Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 nội dung như sau:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——–
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: 1735/QĐ-TTgHà Nội ngày 29 tháng 12 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị.

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tại Tờ trình số 164/TTr-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2023 và văn bản số 4657/UBND-TH ngày 26 tháng 12 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 7343/BC-HĐTĐ ngày 07 tháng 9 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về Hồ sơ quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Văn bản số 10293/BKHĐT-QLQH ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng hợp ý kiến rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 1.584,61 km² và không gian biển được xác định theo các quy định của pháp luật có liên quan; có toạ độ địa lý từ 20º18´ đến 20º44´ vĩ Bắc, từ 106º06´ đến 106°39´ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng; phía Nam giáp tỉnh Nam Định; phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ, biển Đông; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam.

Tỉnh Thái Bình có 08 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ và Vũ Thư.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phù hợp với chiến lược, tầm nhìn phát triển của đất nước; các chủ trương, nghị quyết của Đảng; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025.

b) Kiên định mục tiêu đã đề ra, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi, kết hợp giữa các nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, đồng bộ trên cả ba phương diện kinh tế – văn hóa – xã hội.

Lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa xã hội. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ số và thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

c) Phát triển xã hội hiện đại, văn minh, thân thiện, hài hòa, lấy con người làm trung tâm; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và phát triển con người, đầu tư cho phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và văn hóa.

d) Xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng. Khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có; phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến vùng kinh tế phía Tây Bắc, phía Đông Bắc, phía Đông Nam, Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp, Khu du lịch Cồn Vành – Cồn Thủ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới, rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực.

đ) Phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

e) Phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

b) Mục tiêu cụ thể

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%/năm, trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%/năm.

+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8%.

+ GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước.

+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 11,4%/năm; năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 235 triệu đồng/lao động (giá hiện hành).

+ Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh.

+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt trên 1.135 nghìn tỷ đồng.

+ Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 2.416 nghìn lượt khách.

– Về xã hội:

+ Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 2,6 triệu người.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt trên 45%.

+ Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 40 giường.

+ Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo) dưới 2,5%.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 85%.

– Về môi trường:

+ Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% (cả thành thị và nông thôn).

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt trên 95% (trong đó, khu vực thành thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt trên 90%).

+ 100% các khu, cụm công nghiệp và đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

+ Tỷ lệ độ che phủ rừng từ 2,5% trở lên.

– Về phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% trở lên.

+ Hạ tầng đầu tư phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; hệ thống điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

– Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thực hiện tốt phòng, chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng đồng bộ và vững chắc.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

4. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

a) Các nhiệm vụ trọng tâm

(1) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở các cụm liên kết ngành (cluster) và kinh tế tuần hoàn.

Đổi mới tổ chức và phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh theo mô hình cụm liên kết ngành đối với các ngành chủ đạo của tỉnh. Trong mỗi cụm ngành, chú trọng thúc đẩy các mối liên kết đa ngành công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Tập trung phát triển các cụm ngành: cụm ngành dệt may, giày dép; cụm ngành sản xuất vật liệu xây dựng gắn với sử dụng tài nguyên khí đốt; cụm ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí ô tô; cụm ngành dược phẩm sinh học, thiết bị và dịch vụ y tế; cụm ngành sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản.

Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; loại bỏ công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn.

(2) Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, giao thông nội bộ và hạ tầng các khu công nghiệp để Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh; có không gian kinh tế hiện đại, bền vững, liên kết với Vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước có uy tín và năng lực về tài chính, quản trị, công nghệ vào đầu tư tại Khu kinh tế Thái Bình. Chú trọng thúc đẩy các mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình và các doanh nghiệp hiện có của tỉnh.

(3) Xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và lan tỏa phát triển.

Tập trung xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I và xây dựng một số đô thị loại III, loại IV, đô thị phục vụ Khu kinh tế Thái Bình theo hướng phát triển đô thị xanh, hiện đại.

Phát triển các đô thị trở thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

(4) Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh.

Nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khởi nghiệp, kinh doanh, đổi mới sáng tạo để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình.

(5) Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các hình thức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và để tham gia các ngành nghề mới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(6) Thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Thái Bình. Chủ động, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện chuyển đổi số phù hợp trong các ngành, lĩnh vực. Đầu tư thích đáng cho hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin của tỉnh. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ thông tin đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh.

b) Các đột phá phát triển

Tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 03 khâu then chốt sau:

(1) Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

(2) Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

(3) Phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá trên một số lĩnh vực: cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển… Mở rộng không gian lấn biển theo quy định để tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; hình thành không gian công nghiệp – đô thị – dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển xanh, sạch, đẹp.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH QUAN TRỌNG; PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng

a) Ngành công nghiệp

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện – điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp…

Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Ổn định vận hành có hiệu quả 02 Nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than.

b) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp vẫn xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.

Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.

Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp với trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

c) Ngành dịch vụ

Xây dựng Thái Bình trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; phát triển thương mại điện tử, logistics…

Đẩy mạnh hình thành và xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Phát triển du lịch thông minh, bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên đặc trưng của địa phương để đưa Thái

Bình trở thành trung tâm kết nối về du lịch xanh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.

2. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

a) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, nâng cao năng lực thử nghiệm, kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng của các phòng thí nghiệm và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Chủ động tìm kiếm công nghệ mới, hợp tác chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu. Phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ chất lượng cao; nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng tiên tiến và hiện đại; liên kết chặt chẽ giữa các trường, viện, tổ chức với các doanh nghiệp.

Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như lĩnh vực công nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới, y, dược… theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

b) Văn hóa, thể thao

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh nơi công cộng và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “toàn dân rèn luyện thân thể” gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở.

Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật chèo; trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh; đẩy mạnh và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt những ngành có thế mạnh của tỉnh như: thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa… Phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn có thế mạnh; quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao phục vụ đời sống nhân dân.

Phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và du lịch làng nghề. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao, gắn với các hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và trải nghiệm.

c) Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Phát triển giáo dục và đào tạo cân đối cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, phấn đấu đưa Thái Bình nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục và đào tạo. Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và bậc học. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2-3 trường đạt tiêu chuẩn quốc tế chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Hình thành và phát triển khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ.

Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và cả nước. Đến năm 2030 xây dựng các trường đào tạo, liên kết đào tạo trình độ đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trở thành các cơ sở đào tạo có thương hiệu, uy tín trong cả nước. Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, gắn kết nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

d) Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Xây dựng phát triển mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa khám, chữa bệnh với lĩnh vực y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khuyến khích thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có đạo đức nghề nghiệp tốt, có năng lực chuyên môn cao; hệ thống y tế chất lượng, đồng bộ, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

đ) An sinh xã hội

Hình thành mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về giáo dục dạy nghề, trợ giúp xã hội và phục vụ tốt cho đời sống nhân dân. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; có chính sách hỗ trợ người nghèo, các đối tượng yếu thế được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm bền vững. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; khuyến khích xã hội hóa phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội.

e) Quốc phòng, an ninh

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; chủ động, linh hoạt nắm bắt và xử lý tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; căn cứ hậu cần – kỹ thuật, hệ thống công trình phòng thủ vững chắc. Xây dựng lực lượng công an, quân đội trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

a) Phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội

Phương án tổ chức không gian kinh tế – xã hội tỉnh Thái Bình được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: Một trung tâm là thành phố Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy đóng vai trò đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc – Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận: tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam và hướng về thành phố Hà Nội và một hành lang Đông Bắc – Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

Không gian hoạt động kinh tế – xã hội tỉnh Thái Bình tổ chức thành bốn khu vực chính:

(1) Không gian kinh tế – xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận) phát triển các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối trong liên kết các dịch vụ với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bố trí các chức năng phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, hội nhập bắt kịp xu thế phát triển mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thu hút các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo.

(2) Không gian kinh tế – xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ) kết nối với các tỉnh ven biển Vùng đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình) phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội không gian ven biển chịu tác động lan tỏa của các hoạt động kinh tế biển Hải Phòng với các kết nối về giao thông, phát triển logistics, cảng biển, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa. Không gian phía Bắc khu vực ven biển ưu tiên đón đầu các hoạt động lan tỏa về phát triển công nghiệp từ Hải Phòng. Không gian trung tâm khu vực ven biển gắn kết chặt chẽ với đô thị trung tâm là thành phố Thái Bình tập trung phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển mới, tạo năng lực cạnh tranh cho tỉnh. Thu hút các hoạt động công nghiệp – dịch vụ hiện đại, tiên tiến gắn với hoạt động kinh tế biển như cảng biển, năng lượng tái tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

(3) Không gian kinh tế – xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng) chịu ảnh hưởng lan tỏa từ các hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ từ vùng thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển các loại hình chức năng có liên kết chặt chẽ với các địa bàn liền kề (tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam…); xây dựng chuỗi các đô thị – công nghiệp gắn các hành lang giao thông và vành đai vùng Thủ đô Hà Nội. Thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

(4) Không gian kinh tế – xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư) tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa và tiếp nhận sự kết nối lan tỏa mở rộng không gian kinh tế về phía tỉnh Nam Định thông qua tuyến đường bộ ven biển và một số tuyến đường khác sắp được xây dựng.

Liên kết không gian hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh thông qua 03 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; Hành lang kinh tế Đông Bắc – Tây Nam và Hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô.

b) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 và Kết luận số 48- KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị, trong đó:

Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định (chi tiết tại Phụ lục XVII).

Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

Phạm vi ranh giới cụ thể của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thời kỳ quy hoạch tỉnh.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

Phát triển hệ thống đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng và không gian kinh tế, xã hội của tỉnh; hệ thống đô thị trở thành động lực và hỗ trợ phát triển toàn diện công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại, được quản lý theo mô hình đô thị thông minh.

Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo mô hình đô thị đa cực gồm đô thị trung tâm và các đô thị tiểu vùng.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 35% trở lên; Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 25 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 05 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V.

(Chi tiết tại Phụ lục I)

2. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

Khu vực nông thôn ven đô là vùng đệm, không gian sinh thái, bố trí các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, văn hóa thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… Tập trung hạ tầng kỹ thuật đầu mối, trao đổi hàng hóa, cung ứng lao động cho khu vực nội đô.

Định hướng phát triển các dân cư nông thôn gắn với các vành đai nông nghiệp ven đô thị. Quản lý và kiểm soát phát triển đô thị bền vững tuân thủ quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch nông thôn mới, định hình rõ nét các vành đai nông nghiệp ven đô trong quá trình đô thị hóa: Vành đai nông nghiệp phía Bắc thành phố Thái Bình, phía Nam đô thị Đông Hưng và Vành đai nông nghiệp phía Nam thành phố Thái Bình, phía Đông Nam đô thị Vũ Thư.

Tiến hành chỉnh trang, cải tạo hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước… Xây dựng nông thôn mới phù hợp với lộ trình, giai đoạn nâng cấp lên đô thị.

Phát triển các khu dân cư nông thôn trong tiến trình đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đối với các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Tiền Hải. Hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện. Đối với khu vực nông thôn có tốc độ đô thị hóa nhanh, bố trí các khu chức năng mới như nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khai thác du lịch, thương mại kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Hạn chế phát triển dàn trải các khu dân cư mới, xác định các điểm dân cư có tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới phát triển hàng năm trên địa bàn.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương án phát triển Khu kinh tế Thái Bình

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại địa phương.

Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc và các khu công nghiệp khác trong Khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư. Hình thành các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ công nghệ cao.

2. Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp

Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; tiếp tục thành lập mới và phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

Đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học đồng bộ, hiện đại, là địa điểm hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực dược, sinh học…

(Chi tiết tại Phụ lục II)

3. Phương án phát triển hệ thống cụm công nghiệp

Phát triển 67 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.198 ha phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Hình thành một số cụm công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp sản xuất theo hướng liên kết ngành, liên kết vùng trong và ngoài tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục III)

4. Phương án phân bố phát triển khu nghiên cứu đào tạo

Hình thành khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ (có quy mô khoảng 1.000 ha) theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của vùng và cả nước; tập trung các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ phát triển, ứng dụng công nghệ cao và các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học nhằm thu hút các chuyên gia trong các ngành công nghệ cao, chuyên gia có trình độ cao làm công tác nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, giảng dạy.

5. Phương án phát triển khu du lịch

Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch: Khu du lịch nghỉ dưỡng sân gôn Cồn Vành – Cồn Thủ, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, địa bàn huyện Tiền Hải; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn Đen, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, địa bàn huyện Thái Thụy; Khu du lịch phố biển Đồng Châu xã Đông Minh, xã Đông Hoàng, thuộc Khu kinh tế Thái Bình, địa bàn huyện Tiền Hải; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực rừng ngập mặn các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường…

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà); Làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư); Vườn hoa cải Hồng Lý (huyện Vũ Thư); cụm di tích Đình – Đền – Bến Tượng, A Sào (huyện Quỳnh Phụ); Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng (huyện Hưng Hà)…

6. Phương án phát triển khu thương mại – dịch vụ, logistics

Phát triển hệ thống các khu thương mại tập trung, khu dịch vụ tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi… tại khu vực trung tâm đô thị, các khu đô thị mới và các khu dân cư tập trung.

Đến năm 2030 thành lập ít nhất 06 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Thái Bình, các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ.

7. Phương án phát triển khu bảo tồn thiên nhiên

Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả vùng đất ngập nước, bảo đảm việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường và phát huy sự đa dạng của các hệ sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên.

