Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 1589/QĐ-TTgHà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 670/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tại Tờ trình số 311/TTr-UBND ngày 29 tháng 09 năm 2023, Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2023, Công văn số 386/UBND-KTTH ngày 29 tháng 11 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 2526/BC-HĐTĐ ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Hội đồng thẩm quy hoạch tỉnh và tổng hợp kết quả rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh tại Văn bản số 7495/BKHĐT-QLQH ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích tự nhiên là 822,71 km2, gồm 08 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Bắc Ninh và Từ Sơn), 02 thị xã (Quế Võ và Thuận Thành) và 04 huyện (Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài).

Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°58′ đến 21°16′ vĩ độ Bắc và 105°54′ đến 106°19′ kinh độ Đông. Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Hải Dương; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên; phía Tây tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

a) Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX; bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

b) Lấy truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, các giá trị di sản văn hóa, tư duy sáng tạo, khát vọng vươn lên của con người Bắc Ninh – Kinh Bắc làm yếu tố nền tảng, sức mạnh nội sinh, đồng thời khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt nổi trội, lợi thế địa kinh tế để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị hiện đại, thông minh, phát triển thịnh vượng dựa trên kinh tế tri thức, mô hình kinh tế sáng tạo, đột phá; trung tâm công nghiệp, logistics của cả nước và khu vực, một trong những thành phố có sức cạnh tranh, sáng tạo hàng đầu châu Á.

c) Thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế, khắc phục các hạn chế trong không gian phát triển; hình thành vùng động lực tạo hiệu ứng lan tỏa trong phát triển gắn với huy động, sử dụng tiết kiệm, phân bố hợp lý, hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

d) Phát triển toàn diện, tổng thể, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự lực, tự hào dân tộc, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ chiến lược về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8% – 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4,0%.

+ GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người.

+ Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,3% – 9,5%/năm.

+ Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.

+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 36% – 38%;

+ Hệ số sử dụng vốn (ICOR) khoảng 5,2 – 5,5.

+ Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 36.000 tỷ đồng.

+ Kinh tế số chiếm khoảng 35% trong GRDP.

– Về xã hội:

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 98%.

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 3,0%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%.

+ Tuổi thọ trung bình đạt 76 tuổi.

+ Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 15 người.

+ Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 38 giường.

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Đến năm 2025, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%. Trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%; lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 95%.

– Về tài nguyên và môi trường:

+ Đến năm 2025: 100% người dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và duy trì trong những năm tiếp theo.

+ Phấn đấu từ năm 2025: tỷ lệ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%.

+ 100% các khu – cụm công nghiệp và đô thị mới thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

+ Không còn điểm, khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong khu dân cư và cộng đồng, đặc biệt ở các làng nghề.

– Về phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%; tỷ lệ nhà ở tại đô thị được kiên cố hóa đạt 95%.

+ 100% số huyện và 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

+ Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt 25%.

– Về quốc phòng, an ninh:

+ Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện tốt công tác phòng chống các thách thức an ninh truyền thống và phi quyền thống; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

+ Xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng với phát triển kinh tế – xã hội.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

4. Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

a) Nhiệm vụ trọng tâm

– Tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

– Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 04 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 02 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 02 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

– Thực hiện thực chất, hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

b) Một số đột phá phát triển

– Nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có những chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất kinh doanh, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

– Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng); hạ tầng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh; các hạ tầng số cốt lõi tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

– Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử; phát triển các trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước.

– Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước, nhất là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động của Bắc Ninh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đưa Bắc Ninh trở thành một trong các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển hàng đầu của cả nước.

– Thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế như công nghệ thông tin, điện tử, sản xuất bán dẫn, công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh, công nghiệp dược phẩm, y tế, logistics, du lịch,… Đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung theo mô hình tiên tiến trên thế giới.

– Nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, tận tâm công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng

a) Ngành công nghiệp

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước. Đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo… nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

b) Ngành thương mại, dịch vụ và du lịch

Xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm mua sắm, thương mại và tiêu dùng của vùng Thủ đô; thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, bền vững; tập trung vào các ngành dịch vụ giá trị cao, có tiềm năng, lợi thế như: dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh – Kinh Bắc; nâng cao vai trò quảng bá và giới thiệu hình ảnh của tỉnh Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.

c) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, hiệu quả và tận dụng tối đa quỹ đất; đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát triển nông nghiệp đô thị, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ – du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

a) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Bắc Ninh.

b) Văn hóa, thể thao

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh toàn diện, là động lực quan trọng để phát triển bền vững; phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Phát triển thể dục thể thao nhằm bồi dưỡng, phát huy thể lực, tầm vóc con người Kinh Bắc; chú trọng phát triển các môn thể thao thế mạnh của địa phương, tạo nên thương hiệu của tỉnh Bắc Ninh. Khai thác phát triển các loại hình kinh tế thể thao, kết hợp dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, sân golf.

c) Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Xây dựng nền giáo dục hiện đại, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người dân, tạo điều kiện phát triển tài năng. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Ưu tiên phát triển cơ sở giáo dục đại học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phát triển giáo dục đại học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bắc Ninh và cả nước.

d) Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Xây dựng hệ thống y tế tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững, trong đó gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập, kết hợp hài hòa giữa phòng bệnh với khám chữa bệnh – phục hồi chức năng. Phát triển y tế gắn với sản xuất dược phẩm, thiết bị y khoa và du lịch y tế. Tập trung phát triển tuyến y tế cơ sở, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về tiếp cận dịch vụ y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn.

đ) An sinh xã hội

Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp an sinh xã hội cho người dân. Ứng dụng các nền tảng số hóa và thế mạnh sẵn có về chuyển đổi số để thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp cải thiện và ổn định cuộc sống của người dân.

Thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm, ưu tiên hỗ trợ việc làm, tạo sinh kế, đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.

Triển khai hiệu quả các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội, các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường sống an toàn; thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực.

e) Quốc phòng, an ninh

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài.

3. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội

a) Hành lang kinh tế

Hình thành 05 hành lang phát triển, bao gồm:

– Hành lang kết nối đô thị – thương mại – dịch vụ dọc quốc lộ 1A, nối Từ Sơn – Tiên Du – Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang. Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là Từ Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, được giới hạn phát triển bởi các nêm xanh.

– Hành lang kết nối dịch vụ – công nghiệp – thương mại dọc quốc lộ 18, nối Yên Phong – Bắc Ninh – Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp.

– Hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu; bố trí các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước dọc hành lang các tuyến sông; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du.

– Hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối Quế Võ – Gia Bình – Lương Tài – Thuận Thành.

– Hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 38 và vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.

b) Vùng kinh tế động lực

Vùng kinh tế động lực gồm các đơn vị hành chính: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, trong đó thành phố Bắc Ninh là đô thị trung tâm; tập trung phát triển kinh tế theo hướng:

– Về đô thị: xây dựng, phát triển đô thị bền vững theo hướng xanh, thông minh, lấy người dân làm trung tâm.

– Về ngành công nghiệp: sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường.

– Về ngành thương mại, dịch vụ và du lịch: phát triển đa dạng các loại hình thương mại, đặc biệt là các trung tâm mua sắm quy mô lớn; chú trọng dịch vụ logistics và vận tải, dịch vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch lịch sử cội nguồn theo dòng thời gian, các hình thức vui chơi giải trí hiện đại,…).

– Về ngành nông nghiệp: phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng chuyên canh tập trung; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; mở rộng tích tụ ruộng đất.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Tiếp tục thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Phạm vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

– Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Toàn tỉnh có 12 đô thị: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 04 đô thị loại III và 06 đô thị loại V. Phát triển huyện Tiên Du và huyện Yên Phong trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.

– Định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm như sau:

+ Thành phố Bắc Ninh: trung tâm tổng hợp về hành chính – chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao cấp tỉnh; là đô thị phát triển toàn diện và bền vững về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính.

+ Thành phố Từ Sơn: trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu và công nghiệp đô thị, du lịch, vui chơi giải trí.

+ Thành phố Yên Phong: trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng.

+ Thành phố Tiên Du: trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.

+ Thị xã Quế Võ: trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, thể dục thể thao, y tế cấp vùng, phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

+ Thị xã Thuận Thành: trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh, tăng trưởng đồng đều về cả công nghiệp và dịch vụ hướng tới phát triển bền vững.

(Chi tiết tại Phụ lục I kèm theo)

3. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

Phát triển các khu dân cư nông thôn theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại, có bản sắc, bảo đảm phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tận dụng tối đa các điểm dân cư hiện hữu, bảo đảm tiêu chí đất ở, nhà ở theo các quy định pháp luật.

Phát triển hình thái không gian dân cư nông thôn theo đặc trưng của từng vùng, các trung tâm cụm xã trở thành các trung tâm dịch vụ, gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, phù hợp với tập quán sinh hoạt và đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Triển khai các khu dân cư nông thôn kết hợp với bảo vệ và gìn giữ không gian văn hóa truyền thống của địa phương, với thiết chế văn hóa làng xã; xây dựng đời sống văn minh góp phần bảo tồn và phát triển các khu vực làng nghề, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ thương mại. Cải tạo, xây dựng kiến trúc nhà ở và cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện sống của dân cư theo đặc trưng từng vùng, không phá vỡ cảnh quan sinh thái nông thôn; đối với các điểm dân cư mới phát triển phải có quy hoạch kiến trúc cảnh quan phù hợp với truyền thống, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp

Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị – dịch vụ; nghiên cứu chuyển đổi 1 – 2 khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Không gian phát triển công nghiệp gồm 4 vùng: (1) Thung lũng công nghệ điện tử – huyện Yên Phong; (2) Hành lang công nghiệp – thị xã Quế Võ; (3) Khu công nghiệp mới – thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; (4) Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao – huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.

(Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo)

2. Phương án phát triển cụm công nghiệp

Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 30 cụm công nghiệp; phân bố và sắp xếp không gian phát triển các cụm công nghiệp một cách hợp lý trên cơ sở bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác.

(Chi tiết tại Phụ lục III kèm theo)

3. Phương án phát triển khu du lịch

a) Phân bố khu chức năng phát triển theo vùng

– Vùng Bắc sông Đuống, gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ và các huyện Yên Phong, Tiên Du. Trong đó trung tâm du lịch và giải trí nằm ở Đông Bắc thành phố Từ Sơn và phía Tây huyện Tiên Du. Các loại hình dịch vụ, du lịch chủ yếu như: du lịch hội nghị – hội thảo – sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, …

– Vùng Nam sông Đuống, gồm: thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, tập trung nhiều làng nghề, di tích lịch sử – văn hóa, thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước, kết nối thuận tiện với không gian du lịch phía Bắc sông Đuống và các vùng phụ cận… Các loại hình dịch vụ, du lịch tiềm năng như: du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, sân golf…

– Vùng đô thị Hồ, thị xã Thuận Thành trong vai trò đô thị cửa ngõ kết nối với Hà Nội, là trung tâm du lịch vùng phía Nam của tỉnh Bắc Ninh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ.

– Vùng không gian sông Đuống và hành lang sông Đuống: trục hành lang sinh thái quan trọng của tỉnh, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước.

b) Phân bố khu chức năng phát triển theo tuyến

– Tuyến dọc theo đường 295B, quốc lộ 1A, quốc lộ 18 và đường tỉnh 283 qua thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn và một phần thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Yên Phong với nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch như: làng quan họ Diềm – không gian di sản văn hóa thế giới Quan họ Bắc Ninh, Đồi Lim với lễ hội Quan họ quốc gia, Đền Bà Chúa Kho, thành cổ Bắc Ninh, chùa Hàm Long, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, làng nghề gốm Phù Lãng…

– Tuyến dọc theo quốc lộ 18, các đường tỉnh 280, 282 và cầu Bình Than: có các tài nguyên du lịch đặc biệt nổi trội của tỉnh Bắc Ninh và vùng đồng bằng sông Hồng như: quần thể di tích danh thắng núi Thiên Thai, bến Bình Than, Đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, các làng quê Bắc Bộ mang nét đặc trưng dọc sông Đuống…

c) Phát triển các khu du lịch trọng yếu

– Khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia: khu du lịch vui chơi giải trí, thể thao, sinh thái văn hóa hiện đại quy mô lớn tại Nam Sơn – thành phố Bắc Ninh, trọng tâm gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa chùa Dạm, núi Dạm, ngòi Con Tên.

– Khu du lịch cấp tỉnh: đến năm 2030, toàn tỉnh có 08 khu du lịch cấp tỉnh

– Phát triển mới các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và sân golf; phấn đấu hình thành 07 sân golf tại thị xã Thuận Thành, huyện Yên Phong (đã có trong quy hoạch); tại huyện Tiên Du, thị xã Quế Võ, huyện Gia Bình (bổ sung quy hoạch).

(Chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo)

4. Phương án phát triển khu nghiên cứu, đào tạo

– Hình thành 2 khu chức năng cấp vùng về giáo dục đào tạo đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích khoảng 700 ha: Khu Đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ I (Khu đô thị Đại học I) tại thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du với diện tích khoảng 200 ha; Khu Đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ II (Khu đô thị Đại học II) tại huyện Tiên Du với diện tích khoảng 500 ha và bổ sung chức năng đô thị vào khu đào tạo.

– Thu hút phát triển 02 khu nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ tập trung tại huyện Gia Bình với quy mô mỗi khu từ 200 – 300 ha.

– Ưu tiên thu hút các cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với khu công nghệ thông tin tập trung.

5. Phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Phân bố khu chức năng nông, lâm nghiệp, thủy sản gồm 3 vùng:

– Khu vực Nam sông Đuống: gồm thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình và huyện Lương Tài là vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn kết hợp phát triển công nghiệp chế biến nông sản và vùng nguyên liệu gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, làng nghề.

– Khu vực các huyện, thị xã, thành phố: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Bắc Ninh, Từ Sơn là vùng nông nghiệp đô thị tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các mô hình canh tác thông minh kết hợp thương mại, dịch vụ, hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Khuyến khích phát triển các mô hình không gian nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, bảo đảm tính thẩm mỹ, góp phần xây dựng đô thị xanh và bảo vệ môi trường.

– Khu vực đất bãi bồi 2 bên bờ sông Đuống là vùng nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông thôn và thực hiện theo đúng các quy định pháp luật có liên quan.

