôngQuận Cẩm Lệ2023-2030
9Các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hậu cần và kho bãi khác (trên các đường tránh của tuyến đường cao tốc, tại các khu, cụm công nghiệp…)Huyện Hòa Vang2023-2030
IIIThương mại
1Chợ CồnQuận Hải Châu2023-2025
2Nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng lại, xây mới các chợ hạng 1 (chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ Thọ Quang…) và các chợ khác trên địa bànCác quận, huyện2025-2030
3Chợ Đầu mối Hòa PhướcHuyện Hòa Vang2023-2025
4Chợ chuyên doanh rau, củ quả phía Tây thành phốQuận Liên Chiểu2023-2030
5Khu logistics dịch vụ hỗ trợ chợ đầu mối và ngành bán buôn thành phố Đà NẵngHuyện Hòa Vang2023-2030
6Khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèmHuyện Hòa Vang2023-2030
7Khu thương mại tự do, các khu phi thuế quan và các dịch vụ đi kèmQuận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang2023-2030
8Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng (hạng A, đầu tư mới)Huyện Hòa VangSau 2025
9Trung tâm mua sắm Outlet (diện tích 100 ha, nằm trên đường Vành đai phía Tây)Huyện Hòa Vang2025-2030
10Các trung tâm thương mại, siêu thịCác quận, huyện2023-2030 2031-2050
IVDu lịch
1Cải tạo hạ tầng, cảnh quan, tạo một số điểm nhấn kiến trúc trên tuyến và bãi cát đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường SaQuận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn2023-2030
2Cải tạo hạ tầng, bờ kè, cảnh quan và tạo các điểm nhấn kiến trúc trên tuyến và bãi cát đường Nguyễn Tất ThànhQuận Thanh Khê, Liên Chiểu2023-2030
3Đầu tư điểm đến Sủng Cỏ, Mà ĐaQuận Liên Chiểu2023-2030
4Khu du lịch suối LươngQuận Liên Chiểu2023-2030
5Khu du lịch phía Đông tuyến đường đèo Hải VânQuận Liên Chiểu2023-2030
6Khu du lịch phía Tây Nam tuyến đường đèo Hải VânQuận Liên Chiểu2023-2030
7Khu du lịch sinh thái đồi Chim ChimQuận Liên Chiểu2023-2030
8Khu du lịch phía Tây đường tránh Hải VânQuận Liên Chiểu2023-2030
9Hạ tầng thiết yếu các điểm du lịch dọc sông Cu ĐêQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2025
10Dự án Tổ hợp Dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địaQuận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ2023-2025
11Cảnh quan hai bên bờ sông Hàn (phía bờ Đông)Quận Hải Châu, Sơn Trà2023-2025
12Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng ĐạoQuận Hải Châu, Sơn Trà2023-2030
13Khu dịch vụ đêm:- Khu thương mại dịch vụ kết hợp bãi đỗ xe ngầm- Khu dịch vụ đêm tại khu vực ranh giới 4 tuyến đường Bình Minh 4 – Bình Minh 10 – Bạch Đằng – đường 2 tháng 9- Khu tổ hợp kinh tế ban đêm riêng biệtQuận Hải Châu, Sơn Trà2023-2030
14Khu du lịch cộng đồng Mân Thái – Thọ QuangQuận Sơn Trà2023-2028
15Dự án đầu tư hạ tầng tiện ích khu du lịch cộng đồng Nam ÔQuận Liên Chiểu2023-2030
16Dự án đầu tư hạ tầng tiện ích các khu du lịch cộng đồng Hòa VangHuyện Hòa Vang2023-2030
17Phố du lịch An Thượng giai đoạn 2Quận Ngũ Hành Sơn2023-2025
18Làng ẩm thực Quốc tếQuận Sơn Trà, Cẩm Lệ2026-2030
19Khu công viên bách thảo, bách thú khu vực hồ Đồng Xanh, Đồng NghệHuyện Hòa Vang2023-2035
20Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí và bách thảo (khu vực giáp dự án Bà Nà)Huyện Hòa Vang2023-2035
21Khu công viên chuyên đề văn hóa lịch sửHuyện Hòa Vang2023-2035
VCác dự án tổ hợp
1Khu trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) đô thị sinh thái Hòa Khánh NamQuận Liên Chiểu2023-2030