8. Phương án phân bổ, sử dụng không gian biển

– Phân vùng không gian biển tỉnh Thái Bình có diện tích khoảng 487 km² được chia ra thành các vùng chức năng: (i) Vùng an ninh, quốc phòng; (ii) Vùng cảng biển, giao thông biển và logistics; (iii) Vùng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; (iv) Vùng bảo tồn thiên nhiên, lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học biển; (v) Vùng khai thác tài nguyên biển; (vi) Vùng khai thác năng lượng tái tạo; (vii) Vùng phát triển du lịch và dịch vụ biển; (viii) Vùng lấn biển phục vụ phát triển công nghiệp và phát triển không gian đô thị.

– Phương án sử dụng không gian biển: (i) Xây dựng, nâng cấp các khu vực phòng thủ ven biển theo quy định của Bộ Quốc phòng; (ii) Khu bến cảng gồm: Khu bến cảng Diêm Điền (cửa Diêm Điền), khu bến cảng Trà Lý (cửa Trà Lý), khu bến cảng Ba Lạt (cửa Ba Lạt) và nghiên cứu khu bến cảng ngoài cửa sông, phía biển; (iii) Vùng sản xuất giống thủy sản; vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ cao (các huyện Tiền Hải, Thái Thụy); (iv) Khu vực cấm khai thác có thời hạn (huyện Tiền Hải), khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản (huyện Thái Thụy), khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản, khu vực nuôi trồng thủy sản xa bờ (huyện Tiền Hải); (v) Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng; (vi) Khu phát triển điện gió ven biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải; (vii) Các khu du lịch biển Thái Bình: khu du lịch sinh thái vùng rừng ngập mặn Thụy Trường; Khu du lịch lễ hội “Đền, Phủ thờ bà Chúa Muối” gắn với vùng sản xuất muối…; (viii) Khu đô thị sinh thái biển phía Nam tỉnh Thái Bình được triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

9. Phương án phát triển khu quốc phòng, an ninh

Xây dựng khu quân sự, khu an ninh bảo đảm thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, các khu vực sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội từng khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Việc bố trí xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chuyên ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích các khu đất quốc phòng, an ninh được bố trí, sử dụng theo chỉ tiêu được phân bổ và theo yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

a) Đường bộ

– Hệ thống đường cao tốc: Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh trong tương lai hình thành 03 tuyến cao tốc là cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 – Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc thủ đô.

– Hệ thống quốc lộ và tuyến đường bộ ven biển: Các tuyến quốc lộ bao gồm: 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

– Hệ thống đường tỉnh gồm:

+ Nâng cấp, cải tạo 15 tuyến đường tỉnh hiện có.

+ Đầu tư xây dựng mới 14 tuyến, trong đó có 05 tuyến đường tỉnh xác định là Trục động lực phát triển kết nối thành phố Thái Bình, khu vực cảng biển Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh gồm: ĐT.467 (Thái Bình – cầu Nghìn); ĐT.468 (Diêm Điền – Hưng Hà); ĐT.454 (Thái Bình – Đồng Tu); ĐT.469 (Thái Bình – Cồn Vành); ĐT.464 (Thái Bình – Đông Long) và 09 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh (chủ yếu là các đoạn tuyến kết nối với các đường tỉnh hiện có).

(Chi tiết tại Phụ lục IV)

b) Đường sắt

Đường sắt đi qua tỉnh Thái Bình thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(Chi tiết tại Phụ lục V)

c) Đường thủy nội địa

Thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghiên cứu đầu tư xây dựng một số cảng quan trọng trên sông quốc gia (sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa) và tuyến đường bộ kết nối; đề xuất bổ sung công năng một số cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp theo quy định.

d) Đường hàng không

(Chi tiết tại Phụ lục VI)

Sau năm 2030, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung 01 sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc phục vụ du lịch, công tác cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển.

đ) Hàng hải

(Chi tiết tại Phụ lục VII)

Tuyến đường biển Thái Bình thuộc tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

Cảng biển Thái Bình thuộc nhóm cảng biển số 1 gồm các khu bến Diêm Điền, khu bến Trà Lý, khu bến Ba Lạt, các khu neo đậu, bến phao chuyền tải và khu neo đậu trú bão tuân thủ theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2030 đầu tư bến cảng (kho nổi) hàng lỏng/khí tại khu bến Trà Lý để tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện – Khí LNG Thái Bình, năng lực thông qua đến 1,5 triệu tấn/năm.

e) Hệ thống cảng cạn

Hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh Thái Bình thực hiện theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cảng cạn trên địa bàn tỉnh Thái Bình thuộc hành lang vận tải ven biển phía Bắc (QL 1 và QL10) có 04 cảng chia thành 02 cụm gồm: cụm cảng cạn Đông Thái Bình (Cảng cạn Tiền Hải và Cảng cạn Tân Trường), cụm cảng cạn Tây Thái Bình (Cảng cạn Hưng Hà và Cảng cạn Quỳnh Côi).

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

Duy trì, phát triển các nguồn điện hiện có trên địa bàn tỉnh; phát triển mới một số dự án như: Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình; các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời áp mái, điện sinh khối, điện rác…, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trạm biến áp, đường dây 500kV, 220kV, 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng, đặc biệt là tại khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp; dần xóa bỏ các trạm trung gian, thay thế bằng các trạm 110kV hoặc bằng các xuất tuyến trung áp mới; từng bước ngầm hóa lưới điện trung và hạ áp hiện có. Khi xây dựng mới hạ tầng tại các khu vực thành phố, thị trấn, khu dân cư ưu tiên phương án hạ ngầm lưới điện trung và hạ áp. Từng bước hình thành lưới điện thông minh ở các cấp điện áp.

(Chi tiết tại Phụ lục VIII)

3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông

Phát triển mạng lưới viễn thông băng rộng dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng IoT được tích hợp, ứng dụng rộng rãi trong hạ tầng giao thông, điện nước, đô thị, đáp ứng nhu cầu đô thị thông minh, phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số… Nâng cao chất lượng thông tin viễn thông quốc tế, đường dài liên tỉnh và khu vực đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Chuyển đổi về hạ tầng cáp quang thay thế cho toàn bộ mạng cáp đồng; thực hiện ngầm hóa mạng cáp rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn đô thị.

Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số. Khuyến khích các doanh nghiệp bưu chính tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành và chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính.

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước

Cải tạo, nâng cấp, bổ sung hệ thống thủy lợi để đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch thủy lợi, kết hợp thủy lợi với giao thông nội đồng.

Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn; quy hoạch, bố trí các trụ nước chữa cháy để đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất, sinh hoạt và chữa cháy, ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước tập trung, quy mô liên đô thị, liên xã.