6. Phương án xác định khu quân sự, an ninh

Xây dựng khu quân sự, khu an ninh bảo đảm thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, các khu vực sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Việc bố trí xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích các khu đất quốc phòng, an ninh được bố trí, sử dụng theo chỉ tiêu được phân bổ và theo yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.

Quy hoạch Sân bay Gia Bình với chức năng chính thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, định hướng là sân bay lưỡng dụng cấp 4E.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm ứng cứu kịp thời các vụ hỏa hoạn và tai nạn. Phát triển mạng lưới trụ sở, doanh trại công trình của các lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Mỗi địa phương cấp huyện bảo đảm có tối thiểu 01 đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp được đầu tư đáp ứng yêu cầu về lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện, doanh trại.

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

a) Định hướng chung

– Tập trung cải tạo nâng cấp kết hợp phát triển xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển các hạ tầng kỹ thuật khác, là cầu nối, động lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ – thương mại, logistics theo định hướng tăng trưởng xanh; phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải (đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không); phát triển hệ thống giao thông công cộng đa dạng phù hợp với các đô thị.

– Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, kết nối liên vùng.

– Quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm, không gian ngầm theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

– Huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm hành lang an toàn giao thông. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.

b) Hạ tầng giao thông

Các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường bộ, đường thủy nội địa, cảng hàng không và sân bay thực hiện theo các quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Đường bộ: đến năm 2030, hoàn thành đầu tư và khai thác 04 tuyến cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 190 km; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường tỉnh đạt khoảng 420 km.

– Đường thuỷ nội địa: ngoài 04 tuyến đường thủy do trung ương quản lý, quy hoạch 03 tuyến do địa phương quản lý. Phát triển cảng, bến thủy nội địa phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và quy hoạch khác có liên quan.

– Đường sắt (giai đoạn 2021 – 2030):

+ Nâng cấp, cải tạo tuyến Hà Nội – Lạng Sơn: xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, chiều dài dự kiến 167 km và tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng; đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm với chiều dài khoảng 59 km.

+ Tuyến Yên Viên – Hạ Long từ Lim đến Phả Lại: đường đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm.

+ Bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt dọc Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

– Bến xe đến năm 2025: giữ nguyên 03 bến xe hiện tại (chỉ đầu tư nâng cấp, cải tạo đạt theo đúng quy chuẩn bến xe quy định); xây dựng mới 03 bến xe tại thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong;

– Bến xe đến năm 2030: nâng cấp, cải tạo các bến xe khách đạt theo quy chuẩn và quy định đối với các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và bến xe buýt; xây dựng mới 04 bến xe khách.

– Quy hoạch 01 cảng hàng không (tiềm năng) tại huyện Gia Bình (dự kiến quy mô khoảng 245 ha).

– Quy hoạch 04 cảng cạn; nghiên cứu phát triển bổ sung một số cảng cạn tại các khu công nghiệp có quy mô lớn, kết nối thuận lợi với đường bộ, đường thủy nội địa, có thể tích hợp với các trung tâm Logistics.

– Công trình hạ tầng giao thông khác:

+ Hệ thống đường sắt đô thị: nghiên cứu đưa vào áp dụng đường sắt LRT (Light Rapid Transit – Tàu điện nhẹ) dựa trên việc chuyển đổi mục đích sử dụng BRT (xe buýt tốc hành). Nghiên cứu quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và đường chính đô thị.

+ Hạ tầng giao thông ngầm: bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, thị trấn Lim, thành phố Từ Sơn, phường Nam Sơn) và đô thị Hồ; đồng thời nghiên cứu kết hợp phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển các hạ tầng hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm.

+ Trung tâm logistics: xây dựng 3 trung tâm mới tại thành phố Bắc Ninh, huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ.

(Chi tiết tại Phụ lục V, VI, VII, VIII, IX kèm theo)

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

Phát triển mạng lưới cấp điện phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quyết định, quy định có liên quan của cấp có thẩm quyền.

a) Nguồn điện

– Bảo đảm nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tối đa, hiệu quả và có độ dự phòng nằm trong quy định, có khả năng hỗ trợ tốt cho lưới điện khu vực, bảo đảm huy động đủ công suất cấp điện cho phụ tải trong trường hợp sự cố và luôn đảm bảo cấp điện cho lưới điện của tỉnh từ ít nhất 2 nguồn khác nhau; Pmax đạt 3.143 MW.

– Tiếp tục phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện rác…), nghiên cứu năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh…) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống; gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện phục vụ tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh…

b) Hệ thống lưới điện truyền tải

– Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các trạm, tuyến đường dây 110kV và trung hạ thế để cung cấp điện đồng bộ với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu phát triển phụ tải của tỉnh, bảo đảm cung cấp điện liên tục, an toàn cho các hộ sử dụng điện và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phụ tải tiêu thụ cực đại toàn tỉnh.

– Phát triển mạng lưới điện phân phối hiện đại, bảo đảm vận hành linh hoạt, bảo đảm được cấp từ 2 nguồn điện trở lên và bảo đảm tiêu chí N-1, giảm tổn thất điện năng trong khâu phân phối và tăng cường mỹ quan công trình điện.

– Cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn hiện có. Thực hiện cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, kết hợp với cung cấp điện từ năng lượng tái tạo cho khu vực nông thôn.

(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)

3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin truyền thông

– Xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh hiện đại, có sức hấp dẫn cao nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đồng bộ với việc thu hút kết nối các trường đại học, các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông để hình thành hệ sinh thái nghiên cứu phát triển và sản xuất, kinh doanh, từng bước xây dựng không gian phát triển mới bền vững, có hiệu quả sử dụng đất cao.

– Thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin truyền thông của tỉnh nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, thể chế và công nghệ là động lực, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt.

– Phổ cập mạng di động 4G/5G trên toàn tỉnh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang đạt 100%; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt trên 85% nhằm đáp ứng mọi nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu.

– Phát triển hạ tầng bưu chính số đồng bộ, hiện đại với tốc độ tăng trưởng các dịch vụ thương mại điện tử và logistics đạt bình quân 20 – 30%/năm.

– Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành và đưa vào sử dụng Khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh.

– Số lượng cơ quan báo chí phù hợp Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Hoàn thành chuyển đổi số các cơ quan báo chí nòng cốt theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện. 100% hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; 100% đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; 100% cơ quan hành chính nhà nước sử dụng cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin.

(Chi tiết tại Phụ lục XI kèm theo)

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước

a) Phương án phát triển thủy lợi

Phát triển hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm hài hòa nguồn nước, chủ động tạo nguồn và tích trữ, điều hòa, phân phối nước phù hợp giữa các lưu vực sông trong hệ thống. Các công trình thủy lợi bảo đảm tiêu thoát nước có tính đến biến đổi khí hậu và trữ nước khoảng 50% đến 70% tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh (khoảng từ 1.500 đến 2.000 mm).

Nâng cấp, xây mới các hệ thống trạm bơm tiêu đầu mối và hệ thống tiêu nội vùng; thường xuyên khơi thông, nạo vét các trục tiêu chính, kênh tiêu nội đồng để bảo đảm năng lực tiêu tự nhiên và tiêu cưỡng bức vùng Bắc Đuống với diện tích tự nhiên khoảng 46.100 ha, vùng Nam Đuống với diện tích tự nhiên khoảng 30.000 ha. Phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, chống ngập úng kịp thời cho các khu đô thị, khu công nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp.

Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kênh, các trạm bơm tưới bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.

b) Phương án phát triển hạ tầng cấp nước

Phát triển các hệ thống cấp nước sạch tập trung quy mô liên huyện, liên xã khai thác nguồn nước mặt dùng chung cửa lấy nước, hồ lắng nhằm đạt hiệu quả cao trong quản lý vận hành và tiết kiệm diện tích sử dụng đất.

Thay thế các dây chuyền công nghệ xử lý nước lạc hậu bằng các dây chuyền công nghệ tiên tiến; tăng tỷ lệ cấp nước khu vực đô thị và nông thôn, 100% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm đạt tiêu chuẩn quy định.

Giảm dần khai thác nước ngầm và chuyển sang khai thác nước mặt tại các nhà máy nước. Chuyển giao, sáp nhập các trạm cấp nước công suất nhỏ vào các đơn vị cấp nước quy mô lớn có công nghệ hiện đại nhằm tăng cường năng lực cấp nước.

Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình, nâng cao chất lượng nước cấp, giảm thiểu tối đa lượng thất thoát, tiết kiệm nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nước trong mùa kiệt.

(Chi tiết tại Phụ lục XII kèm theo)

5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang

a) Khu xử lý chất thải

– Đến năm 2030, toàn tỉnh có 09 cơ sở xử lý chất thải rắn.

– Đầu tư xây dựng các lò đốt rác để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt tại thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du.

– Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn nguy hại có tính chất liên vùng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng trên địa bàn tỉnh.

– Hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải cho các cơ sở y tế, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, nâng cấp, vận hành các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung và các khu – cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải.

b) Nghĩa trang

Duy trì các nghĩa trang hiện trạng đến khi lấp đầy. Khoanh vùng, cải tạo theo mô hình vườn nghĩa trang đối với các nghĩa trang cũ; từng bước di dời các nghĩa trang nằm trong phạm vi phát triển đô thị hoặc không bảo đảm yêu cầu môi trường.

Xây dựng mới các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Bảo đảm mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có từ 1 – 2 nghĩa trang tập trung. Ưu tiên sử dụng công nghệ an táng mới, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương và bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Bố trí tối thiểu 01 nhà lễ tang cho 01 đơn vị hành chính cấp huyện và các nhà tang lễ tại các đô thị bảo đảm tiêu chuẩn về phân loại đô thị.

(Chi tiết tại Phụ lục XIII, XIV kèm theo)

6. Phương án phát triển phòng cháy và chữa cháy

– Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, được bố trí bảo đảm mỗi huyện có tối thiểu 01 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

– Xây dựng hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm xe chữa cháy hoặc cứu nạn, cứu hộ (thường là xe thang) của lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thể tiếp cận .

– Hệ thống cung cấp nước chữa cháy bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.

– Hệ thống thông tin liên lạc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tuân thủ theo quy định hiện hành và được kết nối với các đơn vị tỉnh lân cận và Trung ương.

(Chi tiết tại Phụ lục XV kèm theo)

VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng y tế

– Đối với cơ sở y tế công lập

+ Củng cố, nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện có; đầu tư xây dựng các bệnh viện lớn cấp tỉnh tại thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn đạt các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia và tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đầu tư xây dựng mới các bệnh viện: Da liễu, Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Mắt và Trung tâm Pháp y tại thành phố Bắc Ninh.

Đối với các bệnh viện: Lão khoa, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Tim mạch tại thành phố Bắc Ninh đầu tư xây dựng mới khi đủ điều kiện.

+ Đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện mang tính đa khoa, hiện đại và chuyên sâu ở một số lĩnh vực, phù hợp với quy mô dân số.

+ Xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát dịch bệnh.

+ Xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trạm y tế, quy mô phù hợp với phân vùng trạm y tế xã và nhu cầu thực tế từng địa phương; 100% các trạm y tế được kiên cố hóa đáp ứng tiêu chí quốc gia về y tế xã.

– Đối với cơ sở y tế ngoài công lập

Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để phát triển mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; thu hút, khuyến khích phát triển các bệnh viện, phòng khám tư nhân đạt tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; nâng tỷ lệ giường bệnh tại các bệnh viện ngoài công lập trên tổng số giường bệnh của tỉnh đạt 17% vào năm 2030.

(Chi tiết tại Phụ lục XVI kèm theo)

2. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục – đào tạo

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo công lập đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; bảo đảm phòng học, lớp học cho học sinh các cấp đạt chuẩn theo quy định. Bảo đảm quỹ đất cho việc mở rộng, xây mới hạ tầng giáo dục các cấp học. Tiếp tục sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các địa phương. Thành lập các cơ sở trường học trong các khu đô thị, nhà ở… theo quy định về bảo đảm hạ tầng giáo dục đối với các dự án đầu tư khu nhà ở, khu đô thị.

Đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập theo tiêu chuẩn.

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập, nhất là cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Hình thành Khu Đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ I (Khu đô thị Đại học I) tại thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du; khu Đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ II (Khu đô thị Đại học II) tại huyện Tiên Du để thu hút các cơ sở giáo dục đại học từ Thủ đô Hà Nội chuyển về hoặc xây dựng phân hiệu tại Bắc Ninh.

Phát triển 02 khu nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ tập trung tại huyện Gia Bình để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.

Đầu tư xây dựng, chuyển đổi trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thành trường Cao đẳng đa ngành để thực hiện đào tạo nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

(Chi tiết tại Phụ lục XVII kèm theo)

3. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Củng cố và hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập ở những địa phương có nhu cầu.

Duy trì và củng cố hoạt động của 03 trung tâm cấp tỉnh (02 trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tỉnh), 05 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

(Chi tiết tại Phụ lục XVIII kèm theo)

4. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng văn hóa, thể dục, thể thao a) Phương án phát triển hạ tầng văn hóa

Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đủ cơ sở vật chất thiết chế văn hóa. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng kết hợp phát triển du lịch.

– Đối với thiết chế văn hóa cấp tỉnh

+ Đầu tư xây dựng Nhà thực hành Quan họ tại các làng Quan họ trên địa bàn tỉnh, Trung tâm chiếu phim đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm thông tin, hội chợ, triển lãm.

+ Nâng cấp, cải tạo, xây mới các thiết chế: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, Cung văn hóa Thanh thiếu niên tỉnh.

+ Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa, số hóa thư viện tỉnh; hoàn thiện dự án xây dựng thư viện điện tử, gắn hoạt động thư viện với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát triển các bộ sưu tập số về tài liệu cổ quý hiếm, bộ sưu tập có giá trị đặc biệt; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện.

+ Triển khai phát triển các hệ thống công viên văn hóa – sinh thái, công viên chuyên đề; hệ thống tượng đài, thiết chế sinh hoạt và trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian.

– Đối với thiết chế văn hóa cấp huyện

+ Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện; nâng cấp 04 nhà văn hóa tại thị xã Quế Võ, huyện Lương Tài, huyện Gia Bình và huyện Yên Phong.

+ 100% đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa (bao gồm các thiết chế: nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện) đạt chuẩn theo quy định.

+ Xây dựng mới 04 nhà văn hóa thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp huyện tại thành phố Từ Sơn, huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và huyện Yên Phong.