2Khu trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) An ĐồnQuận Sơn Trà2023-2030
3Khu phức hợp trung tâm tài chính thương mại, vui chơi giải trí và chung cư cao cấpQuận Sơn Trà2023-2030
4Khu tổ hợp công trình TMDV kết hợp ở phục vụ lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà NẵngQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
5Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại tại phường Hòa XuânQuận Cẩm Lệ2023-2030
6Dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa XuânQuận Cẩm Lệ2023-2030
7Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại phường Hòa Thọ TâyQuận Cẩm Lệ2023-2030
8Khu phức hợp hồ Hóc KhếHuyện Hòa Vang2023-2030
9Khu phức hợp hồ Đồng TréoHuyện Hòa Vang2023-2030
10Tổ hợp sản xuất và dịch vụ du thuyền tại thành phố Đà NẵngQuận Sơn Trà2030-2050
VICảng du lịch, bến du thuyền/ bến thủy nội địa phục vụ du lịch
1Nâng cấp, phát triển cảng sông Hàn thành cảng du lịch (Y6)Quận Hải Châu2023-2025
2Bến du thuyền Quốc tế (Y5, Y6, Y7)Quận Hải Châu2023-2030
3Bến du thuyền quốc tế Đa Phước (N12)Quận Hải Châu2023-2030
4Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước (N11) (khu vực cầu Thuận Phước, quận Sơn Trà)Quận Sơn Trà2023-2030
5Dự án chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành Cảng du lịch (Cảng biển du thuyền quốc tế Tiên Sa)Quận Sơn Trà2030-2050
VIISân gôn
1Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch hồ Hòa TrungHuyện Hòa Vang2023-2030
2Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Liên – Hòa BắcHuyện Hòa Vang2023-2030
3Khu phức hợp khách sạn, sân golf Hòa Phong – Hòa PhúHuyện Hòa Vang2023-2030
4Sân golf kết hợp dịch vụ du lịch Hòa Phú – Hòa Nhơn (cuối tuyến Bà Nà – Suối Mơ)Huyện Hòa Vang2023-2030
VIIICông nghệ thông tin
1Tòa nhà Viettel Đà NẵngQuận Hải Châu2023-2025
2Khu Công nghệ thông tin DanangBay (đường Nguyễn Sinh Sắc)Quận Liên Chiểu2023-2025
3Các dự án thuộc Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025Thành phố Đà Nẵng2023-2025
4Các dự án thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025Thành phố Đà Nẵng2023-2025
5Trung tâm chia chọn tự động tại Khu công nghiệp Liên ChiểuKCN Liên Chiểu2023-2030
6Trung tâm dữ liệu vùng phục vụ điều hành mạng lưới viễn thông, hạ tầng chính phủ điện tử và nền tảng công nghệ 4.0KCN Hòa Khánh2023-2030
7Trạm cập bờ cáp quang biển Đà Nẵng để hình thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực ASEAN (Digital Hub)Quận Ngũ Hành Sơn2023-2025
8Khu phức hợp gồm Trung tâm dữ liệu viễn thông và CNTT (Data Center), trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, trung tâm đào tạo công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2023-2030
9Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dịch vụ dữ liệu công nghệ cao – HTC Digital ParkKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2026
IXCông nghiệp
1Mở rộng, nâng công suất Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Đà NẵngKCN Hoà Khánh2023-2030
2Nhà máy đóng mới du thuyền tại Khu công nghiệp Liên ChiểuQuận Liên Chiểu2023-2030
3Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa, thử nghiệm du thuyền Tiên SaQuận Sơn Trà2023-2030 và sau năm 2030
4Dự án cung ứng dịch vụ liên quan đến du thuyềnQuận Cẩm Lệ2023-2030
5Dự án chuyên lĩnh vực Fintech hỗ trợ startup trong Khu công nghệ cao Đà NẵngKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