(Chi tiết tại Phụ lục IX)

Đối với khu vực nông thôn lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện của địa phương. Hướng thoát nước theo địa hình thực tế của khu dân cư thoát ra hệ thống kênh mương, ao hồ của địa phương. Hệ thống thoát nước các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước bảo đảm thoát nước mưa nhanh và triệt để.

5. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nước thải, nghĩa trang

a) Phương án phát triển khu xử lý chất thải

Đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tập trung, bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh; hướng đến phát triển xử lý chất thải tập trung theo phạm vi, quy mô huyện hoặc liên huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Xử lý triệt để các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải nguy hại phải thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

(Chi tiết tại Phụ lục X)

b) Phương án xử lý nước thải

Đến năm 2030, các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt tỷ lệ trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Tất cả các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp phải có công trình xử lý nước thải cục bộ trước khi đưa đến trạm xử lý nước thải tập trung. Các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp phải có công trình xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn môi trường. Nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại thành phố Thái Bình, khu kinh tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

c) Phương án phát triển các khu nghĩa trang

Đến năm 2030, quy hoạch 07 nghĩa trang cấp III. Định hướng xây dựng nghĩa trang tập trung xã, thị trấn theo quy hoạch đô thị, nông thôn mới được duyệt. Di dời các nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường, không có khả năng khắc phục trong khu vực phát triển đô thị hiện hữu. Quy hoạch xây dựng 01 cơ sở hỏa táng, 05 nhà tang lễ tại các huyện, thành phố.

6. Phương án phát triển phòng cháy và chữa cháy

Xây dựng mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó ưu tiên bố trí trụ sở các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 01 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công trình phục vụ ứng phó khẩn cấp, huấn luyện, chỉ huy điều hành, kiểm định phương tiện và nghiên cứu khoa học – công nghệ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô tính chất hoạt động của từng đơn vị.

VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhất là các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, kết hợp xây dựng mới thiết chế văn hóa, thể thao: Sân vận động tỉnh; Khu tập luyện, thi đấu thể thao dưới nước; Trung tâm Văn hóa – Hội chợ – Triển lãm tỉnh; Trung tâm Hoạt động thiếu nhi; các trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể thao của nhân dân.

Khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Cồn Vành, Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, Khu du lịch phố biển Đồng Châu…

2. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo

Rà soát, sắp xếp các điểm trường cấp mầm non, tiểu học công lập phù hợp với lộ trình phát triển của địa phương về hạ tầng giao thông, bố trí dân cư, đảm bảo sự thuận lợi, an toàn khi đưa trẻ đến trường, học sinh đi học. Thực hiện xóa các điểm trường lẻ. Ổn định mạng lưới trường trung học phổ thông hiện có.

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hiện có. Khuyến khích, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 38 cơ sở đào tạo, trong đó có 22 cơ sở công lập và 16 cơ sở tư thục.

Đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện có: Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Bình, các trường cao đẳng và trường trung cấp. Thành lập 01 Phân viện Học viện Nông nghiệp tại huyện Hưng Hà; 01 trường dạy nghề quy mô 10 ha tại huyện Vũ Thư; thu hút đầu tư 05 trường nghề tư thục trên địa bàn tỉnh, trong đó có 01 trường chất lượng cao có vốn đầu tư nước ngoài hoặc trường tư thục chất lượng cao trong Khu kinh tế Thái Bình.

(Chi tiết tại Phụ lục XI)

3. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế

Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo chất lượng. Đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.500 giường tiêu chuẩn bệnh viện hạng đặc biệt; thành lập mới Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhiệt đới và các bệnh truyền nhiễm; đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển Vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đầu tư 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí bệnh viện hạng II, là cơ sở hạt nhân của các trạm y tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư các cơ sở y tế, chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Phát triển mạng lưới các trạm y tế xã phường, thị trấn đạt chuẩn nâng cao có đủ năng lực tiếp nhận, sàng lọc và chăm sóc ban đầu. Hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng đáp ứng yêu cầu sẵn sàng phòng chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở.

4. Phương án phát triển hạ tầng khoa học công nghệ

Xây dựng và phát triển mạng lưới hạ tầng khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, hệ thống đo lường, phòng thí nghiệm tỉnh theo mô hình tiên tiến; xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hạ tầng thông tin thống kê khoa học và công nghệ.

Phát triển Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và đo lường thử nghiệm tỉnh Thái Bình trở thành đơn vị chủ chốt, quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

5. Phương án phát triển hạ tầng bảo trợ xã hội

Đầu tư nâng cấp 07 cơ sở trợ giúp xã hội công lập; nâng cao chất lượng dịch vụ của 03 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập hiện có. Quy hoạch 09 vị trí để thu hút đầu tư thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập tại các huyện, thành phố.

Thu hút đầu tư xây dựng 01 trung tâm dưỡng lão đạt tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô khoảng 10 ha tại huyện Vũ Thư.

6. Phương án phát triển hạ tầng thương mại

Phát triển đồng bộ, đa dạng hệ thống hạ tầng thương mại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại; hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Quy hoạch xây dựng mới ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, trong đó có 01 trung tâm thương mại hạng I, 23 trung tâm thương mại hạng II- III tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, khu vực thị trấn và 11 trung tâm thương mại tại các xã trên địa bàn huyện. Quy hoạch xây dựng 01 Trung tâm Hội chợ Triển lãm tại khu vực thành phố Thái Bình.

Phát triển hệ thống phân phối xăng dầu, đảm bảo lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong tỉnh, đảm bảo an toàn ổn định 02 kho xăng dầu quốc gia, 06 kho tồn trữ xăng dầu dưới 5.000 m³ trên địa bàn tỉnh; Việc đầu tư mới, đầu tư mở rộng kho xăng dầu dưới 5.000 m³ trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (chi tiết tại Phụ lục XII).

VIII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI

Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, quản lý và sử dụng bảo đảm hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững; đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực; phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tình hình thực tiễn của địa phương (chi tiết tại Phụ lục XIV).

IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN

1. Phương án phát triển vùng liên huyện

Trên cơ sở địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư và văn hóa xã hội, điều kiện, trình độ phát triển và dự báo khả năng phát triển, tỉnh Thái Bình phân thành 3 vùng như sau:

(1) Vùng trọng điểm gồm thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư: Lấy thành phố Thái Bình là trung tâm, phát triển lan tỏa ra huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương, kết nối với tỉnh Nam Định (qua đô thị Vũ Thư) và phát triển về phía huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương kết nối thành phố Thái Bình với vùng động lực chủ đạo (phía Đông), vùng kinh tế phía Nam và vùng kinh tế ngoại biên (phía Bắc); các đô thị Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương và các đô thị mới phát triển hướng tâm, kết nối với thành phố Thái Bình; định hướng phát triển theo 02 khu vực:

– Khu vực trung tâm (bao gồm thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng và một phần huyện Kiến Xương, huyện Vũ Thư).