– Đối với hệ thống quảng trường, công viên:

+ Hình thành không gian tổng thể của khu vực xây dựng quảng trường trung tâm tỉnh, bảo đảm kết nối liên hoàn 03 không gian các khu tượng đài, quảng trường và công viên cây xanh.

+ 100% đơn vị hành chính cấp huyện có quảng trường, công viên.

– Đối với thiết chế văn hoá, thể thao ngoài công lập: tiếp tục duy trì, phát huy hệ thống thiết chế ngoài công lập hiện có. Khuyến khích đầu tư xây mới các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ các khu đô thị, các khu công nghiệp.

b) Phương án phát triển hạ tầng thể thao

– Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thể thao quan trọng, tiêu biểu như: trung tâm thể dục thể thao cấp vùng tại khu đô thị Nam Sơn (khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công – tư); xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh.

– 100% đơn vị hành chính cấp huyện có 03 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu đa năng, sân vận động, bể bơi) đạt chuẩn theo quy định.

– Đầu tư nâng cấp, xây mới các sân tập, sàn tập dành cho giáo dục thể chất và thể thao trong trường học thuộc các cấp học, bậc học đáp ứng các chỉ tiêu diện tích bình quân trên một học sinh, sinh viên.

(Chi tiết tại Phụ lục XIX kèm theo)

5. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại

Phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu.

Tăng cường kêu gọi và thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư mới các cơ sở dịch vụ, thương mại, triển lãm, hội chợ. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các loại hình cơ sở hạ tầng thương mại hiện có trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng mới: 01 trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh; 03 trung tâm logistics cấp I; 02 kho xăng dầu; 01 kho khí; 15 trung tâm thương mại; 31 chợ, trong đó có: 01 chợ đầu mối, 01 chợ hạng I.

Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây lại hoặc di dời các chợ đã xuống cấp, có vị trí không phù hợp; xây dựng mới các chợ tại những địa bàn có nhu cầu phát triển; phát triển một số chợ tại khu vực đô thị thành tổ hợp chợ – thương mại – dịch vụ đa năng; phát triển các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, loại hình thương mại khác.

(Chi tiết tại Phụ lục XX kèm theo)

6. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng bảo trợ xã hội

Đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây mới các trung tâm bảo trợ xã hội công lập đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng chính sách. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Mở rộng mạng lưới cơ sở an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Đến năm 2030, toàn tỉnh Bắc Ninh có ít nhất 07 cơ sở an sinh xã hội, trong đó có 04 cơ sở công lập và 03 cơ sở ngoài công lập.

(Chi tiết tại Phụ lục XXI kèm theo)

7. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ

Rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng tăng quy mô, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm gồm:

– Phát triển Khu Đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ I (Khu đô thị Đại học I) với diện tích khoảng 200 ha tại thành phố Bắc Ninh.

– Phát triển Khu Đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ II (Khu đô thị Đại học II) với diện tích khoảng 500 ha tại huyện Tiên Du.

– Xây dựng mới công trình viện nghiên cứu khoa học, công nghệ cao cấp vùng Thủ đô với diện tích khoảng 300 ha tại huyện Gia Bình.

– Phát triển Khu nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ tập trung (dự kiến tại huyện Gia Bình với diện tích 200 đến 300 ha).

– Xây dựng không gian phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (trực tiếp và trực tuyến); khu nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ tập trung…).

VIII. PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI

1. Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Bố trí sử dụng đất hợp lý, hiệu quả trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các chỉ tiêu, diện tích chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở, đất phát triển hạ tầng được tính toán, xác định trên cơ sở tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất Quốc gia, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và nhu cầu phát triển của địa phương để triển khai các phương án phát triển theo không gian, lãnh thổ và các công trình, dự án hạ tầng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(Chi tiết tại Phụ lục XXII kèm theo)

IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN

1. Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện

Toàn tỉnh Bắc Ninh phân thành 02 vùng liên huyện gồm:

– Vùng Bắc Đuống: vùng động lực phát triển, đô thị tổng hợp, trọng điểm trong hoạt động sản xuất công nghiệp, công nghệ cao và chế biến chế tạo của tỉnh, phát triển ngành thương mại – dịch vụ, du lịch giải trí.

– Vùng Nam Đuống: vùng đô thị – công nghiệp – nông nghiệp, cửa ngõ và đô thị ven sông Đuống, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao hướng tới các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới với cơ sở hạ tầng xã hội phát triển.

2. Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện

Quy hoạch 02 vùng huyện bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tổng thể của tỉnh Bắc Ninh, gồm:

– Vùng huyện Gia Bình: trung tâm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm và các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với mức sống cao.

– Vùng huyện Lương Tài: phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng bền vững về công nghiệp và thương mại – dịch vụ. Nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, bảo đảm phát triển bền vững gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.

X. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN, ĐA DẠNG SINH HỌC, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh

a) Phương án phân vùng môi trường theo 03 phân vùng:

– Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: các khu dân cư tập trung tại nội thành, nội thị từ loại I, II trở lên; nguồn nước mặt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên; khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử – văn hóa.

– Vùng hạn chế phát thải: vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung nông thôn, nội thành, nội thị của đô thị loại IV, loại V; khu vui chơi giải trí dưới nước; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.

– Vùng khác: các vùng còn lại trên địa bàn quản lý của tỉnh.

b) Phương án bảo tồn đa dạng sinh học

Bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng các chương trình, đề án phòng, chống suy giảm đa dạng sinh học, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phục hồi các hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; nâng cao độ che phủ rừng, ngăn chặn suy giảm chất lượng rừng; bảo vệ các giống loài, nguồn gen và bảo đảm an toàn sinh học. Khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và nguồn lợi thủy sản. Duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

c) Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường

Đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 54 điểm quan trắc môi trường không khí, 48 điểm quan trắc môi trường nước mặt, 39 điểm quan trắc môi trường nước thải, 30 điểm quan trắc môi trường đất.

Đầu tư bổ sung, nâng cấp trang thiết bị quan trắc các trạm; xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở truyền, nhận số liệu quan trắc tự động, liên tục; tăng cường xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng tài nguyên và môi trường.

d) Phương án phát triển bền vững rừng phòng hộ và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp.

Quản lý rừng bền vững trên cả ba lĩnh vực kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái, hướng đến được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kết hợp hài hòa giữa chức năng phòng hộ với việc phát triển kinh tế nhằm khai thác, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên rừng và các sản phẩm khác từ rừng phòng hộ; chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái, các loài động vật rừng, thực vật rừng quý, hiếm, loài đặc hữu có trong khu vực.

Cải tạo, nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng; phát triển chuỗi du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ. Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; ưu tiên, tăng cường nâng cao năng lực, cơ sở vật chất theo dõi, giám sát tài nguyên rừng, trang thiết bị bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

(Chi tiết tại Phụ lục XXIII, XXIV kèm theo)

2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên

Khoanh định các khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Tập trung khai thác, chế biến sâu các sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Đối với nhu cầu sử dụng đất công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản thực hiện điều chỉnh để cấp phép theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng phù hợp với nhu cầu địa phương và quy định pháp luật.

(Chi tiết tại Phụ lục XXV kèm theo)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Quản lý, phân bổ nguồn nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, tổ chức, cá nhân sử dụng nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các ngành kinh tế, ưu tiên nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp có giá trị cao, du lịch và dịch vụ; bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt, bảo vệ chức năng nguồn nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

(Chi tiết tại Phụ lục XXVI kèm theo)

4. Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Xác định các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao trên địa bàn tỉnh và các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai.

Triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xây dựng nền kinh tế các – bon thấp, tăng trưởng xanh, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, địa phương, đơn vị và từng lĩnh vực; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế – xã hội.

XI. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục XXVII kèm theo)

XII. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư

Ưu tiên bố trí các nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhưng không huy động được nguồn lực xã hội hóa.

Tập trung huy động mọi nguồn lực và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn (đặc biệt vốn đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, vốn viện trợ không hoàn lại, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế,…) đầu tư các dự án lớn về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, du lịch và các dự án hạ tầng xã hội.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án có chất lượng cao, phát triển những lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn.

2. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế trí thức. Phát triển các kỹ năng phục vụ nhu cầu của thị trường. Nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thu hút các trường đại học, viện nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.

Xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở, trợ cấp về giáo dục, y tế và đào tạo cho người lao động phổ thông.

3. Nhóm giải pháp về môi trường, khoa học công nghệ

– Giải pháp về bảo vệ môi trường:

+ Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường; thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp, chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường; xây dựng quy chế quản lý chất thải, quản lý ô nhiễm, tính đúng các chi phí về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư mới theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; nghiên cứu áp dụng các công nghệ xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức tốt hoạt động quản lý môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị và đặc biệt ở các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý và sử dụng, quản lý hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản.

+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường; tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường để kêu gọi hỗ trợ từ mọi nguồn lực trong và ngoài nước.

+ Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.

– Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ:

+ Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh. Tăng cường ứng dụng, cải tiến, đổi mới công nghệ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Thực hiện chiến lược tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ, kỹ thuật sản xuất từ các quốc gia phát triển hơn, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ.

+ Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có cơ chế khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của khoa học công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thông tin khoa học công nghệ. Xây dựng chính sách đãi ngộ, huy động các nguồn lực nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ.

4. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, các Đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Có cơ chế, chính sách quan tâm, đầu tư các huyện phát triển nông nghiệp, các huyện có nguồn thu thấp nhằm tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các địa phương.

5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

Thúc đẩy định hướng hiện đại hóa và ngầm hóa hạ tầng đô thị. Sớm xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị các khu vực trung tâm, trục giao thông mới; chỉnh trang đô thị ở các khu vực xa trung tâm, khu vực nông thôn gắn kết hài hòa với quy hoạch các đô thị vùng trung tâm và quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tích hợp. Công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Thường xuyên cập nhật và công bố công khai định hướng phân khu chức năng ở các khu vực đô thị và nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó có các chiến lược, chính sách phát triển các ngành ưu tiên, thế mạnh của tỉnh.

6. Nhóm giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo hướng đồng bộ.

Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, thường xuyên giám sát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần được đổi mới phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu với cơ chế quản lý hiệu lực, hiệu quả để triển khai thực hiện thành công Quy hoạch.

XIII. SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH

Danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Chi tiết tại Phụ lục XXVIII kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh:

a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh;

c) Chịu trách nhiệm toàn diện quản lý Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; hướng dẫn, phân công, phân cấp, điều phối, kiểm soát và bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, quy định trong quá trình thực hiện quy hoạch; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý và thực hiện Quy hoạch.

d) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

đ) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.

e) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

g) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

h) Đối với các dự án dự kiến đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực thực hiện thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các chương trình, dự án, đề án, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này, bảo đảm đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời người quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Đối với các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án (nếu có) chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm đúng các quy định hiện hành.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến thẩm định, rà soát, tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; các phụ lục được ban hành kèm theo Quyết định này bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết tại Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, QHĐP (2b). Huyền
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTĐô thịPhân loại đô thị
Hiện trạng năm 2021Đến năm 2030
lĐô thị Bắc Ninh (dự kiến trở thành quận)II
2Đô thị Từ Sơn (dự kiến trở thành quận)IIIII
3Đô thị Yên Phong (dự kiến trở thành thành phố)VThành phố trực thuộc tỉnh và là đô thị loại III
4Đô thị Quế Võ (thị xã)IVIII
5Đô thị Tiên Du (dự kiến trở thành thành phố)VThành phố trực thuộc tỉnh và là đô thị loại ra
6Đô thị Thuận Thành (thị xã)IVIII
7Đô thị Gia Bình (thị trấn)VV
8Đô thị ThứaVV
9Đô thị Nhân Thắng (thị trấn)VV
10Đô thị Cao Đức (thị trấn)Chưa được phân loạiV
11Đô thị Trung Kênh (thị trấn)Chưa được phân loạiV
12Đô thị Lâm Thao (thị trấn)Chưa được phân loạiV

Ghi chú:

– Định hướng phân loại đô thị bảo đảm phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

– Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, các đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị sớm hơn hoặc muộn hơn định hướng thì thực hiện thủ tục đánh giá, công nhận loại đô thị tại thời điểm đánh giá đạt các tiêu chí phân loại đô thị theo quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến (ha)Ghi chú
ACác khu công nghiệp thực hiện theo chỉ tiêu phân bổ đất tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
IKhu công nghiệp đã thành lập
1Khu công nghiệp Tiên SơnThành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du402,39
2Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn SơnThành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du
2.1Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn (Giai đoạn 1)Xã Đại Đồng, xã Hoàn Sơn, xã Tri Phương huyện Tiên Du và phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn.286,82
2.2Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn (Giai đoạn 2)Xã Hoàn Sơn, xã Phật Tích, xã Tri Phương, huyện Tiên Du.95,81
3Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp LĩnhXã Lạc Vệ huyện Tiên Du và phường Nam Sơn, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh.300
4Khu công nghiệp Yên PhongHuyện Yên Phong
4.1Khu công nghiệp Yên PhongXã Long Châu, xã Đông Tiến, xã Yên Trung, xã Đông Phong, huyện Yên Phong.344,56
4.2Khu công nghiệp Mở rộng Yên PhongThuộc địa phận xã Yên Trung, xã Dũng Liệt, xã Thụy Hoà, xã Tam Đa, huyện Yên Phong313,90
5Khu công nghiệp VSIPXã Đại Đồng, huyện Tiên Du và xã Phú Chẩn, thành phố Từ Sơn.485,00
6Khu công nghiệp Quế VõPhường Phương Liễu, phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ và phường Nam Sơn, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh610,85
7Khu công nghiệp Quế Võ IIThị xã Quế Võ
7.1Khu công nghiệp Quế Võ II (giai đoạn I)Xã Ngọc Xá, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ269,48
7.2Khu công nghiệp Quế Võ II (giai đoạn II)Xã Châu Phong, xã Đức Long, thị xã Quế Võ277,64
8Khu công nghiệp Quế Võ IIIThị xã Quế Võ
8.1Khu công nghiệp Quế Võ III (giai đoạn 1)Phường Việt Hùng, phường Quế Tân, phường Phù Lương, thị xã Quế Võ281,51
8.2Khu công nghiệp Quế Võ III (giai đoạn II)Phường Việt Hùng, phường Quế Tân, phường Phù Lương, thị xã Quế Võ208,54
9Khu công nghiệp Thuận Thành IXã Nghĩa Đạo, phường Trạm Lộ, phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành250
10Khu công nghiệp Thuận Thành IIPhường An Bình, xã Mão Điền, xã Hoài Thượng, phường Hồ, thị xã Thuận Thành252
11Khu công nghiệp Thuận Thành IIIHuyện Thuận Thành
11.1Khu công nghiệp Thuận Thành III, Module 1Phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành140
11.2Khu công nghiệp Thuận Thành III, Phân khu BPhường Thanh Khương, xã Đại Đồng Thành, phường Song Hồ, phường Gia Đông, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành300,04
12Khu công nghiệp Gia BìnhXã Đông Cứu, xã Lãng Ngâm, xã Đại Bái, huyện Gia Bình306,69
13Khu công nghiệp Gia Bình IIXã Nhân Thắng, xã Bình Dương, xã Thái Bảo, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình250
14Khu công nghiệp Yên Phong IIHuyện Yên Phong
14.1Khu công nghiệp Yên Phong II- AXã Tam Giang, xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong151,27
14.2Khu công nghiệp Yên Phong II – B (VSIP 2)Xã Hoà Tiến, xã Tam Giang, xã Yên Phụ, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong282,67
14.3Khu công nghiệp Yên Phong II – CXã Đông Tiến, xã Tam Giang, xã Trung Nghĩa, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong219,22
15Khu công nghiệp HanakaChuyển từ Phường Trang Hạ và phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn sang tiếp giáp khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình55,29
IICác khu công nghiệp thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp
1Khu công nghiệp Thuận Thành III -phân khu CThị xã Thuận ThànhKhoảng 200
2Khu công nghiệp An Việt – Quế Võ 6Thị xã Quế VõKhoảng 80
BCác khu công nghiệp có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp
1Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng 2Thị xã Quế VõKhoảng 150
2Khu công nghiệp Gia Bình 1Huyện Gia BìnhKhoảng 250
3Khu công nghiệp Lương Tài 1Huyện Lương TàiKhoảng 245
4Khu công nghiệp Lương Tài 2Huyện Lương TàiKhoảng 495
5Khu công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Lương TàiHuyện Lương TàiKhoảng 665