6Dự án nghiên cứu, sản xuất chế tạo các hệ thống, thiết bị thông minh phục vụ chuẩn đoán theo dõi, điều trị và chăm sóc sức khỏe con ngườiKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
7Dự án Nhà máy sản xuất ô tôKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
8Dự án sản xuất chip, cảm biến sinh họcKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
9Dự án sản xuất hệ thống, thiết bị giáo dục và đào tạo thông minhKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
10Dự án sản xuất thiết bị LiDAR, thiết bị đo theo nguyên lý quán tính (INS), la bàn điện tử độ chính xác caoKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
11Dự án sản xuất thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC)Khu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
12Dự án sản xuất Vật liệu in 3D tiên tiến, thân thiện với môi trườngKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
13Dự án Thiết bị và trạm sạc không dây hiệu suất caoKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
14Dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
15Dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế, chế tạo robotKhu CNC, huyện Hòa Vang2023-2030
16Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trungHuyện Hòa Vang2023-2030
17Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại thành phố Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2023-2030
18Dự án Khu cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dầu khí, điện gióQuận Liên Chiểu/vị trí khác2023-2030
XHạ tầng công nghiệp
1Cụm công nghiệp Hòa Khánh NamQuận Liên Chiểu2023-2030
2Cụm công nghiệp Hòa Liên 2Huyện Hòa Vang2023-2030
3Cụm công nghiệp Hòa NhơnHuyện Hòa Vang2023-2030
4Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 1 (Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm)Huyện Hòa Vang2023-2030
5Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 2Huyện Hòa Vang2023-2030
6Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 3Huyện Hòa Vang2023-2030
7Cụm công nghiệp Sản xuất thô đá mỹ nghệ Non NướcHuyện Hòa Vang2023-2030
8Cụm công nghiệp Sản xuất vật liệu xây dựngHuyện Hòa Vang2023-2030
9Cụm công nghiệp Nam SơnHuyện Hòa Vang2023-2030
10Cụm công nghiệp Nam Sơn 2Huyện Hòa Vang2031-2050
11Cụm công nghiệp Hoà Vang 1Huyện Hòa Vang2031-2050
12Cụm công nghiệp Hoà Vang 2Huyện Hòa Vang2031-2050
13Khu công nghiệp Hòa Cầm – giai đoạn 2Quận Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang2023-2030
14Khu công nghiệp Hòa NhơnHuyện Hòa Vang2023-2030
15Khu công nghiệp Hòa NinhHuyện Hòa Vang2023-2030
XICấp điện, xăng dầu, khí đốtHuyện Hòa Vang
1Đường dây 500kV mạch 2 Đà Nẵng – Dốc SỏiHuyện Hòa Vang2023-2030
2Nâng công suất TBA220kV Ngũ Hành Sơn, lắp máy 2-250MVAQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
3Nâng công suất TBA500kV Đà Nẵng từ 2x450MVA lên thành 2x900MVAQuận Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang2023-2030
4Xây dựng mới TBA220kV Hải Châu và đường dây đấu nốiQuận Hải Châu, Liên Chiểu,2023-2030
5Xây dựng mới TBA220kV Liên Chiểu và đường dây đấu nốiQuận Liên Chiểu2023-2030
6Xây dựng mới TBA220kV sân bay và đường dây đấu nốiQuận Cẩm Lệ, Thanh Khê2023-2030
7Xây dựng mới TBA220kV Tiên Sa và đường dây đấu nốiQuận Sơn Trà2023-2030
8Dự án Nhà máy điện sinh khốiQuận Liên Chiểu2023-2025
9Kho xăng dầu Liên ChiểuQuận Liên Chiểu2023-2030
10Kho xăng dầu Tiên SaQuận Sơn Trà2023-2030