– Khu vực kinh tế phía Nam (bao gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư).

(2) Vùng động lực chủ đạo bao gồm huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải: Lấy Khu kinh tế Thái Bình là trung tâm; vùng động lực chủ đạo được xác định là hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh, gắn với Khu kinh tế Thái Bình nằm trên địa bàn huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải, kết nối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định và phát triển lan tỏa về phía Tây kết nối với thành phố Thái Bình qua huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương.

(3) Vùng kinh tế ngoại biên bao gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ: Lấy đô thị Quỳnh Phụ làm trung tâm; vùng kinh tế ngoại biên được xác định là hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và phát triển lan tỏa về phía Nam, kết nối với thành phố Thái Bình qua huyện Đông Hưng, huyện Vũ Thư.

2. Phương án phát triển vùng huyện

a) Vùng huyện Thái Thụy

Là vùng đô thị vệ tinh phía Đông Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và không gian biển quốc tế.

– Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh gắn với phát triển phía Bắc Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, cảng biển, với thế mạnh về dịch vụ thương mại, du lịch và thủy, hải sản; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp nông nghiệp truyền thống, đảm bảo phục vụ các vùng đô thị và du lịch ven biển.

b) Vùng huyện Tiền Hải

Là vùng đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình và vùng Bắc Trung Bộ.

– Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh gắn với phát triển phía Nam Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển, với thế mạnh về dịch vụ thương mại, du lịch và thủy, hải sản, khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp nông nghiệp truyền thống, đảm bảo phục vụ các vùng đô thị và du lịch ven biển; lấn biển để mở rộng không gian phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ.

c) Vùng huyện Hưng Hà

Là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch của tỉnh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần.

Hướng phát triển trọng tâm: Nâng cao hiệu quả các ngành công nghiệp truyền thống, thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, tiết kiệm đất đai, tạo giá trị gia tăng cao, khai thác hiệu quả hành lang kinh tế kỹ thuật tuyến Thái Bình – Hà Nam, cao tốc Hưng Yên – Thái Bình. Phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, công nghiệp. Phát triển đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái khoáng nóng, dịch vụ thể thao cao cấp; gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần, cảnh quan ven sông Hồng.

d) Vùng huyện Quỳnh Phụ

Là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ gắn với hành lang kinh tế đô thị QL10.

Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao, tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế (như công nghiệp cơ khí, công nghiệp chuyên nông nghiệp…) gắn với khu công nghiệp Cầu Nghìn, khu công nghiệp Thaco – Thái Bình, khu công nghiệp Dược – Sinh học. Phát triển dịch vụ gắn với hoạt động logistics, vận tải. Phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian lịch sử đền A Sào, khu nghỉ dưỡng và thể thao sân gôn Quỳnh Lâm. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản thực phẩm.

đ) Vùng huyện Vũ Thư

Là trung tâm dịch vụ trung chuyển; dịch vụ tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái ven sông.

Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình. Hướng tới xây dựng Vũ Thư là huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

e) Vùng huyện Đông Hưng

Là huyện trung tâm của tỉnh, đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng QL10, QL39, đường Thái Bình – Hà Nam, cao tốc Thái Bình – Hưng Yên. Lấy phát triển dịch vụ vận tải, trung chuyển hàng hóa, logistics dẫn dắt, làm động lực cho phát triển công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình. Hướng tới xây dựng Đông Hưng là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ hiện đại và giàu bản sắc.

g) Vùng huyện Kiến Xương

Là một trong những trung tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho vùng kinh tế chủ đạo thành phố Thái Bình, Khu kinh tế Thái Bình. Hướng tới xây dựng Kiến Xương là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, có hệ thống hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ hiện đại và giàu bản sắc.

Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tiểu thủ công nghiệp truyền thống và dịch vụ hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, công nghệ cao, công nghệ sinh học, gắn với chế biến, bảo quản và cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Thái Bình và Khu kinh tế ven biển.

X. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

a) Phương án phân vùng bảo vệ môi trường

Phân vùng môi trường tỉnh Thái Bình theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác đã được định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia như sau:

– Vùng bảo vệ nghiêm ngặt gồm: Khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải; khu vực nội thành nội thị thành phố Thái Bình, thị trấn Diêm Điền; nguồn nước khu vực các sông: Sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa… Các khu vực bảo vệ 1 của các khu di tích lịch sử văn hóa.

– Vùng hạn chế phát thải, gồm: Khu phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và Tiền Hải; Khu vực nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh theo quy định; vùng rừng sản xuất; khu vực khai thác khoáng sản; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, V.

– Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.

b) Quan trắc môi trường đất, nước, không khí

Tiếp tục thực hiện quan trắc định kỳ tại 101 vị trí quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; vận hành hoạt động 02 trạm quan trắc tự động đã đầu tư (01 trạm quan trắc nước mặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy; 01 trạm quan trắc môi trường không khí tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy); thực hiện đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục theo quy định.

c) Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có diện tích khoảng 6.560 ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 8 của huyện Thái Thụy; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích dự kiến khoảng 12.500 ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 5, đê biển số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải.

Xây dựng đề án nghiên cứu thảm thực vật ven cửa sông và quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung.

d) Bảo vệ và phát triển rừng

Kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngặp mặn ven biển sang mục đích khác. Thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng. Giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.

2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên

Khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, không làm ảnh hưởng môi trường và các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Thời kỳ 2021-2030, thực hiện đóng cửa các mỏ khoáng sản đã hết thời hạn, trữ lượng khai thác; quy hoạch thực hiện và mở rộng các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tận dụng tối đa nguồn vật liệu xây dựng để phát triển hạ tầng đô thị, giao thông.

(Chi tiết tại Phụ lục XIII)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

a) Phân bổ tài nguyên nước

Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (1) nhu cầu nước cho sinh hoạt; (2) nhu cầu nước cho dịch vụ, công nghiệp; (3) nhu cầu nước cho thủy sản, nông nghiệp trong đó nước phục vụ sinh hoạt đảm bảo 100% nhu cầu.

b) Bảo vệ tài nguyên nước

Cải thiện chất lượng nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các đoạn sông hiện đang bị ô nhiễm hoặc chưa đáp ứng được mục đích sử dụng đề ra.

Duy trì, bảo vệ chất lượng nước mặt chưa bị ô nhiễm để bảo đảm đáp ứng được mục tiêu chất lượng nước trong kỳ quy hoạch.

Kiểm soát hiệu quả các nguồn thải hiện có và các nguồn thải mới phát sinh trong kỳ quy hoạch: Nước thải công nghiệp, sinh hoạt, y tế,… và các loại nước thải khác được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn hiện hành tương đương với chất lượng nước nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt.

Hạn chế cấp phép xả nước thải vào các sông: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Hoá, sông Luộc.

Phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái cạn kiệt, đảm bảo trạng thái tự nhiên của tầng chứa nước.

Duy trì chất lượng nước ngầm đảm bảo không bị ô nhiễm bởi các tác động nhân sinh và công nghiệp, đảm bảo trạng thái tự nhiên của tầng chứa nước.

Có kế hoạch bảo tồn và phục hồi diện tích đất ngập nước ven biển.

c) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới các trạm cảnh báo thiên tai hiện có. Xây dựng hệ thống mốc theo chỉ giới thoát lũ.

Thường xuyên tu bổ nâng cấp các tuyến đê, cống dưới đê, kè, nạo vét làm thông thoáng lòng sông, kênh và và xử lý đột xuất các sự cố sạt lở bờ sông…

Đẩy nhanh tiến độ dự án thủy lợi, các công trình phòng chống hạn, ngăn chặn xâm nhập mặn. Xây dựng chế độ tưới tiêu phù hợp cho các vùng quy hoạch sản xuất lúa, vùng nuôi thủy sản, xây dựng quy trình đóng mở cống ngăn mặn hợp lý đáp ứng yêu cầu: lấy nước mặn, ngăn mặn, xả phèn và trữ ngọt. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại do nước gây ra.

Triển khai hệ thống theo dõi, giám sát tình hình hạn hán. Thực hiện thay đổi các nguyên tắc quản lý vận hành các hồ chứa nước và nước ngầm phù hợp với việc chống hạn. Sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường các biện pháp trữ nước. Thay đổi các cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình hạn hán.

(Chi tiết tại Phụ lục XV)

4. Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

a) Phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai

– Theo đặc điểm vị trí địa lý của tỉnh vùng rủi ro thiên tai được phân ra theo khu vực: khu vực ven biển; khu vực ven sông; khu vực nội đồng.

– Các vùng rủi ro thiên tai cụ thể ứng với từng loại hình thiên tai.

+ Vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới cả 3 khu vực trên phạm vi toàn tỉnh hoặc một số địa bàn cấp huyện, xã.

+ Vùng ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, ngập lụt: khu vực ven sông, khu vực trong đồng trên phạm vi toàn tỉnh hoặc một số địa bàn cấp huyện, xã.

+ Vùng ảnh hưởng: dông lốc, sét, mưa đá: thuộc cả 3 vùng, trên phạm vi một số địa bàn cấp huyện, xã.

+ Vùng ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn: Trên phạm vi toàn tỉnh hoặc một số địa bàn cấp huyện, xã.

+ Vùng ảnh hưởng do rét đậm, rét hại, sương muối trên phạm vi toàn tỉnh hoặc một số địa bàn cấp huyện, xã.

+ Vùng ảnh hưởng của sạt lở đất do dòng chảy, sóng xảy ra ở các tuyến kè và sạt lở bờ sông ở các bãi sông trên địa bàn tỉnh, sạt lở bờ biển tại hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải.

+ Vùng ảnh hưởng của nước dâng trên một số địa bàn các huyện vùng ven biển và vùng cửa sông.

b) Phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

Củng cố, tu sửa, tu bổ và xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Phòng ngừa là chính kết hợp với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có sức chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hoàn thiện dần các hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; phát triển hạ tầng thủy lợi, chủ động tưới, tiêu theo hướng tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn, cây ăn quả, rau, hoa… và các vùng thâm canh nuôi trồng thủy sản; xây dựng, thực hiện các đề xuất, tổ chức các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng các – bon thấp, tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng; cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển.

c) Phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai

– Phát triển, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển chống sạt lở, xâm lấn bờ biển và bảo vệ hệ thống đê biển, trồng tre chắn sóng trên các tuyến đê sông; thực hiện có hiệu quả chương trình trồng rừng ngập mặn, tre chắn sóng.

Cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều, chỉ giới tuyến thoát lũ, chỉ giới các khu vực dân cư tập trung hiện có được tồn tại, các khu vực bãi sông được phép nghiên cứu xây dựng. Củng cố đê điều; cải tạo lòng dẫn; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi. Đầu tư, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến phòng chống thiên tai; công trình giao thông kết hợp phòng chống thiên tai; lắp đặt bổ sung các công trình đo đạc khí tượng thủy văn, giám sát và cảnh báo thiên tai – hệ thống dùng riêng trên địa bàn tỉnh.

– Quản lý, sử dụng bãi sông thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đê điều và các pháp luật khác có liên quan.

– Phương án phát triển đê điều.

Nâng cấp tuyến đê bối Bình Thanh, Bình Định, Hồng Tiến huyện Kiến Xương thay thế đoạn đê tả Hồng Hà II từ K193+100 đến K200+400; nghiên cứu điều chỉnh một số tuyến đê khác theo quy định. Hoàn chỉnh mặt cắt đê đảm bảo đủ chiều cao chống lũ; cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình kè bảo vệ đê, bãi sông; nâng cấp, xây mới cống dưới đê; làm đường hành lanh chân đê; tu bổ, xây dựng công trình phục vụ quản lý, bảo vệ đê điều (chi tiết tại Phụ lục XVI).

XI. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành quan trọng, các lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

(Chi tiết tại Phụ lục XVIII)

XII. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng 237 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 577 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và dân cư đóng vai trò chủ đạo; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách.

Tập trung thu hút đầu tư cho các dự án lớn về kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, cấp điện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình không huy động được nguồn lực xã hội hóa.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản tỉnh có lợi thế cạnh tranh; các ngành mũi nhọn như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…

2. Phát triển và cung ứng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động

Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo phương án quy hoạch. Tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng.

3. Nhóm giải pháp về môi trường; khoa học và công nghệ

Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải, nước thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh.

Đảm bảo cân đối ngân sách bố trí cho hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định. Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp vào phát triển kinh tế – xã hội… Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng hệ thống hạ tầng khoa học và công nghệ hiện đại, đồng bộ với sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các ngành, các cấp và các thành phần kinh tế.

Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh, của vùng và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

4. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút các nguồn lực cho phát triển như: cơ chế, chính sách phát triển vùng động lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn, chính sách phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư khu đô thị, dịch vụ, nhà ở công nhân tại khu kinh tế, khu công nghiệp…

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cao, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác.

5. Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị, nông thôn

Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất phi nông nghiệp theo quy định.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất, mang tính tích hợp. Xác định đẩy mạnh tinh giản bộ máy hành chính và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng mô hình quản trị Nhà nước hiện đại. Tập trung ưu tiên việc nâng cao chất lượng bộ máy hành chính; đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp và trao quyền trong thời gian tới.

Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực dự án theo quy hoạch phê duyệt.

6. Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

Tổ chức công bố công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong triển khai thực hiện.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ.

Triển khai xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, cụ thể hoá các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định.

