Phát triển công nghiệp được tỉnh Thái Bình xác định là một trong 4 trụ cột tăng trưởng. Trong giai đoạn hiện nay, ngành công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là điều kiện để tỉnh Thái Bình vững bước trên con đường trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.
Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng
Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao…
Cụ thể, Thái Bình đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 13,4%; cơ cấu kinh tế năm 2030 với ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm 28,8%.Trong đó, công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; tận dụng lợi thế vùng biển để phát triển một số lĩnh vực có vai trò động lực như: cảng biển; năng lượng (điện khí, điện gió)…
Mục tiêu đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng.
Trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng
Thái Bình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện – điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp…
Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Ổn định vận hành có hiệu quả hai nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than.
Để đạt được những mục tiêu trên, những năm qua Thái Bình đã tập trung khai thác thế mạnh, biến khó khăn thành động lực để phát triển. Là một trong những địa phương được đánh giá năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, môi trường an ninh xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, lực lượng lao động…, Thái Bình đã sớm tạo quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp.
Hiện Thái Bình có 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Nổi bật và hấp dẫn là Khu Kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với diện tích là 30.583ha với 22 khu công nghiệp với diện tích là 8.020 ha đất công nghiệp. Địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35 km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km…
Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ, cao nhất của Việt Nam đối với các dự án đầu tư vào địa bàn và sự quyết liệt, đồng hành với nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều khu công nghiệp mới được thành lập như: Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, Khu Công nghiệp Hải Long, Khu Công nghiệp VSIP Thái Bình… Ngoài duy trì hoạt động của 8 khu công nghiệp hiện có với tổng diện tích gần 2.000ha, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 khu công nghiệp mới thành lập gồm Hải Long và VSIP Thái Bình, tổng diện tích hơn 630ha và sẽ quy hoạch phát triển thêm 13 KCN mới với tổng diện tích 3.574ha. Trong đó có một số khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp dược – sinh học (Quỳnh Phụ), khu công nghiệp – cảng, dịch vụ, du lịch Thái Thượng (Thái Thụy), khu công nghiệp – đô thị, dịch vụ logistics Hưng Hà. Đặc biệt trong giai đoạn 2024 – 2030, tỉnh Thái Bình sẽ quy hoạch phát triển 24 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích 1.674ha. Đây được coi là khu vực phụ trợ cho các cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, tạo ra mạng lưới công nghiệp có tính liên kết chuỗi hoàn chỉnh, hiệu quả kinh tế cao.
Để có thể triển khai hệ thống Khu Kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo định hướng, quy hoạch, tỉnh chuẩn bị mọi nguồn lực, nhất là về vốn đầu tư. Về nguồn vốn, giai đoạn 2021 – 2025, Thái Bình dự kiến sẽ huy động khoảng 237 nghìn tỷ đồng và khoảng 577 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030 để tập trung đầu tư về kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các dự án lớn.
Tiếp tục tạo đột phá từ thu hút đầu tư FDI
Trong giai đoạn hiện nay, thu hút đầu tư tại Thái Bình đã chuyển dần từ “lượng” sang “chất”, nghĩa là chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm các dự án thu hút đầu tư. Sự thay đổi này đã làm cho dòng vốn thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ồ ạt như trước mà sẽ được sàng lọc kỹ hơn, chất lượng hơn. Thực tế những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Bình đang khuyến khích đầu tư.
Để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI). Với quan điểm xuyên suốt, Thái Bình coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh, từ đó luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để tạo sức hút với các nhà đầu tư, Thái Bình còn tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông liên kết, kết nối và hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác…
Với quan điểm chỉ đạo thống nhất và những giải pháp quyết liệt, Thái Bình đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư FDI. Năm 2023, Thái Bình thu hút nguồn vốn FDI gần 3 tỷ USD, đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố về lĩnh vực này.
Theo Cổng thông tin điện tử Thái Bình