11Kho xăng dầu quận Sơn Trà (kho nổi kết hợp cấp phát trên cạn)Quận Sơn Trà2023-2030
12Kho xăng dầu Hòa Hiệp BắcQuận Liên Chiểu2023-2030
13Tuyến ống xăng dầu Liên Chiểu – Hòa LiênQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2030-2050
14Kho LPG Liên ChiểuQuận Liên Chiểu2026-2030 và 2031-2050
15Kho LPG Thọ QuangQuận Sơn Trà2023-2025
16Kho LNG Đà NẵngQuận Liên Chiểu2023-2030 và 2031-2050
17Trạm nạp CNG tại KCN Hòa KhánhQuận Liên Chiểu2026-2030
18Trạm nạp CNG KCN Hòa CầmQuận Cẩm Lệ2026-2030
19Các hệ thống đường ống dẫn khí từ các kho LNG tới các nhà máy điện, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hộ tiêu thụ…Quận Liên Chiểu, Huyện Hoà Vang và các vị trí phù hợp2023-2030
20Các hệ thống đường ống phân phối khí thấp áp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ caoCác khu CN, cụm CN, Khu CNC2023-2030
21Khu dịch vụ dầu khí miền Trung tại Đà NẵngQuận Sơn Trà2023-2030
22Khu dịch vụ cung ứng xăng dầu, kết hợp tránh trú bãoQuận Sơn Trà2023-2025
XIINông, lâm nghiệp, thủy sản
1Di dời các cơ sở đóng sửa tàu cá trong Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang ra ngoài vịnh Mân QuangQuận Sơn Trà2025-2030
2Hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phát triển rừng, quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng ở các địa phương có rừngQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2025-2030
XIIIĐê kè, thủy lợi
1Kè chống sạt lở bảo vệ hạ tầng và cảnh quan dọc bờ biển khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành SơnQuận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn2025-2030
2Tuyến kênh thoát lũ từ hồ Bàu Tràm đến sông Cu ĐêQuận Liên Chiểu2024-2030
3Tuyến đường 15m kết hợp kè chắn sóng bảo vệ bờ Bắc sông Cu ĐêQuận Liên Chiểu
4Nạo vét sông Cu Đê, Túy Loan, Lỗ Đông, Tây TịnhQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2025-2030
5Kè chống sạt lỡ các sông, hồ trên địa bàn huyện Hòa Vang, Kè chống sạt lỡ tả ngạn sông Cu Đê trên địa bàn quận Liên ChiểuQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2025-2030
XIVCấp nước, thoát nước
1Nhà máy nước Hòa Liên, giai đoạn 2Huyện Hòa Vang2024-2030
2Phát triển mạng lưới cấp nước tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Hòa LiênHuyện Hòa Vang2023-2025
3Xây dựng tuyến ống cấp nước phía Đông Nam thành phố Đà NẵngQuận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn2023-2030
4Hệ thống thoát nước chống ngập úng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng (phía Tây sân bay Đà Nẵng, phía Đông sân bay Đà Nẵng, phía Nam sân bay Đà Nẵng)Quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ2023-2030
5Tuyến cống thoát nước từ Bãi rác Khánh Sơn về Hoà MỹQuận Liên Chiểu2026-2030
6Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa LiênHuyện Hòa Vang2023-2030
7Tuyến cống thoát nước đường Lê Tấn Trung và vùng lân cậnQuận Sơn Trà2023-2030
8Xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa về sông Hàn cho lưu vực Mỹ Khê – Mỹ AnQuận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn2023-2030
9Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan, đoạn từ cầu Đỏ đến QL14BQuận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn2026-2030
10Xây dựng trạm bơm Hòa Cường và hệ thống đường ống thu gom, chuyển tải nước thải về Trạm xử lý nước thải Hòa XuânQuận Hải Châu, Cẩm Lệ2023-2030
11Hệ thống thu gom nước thải các khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Liên và phường Hòa Khánh Bắc về trạm xử lý nước thải Liên ChiểuQuận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang2023-2030
12Cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom nước thải cho lưu vực trạm xử lý nước thải Phú LộcQuận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu2023-2030
13Xây dựng hệ thống thu gom nước thải các khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành và khu vực Nam ÔQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
14Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến đường Vân Đồn)Quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn2023-2030
15Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực đường Chương Dương (đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tiên Sơn)Quận Ngũ Hành Sơn2023-2030
16Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực đường Thăng Long (đoạn từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Đỏ)Quận Cẩm Lệ2023-2030
17Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước và thu gom nước thải khu vực xung quanh Âu thuyền Thọ QuangQuận Sơn Trà2023-2030
18Xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa QuýQuận Cẩm Lệ2023-2030
19Xây dựng các trạm xử lý nước thải trên địa bàn huyện Hòa VangHuyện Hòa Vang2023-2030
XVMôi trường
1Các trạm trung chuyển rác tại các quận, huyệnCác quận/huyện2023-2030
2Hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phốThành phố Đà Nẵng2023-2030
3Đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2 (Hộc rác số 7 tại khu vực bãi rác Khánh Sơn)Quận Liên Chiểu2023-2030
4Khu chôn lấp tro xỉQuận Liên Chiểu2023-2030
5Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạtQuận Liên Chiểu2023-2030
6Các nhà máy xử lý chất thải nguy hạiThành phố Đà Nẵng2023-2030
7Các nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạtThành phố Đà Nẵng2023-2030
8Các nhà máy xử lý bùn thảiThành phố Đà Nẵng2023-2030
9Các nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựngThành phố Đà Nẵng2023-2030
10Dự án đầu tư xây dựng hồ sông BắcHuyện Hòa Vang2030-2050
11Dự án đầu tư khai thác khu đất sau hoàn thổ các khu vực tại mỏ đáQuận Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
XVIKhoa học công nghệ
1Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệpQuận Sơn Trà2023-2030
2Mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung BộQuận Cẩm Lệ2023-2030
3Đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các đơn vị sự nghiệp công lậpThành phố Đà Nẵng2023-2030
XVIIGiáo dục, đào tạo
1Trường Cao đẳng nghề tại Hòa Quý (giai đoạn 2)Quận Ngũ Hành Sơn2023-2030
2Dự án Đổi mới Sáng Tạo tại khu quy hoạch đô thị Đại học phía Nam thành phốQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
3Các trường Đại học tiêu chuẩn quốc tếQuận Ngũ Hành Sơn, Huyện Hòa Vang2023-2030
4Trường Cao đẳng đào tạo các ngành, nghề trọng điểm Asean, quốc tếQuận Cẩm Lệ2023-2025
5Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp, du học quốc tếQuận Cẩm Lệ2023-2030
6Trường phổ thông nhiều cấp họcQuận Liên Chiểu, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Huyện Hòa Vang2024-2030
7Khu đào tạo kỹ năng sống, trung tâm diễn giải môi trườngQuận Sơn Trà2024-2030
8Dự án Khu giáo dục ngoại khóa và du lịch sinh thái khu vực Khe RămHuyện Hòa Vang2023-2030
9Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025Thành phố Đà Nẵng2021-2025