Các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm phù hợp với Quy hoạch được duyệt và nhu cầu của thị trường nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của từng vùng và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương. Đồng thời, phải đảm bảo thống nhất và liên kết giữa các cấp, loại quy hoạch, nhất là giữa quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất huyện, thị với quy hoạch tỉnh, giữa các quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, quy hoạch khung tổng thể. Đảm bảo cập nhật, cụ thể hóa các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

XIII. HỆ THỐNG SƠ ĐỒ QUY HOẠCH

Chi tiết danh mục sơ đồ Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(Chi tiết tại Phụ lục XIX)

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình:

a) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với nội dung của Quyết định này; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển tỉnh và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.

đ) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

e) Tổ chức rà soát Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được quyết định hoặc phê duyệt và thực hiện điều chỉnh quy hoạch tỉnh trong trường hợp có mâu thuẫn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các chương trình, dự án, đề án trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, vùng và địa phương, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển đã được xác định tại Quyết định này và quy hoạch cao hơn có liên quan (nếu có), bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời, người quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Đối với các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, bản án (nếu có) thì chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất dự án, phân kỳ đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết nêu tại văn bản số 4657/UBND-TH ngày 26 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

5. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong việc đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp, huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của quy hoạch bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, QHĐP (2b)Q.Cường
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI ĐÔ THỊ TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTĐô thịPhân loại đô thịGhi chú(*)
Hiện trạng năm 2020Định hướng đến năm 2030
1Thành phố Thái BìnhIIIDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
2Quỳnh CôiVIVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
3An BàiVIVSNĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị trấn Quỳnh Côi
4Hưng HàVIVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
5Hưng NhânVIVSNĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị trấn Hưng Hà
6Đông HưngVIVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
7Thái ThụyIVIIIMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
8Tiền HảiVIVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
9Kiến XươngVVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
10Vũ ThưVIVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
11Vũ QuýVVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
12Thái NinhVVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị xã Thái Thụy
13Đô thị mới An ĐồngVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
14Đô thị mới Quỳnh NgọcVMRDự kiến mở rộng phạm vi phân loại đô thị
15Đô thị mới Thái PhươngVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị trấn Hưng Hà
16Đô thị mới Cộng HòaV
17Đô thị mới Hồng MinhV
18Đô thị mới Đông QuanV
19Đô thị mới Tiên HưngV
20Đô thị mới Thụy TrườngVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị xã Thái Thụy
21Đô thị mới Đông MinhVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của thị trấn Tiền Hải
22Đô thị mới Nam TrungV
23Đô thị mới Nam PhúV
24Đô thị mới Thanh TânV
25Đô thị mới Bình ThanhV
26Đô thị mới Trà GiangVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của Tp. Thái Bình
27Đô thị mới Xuân HòaV
28Đô thị mới Vũ TiếnV
29Đô thị mới Tân PhongVĐến năm 2030 nằm trong ranh giới của Tp. Thái Bình
30Đô thị mới Vũ HộiV

Ghi chú:

– Phạm vi, ranh giới dự kiến của các đô thị được xác định cụ thể trong nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định của pháp luật;

– Việc phân loại đô thị phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia./.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến (ha)Ghi chú(nếu có)
ACác khu công nghiệp thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
ICác khu công nghiệp đã thành lập
1Phúc KhánhThành phố Thái Bình159,03
2Nguyễn Đức CảnhThành phố Thái Bình75,06
3Sông TràHuyện Vũ Thư; Tp. Thái Bình150,48
4Cầu NghìnHuyện Quỳnh Phụ211,52
5Gia LễHuyện Đông Hưng84,70
6Thaco – Thái BìnhHuyện Quỳnh Phụ194,36
7Tiền HảiHuyện Tiền Hải466,00
8Liên Hà Thái – Green iP-1Huyện Thái Thụy588,84
Tổng cộng I1.929,99
IICác khu công nghiệp thành lập mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp
9Hải LongHuyện Tiền Hải296,97Đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
10VSIP Thái BìnhHuyện Thái Thụy333,40Đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
Tổng cộng II630,37
Tổng cộng (I+II)2.560,36
BCác khu công nghiệp tiềm năng thành lập mới trong trường hợp tỉnh Thái Bình được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp
11Hưng PhúHuyện Tiền Hải215
12Dược – Sinh họcHuyện Quỳnh Phụ300
13Liên Hà Thái (phân khu phía Nam)Huyện Thái Thụy373
14Tiền Hải 2Huyện Tiền Hải300
15Tiền Hải (phần mở rộng)Huyện Tiền Hải242Tổng diện tích KCN Tiền Hải sau mở rộng là 708,39 ha
16Sông LânHuyện Tiền Hải275
17Thụy TrườngHuyện Thái Thụy227
18Thái Thượng(KCN-Cảng-DV-DL)Huyện Thái Thụy591
19Trà XuyênHuyện Tiền Hải167
20Hoàng XuyênHuyện Tiền Hải121
21Hưng Hà(KCN-ĐT-DV logistics)Huyện Hưng Hà310
22Đông LongHuyện Tiền Hải247
23Thái Đô 1Huyện Thái Thụy206
Tổng cộng3.574

Ghi chú:

– Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình quy hoạch xây dựng, lập và phê duyệt dự án đầu tư.