Ghi chú:

– Tên, quy mô diện tích và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm đúng chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

– Các khu công nghiệp tiềm năng có nhu cầu đầu tư sớm hơn để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thì cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên cụm công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến (ha)Ngành nghề hoạt động dự kiến
ICác cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật
1Cụm công nghiệp làng nghề xã Song HồPhường Song Hồ, thị xã Thuận Thành9,83Sản xuất các sản phẩm tranh dân gian; sản xuất nguyên liệu giấy vẽ tranh; các ngành cơ khí, mộc và công nghiệp khác
2Cụm công nghiệp đa nghề Đình Bảng (tên cũ: Cụm công nghiệp Đình Bảng I (Lỗ Sung)Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn18,65Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao; tiểu thủ công nghiệp
3Cụm công nghiệp làng nghề Hương MạcPhường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn27,79Sản xuất, thương mại các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ; các ngành hỗ trợ, dịch vụ cho Cụm: điện tử, cơ khí, dịch vụ, vận tải…
4Cụm công nghiệp Hỗ trợ Tân Chi 2Xã Tân Chi, huyện Tiên Du50Định hướng thu hút đầu tư đa ngành, trong đó trọng tâm vào các ngành công nghiệp hỗ trợ.
5Cụm công nghiệp Yên Trung-Đông TiếnXã Yên Trung, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong23,05Tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp hỗ trợ
6Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá-Văn MônXã Văn Môn, huyện Yên Phong40Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của địa phương.Thu hút, di dời các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong các làng nghề vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.
7Cụm công nghiệp làng nghề Trung Nghĩa – Đông ThọXã Trung Nghĩa, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong9,8Mộc dân dụng và phụ trợ; dệt và chế biến nông sản; thực phẩm nông nghiệp.
8Cụm công nghiệp Yên Trung – Thụy HoàXã Yên Trung, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong46,07Điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp khác…
9Cụm công nghiệp Hỗ trợ Cách BiPhường Cách Bi, thị xã Quế Võ72Định hướng thu hút đầu tư đa ngành, trong đó trọng tâm vào các ngành công nghiệp hỗ trợ.
10Cụm công nghiệp làng nghề Quảng BốXã Quảng Bố, huyện Lương Tài30Sản xuất, chế biến nguyên liệu gỗ; cơ khí chế tạo (nhôm, đồng,…); chế biến nông sản; vật liệu xây dựng; phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 03 năm 2017 của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan
11Cụm công nghiệp Lâm BìnhXã Lâm Thao, xã Bình Định, huyện Lương Tài75Các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ: Điện, điện tử, ngành may mặc, sắt thép, công nghệ sinh học… (ngành nghề sản xuất không có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao)
12Cụm công nghiệp Cao Đức – Vạn NinhXã Cao Đức, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình75Các sản phẩm ngành dệt, may; cơ khí chế tạo; sản xuất, chế biến nguyên liệu, nhiên liệu; chế biến nông sản; vật liệu xây dựng; các ngành nghề khác.
13Cụm công nghiệp làng nghề Xuân LaiXã Xuân Lai, huyện Gia Bình50Dệt may; mây tre đan, thủ công mỹ nghệ; sản xuất nguyên liệu; cơ khí; bảo quản và chế biến nông sản; nhóm các ngành phụ trợ khác.
IICác cụm công nghiệp thành lập mới
Giai đoạn 2021-2030
1Cụm công nghiệp Nghĩa ĐạoXã Nghĩa Đạo, thị xã Thuận ThànhKhoảng 75Công nghiệp cơ khí, may mặc da giầy,…
2Cụm công nghiệp Lạc Vệxã Lạc Vệ, huyện Tiên DuKhoảng 45Công nghiệp chế biến thực phẩm và thuốc, thức ăn chăn nuôi,…
3Cụm công nghiệp Tam Đa – Dũng Liệt Khu số 1Xã Tam Đa, xã Dũng Liệt, huyện Yên PhongKhoảng 75Công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, giấy, bao bì,…
4Cụm công nghiệp Tam Đa-Dũng Liệt Khu số 2Xã Tam Đa, xã Dũng Liệt, huyện Yên PhongKhoảng 50Công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, giấy, bao bì,…
5Cụm công nghiệp Quế TânPhường Quế Tân, thị xã Quế VõKhoảng 45Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử,…
6Cụm công nghiệp Xuân Lai – Đông CứuXã Xuân Lai, xã Đông Cứu, huyện Gia BìnhKhoảng 45Sản xuất chế biến thực phẩm, lắp ráp xe đạp điện, xe máy; chế biến dược; đúc đồng truyền thống địa phương; ngành may mặc; sản xuất khác.
7Cụm công nghiệp Song Giang – Giang SơnXã Song Giang, xã Giang Sơn, huyện Gia BìnhKhoảng 75Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử,…
8Cụm công nghiệp Phù LãngXã Phù Lãng, thị xã Quế VõKhoảng 75Công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử…
Giai đoạn 2031 – 2050
9Cụm công nghiệp Mỹ HươngXã Mỹ Hương, huyện Lương TàiKhoảng 60Chế biến nông sản, thực phẩm; thu gom sơ chế, bảo quản nông sản, thủy sản
IIICác cụm công nghiệp bỏ ra khỏi quy hoạch
Giai đoạn 2021-2030
1Cụm công nghiệp Phong Khê (tên cũ: Cụm công nghiệp sản xuất giấy Phong Khê)Phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh12,7
2Cụm công nghiệp Phong Khê mở rộng (tên cũ: Cụm công nghiệp sản xuất giấy cao cấp Phong Khê)Phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh27
3Cụm công nghiệp Võ CườngPhường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh8
4Cụm công nghiệp Khắc NiệmPhường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh61,87
5Cụm công nghiệp Thanh KhươngPhường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành11,39
6Cụm công nghiệp Xuân LâmPhường Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành49,4
7Cụm công nghiệp làng nghề Tương GiangPhường Tương Giang, thị xã Từ Sơn8,32
8Cụm công nghiệp Dốc SặtPhường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn9,25
9Cụm công nghiệp Mả Ông (Đình Bảng)Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn5,05
10Cụm công nghiệp Châu Khê (tên cũ: Cụm công nghiệp sản xuất thép Châu Khê)Phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn13,5
11Cụm công nghiệp đạt chuẩn môi trường Đồng Quang (tên cũ: Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Quang đạt tiêu chuẩn môi trường)Phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn29,5
12Cụm công nghiệp Đồng Kỵ I (tên cũ: Cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang)Phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn11,84
13Cụm công nghiệp Phú LâmXã Phú Lâm, huyện Tiên Du31,74
14Cụm Công nghiệp Táo ĐôiThị trấn Thứa, huyện Lương Tài11,17
15Cụm công nghiệp làng nghề Đại BáiXã Đại Bái, huyện Gia Bình6,25
16Cụm công nghiệp Quỳnh PhúXã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình25
Giai đoạn 2031-2050
17Cụm công nghiệp Hạp Lĩnh (tên cũ: Khu cụm công nghiệp nhỏ và vừa Hạp Lĩnh)Phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh72,05
18Cụm công nghiệp Hà Mãn – Trí Quả (tên cũ: Cụm công nghiệp nhỏ và vừa Hà Mãn – Trí Quả)Phường Hà Mãn, phường Trí Quả, thị xã Thuận Thành75,00
19Cụm công nghiệp đa nghề Đình Bảng (tên cũ: Cụm công nghiệp Đình Bảng I (Lỗ Sung)Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn18,65
20Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Đa Hội (tên cũ: Khu Công nghiệp vừa và nhỏ Đa Hội)Phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn34,41

Ghi chú: Việc đầu tư các dự án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn phải phù hợp với nhu cầu thực tế và căn cứ theo chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và sau năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và triển khai dự án đầu tư.

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU TỔ HỢP SINH THÁI, DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG, VĂN HÓA THỂ THAO VÀ SÂN GOLF TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTCác dự ánĐịa điểm dự kiếnGhi chú
1Khu du lịch Dạm – Nam SơnThành phố Bắc NinhTầm cỡ quốc gia
2Khu du lịch Văn hóa Miền Quan họThành phố Bắc NinhCấp tỉnh
3Khu du lịch Đền Đầm – Đền Đô – Tiêu TươngThành phố Từ SơnCấp tỉnh
4Khu du lịch Phật TíchHuyện Tiên DuCấp tỉnh
5Khu du lịch đền Bà Chúa Kho – Đồng TrầmThành phố Bắc NinhCấp tỉnh
6Khu du lịch Bãi Nguyệt Bàn – Cao Lỗ VươngHuyện Gia Bìnhcấp tỉnh
7Khu du lịch lịch sử phòng tuyến sông Như NguyệtHuyện Yên PhongCấp tỉnh
8Khu du lịch đền và Lăng Kinh Dương VươngThị xã Thuận ThànhCấp tỉnh
9Tổ hợp du lịch sông ĐuốngCác huyện, thị xã: Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, Lương TàiCấp tỉnh
10Sân Golf gắn với khu du lịch đền và lăng Kinh Dương VươngThị xã Thuận Thành
11Sân Golf gắn với khu du lịch lịch sử phòng tuyến sông Như NguyệtHuyện Yên Phong
12Sân Golf gắn với khu du lịch Phật TíchHuyện Tiên Du
13Sân Golf gắn với tổ hợp du lịch sông ĐuốngThị xã Quế Võ
14Sân Golf gắn với tổ hợp du lịch sông ĐuốngThị xã Quế Võ
15Sân Golf gắn với khu du lịch Lâm Viên Thiên ThaiHuyện Gia Bình
16Sân Golf gắn với khu du lịch bãi Nguyệt BànHuyện Gia Bình

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, đồng thời không vượt chỉ tiêu phân bổ đất đai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm yếu tố quốc phòng, an ninh. Ngoài dự kiến nêu trên, theo nhu cầu thực tế, có thể điều chỉnh, phát triển thêm các dự án phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên tuyếnĐiểm đầuĐiểm cuốiQuy mô tối thiểu
dự kiến
(cấp đường/số làn xe)
ACAO TỐC
ICác tuyến hiện có
1Đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đoạn qua tỉnh Bắc NinhThành phố Từ SơnThành phố Bắc Ninh6 – 8 làn xe
2Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đoạn qua tỉnh Bắc NinhThành phố Từ SơnHuyện Yên Phong4 – 6 làn xe
IICác tuyến quy hoạch mới
1Đường Vành đai 4Thị xã Thuận ThànhThành phố Bắc Ninh4 – 6 làn xe
2Đường Bắc Ninh – Phả LạiHuyện Yên PhongThị xã Quế Võ4 – 6 làn xe
BQUỐC LỘ
Các tuyến hiện có
1Quốc lộ 17Thị xã Thuận ThànhThị xã Quế Võ4 – 6 làn xe
2Quốc lộ 18Huyện Yên PhongThị xã Quế Võ6 – 8 làn xe
3Quốc lộ 38Thành phố Bắc NinhThị xã Thuận Thành4 – 6 làn xe
CĐƯỜNG TỈNH
IĐường tỉnh hiện có cải tạo, nâng cấp
1Đường tỉnh 276Huyện Tiên DuHuyện Tiên Du6 làn xe
2Đường tỉnh 277Huyện Yên PhongThành phố Từ Sơn6 làn xe
3Đường tỉnh 278Thị xã Quế VõThành phố Bắc Ninh4 – 6 làn xe
4Đường tỉnh 279Thành phố Bắc NinhHuyện Tiên Du4 – 6 làn xe
5Đường tỉnh 280Thị xã Thuận ThànhHuyện Lương Tài6 làn xe
6Đường tỉnh 281Thị xã Thuận ThànhHuyện Lương Tài6 làn xe
7Đường tỉnh 283Thị xã Thuận ThànhThị xã Thuận Thành4 làn xe
8Đường tỉnh 284Huyện Gia BìnhHuyện Lương Tài4 làn xe
9Đường tỉnh 285Huyện Gia BìnhHuyện Gia Bình4 làn xe
10Đường tỉnh 286Thành phố Bắc NinhHuyện Yên Phong6 làn xe
11Đường tỉnh 287Thành phố Từ SơnThành phố Bắc Ninh6-8 làn xe
12Đường tỉnh 295Huyện Yên PhongThành phố Từ Sơn6 làn xe
13Đường tỉnh 295BThành phố Bắc NinhThành phố Từ Sơn6 làn xe
IIĐường tỉnh quy hoạch mới
1Đường tỉnh 277BHuyện Yên PhongHuyện Tiên Du6 làn xe
2Đường tỉnh 279B đoạn cầu Chì – Đường tỉnh 280Huyện Gia BìnhHuyện Gia Bình4-6 làn xe
3Đường tỉnh 282BThị xã Thuận ThànhHuyện Gia Bình6-8 làn xe
4Đường tỉnh 285BThị xã Thuận ThànhHuyện Yên Phong6 làn xe
5Đường tỉnh 295CThành phố Bắc NinhThành phố Từ Sơn6 làn xe
6Đường tỉnh 281 mới (đường ĐH.7)Huyện Gia BìnhHuyện Lương Tài4-6 làn xe

Ghi chú:

– Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.