10Đầu tư mạng lưới trường học theo quy hoạch thành phố và quy mô dân số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050Thành phố Đà Nẵng2021-2050
XVIIIY tế
1Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2Quận Ngũ Hành Sơn2023-2030
– Trung tâm Huyết học
– Bệnh viện/Trung tâm Y học Nhiệt đới
– Trung tâm Lão khoa
– Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao Đà Nẵng
2Mở rộng Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà NẵngQuận Ngũ Hành Sơn2025-2035
3Trung tâm Tầm soát ung thư thuộc Bệnh viện Ung bướu Đà NẵngQuận Liên Chiểu2023-2030
4Bệnh viện Bắc Hòa VangHuyện Hòa Vang2026-2030
5Trung tâm đào tạo Y khoaThành phố Đà Nẵng2030-2050
6Trung tâm chăm sóc người cao tuổiThành phố Đà Nẵng2030-2050
7Trung tâm chẩn đoán y khoa chất lượng caoThành phố Đà Nẵng2023-2030
8Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệmThành phố Đà Nẵng2023-2030
9Các bệnh viện đa khoa/chuyên khoa chất lượng caoThành phố Đà Nẵng2025-2030
10Trung tâm điều trị Ung bướu Quốc tế chất lượng caoQuận Liên Chiểu2025-2030
11Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trườngThành phố Đà Nẵng2030-2050
12Bệnh viện 1000 giường phía Tây thành phố (TTYT quận Liên chiểu 1000GB)Quận Liên Chiểu2030-2050
13Đầu tư các cơ sở/mô hình khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng caoThành phố Đà Nẵng2023-2050
14Bệnh viện Nội tiếtQuận Cẩm Lệ2023-2030
XIXCơ sở văn hóa
1Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phốQuận Hải Châu2023-2030
2Nhà hát lớn thành phốĐang tìm địa điểm2023-2030
3Bảo tàng Mỹ thuật cơ sở 2Đang tìm địa điểm2030-2050
4Nhà trưng bày các tác phẩm, hiện vật do các tổ chức cá nhân hiến tặngQuận Hải Châu2023-2030
5Bảo tàng tranh “Trận chiến 1858-1860” tại Đà NẵngĐang tìm địa điểm2023-2030
6Bảo tàng biển Việt Nam tại Đà NẵngQuận Sơn Trà2030-2050
7Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 3)Quận Hải Châu2023-2025
8Thư viện Khoa học Tổng hợp phía Tây BắcQuận Liên Chiểu2023-2030
9Thư viện Khoa học Tổng hợp phía Nam thành phốHuyện Hòa Vang2030-2050
10Thư viện Khoa học Tổng hợp phía Đông Nam thành phốQuận Ngũ Hành Sơn2030-2050
11Thư viện Khoa học Tổng hợp cấp vùngQuận Hải Châu2023-2030
12Nhà văn hóa thiếu nhi phía Tây, Tây Nam thành phốQuận Cẩm Lệ, Liên Chiểu2023-2025
13Trường quay Đà NẵngHuyện Hòa Vang2023-2030
14Dự án quần thể văn hoá Hùng VươngHuyện Hòa Vang2023-2030
XXQuảng trường, công viên cảnh quan
1Quảng trường Trung tâmQuận Hải Châu2023-2030
2Khu công viên vườn dạo kết hợp thương mại, dịch vụ dọc tuyến mương Suối ĐáQuận Sơn Trà2023-2025
3Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn TràQuận Sơn Trà2023-2030
4Công viên tại khu đất Đài phát sóng An HảiQuận Sơn Trà2023-2030
5Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành SơnQuận Ngũ Hành Sơn2023-2050
6Công viên công cộng ven biển theo Đề án định hướng phát triển du lịch đến 2030, tầm nhìn năm 2045Quận Ngũ Hành Sơn2023-2030
XXICơ sở thể dục thể thao
1Trung tâm thể thao chất lượng cao tại khu vực Tây Bắc thành phốQuận Liên Chiểu2025-2035
2Các hạng mục thuộc Khu liên hợp thể thao Hòa XuânQuận Cẩm Lệ2023-2030
3Trường đua ngựa (Dự án Câu lạc bộ cưỡi ngựa Việt Nam)Huyện Hòa Vang2023-2030
4Trung tâm huấn luyện Đấu kiếm quốc tế tại Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2030-2050
5Trung tâm huấn luyện và đào tạo Taekwondo khu vực miền Trung tại thành phố Đà NẵngThành phố Đà Nẵng2030-2050
XXIIAn sinh xã hội
1Xây dựng Nhà dưỡng lão 1Quận Cẩm Lệ2023-2030
2Xây dựng Nhà dưỡng lão 2 và 3Huyện Hòa Vang2030-2050
3Cơ sở cai nghiện số 2Huyện Hòa Vang2030-2050
XXIIIQuốc phòng – an ninh
1Doanh trại Trung đội Pháo Sơn TràQuận Sơn Trà2023-2030
2Kho K97Huyện Hòa Vang2023-2030
3Kho xăng dầu Bộ Tư lệnh Biên phòngQuận Sơn Trà2023-2030
XXIVCác khu đô thị
1Khu đô thị sân bayQuận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ2030-2050
2Khu đô thị Làng đại họcQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
3Khu đô thị ven sông phía Tây Nam Nhà máy nước Cầu ĐỏQuận Cẩm Lệ2023-2030
4Khu vực đô thị sườn đồiHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu biệt thự sinh thái hồ Trước ĐôngHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị phía Tây đường tránh Nam hầm Hải VânHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị phía Đông đường tránh Nam hầm Hải VânHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn TháiHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị Phước Hưng – Trước ĐôngHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu dân cư mới (bao gồm vệt 50m) dọc theo hai bên tuyến đường Hoàng Văn Thái đi Bà Nà – Suối MơHuyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị Tây Bắc sườn đồi (Khu đô thị thông minh Phi thuế quan quanh sườn đồi)Huyện Hòa Vang2023-2030
– Khu đô thị Đông Nam sườn đồi (Khu đô thị thông minh Phi thuế quan quanh sườn đồi)Huyện Hòa Vang2023-2030
5Khu đô thị huyện lỵ Hòa VangHuyện Hòa Vang2023-2030
6Khu vực tiểu vùng Đông Nam Hoà Vang:- Khu dân cư thương mại ven sông Hòa Phước- Khu đô thị sinh thái Hòa Tiến- Các nút dân cư khu vực Hòa Tiến- Các nút dân cư khu vực Hòa ChâuHuyện Hòa Vang2023-2030
XXVCác dự án chỉnh trang đô thị, khu tái định cư, chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội
1Các cụm, khu tái định cư phục vụ giải tỏa các khu đô thị mới, các dự án đầu tư được xác định trong Quy hoạch thành phố và phục vụ giải tỏa theo chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới giai đoạn 2022-2030Quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Huyện Hòa Vang2023-2030
2Cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực phía Tây đường Trường Chinh (khu vực phía Nam đường CK55 và Khu dân cư phía Nam đường Lê Trọng Tấn)Quận Cẩm Lệ2023-2030
3Nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp; các chung cư, nhà ở xã hộiToàn thành phố2023-2030
– Nhà ở xã hội cho người có công với cách mạngToàn thành phố2023-2025
– Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thịToàn thành phố2023-2030
– Nhà ở xã hội cho công nhânToàn thành phố2023-2030
XXVICác dự án tái thiết đô thị
Thí điểm các dự án tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường An Hải Tây (quận Sơn Trà)Toàn thành phố2023-2030
CMỘT SỐ DỰ ÁN ĐÃ PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
IDỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
1Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng – Phần CSHT dùng chung giai đoạn 1Quận Liên Chiểu2022-2030
2Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu giai đoạn 2Quận Liên Chiểu2022-2025
3Mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (giai đoạn 2)Huyện Hòa Vang2024-2027
4Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2Quận Sơn Trà2025-2030
5Doanh trại cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự thành phốThành phố Đà Nẵng2023-2030
IIMỘT SỐ DỰ ÁN CỦA THÀNH PHỐ