– Quy mô theo quy hoạch là quy mô được tính toán theo nhu cầu dự báo. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án.

– Các đoạn đường qua đô thị quy mô thực hiện theo quy hoạch đô thị. Số làn xe đến năm 2030 có thể được mở rộng theo quy mô quy hoạch sau năm 2030 khi có nhu cầu thực tế.

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẢNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnQuy mô dự kiến (ha)Ghi chú
ICác cảng trên sông Đuống
1Cảng Tri Phương (hàng hóa + du lịch)Huyện Tiên Du4Hiện có
2Cảng Hồ (hàng hóa + du lịch)Thị xã Thuận Thành7Xây dựng mới
3Cảng Container Đức Long (hàng hóa)Thị xã Quế Võ10Hiện có
4Cảng Cao Đức (hàng hóa)Huyện Gia Bình16Xây dựng mới
5Cảng Tân Chi (hàng hóa)Huyện Tiên Du3Xây dựng mới
6Cảng Đức Long 1 (hàng hóa)Thị xã Quế Võ3Xây dựng mới
7Cảng Thái Bảo (Hàng hóa)Huyện Gia Bình22Xây dựng mới
8Cảng Chì (Hàng hóa)Thị xã Quế Võ3Xây dựng mới
9Cảng Dabaco (hàng hóa)Huyện Tiên Du10,5Hiện có
10Cảng bốc xếp hàng hóaHuyện Tiên Du10Xây dựng mới
11Cảng Đình Tổ (hàng hóa)Thị xã Thuận Thành30-40Xây dựng mới
12Cảng Chi Lăng 1 (hàng hóa và du lịch)Thị xã Quế Võ2-5Xây dựng mới
13Cảng Chi Lăng 2 (hàng hóa và du lịch)Thị xã Quế Võ20-25Xây dựng mới
14Cảng Đại Lai (hàng hóa)Huyện Gia Bình23Xây dựng mới
15Cảng Tri Phương 2 (hàng hóa và dịch vụ)Huyện Tiên Du3Xây dựng mới
16Các cảng, bến thủy nội địa khác
IICác cảng trên sông Cầu
1Cảng Đáp Cầu (hàng hóa + du lịch)Thành phố Bắc Ninh3Hiện có
2Cảng Đông Xuyên (hàng hóa)Thành phố Bắc Ninh3Xây dựng mới
3Cảng Phù Lương (hàng hóa)Thị xã Quế Võ5Xây dựng mới
4Cảng Cung Kiệm (hàng hóa)Thành phố Bắc Ninh6Xây dựng mới
5Cảng Phả Lại (hàng hóa)Thị xã Quế Võ2-3Xây dựng mới
6Các cảng, bến thủy nội địa khác
IIICác cảng trên sông Thái Bình
1Cảng Đức Long (hàng hóa)Thị xã Quế Võ10Hiện có
2Cảng Kênh Vàng (Hàng hóa)Huyện Lương Tài3Xây dựng mới
3Cảng An Thịnh (Hàng hóa)Huyện Lương Tài5Xây dựng mới
4Các cảng, bến thủy nội địa khác

Ghi chú:

– Việc đầu tư các cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

– Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật Ngoài dự kiến các cảng, bến xây dựng mới nêu trên, xem xét theo nhu cầu thực tế, điều chỉnh, phát triển thêm các cảng, bến hàng hóa, hành khách phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan.

PHỤ LỤC VII

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnGhi chú
ICác Bến trên sông Đuống
1Bến Phật TíchHuyện Tiên DuXây dựng mới
2Bến Kinh Dương VươngThị xã Thuận ThànhXây dựng mới
3Bến Lê Văn ThịnhHuyện Gia BìnhXây dựng mới
4Bến Lệ Chi ViênHuyện Gia BìnhXây dựng mới
5Bến Đại BiHuyện Gia BìnhXây dựng mới
6Bến Cao Lỗ VươngHuyện Gia BìnhXây dựng mới
7Bến Nguyệt BànHuyện Gia BìnhXây dựng mới
8Bến Đền Tam PhủHuyện Gia BìnhXây dựng mới
IICác Bến trên sông Cầu
1Bến Vọng NguyệtHuyện Yên PhongHiện có
2Bến Viêm XáThành phố Bắc NinhHiện có
3Bến Cổ MễThành phố Bắc NinhHiện có

Ghi chú:

– Việc đầu tư các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

– Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các Bến thủy nội địa sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC VIII

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CẢNG HÀNG KHÔNG TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnQuy mô dự kiến (ha)
Đến năm 2025Đến năm 2030
Sân bay Gia BìnhHuyện Gia Bình245(Sân bay trực thăng cấp 3; sân bay quân sự cấp 3)245Sân bay đa năng lưỡng dụng (sử dụng cho chuyên cơ, máy bay chở hàng), dự phòng quốc gia (tương đương cấp 4E)

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới cảng hàng không sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PHỤ LỤC IX

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG TỈNH TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiếnQuy mô dự kiến (ha)Ghi chú
ICẢNG CẠN
Các cảng cạn được phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-TTg
1Cảng cạn Tiên SơnThành phố Từ Sơn12Xây dựng mới
2Cảng cạn Quế VõThị xã Quế Võ25Xây dựng mới
3Cảng cạn Yên PhongHuyện Yên Phong15Xây dựng mới
4Cảng cạn Tân ChiHuyện Tiên Du16Xây dựng mới
Quy hoạch các cảng cạn tiềm năng
5Cảng cạn Bắc Ninh 1Thị xã Quế Võ10Xây dựng mới
6Cảng cạn Đức LongThị xã Quế Võ25Xây dựng mới
7Cảng cạn Đông PhongHuyện Yên Phong15Xây dựng mới
8Cảng cạn Bắc Ninh 2 (Phú Lâm – Võ Cường)Huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh35Xây dựng mới
9Cảng cạn Thuận ThànhThị xã Thuận Thành10Xây dựng mới
10Cảng cạn Phong KhêHuyện Yên Phong100Xây dựng mới
11Cảng cạn Châu PhongThị xã Quế Võ100Xây dựng mới
12Cảng cạn Trung KênhHuyện Lương Tài80Xây dựng mới
IIBẾN XE KHÁCH
1Xe khách Thuận ThànhThị xã Thuận Thành3Xây dựng mới
2Xe khách Tiên DuHuyện Tiên Du2Xây dựng mới
3Xe khách Gia BìnhHuyện Gia Bình3,6Xây dựng mới
4Xe khách Từ SơnThành phố Từ Sơn3Xây dựng mỏi

Ghi chú:

– Việc đầu tư các dự án cảng cạn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

– Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cảng, bến sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC X

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. NGUỒN ĐIỆN

TTDANH MỤCĐịa điểmCông suất dự kiến (MW)Ghi chú
Hiện trạngĐến năm 2030Công suất tiềm năng
Các khu vực có nguồn điện tiềm năng tái tạo và nguồn điện khác
IĐiện mặt trời
1Mặt trời mái nhàTỉnh Bắc Ninh20,22322322Nâng cấp, xây dựng mới
IIĐiện rác
1Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại xã Phù Lãng (nhà máy điện rác Quế Võ)Thị xã Quế Võ6,1Đang triển khai thực hiện
2Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng (nhà máy điện rác Bắc Ninh)Thị xã Quế Võ11Đang triển khai thực hiện
3Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung phát điện tại xã An Thịnh (nhà máy điện rác Lương Tài)Huyện Lương Tài6,0Đang triển khai thực hiện
4Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái (nhà máy điện rác Ngũ Thái)Thị xã Thuận Thành11-13 (có thể vượt tải 10%)Đang triển khai thực hiện

Ghi chú:

– Việc đầu tư các dự án nguồn điện có tiềm năng phát triển phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

– Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

B. LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI

I. TRẠM BIẾN ÁP 500KV (BỔ SUNG THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)

TTTrạm biến áp 500 kVCông suất dự kiến (MVA)
1Trạm 500kV Bắc Ninh1.800

II. ĐƯỜNG DÂY 500KV (BỔ SUNG THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)

TTĐường dây 500 kVChiều dài dự kiến (Km)
1Đường dây 500kV 2 mạch Bắc Ninh – rẽ Đông Anh – Phố Nối3,0
2Đường dây 500kV 2 mạch Bắc Giang – Bắc Ninh40

III. TRẠM BIẾN ÁP 220KV (BỔ SUNG THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)

TTTrạm biến áp 220 kVCông suất dự kiến (MVA)
1Trạm biến áp Bắc Ninh 42*250
2Trạm biến áp Bắc Ninh 52*250
3Trạm biến áp Bắc Ninh 62*250
4Trạm biến áp Bắc Ninh 7250
5Trạm 220kV Bắc Ninh 500kV nối cấp2*250

IV. ĐƯỜNG DÂY 220KV (BỔ SUNG THEO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII)

TTĐường dây 220 kVChiều dài dự kiến (Km)
1Đường dây 220kV trạm 220kV Bắc Ninh 4 – T500 Đông Anh11
2Đường dây 220kV 2 mạch Bắc Ninh 5 – rẽ Bắc Ninh 2 – Phố Nối4,0
3Đường dây 220kV 2 mạch Bắc Ninh 6 – rẽ Phả Lại – 500kV Phố Nối3,0
4Đường dây 220kV 4 mạch Bắc Ninh 500kV – rẽ Bắc Ninh 2 – Phố Nối3,0
5Đường dây 220kV 2 mạch Bắc Ninh 500kV – Bắc Ninh 413
6Đường dây 220kV 4 mạch Bắc Ninh 7 – rẽ 500kV Đông Anh – Bắc Ninh 42,0
7Đường dây 220kV 2 mạch Bắc Ninh 500kV – Bắc Ninh10

V. TRẠM BIẾN ÁP 110KV

TTTrạm biến ápCông suất dự kiến (MVA)
Hiện tạiQuy hoạch đến năm 2030
INâng cấp cải tạo
I.1Đến 2030
1Trạm biến áp Đại Đồng – Hoàn Sơn2*633*63
2Trạm biến áp Đại Kim1*632*63
3Trạm biến áp Nam Sơn – Hạp Lĩnh1*633*63
4Trạm biến áp Hanaka1*632*63
5Trạm biến áp Tiên Du1*632*63
6Trạm biến áp Tân Chi1*632*63
7Trạm biến áp Thuận Thành 21*632*63
8Trạm biến áp Tiên Sơn2*633*63
9Trạm biến áp Yên Phong 22*633*63
10Trạm biến áp Khắc Niệm1*401*40+1*63
11Trạm biến áp 110kV Bình Định1*632*63
12Trạm biến áp Quế Võ 22*402*63
13Trạm biến áp Thuận Thành 61*632*63
I.2Giai đoạn 2031 – 2050
1Trạm biến áp Yên Phong 42*633*63
2Trạm biến áp Đông Thọ3*63
3Trạm biến áp Gia Bình2*63
4Trạm biến áp Tiên Du 22*63
5Trạm biến áp Từ Sơn2*63
6Trạm biến áp Yên Phong 62*63
7Trạm biến áp Thuận Thành 42*63
8Trạm biến áp Từ Sơn 22*63
9Trạm biến áp Yên Phong 72*63
10Trạm biến áp nối cấp Bắc Ninh 42*63
11Trạm biến áp Gia Lương2*402*63
12Trạm biến áp Thuận Thành 52*63
13Trạm biến áp Kênh Vàng2*63
14Trạm biến áp Lương Tài2*63
15Trạm biến áp Thứa2*63
16Trạm biến áp Đại Kim 22*63
17Trạm biến áp Gia Bình 22*63
18Trạm biến áp Lương Tài 22*63
IIQuy hoạch mới
II.1Đến 2030
1Trạm biến áp Đông Thọ3*63
2Trạm biến áp Thuận Thành 12*63
3Trạm biến áp Gia Bình2*63
4Trạm biến áp Quế Võ 62*63
5Trạm biến áp Yên Phong 102*63
6Trạm biến áp Yên Phong 82*63
7Trạm biến áp Châu Khê 32*63
8Trạm biến áp Quế Võ 72*63
9Trạm biến áp thành phố Bắc Ninh 22*63
10Trạm biến áp Quế Võ 52*63
11Trạm biến áp Từ Sơn2*63
12Trạm biến áp Từ Sơn 22*63
13Trạm biến áp Thuận Thành 42*63
14Trạm biến áp Yên Phong 72*63
15Trạm biến áp Thuận Thành 52*63
16Trạm biến áp 110kV Vạn Ninh2*63
17Trạm biến áp 110kV Vạn Ninh 22*63
18Trạm biến áp Tiên Du 22*63
19Trạm biến áp Yên Phong 63*63
20Trạm biến áp Thứa2*63
21Trạm biến áp Gia Bình 22*63
22Trạm biến áp Kênh Vàng2*63
23Trạm biến áp Lương Tài2*63
24Trạm biến áp nối cấp Bắc Ninh 42*63
25Trạm biến áp Lương Tài 22*63
II.2Giai đoạn 2031 – 2050
1Trạm biến áp Bắc Ninh 32*63
2Trạm biến áp Đại Kim 22*63
3Trạm biến áp Tiên Du 32*63

Ghi chú: Việc đầu tư xây dựng các trạm biến áp phải căn cứ vào Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Đối với máy biến áp 110kV, tùy vào cấp điện áp trung áp khu vực đang sử dụng và phụ tải tại khu vực cấp điện để lắp đặt số cuộn dây và cấp điện áp phù hợp.