1Khu công viên chuyên đề, văn hóa, vui chơi giải trí kết hợp thương mại dịch vụ phía Đông Nam Đài tưởng niệm giai đoạn 2 (Asia Park)Quận Hải Châu2023-2030
2Khu phức hợp y tế – giáo dục – chung cư cao cấp tại phường Mỹ AnQuận Ngũ Hành Sơn2023-2030
3Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà)Huyện Hòa Vang2023-2030
4Khu biệt thự sinh thái hồ Trước ĐôngHuyện Hòa Vang2023-2030
5Khu đô thị phía Tây đường tránh Nam hầm Hải VânHuyện Hoà Vang2023-2030
6Khu đô thị phía Đông đường tránh Nam hầm Hải VânHuyện Hoà Vang2023-2030
7Khu đô thị sinh thái phía Bắc đường Hoàng Văn TháiHuyện Hoà Vang2023-2030
DCÁC DỰ ÁN ĐANG RÀ SOÁT, XỬ LÝ THEO CÁC KẾT LUẬN THANH TRA
ICác dự án theo Kết luận Thanh tra số 2852/KL-TTCP ngày 02 tháng 11 năm 2012
1Dự án Khu du lịch sinh thái Nam ÔQuận Liên Chiểu2023-2030
2Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng VânQuận Liên Chiểu2023-2030
IICác dự án theo Kết luận Thanh tra số 269/KL-TTCP ngày 16 tháng 9 năm 2019
1Tổ hợp Khu du lịch – dịch vụ cao cấp Sơn Trà (Sontra Resort&Spa)Quận Sơn Trà2023-2030
2Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi TrẹmQuận Sơn Trà2023-2030
3Khu Du lịch Bãi BụtQuận Sơn Trà2023-2030
4Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental)Quận Sơn Trà2023-2030
5Khu du lịch sinh thái biển Tiên SaQuận Sơn Trà2023-2030
6Khu Du lịch Bãi TrẹmQuận Sơn Trà2023-2030
7Khu Du lịch sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại Bán đảo Sơn TràQuận Sơn Trà2023-2030
8Khu Du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa – Mũi NghêQuận Sơn Trà2023-2030
9Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi ĐaQuận Sơn Trà2023-2030
10Khu Du lịch ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ XanhQuận Sơn Trà2023-2030
11Khu Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối ĐáQuận Sơn Trà2023-2030
12Khu du lịch Biển Đông mở rộng (Dự án Khu du lịch Bãi Rạng)Quận Sơn Trà2023-2030
13Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sảnQuận Sơn Trà2023-2030

Ghi chú: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án tại mục C và D phụ lục này. Đối với các dự án tại Mục D, chỉ triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.

PHỤ LỤC XVII

DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên bản đồTỷ lệ
1Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
2Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
3Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
3.1Sơ đồ phương án phát triển Dịch vụ, du lịch1:25.000
3.2Bản đồ phương án phát triển Văn hóa, thể thao1:25.000
3.3Bản đồ phương án phát triển Khoa học công nghệ, Giáo dục đào tạo1:25.000
3.4Bản đồ phương án phát triển Y tế, An sinh xã hội1:25.000
3.5Sơ đồ phương án phát triển Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp1:25.000
4Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
4.1Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông1:25.000
4.2Sơ đồ phương án phát triển Thoát nước mặt và Thủy lợi; Hệ thống cấp nước sinh hoạt; Thoát nước thải; Xử lý chất thải rắn và nghĩa trang1:25.000
4.3Sơ đồ phương án Mạng lưới cấp điện; Thông tin và truyền thông; Hạ tầng, dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú cho tàu cá1:25.000
5Bản đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
6Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
7Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
8Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555