VI. ĐƯỜNG DÂY 110KV

TTDanh mục đường dâyTiết diện dự kiếnChiều dài dự kiến (km)Ghi chú
IĐường dây 110kV nâng cấp cải tạo
1Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Gia Lương -:- trạm 110kV Bình ĐịnhAC300 hoặc tương đương23
2Đường dây 110kV từ T500 Đông Anh – trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 4AC2*300 hoặc tương đương20Cải tạo đường dây mạch đơn hiện có
3Đường dây Bắc Ninh 3 -Yên Phong 2AC2*400 hoặc tương đương1,0
4Xóa T nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Khắc NiệmAC400 hoặc tương đương0,5Đấu nối chuyển tiếp trên 01 mạch đường dây 110kV đang đấu hiện hữu từ trạm 220kv Bắc Ninh – trạm 220kV Bắc Ninh 2
5Chuyển điểm đấu trạm biến áp 110kV Quế Võ 4 (đang đấu chuyển tiếp trên đường dây 110kV trạm 220kV Bắc Ninh – trạm 110kV Quế Võ sang đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 110kV trạm 220kV Bắc Ninh – trạm 110kV Khắc Niệm – trạm 110kV Tiên Du)AC400 hoặc tương đương0,01Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
6Xóa T nhánh rẽ trạm 110kV Kính Nổi, Quế Võ và hoàn thiện sơ đồ trạm 110kV Kính NổiAC400 hoặc tương đương0,02
7Đường dây trạm 110kV trạm Thuận Thành 6 -:- trạm Thuận Thành 3 (tên vận hành Thuận Thành) -:- trạm 220kV Bắc Ninh 5AC2*300 hoặc tương đương25
8Đường dây 110kV trạm 220kV Bắc Ninh 2 -:- trạm 110kV Phù ChẩnAC2*300 hoặc tương đương07
9Đường dây 110kV trạm 220kV Bắc Ninh -:- trạm 110kV Quế Võ 2 -:- trạm 110kV Quế Võ 5 -:- nhà máy nhiệt điện Phải LạiAC2*300 hoặc tương đương25
10Đường dây 110kV mạch kép từ trạm 220kV Bắc Ninh -:- trạm 220kV Quang Châu và các nhánh rẽAC2*400 hoặc tương đương15
11Đường dây từ trạm 220kV Bắc Ninh 2 -:- trạm 110kV Đại Đồng – Hoàn SơnAC2*400 hoặc tương đương01
IIĐường dây 110kV xây dựng mới
1Đường dây đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 4 (mạch 1)AC400 và AC2*300 hoặc tương đương1,3
2Đường dây đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 4 (mạch 2+3)AC400 hoặc tương đương2,0
3Đường dây đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 5AC400 và AC2x300 hoặc tương đương7,0
4Đường dây đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 5 -:- trạm biến áp 110kV Gia BìnhAC400 hoặc tương đương4,0
5Đường dây đấu nối trạm 220kV Bắc Ninh 3 -:- trạm 110 Yên PhongAC400 hoặc tương đương9,0
6Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Thuận Thành 1AC2*300 hoặc tương đương6,0
7Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Gia BìnhAC300 hoặc tương đương0,5
8Đường dây trạm 220kV Bắc Ninh 4 – trạm 110kV Nam Sơn – Hạp LĩnhAC2*300 hoặc tương đương31
9Đường dây đấu nối trạm biến áp 110kV Quế Võ 6AC2*300 hoặc tương đương17
10Đường dây đấu nối trạm biến áp 110kV Yên Phong 10AC2*300 hoặc tương đương2,0
11Đường dây đấu nối trạm biến áp 110kV Yên Phong 8AC400 hoặc tương đương12
12Đường dây đấu nối trạm biến áp 110kV Châu Khê 3AC2*300 hoặc tương đương16
13Đường dây đấu nối trạm biến áp 110kV Quế Võ 7AC400 hoặc tương đương16
14Đường dây trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3 – trạm biến áp 110kV Đông Thọ đến đường dây 110kV Đông Anh – Bắc Ninh 4 (giai đoạn 1 khi đường dây 110kV Đông Anh – Bắc Ninh 4 chưa cải tạo, để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tạm đấu nối trực tiếp TBA 110kV Đông Thọ vào 2 ngăn lộ từ Trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 3.Giai đoạn 2: Đấu nối chuyển tiếp Trạm biến áp Đông Thọ trên đường dây 110kV Bắc Ninh 3 – Bắc Ninh 4)AC2*300 hoặc tương đương9,0
15Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Đông ThọAC2*300 hoặc tương đương2,0
16Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV thành phố Bắc Ninh 2AC2*300 hoặc tương đương4,5
17Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Quế Võ 5AC2*300 hoặc tương đương1,0
18Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Từ SơnAC400 hoặc tương đương1,5
19Đường dây trạm biến áp 110kV Đại Đồng – Hoàn Sơn – trạm biến áp Từ Sơn 2AC400 hoặc tương đương7,0
20Đường dây từ trạm biến áp 220kV Bắc Ninh 5 – Thuận Thành 4AC400 hoặc tương đương5,0
21Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Yên Phong 7AC400 hoặc tương đương2,5
22Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Thuận Thành 5AC2*300 hoặc tương đương4,0
23Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Vạn NinhAC300 hoặc tương đương5,0
24Đường dây cấp điện trạm biến áp 110kV Yên LưAC2*400 hoặc tương đương0,6Trạm biến áp Yên Lư – Bắc Giang
25Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 110kV Vạn Ninh 2AC400 hoặc tương đương4,0
26Đường dây từ trạm 220kV Bắc Ninh 6 -:- trạm biến áp 110kV Vạn NinhAC400 hoặc tương đương8,0
27Đường dây từ trạm 220kV Bắc Ninh 6 -:- trạm 110kV Gia LươngAC400 hoặc tương đương11
28Đường dây đấu nối trạm 220kV Bắc Ninh 7 (mạch 1)AC400 hoặc tương đương2,0
29Đường dây đấu nối trạm 220kV Bắc Ninh 7 (mạch 2)AC400 hoặc tương đương1,5
30Đường dây đấu nối trạm 220kV Bắc Ninh 7 (mạch 3)AC2*300 hoặc tương đương1,5
31Đường dây từ trạm 220kV Bắc Ninh -:- trạm biến áp 110kV Quế Võ 4AC400 hoặc tương đương7,0
32Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Tiên Du 2AC300 hoặc tương đương2,0
33Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Yên Phong 6AC2*300 hoặc tương đương0,5
34Đường dây từ trạm 220kV Bắc Ninh 6 -:- trạm 110kV ThứaAC400 hoặc tương đương2,5
35Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Kênh VàngAC400 hoặc tương đương5,5
36Đường dây 110kV trạm 220kV Bắc Ninh 6 -:- trạm 110kV Lương TàiAC400 hoặc tương đương6,0
37Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Gia Bình 2AC400 hoặc tương đương6,0
38Đường dây nhánh rẽ trạm biến áp 1 110kV Lương Tài 2AC400 hoặc tương đương5,0
39Đường dây trạm 220kV nối cấp 500kV Bắc Ninh (mạch 1)AC400 hoặc tương đương5,0
40Đường dây trạm 220kV nối cấp 500kV Bắc Ninh (mạch 2)AC400 hoặc tương đương7,0
41Đường dây trạm 220kV nối cấp Hiệp Hòa -:- trạm 110kV thành phố Bắc NinhAC400 hoặc tương đương30
42Đường dây trạm 220kV nối cấp Hiệp Hòa -:- trạm 110kV Yên Phong 7AC400 hoặc tương đương27
43Đường dây trạm 110kV Đại Kim -:- trạm 110kV thành phố Bắc Ninh 3AC400 hoặc tương đương7,0
44Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Đại Kim 2AC2*400 hoặc tương đương0,5
45Đường dây nhánh rẽ trạm 110kV Tiên Du 3AC300 hoặc tương đương0,5
46Đường dây trạm 110kV Phù Chẩn -:- trạm 110kV Thuận Thành 5AC2*300 hoặc tương đương4,0

Ghi chú: Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường dây căn cứ vào Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, các quy hoạch liên quan và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền. Chiều dài và tiết diện đường dây sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTHạng mụcSố lượng/quy mô dự kiếnVị trí dự kiến
1Khu công nghệ thông tin tập trungKhoảng 262 haHuyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh
2Thiết bị IOTKhoảng 1.000.000 thiết bịTrên toàn địa bàn tỉnh
3Trạm thông tin di động 5G (xây mới)Khoảng 5.500 trạmTrên toàn địa bàn tỉnh

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các công trình sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI THỦY LỢI, CẤP NƯỚC TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

TTTên công trìnhĐịa điểm dự kiến
Trạm bơm xây dựng/nâng cấp
IKhu vực Bắc Đuống
1Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Vọng NguyệtHuyện Yên Phong
2Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Kim ĐôiThị xã Quế Võ
3Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Xuân Viên Hữu ChấpThành phố Bắc Ninh
4Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Phấn ĐộngHuyện Yên Phong
5Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Châu CầuThị xã Quế Võ
6Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Vạn AnThành phố Bắc Ninh
7Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Hiền Lương -Thái HòaThị xã Quế Võ
8Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trực và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Tân ChiHuyện Tiên Du
9Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Trịnh XáThành phố Từ Sơn
10Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Tri PhươngHuyện Tiên Du
11Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Việt ThốngThị xã Quế Võ
12Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Hán QuảngHuyện Tiên Du
13Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Phả LạiThị xã Quế Võ
14Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Quế TânThị xã Quế Võ
15Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Phù LăngThị xã Quế Võ
16Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng trong lưu vực Phù Khê – Hương MạcThành phố Từ Sơn
IIKhu vực Nam Đuống
1Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Bối Hoài ThượngThị xã Thuận Thành
2Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Nghĩa Đạo – Nghi KhúcThị xã Thuận Thành
3Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Ngọc QuanHuyện Lương Tài
4Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Song GiangHuyện Gia Bình
5Kiên cố hóa toàn tuyến sông NgụHuyện Gia Bình
6Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới, tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Kênh Vàng + Văn Thai AHuyện Lương Tài
7Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục chính và hệ thống tưới tiêu cục bộ nội đồng cho lưu vực Đại Đồng ThànhThị xã Thuận Thành

B. DANH MỤC CÁC NHÀ MÁY NƯỚC SẠCH

TTTên nhà máy nướcCông suất dự kiến (m3/ng.d)Địa điểm dự kiến
B1CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ
INhà máy nước hiện có cải tạo, nâng công suất
Khu Bắc Đuống
1Nhà máy nước Bắc Ninh (nâng công suất)160.000Thị xã Quế Võ
2Nhà máy nước Tri Phương (nâng công suất)50.000Huyện Tiên Du
3Nhà máy nước Tam Giang (nâng công suất)40.000Huyện Yên Phong
4Nhà máy nước Yên Phong 1 mở rộng40.000Huyện Yên Phong
5Nhà máy nước Khu công nghiệp VSIP23.000Thành phố Từ Sơn
6Nhà máy nước Sông Cầu15.000Thành phố Bắc Ninh
7Nhà máy nước Đức Long12.000Thị xã Quế Võ
Khu Nam Đuống
1Nhà máy nước Đình Tổ (nâng công suất)40.000Thị xã Thuận Thành
2Nhà máy nước Quảng Phú (nâng công suất)20.000Huyện Lương Tài
3Nhà máy nước An Thịnh20.000Huyện Lương Tài
4Nhà máy nước sạch tập trung Đại Lai (nâng công suất)15.000Huyện Gia Bình
5Nhà máy nước Thuận Thành III15.000Thị xã Thuận Thành
6Công trình cấp nước sạch tập trung phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành.15.000Thị xã Thuận Thành
7Công trình cấp nước sạch tập trung Gia Bình10.000Huyện Gia Bình
8Nhà máy nước Đại Bái10.000Huyện Gia Bình
9Công trình cấp nước sạch tập trung xã Phú Hòa, huyện Lương Tài10.000Huyện Lương Tài
10Nhà máy nước Tân Chi10.000Huyện Tiên Du
IINhà máy nước xây mới
Khu Bắc Đuống
1Nhà máy nước Yên Phong 25.000Huyện Yên Phong
2Nhà máy nước Khu công nghiệp Nam Sơn25.000Thành phố Bắc Ninh
3Nhà máy nước Khu công nghiệp Quế Võ III16.000Thị xã Quế Võ
Khu Nam Đuống
1Nhà máy nước Khu công nghiệp Khai Sơn5.000Thị xã Thuận Thành
2Nhà máy nước Khu công nghiệp Gia Bình25.000Huyện Gia Bình
3Nhà máy nước Khu công nghiệp Gia Bình II20.000Huyện Gia Bình
4Nhà máy nước Khu công nghiệp Gia Bình I5.000Huyện Gia Bình
5Nhà máy nước Khu công nghiệp Thuận Thành II4.000Thị xã Thuận Thành
6Nhà máy nước sạch thị trấn Thứa3.000Huyện Lương Tài
B2. CẤP NƯỚC NÔNG THÔNCác công trình cấp nước nông thôn được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp bảo đảm tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 100% được sử dụng nước sạch.

Ghi chú:

– Việc đầu tư các công trình thủy lợi phải phù hợp với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch liên quan và nhu cầu thực tế phát triển của địa phương.

– Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

– Quy mô, công suất các nhà máy nước có thể điều chỉnh để bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

PHỤ LỤC XIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTCác khu xử lýĐịa điểmDiện tích dự kiến (ha)
1Cơ sở xử lý chất thải rắn phía Bắc (Phù Lãng – Quế Võ) phục vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị trung tâmXã Phù Lãng, thị xã Quế Võ90
2Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải dân dụng và công nghiệp tại Gia ĐôngThị xã Thuận Thành4,5
3Khu xử lý chất thải tại Ngũ TháiThị xã Thuận Thành293
4Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương TàiHuyện Lương Tài8,4
5Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Yên Phong; thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du; huyện Gia Bình; thành phố Bắc Ninh15ha/khu

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XIV

DANH MỤC DỰ KIẾN CÁC NGHĨA TRANG TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTNghĩa trangĐịa điểm
ANghĩa trang khu vực đô thị
1Nghĩa trang thành phố Bắc NinhPhường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh
2Nghĩa trang Từ Sơn 1Phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn
3Nghĩa trang Từ Sơn 2Phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn
4Nghĩa trang Tiên DuXã Tri Phương, huyện Tiên Du
5Nghĩa trang Yên PhongXã Long Châu, huyện Yên Phong
6Nghĩa trang Thuận ThànhXã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành
7Nghĩa trang Gia BìnhXã Đại Bái, huyện Gia Bình
8Nghĩa trang Lương TàiXã Quảng Phú, huyện Lương Tài
9Nghĩa trang Quế VõPhường Quế Tân, phường Phú Lương, thị xã Quế Võ
10Đài hỏa táng Thuận ThànhPhường Trạm Lộ, thị xã Thuận Thành
BNghĩa trang khu vực nông thônThực hiện theo chương trình nông thôn mới, mỗi xã hoặc cụm xã xây dựng 1 nghĩa trang tập trung với quy mô dự kiến 5 – 10 ha

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

PHỤ LỤC XV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên đơn vịDiện tích dự kiến (m2)
1Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ57.486
2Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố Bắc Ninh3.000
3Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Yên Phong3.000
4Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Tiên Sơn3.000
5Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Nam Sông Đuống3.000
6Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Quế Võ3.000
7Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Bắc Ninh3.000
8Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thị xã Quế Võ3.000
9Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Yên Phong3.000
10Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Từ Sơn3.000
11Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Tiên Du3.000
12Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thị xã Thuận Thành3.000
13Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Lương Tài3.000
14Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Gia Bình3.000
15Đội Phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại các khu, cụm công nghiệp (bố trí tại các khu, cụm công nghiệp)46.500 – 62.000

Ghi chú: Tên dự án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các Trụ sở Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư.

PHỤ LỤC XVI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ Y TẾ TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcĐịa điểm dự kiến
ICông trình xây dựng mới
1Khu phức hợp cấp vùng về y tế với diện tích khoảng 200 haThị xã Thuận Thành
2Bệnh viện và Trung tâm y tế thành phố Từ Sơn (02 đơn vị)Thành phố Từ Sơn
3Trung tâm y tế thành phố Bắc NinhThành phố Bắc Ninh
4Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năngThành phố Bắc Ninh
5Bệnh viện Da liễuThành phố Bắc Ninh
6Bệnh viện MắtThành phố Bắc Ninh
7Trung tâm Pháp yThành phố Bắc Ninh
8Bệnh viện Lão khoaThành phố Bắc Ninh
9Bệnh viện Nội tiếtThành phố Bắc Ninh
10Bệnh viện chấn thương chỉnh hìnhThành phố Bắc Ninh
11Bệnh viện tim mạchThành phố Bắc Ninh
12Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổiThành phố Bắc Ninh
13Bệnh viện đa khoa và dưỡng lãoThị xã Thuận Thành
14Bệnh viện đa khoa quốc tế tại huyện Tiên DuHuyện Tiên Du
15Bệnh viện và viện dưỡng lãoHuyện Yên Phong
16Bệnh viện Cuộc Sống MớiThành phố Từ Sơn
17Các cơ sở y tế khác (nếu đủ điều kiện)
IICông trình nâng cấp cải tạo, mở rộng
1Bệnh viện Sản NhiThành phố Bắc Ninh
2Bệnh viện đa khoa tỉnhThành phố Bắc Ninh
3Bệnh viện Sức khỏe tâm thầnThành phố Bắc Ninh
4Bệnh viện PhổiThành phố Bắc Ninh
5Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnhThành phố Bắc Ninh
6Trung tâm y tế thị xã Quế Võ (02 đơn vị)Thị xã Quế Võ
7Trung tâm y tế huyện Yên Phong (02 đơn vị)Huyện Yên Phong
8Trung tâm y tế huyện Gia Bình (02 đơn vị)Huyện Gia Bình
9Trung tâm y tế huyện Lương Tài (02 đơn vị)Huyện Lương Tài
10Trung tâm y tế thị xã Thuận Thành (02 đơn vị)Thị xã Thuận Thành
11Trung tâm Y tế huyện Tiên Du (02 đơn vị)Huyện Tiên Du
12Trung tâm Kiểm nghiệmThành phố Bắc Ninh

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XVII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên cơ sở giáo dục xây dựng mớiĐịa điểmSố lượng tối thiểu
ITrường trung học phổ thôngHuyện Yên Phong, thành phố Từ Sơn, huyện Gia Bình3
IITrường trung học cơ sở, trường liên cấpThị xã Quế Võ (3), huyện Yên Phong (2), thành phố Từ Sơn (1), huyện Gia Bình (1), thành phố Bắc Ninh (2)9
IIITrường tiểu họcThành phố Bắc Ninh (2), huyện Yên Phong (2), huyện Tiên Du (5), huyện Lương Tài (1), thành phố Từ Sơn (1)11
IVTrường mầm nonCác huyện, thị xã, thành phố23
VTrường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ngoài công lậpThành phố Bắc Ninh1

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch cấp huyện, kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XVIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcĐịa điểmGhi chú
1Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tỉnhThành phố Bắc NinhCải tạo, nâng cấp
2Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lương TàiHuyện Lương TàiCải tạo, nâng cấp
3Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thuận ThànhThị xã Thuận ThànhCải tạo, nâng cấp
4Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Tiên DuHuyện Tiên DuCải tạo, nâng cấp
5Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Từ SơnThành phố Từ SơnCải tạo, nâng cấp
6Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Yên PhongHuyện Yên PhongCải tạo, nâng cấp
7Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyênHuyện Gia BìnhXây mới

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XIX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcĐịa điểm dự kiến
ICông trình văn hóa
1Rạp chiếu phim tỉnhThành phố Bắc Ninh
2Trung tâm Thông tin, hội chợ triển lãm tỉnhThành phố Bắc Ninh
3Nhà thực hành Quan họTại các làng quan họ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
4Hệ thống Quảng trường, tượng đài, công viênCác huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
5Nhà Văn hóa thanh thiếu niên nhi đồngThành phố Từ Sơn, huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong
IICải tạo, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo
1Trung tâm Văn hóa tỉnhThành phố Bắc Ninh
2Trung tâm trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng tỉnhThành phố Bắc Ninh
3Thư viện điện tử tỉnhThành phố Bắc Ninh
4Cung văn hóa Thanh thiếu niên tỉnhThành phố Bắc Ninh
5Nhà Văn hóa, thiếu nhi thành phốThành phố Bắc Ninh
6Nhà văn hóa huyệnThị xã Quế Võ, huyện Lương Tài, huyện Gia Bình, huyện Yên Phong
7Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnhThành phố Bắc Ninh
8Chùa Dạm (tu bổ, tôn tạo)Thành phố Bắc Ninh
9Thành cổ Luy Lâu và Hệ thống Tư pháp (tu bổ, tôn tạo)Thị xã Thuận Thành
10Hệ thống di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt (tu bổ, tôn tạo)Tỉnh Bắc Ninh
11Các di tích quốc gia đặc biệt; di tích quốc gia và các di tích đã được xếp hạng khác (tu bổ, tôn tạo)Trên toàn địa bàn tỉnh
IIICông trình thể thao
1Khu liên hợp thể thaoThành phố Bắc Ninh
2Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thaoThành phố Bắc Ninh
3Tổ hợp thể dục thể thao tỉnh Bắc NinhHuyện Tiên Du và thị xã Quế Võ
4Trung tâm văn hóa thể dục thể thaoCác huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

PHỤ LỤC XX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mụcĐịa điểm dự kiếnQuy mô dự kiếnGhi chú
IChợ
1Chợ HDBHuyện Tiên DuHạng ICải tạo, nâng cấp
2Chợ đầu mối nông sản Thuận ThànhThị xã Thuận ThànhHạng lXây dựng mới
3Chợ Khắc NiệmThành phố Bắc NinhHạng lXây dựng mới
IITrung tâm thương mại
1Trung tâm thương mạiThành phố Bắc NinhXây dựng mới 04 trung tâm; cải tạo nâng cấp 01 trung tâm; xây lại 01 trung tâm
2Trung tâm thương mạiThành phố Từ SơnXây dựng mới 01 trung tâm; cải tạo nâng cấp 02 trung tâm
3Trung tâm thương mạiThị xã Thuận ThànhXây dựng mới 01 trung tâm
4Trung tâm thương mạiHuyện Yên PhongXây dựng mới 03 trung tâm
5Trung tâm thương mạiThị xã Quế VõXây dựng mới 02 trung tâm; cải tạo nâng cấp 01 trung tâm
6Trung tâm thương mạiHuyện Tiên DuXây dựng mới 03 trung tâm
7Trung tâm thương mạiHuyện Lương TàiXây dựng mới 01 trung tâm
IIITrung tâm Logistics cấp tỉnh
1Trung tâm Logistics tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Đông Phong, huyện Yên PhongThành phố Bắc Ninh; huyện Yên PhongCấp tỉnhXây dựng mới
2Trung tâm Logistics tại xã Tam Đa và Trung tâm Logistics tại Khu công nghiệp Yên Phong IIHuyện Yên PhongCấp tỉnh(02 trung tâm) Xây dựng mới
3Trung tâm Logistics tại xã Đức LongThị xã Quế VõCấp tỉnhXây dựng mới
4Trung tâm Logistics – ICD tại Khu công nghiệp Tiên SơnHuyện Tiên DuCấp tỉnhCải tạo, nâng cấp
5Trung tâm Logistics tại Khu công nghiệp VSIPThành phố Từ SơnCấp tỉnhCải tạo, nâng cấp
6Trung tâm Logistics – ICD tại xã Thái Bảo và xã Vạn NinhHuyện Gia BìnhCấp tỉnhXây dựng mới
IVTrung tâm hội chợ triển lãm
Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnhThành phố Bắc NinhCấp tỉnhXây dựng mới
VKho xăng dầu, kho khí
1Kho xăng dầuThị xã Quế Võ, Thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Lương Tài, huyện Gia BìnhXây dựng mới
2Kho khíHuyện Tiên DuXây dựng mới
3Kho xăng dầuXã Tân Chi, huyện Tiên DuCải tạo, nâng cấp

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

PHỤ LỤC XXI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN AN SINH XÃ HỘI TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mục dự ánĐịa điểm dự kiếnGhi chú
1Cơ sở trợ giúp xã hội: Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hộiThành phố Bắc NinhNâng cấp, cải tạo
2Cơ sở cai nghiện ma túyThành phố Bắc NinhNâng cấp, cải tạo
3Trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Bắc NinhThành phố Bắc NinhNâng cấp, cải tạo
4Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận ThànhThị xã Thuận ThànhNâng cấp, cải tạo
5Trung tâm từ thiện và hướng nghiệp Phật TíchHuyện Tiên DuNâng cấp, cải tạo
6Trung tâm nhân đạo Hồng ĐứcHuyện Lương TàiNâng cấp, cải tạo
7Nhà tình thương Hương LaHuyện Lương TàiNâng cấp, cải tạo

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích các công trình, dự án sẽ được tính toán, lựa chọn, xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

PHỤ LỤC XXII

CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTChỉ tiêu sử dụng đấtDiện tích (ha)
Chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổNhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 theo đề nghị của Tỉnh
ILoại đất
1Đất nông nghiệp34.35530.453
1.1Đất trồng lúa31.51427.555
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước30.81427.555
1.2Đất rừng phòng hộ504561
1.3Đất rừng đặc dụng
1.4Đất rừng sản xuất
2Đất phi nông nghiệp47.90051.802
Trong đó:
2.1Đất khu công nghiệp6.4088.213
2 2Đất quốc phòng257284
2.3Đất an ninh **132483
2.4Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã16.99418.314
Trong đó:
Đất giao thông10.36810.758
Đất xây dựng cơ sở văn hóa300375
Đất xây dựng cơ sở y tế110180
Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo1.1261.165
Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao495495
Đất công trình năng lượng60124
Đất công trình bưu chính, viễn thông3030
2.5Đất xây dựng kho dự trữ quốc gia77
2.6Đất có di tích lịch sử văn hóa152261
2.7Đất bãi thải, xử lý chất thải278278
3Đất chưa sử dụng1616
IIKHU CHỨC NĂNG
1Đất khu công nghệ cao275
2Đất khu kinh tế
3Đất đô thị52.07062.097

Ghi chú:

– Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 -2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

– Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong quy hoạch tỉnh để làm căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo đúng quy định của pháp luật.

* Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.

** Diện tích đất an ninh đến năm 2030 thực hiện theo Quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

PHỤ LỤC XXIII

ĐỊNH HƯỚNG PHÂN VÙNG MÔI TRƯỜNG TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên vùng/tiểu vùngPhạm vi/vị trí
IVùng bảo vệ nghiêm ngặt
1Nội thành, nội thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thịC1
2Nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nướcC2
3Khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sảnC3
4Khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử – văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hóaC4
IIVùng hạn chế phát thải
1Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặtR1
2Vùng đất ngập nước quan trọng đã được xác định theo quy định của pháp luậtR2
3Hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạtR3
4Khu dân cư tập trung nông thôn; nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V theo quy định của pháp luật về phân loại đô thịR4
5Khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnhR5
6Khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệR6
IIIVùng khác: Các khu vực còn lại trên địa bàn quản lý của tỉnhD

PHỤ LỤC XXIV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu bảo tồnVị tríQuy mô dự kiến (ha)
Khu bảo tồn cấp tỉnh
1Khu bảo tồn loài – sinh cảnh vườn chim Đông XuyênThôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong44,5
2Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước phía Nam sông ĐuốngThị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài3.000
3Bảo tồn vườn sưu tầm cây thuốc NamCác huyện, thị xã, thành phố100
4Khu bảo tồn giống gà HồLạc Thổ, phường Hồ, thị xã Thuận Thành1,5

PHỤ LỤC XXV

PHƯƠNG ÁN THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTLoại khoáng sảnCác khu vực quy hoạch
1Cát sỏiKm2+000 đến Km3+500 đê bối Giang Sơn
2Khoáng sảnKm 1+500 – Km3 đê bối Đào Viên

Ghi chú: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ quy hoạch cấp cao hơn, phương án quy hoạch này và các phương án quy hoạch khác có liên quan để rà soát, xác định và điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng các điểm mỏ (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh, các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền và quy định hiện hành. Các khu vực bãi thải của mỏ có quyết định đóng cửa mỏ và các khu vực khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thì quy mô diện tích, công suất, giai đoạn theo dự án đầu tư, đề án thăm dò được lập và phê duyệt Đối với một số khu vực mỏ, khoáng sản dự kiến khai thác sau năm 2030, trường hợp đủ điều kiện và huy động được nguồn lực đầu tư thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho phép triển khai sớm hơn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

PHỤ LỤC XXVI

PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTNguồn nướcVị tríChức năng
Điểm đầuĐiểm cuối
ISông liên tỉnh
1Sông Cà LồĐiểm bắt đầu vào tỉnh Bắc Ninh thuộc xã Hòa Tiến, huyện Yên PhongNhập lưu vào sông Cầu thuộc xã Tam Giang, huyện Yên PhongCấp nước cho (1) sản xuất nông nghiệp, (2) sản xuất công nghiệp
2Sông CầuTừ điểm sông Cà Lồ nhập lưu vào sông Cầu thuộc xã Tam Giang, huyện Yên PhongĐến trước khi nhập lưu với sông Ngũ Huyện Khê thuộc xã Vạn An, thành phố Bắc NinhCấp nước cho (1) sinh hoạt; (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
Từ sau khi nhập lưu với sông Ngũ Huyện Khê thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc NinhĐến điểm sông Cầu nhập lưu vào sông Thái Bình thuộc xã Đức Long, thị xã Quế VõCấp nước cho (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp, (4) du lịch, dịch vụ
3Sông Thái BìnhBắt đầu từ điểm sông Cầu nhập lưu vào sông Thái Bình thuộc xã Đức Long, thị xã Quế VõĐến khu vực trước khi cháy ra khỏi tỉnh Bắc Ninh thuộc xã Minh Tân, huyện Lương TàiCấp nước cho (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
4Sông ĐuốngBắt đầu từ điểm sông Đuống chảy vào tỉnh Bắc Ninh ở khu vực xã Tri Phương, huyện Tiên Du và xã Đỉnh Tổ, thị xã Thuận ThànhĐến điểm sông Đuống nhập lưu vào sông Thái Bình thuộc xã Cao Đức, huyện Gia BìnhCấp nước cho (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp (4) giao thông thủy
IICông trình thủy lợi
II.1Liên tỉnh
1Sông Ngũ Huyện KhêCống Long Tửu, huyện Đông Anh, thành phố Hà NộiCống 5 cửa Đặng Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc NinhTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
2Sông BùiĐoạn từ điểm lấy nước từ sông Thái Bình vào sông Bùi thuộc Hương Trai, xã Minh Tân, huyện Lương TàiĐến khu vực trạm bơm Ngọc Quan, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương TàiTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt; (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
3Sông Dâu- Đình DùNgã ba Cửu YênKhu vực trạm bơm Như QuỳnhTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
4Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng HảiHải Dương, Hưng YênThị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài, thành phố Bắc NinhNông nghiệp
5Hệ thống thủy lợi Bắc ĐuốngMột phần huyện Gia Lâm, Đông Anh (thành phố Hà Nội)Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du, huyện Yên PhongNông nghiệp
II.2Trong tỉnh
1Ngòi Tào KhêTừ thượng nguồn tại phường Đình Bàng, thành phố Từ SơnĐến khu vực trước khi trạm bơm Hiền Lương đổ ra sông Cầu tại thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, thị xã Quế VõTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
2Sông NgụTừ khu vực thôn Đoan Bái, xã Đại Bái, huyện Gia BìnhĐến khu vực trước khi đổ vào sông Thái Bình, xã Trung Kênh, huyện Lương TàiTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
3Sông Đồng KhởiĐoạn từ điểm phân nước sông Ngụ ra sông Đồng Khởi, khu vực Duyên Dương, xã Phú Hòa, huyện Lương TàiĐến khu vực trước khi sông Đồng Khởi đổ vào sông Bùi khu vực cống điều tiết Lai Tê thuộc xã Trung Chính, huyện Lương TàiTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
4Sông Đông Côi Đại Quảng BìnhĐập Thanh Tương (phường Thanh Khương, Thuận Thành)Đến Bắc Hưng Hải tại Cẩm Giàng, Hải DươngTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
5Sông DâuĐoạn từ thượng nguồn thôn Phú Mỹ, xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành (Xi phông Chữ T)Đến khu vực xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành (Ngã ba Cửu Yên)Trữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp
6Sông Dâu – Lang TàiNgã ba Cửu YênXã Nguyệt Đức, Thuận ThànhTrữ nước, cấp nước, cho dân cư, (1) sinh hoạt, (2) sản xuất nông nghiệp, (3) sản xuất công nghiệp

PHỤ LỤC XXVII

DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN CỦA TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTDanh mục dự ánĐịa điểm
IGIAO THÔNG
1Xây dựng mới
1.1Nút giao hai đầu cầu Hồ thuộc địa phận huyện Tiên Du, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc NinhHuyện Tiên Du
1.2Đường tỉnh 285BĐiểm đầu: thị xã Thuận Thành; Điểm cuối: huyện Yên Phong
1.3Cao tốc Bắc Ninh – Phả Lại, đoạn từ nút giao Vành đai 4 đi Hải DươngThị xã Quế Võ
1.4Cầu Hà Bắc 1 và Đường tỉnh 295CThành phố Bắc Ninh
1.5Đường tỉnh 282BĐiểm đầu: thị xã Thuận Thành; Điểm cuối: huyện Gia Bình
1.6Cầu ChìĐiểm đầu: thị xã Quế Võ;Điểm cuối: huyện Gia Bình
1.7Đường tỉnh 295CĐiểm đầu: huyện Tiên Du;Điểm cuối: thành phố Từ Sơn
1.8Đường tỉnh 277BĐiểm đầu: huyện Yên Phong;Điểm cuối: thành phố Từ Sơn
1.9Đường tỉnh 276Điểm đầu: huyện Tiên Du;Điểm cuối: huyện Yên Phong
1.10Xây mới sân bay Gia BìnhHuyện Gia Bình
1.11Hệ thống cảng, cảng cạn ICDCác huyện, thị xã, thành phố
1.12Đường sắt đô thịĐiểm đầu: thành phố Bắc Ninh; Điểm cuối: thành phố Từ Sơn
2Cải tạo, nâng cấp
2.1Mở rộng cầu Hồ và đường dẫn hai đầu cầuNối huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành
2.2Mở rộng cầu Đại Phúc và đường dẫn hai đầu cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc NinhThành phố Bắc Ninh
2.3Hoàn chỉnh nút giao giữa QL.18 với ĐT.295, huyện Yên PhongHuyện Yên Phong
IICẤP NƯỚC
1Cải tạo, nâng công suất hiện có và xây mới các nhà máy nước tại khu vực Bắc Đuống và Nam ĐuốngCác huyện, thị xã, thành phố
2Cải tạo, nâng cấp nhà máy cấp nước sạch Tân ChiXã Tân Chi, huyện Tiên Du
3Đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an ninh nguồn nước thô của các trạm cấp nước sạch do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Bắc Ninh quản lýXã Tri Phương, huyện Tiên Du; xã Tam Giang, huyện Yên Phong; xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ; xã Cao Đức, xã Đại Lai, huyện Gia Bình; xã Phú Hoà, huyện Lương Tài
IIINÔNG NGHIỆP, THỦY LỢI
1Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kè chống sạt lở, xử lý sự cố sạt lở bờ bãi sông trên địa bàn toàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
2Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các kênh tưới tiêu trên địa bàn toàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
3Xây dựng, nâng cấp, tu sửa các tuyến đê, cống dưới đê và các công trình phụ trợ trên địa bàn toàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
4Xây dựng/nâng cấp trạm bơm đầu mối, kênh trục và hệ thống tưới, tiêu cục bộCác huyện, thị xã, thành phố
5Trồng cây xanh trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Bắc NinhTỉnh Bắc Ninh
6Xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tầng lâm nghiệp phục vụ bảo vệ và phát triển rừng; các công trình lâm sinh; phát triển trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng: xây dựng chuỗi du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ tỉnh Bắc NinhTỉnh Bắc Ninh
7Đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ caoCác huyện, thị xã, thành phố
IVCÔNG NGHIỆP
1Đề xuất nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch để thành lập các khu công nghiệp: 01 khu công nghiệp (mới) tại thị xã Quế Võ (Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng 2), Khu công nghiệp Gia Bình I, Khu công nghiệp Lương Tài 1, Khu công nghiệp Lương Tài 2, Khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Lương TàiThị xã Quế Võ, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài
2Hạ tầng cụm công nghiệp
2.1Cụm công nghiệp Xuân Lai – Đông CứuHuyện Gia Bình
2.2Cụm công nghiệp Lạc VệHuyện Tiên Du
2.3Cụm công nghiệp Tam Đa – Dũng Liệt Khu số 1Huyện Yên Phong
2.4Cụm công nghiệp Tam Đa – Dũng Liệt Khu số 2Huyện Yên Phong
2.5Cụm công nghiệp Quế TânThị xã Quế Võ
2.6Cụm công nghiệp Song Giang – Giang SơnHuyện Gia Bình
2.7Cụm công nghiệp Nghĩa ĐạoThị xã Thuận Thành
VHẠ TẦNG XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN, NƯỚC THẢI
1Cơ sở xử lý chất thải rắn phía Bắc (Phù Lãng – Quế Võ)Thị xã Quế Võ
2Nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải dân dụng và công nghiệp tại Gia Đông, thị xã Thuận ThànhThị xã Thuận Thành
3Khu xử lý chất thải tại Ngũ Thái, thị xã Thuận ThànhThị xã Thuận Thành
4Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng huyện Lương TàiHuyện Lương Tài
5Các khu xử lý chất thải rắnHuyện Yên Phong, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình, thành phố Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh
6Các khu, trạm xử lý nước thải trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
VIHẠ TẦNG NGHĨA TRANG
Chỉnh trang, xây mới các nghĩa trang trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
VIIKHOA HỌC CÔNG NGHỆ
1Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc NinhThành phố Bắc Ninh
2Nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp giai đoạn 2022 – 2030Các huyện, thị xã, thành phố
3Xây dựng khu nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ tập trungCác huyện, thị xã, thành phố
4Xây dựng Trạm quan trắc và cảnh báo môi trường phóng xạCác huyện, thị xã, thành phố
VIIIVIỄN THÔNG, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1Nhóm các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, thí điểm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tinCác huyện, thị xã, thành phố
2Nhóm các dự án, nhiệm vụ thực hiện theo chương trình chuyển đổi số quốc gia, chương trình chuyển đổi số của tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
3Nhóm các dự án, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuậtCác huyện, thị xã, thành phố
4Nhóm các dự án, nhiệm vụ triển khai xây dựng các hệ thống nền tảngCác huyện, thị xã, thành phố
5Nhóm các dự án, nhiệm vụ xây dựng và phát triển dữ liệuCác huyện, thị xã, thành phố
6Nhóm các dự án, nhiệm vụ phát triển các ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tinCác huyện, thị xã, thành phố
7Nhóm các dự án, nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tinCác huyện, thị xã, thành phố
8Nhóm các dự án, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lựcCác huyện, thị xã, thành phố
9Nhóm các dự án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tinCác huyện, thị xã, thành phố
10Khu công nghệ thông tin tập trungHuyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh
IXY TẾ
1Mở rộng, nâng cấp, cải tạo và xây mới các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
2Xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; bệnh viện đa khoa; phòng khám đa khoa; viện, trung tâm dưỡng lãoCác huyện, thị xã, thành phố
XCÔNG TRÌNH DỊCH VỤ VIỆC LÀM, NGƯỜI CÓ CÔNG, PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI
1Cơ sở trợ giúp xã hội: Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hộiCác huyện, thị xã, thành phố
2Cơ sở cai nghiện ma túyThành phố Bắc Ninh, thị xã Quế Võ
3Trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Bắc NinhThành phố Bắc Ninh
4Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận ThànhThị xã Thuận Thành
XIGIÁO DỤC – ĐÀO TẠO, DẠY NGHỀ
1Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trường trung học phổ thông, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
2Xây dựng các trường trung học phổ thông, dạy nghề, liên cấp trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
XIIVĂN HÓA – THỂ DỤC THỂ THAO
1Cải tạo, nâng cấp
Cải tạo, nâng cấp, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
2Xây dựng mới
2.1Xây dựng mới nhà thực hành Quan họ tại các làng quan họCác huyện, thị xã, thành phố
2.2Xây dựng mới, cải tạo sửa chữa Hệ thống quảng trường, tượng đài, công viên, nhà văn hóa, cung văn hóa, bảo tàng, thư viện trên địa bàn tỉnhCác huyện, thị xã, thành phố
2.3Khu liên hợp thể thaoThành phố Bắc Ninh
XIIIDU LỊCH
1Phát triển du lịch sông Đuống, sông CầuThành phố Bắc Ninh, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài.
2Khu trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí, vui chơiHuyện Tiên Du
3Khu trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao sân golfHuyện Tiên Du
XIVTHƯƠNG MẠI
1Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnhThành phố Bắc Ninh
2Trung tâm LogisticsThành phố Bắc Ninh, thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình
3Kho xăng dầu, kho khíThị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Lương Tài, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình
4Trung tâm thương mại, khu thương mại dịch vụ, outletCác huyện, thị xã, thành phố
XVĐÔ THỊ
Các khu đô thị; khu nhà ở; điểm dân cư nông thônCác huyện, thị xã, thành phố
XVIAN NINH QUỐC PHÒNG
1Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnhThành phố Bắc Ninh
2Xây dựng, cải tạo, sửa chữa trụ sở các độiCác huyện, thị xã, thành phố
XVIICÔNG TRÌNH, TRỤ SỞ
1Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm văn hóa Kinh BắcThành phố Bắc Ninh
2Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc các cơ quan tỉnh Bắc NinhThành phố Bắc Ninh

Ghi chú:

– Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và các quyết định đầu tư dự án tại Phụ lục này.

– Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn đầu tư dự án.

– Các dự án, công trình khác ngoài danh mục trên căn cứ vào các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của địa phương,… và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt

PHỤ LỤC XXVIII

DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH BẮC NINH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên Bản đồTỷ lệ
ASơ đồ in tỷ lệ 1:250.000 – 1:1.1.000.000
1Sơ đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh Bắc Ninh1:250.000
BSơ đồ, bản đồ số và sơ đồ, bản đồ in tỷ lệ 1:25.000 – 1:1.100.000
1Các bản đồ về hiện trạng phát triển tỉnh Bắc Ninh1:25.000
2Sơ đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng tỉnh Bắc Ninh1:25.000
3Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
4Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
5Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
6Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
7Sơ đồ, bản đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25000
8Sơ đồ, bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
9Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
10Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
11Sơ đồ vị trí các dự án dự kiến ưu tiên đầu tư tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
12Sơ đồ, bản đồ chuyên đề tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 20501:25.000
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555