– Đối với phần diện tích quy hoạch ngoài chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ triển khai thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên cụm công nghiệpĐịa điểm dự kiếnDiện tích dự kiến (ha)Ngành nghề hoạt động dự kiến
ICác cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động
1Tân MinhHuyện Vũ Thư75Đa ngành
2Thị Trấn Vũ ThưHuyện Vũ Thư27,3Đa ngành
3Tam QuangHuyện Vũ Thư39,5Đa ngành
4Vũ HộiHuyện Vũ Thư31,5Đa ngành
5Nguyên XáHuyện Vũ Thư15Đa ngành
6Minh LãngHuyện Vũ Thư75Đa ngành
7Thanh TânHuyện Kiến Xương74Đa ngành
8Vũ NinhHuyện Kiến Xương74,4Đa ngành
9Vũ QuýHuyện Kiến Xương75Đa ngành
10Trà LýHuyện Tiền Hải75Đa ngành
11Nam HàHuyện Tiền Hải20,1Đa ngành
12Tây AnHuyện Tiền Hải68,89Đa ngành
13An NinhHuyện Tiền Hải74,6Đa ngành
14Cửa LânHuyện Tiền Hải10Đa ngành
15Mỹ XuyênHuyện Thái Thụy15,67Đa ngành
16Thụy SơnHuyện Thái Thụy42Đa ngành
17Thái DươngHuyện Thái Thụy69Đa ngành
18Đông LaHuyện Đông Hưng89,53Đa ngành
19Đông CácHuyện Đông Hưng10Đa ngành
20Xuân ĐộngHuyện Đông Hưng35Đa ngành
21Nguyên XáHuyện Đông Hưng40Đa ngành
22Mê LinhHuyện Đông Hưng74Đa ngành
23Đông PhongHuyện Đông Hưng70Đa ngành
24Đô LươngHuyện Đông Hưng70Đa ngành
25Đồng TuHuyện Hưng Hà63Đa ngành
26Thái PhươngHuyện Hưng Hà37,05Đa ngành
27Hưng NhânHuyện Hưng Hà70Đa ngành
28Quỳnh CôiHuyện Quỳnh Phụ74,53Đa ngành
29Đập NeoHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
30Quý NinhHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
31Quỳnh GiaoHuyện Quỳnh Phụ70Đa ngành
32Đông HảiHuyện Quỳnh Phụ70Đa ngành
Tổng cộng1.785,07
IICác cụm công nghiệp đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật
33Phúc ThànhHuyện Vũ Thư75Đa ngành
34Cồn NhấtHuyện Kiến XươngĐa ngành
35Trung NêHuyện Kiến Xương70Đa ngành
36Bình MinhHuyện Kiến Xương70Đa ngành
37Thụy VănHuyện Thái Thụy70Đa ngành
38Phong ChâuHuyện Đông Hưng63Đa ngành
39Hồng ViệtHuyện Đông Hưng70Đa ngành
40Tiền PhongHuyện Hưng Hà40Đa ngành
41Thống NhấtHuyện Hưng Hà70Đa ngành
42Đức HiệpHuyện Hưng Hà70Đa ngành
43Văn LangHuyện Hưng Hà70Đa ngành
Tổng cộng738
IIICác cụm công nghiệp thành lập mới
44Ngô XáHuyện Vũ Thư75Đa ngành
45Đồng ThanhHuyện Vũ Thư75Đa ngành
46Vũ VânHuyện Vũ Thư75Đa ngành
47Hòa BìnhHuyện Kiến Xương70Đa ngành
48An HiềnHuyện Kiến Xương75Đa ngành
49Ninh AnHuyện Kiến Xương74Đa ngành
50Đô Lương 2Huyện Đông Hưng75Dệt may
51Đông PhươngHuyện Đông Hưng75Đa ngành
52Thái GiangHuyện Thái Thụy75Đa ngành
53Thụy NinhHuyện Thái Thụy75Đa ngành
54Thái ĐôHuyện Thái Thụy55Phụ trợ TT điện khí LNG Thái Bình
55Hùng DũngHuyện Hưng Hà75Đa ngành
56Bắc SơnHuyện Hưng Hà75Đa ngành
57Thái HưngHuyện Hưng Hà50Đa ngành
58Đông ĐôHuyện Hưng Hà50Đa ngành
59Đô KỳHuyện Hưng Hà75Đa ngành
60Việt BắcHuyện Hưng Hà75Đa ngành
61An VũHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
62Quỳnh TrangHuyện Quỳnh Phụ65Đa ngành
63Dục MỹHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
64Châu NguyênHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
65An HiệpHuyện Quỳnh Phụ75Đa ngành
66Quỳnh HồngHuyện Quỳnh Phụ50Đa ngành
67Quỳnh SơnHuyện Quỳnh Phụ60Đa ngành
Tổng cộng1.674

Ghi chú:

– Tên dự án, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và triển khai dự án đầu tư.

– Các cụm công nghiệp tiềm năng có nhu cầu đầu tư sớm hơn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thì cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên tuyếnĐiểm đầuĐiểm cuốiChiều dài dự kiến
(km)
Quy mô dự kiến
(cấp đường/số làn xe)
AMẠNG LƯỚI ĐƯỜNG QUỐC LỘ, CAO TỐC
Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
BMẠNG LƯỚI ĐƯỜNG TỈNH
INâng cấp, cải tạo
1ĐT.396BHuyện Quỳnh PhụHuyện Đông Hưng34,4cấp III – ĐB/4 làn xe
2ĐT.452Huyện Hưng HàHuyện Hưng Hà13,6cấp III – ĐB/4 làn xe
3ĐT.453 (ĐT.226, QL.39 cũ)Huyện Hưng HàHuyện Hưng Hà15,4cấp III – ĐB/2-4 làn xe
4ĐT.454B (ĐT.224 cũ)Huyện Hưng HàHuyện Vũ Thư19,9cấp III – ĐB/2-4 làn xe
5ĐT.455Huyện Đông HưngHuyện Thái Thụy37,0cấp III – ĐB/2-4 làn xe
6ĐT.456Huyện Đông HưngHuyện Thái Thụy12,6cấp III – ĐB/2-4 làn xe
7ĐT.457 (ĐT.222 cũ)Huyện Đông HưngHuyện Kiến Xương17,5cấp III – ĐB/2-4 làn xe
8ĐT.458 (QL.39 cũ)Thành phố Thái BìnhHuyện Kiến Xương16,3cấp III – ĐB/2-4 làn xe
9ĐT.459Huyện Thái ThụyHuyện Thái Thụy13,7cấp III – ĐB/2-4 làn xe
10ĐT.461QL.37ĐT.467 (QL.37 cũ)14,2cấp III – ĐB/2-4 làn xe
11ĐT.462 (ĐT.221A cũ)Huyện Tiền HảiHuyện Tiền Hải15,2cấp III – ĐB/2-4 làn xe
12ĐT.463 (ĐT.220B cũ)Huyện Vũ ThưHuyệnVũ Thư12,0cấp III – ĐB/2-4 làn xe
13ĐT.465Huyện Tiền HảiHuyện Tiền Hải12,1cấp III – ĐB/2-4 làn xe
14ĐT.466Huyện Thái ThụyHuyện Thái Thuỵ4,7cấp III – ĐB/2-4 làn xe
15ĐT.467B (QL.37 cũ)Huyện Thái ThụyHuyện Thái Thụy6,5cấp III – ĐB/2-4 làn xe
IIXây dựng mới
16ĐT.467 (Thái Bình – cầu Nghìn)Huyện Quỳnh PhụThành phố Thái Bình23,6cấp II – ĐB/4-6 làn xe
17ĐT.454 (Thái Bình – Đồng Tu)Huyện Hưng HàThành phố Thái Bình21,0cấp II – ĐB/4-6 làn xe
18ĐT.469 (Thái Bình – Cồn Vành)Thành phố Thái BìnhHuyện Tiền Hải34,2cấp II – ĐB/4-6 làn xe
19ĐT.468 (Diêm Điền – Hưng Hà)Huyện Hưng HàHuyện Thái Thụy35,8cấp II – ĐB/4-6 làn xe
20ĐT.464 (Thái Bình – Đông Long)Thành phố Thái BìnhHuyện Tiền Hải22,0cấp II – ĐB/4-6 làn xe
21ĐT.451Huyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh Phụ10,0cấp III – ĐB/2-4 làn xe
22ĐT.452 – Đoạn 2Huyện Hưng HàHuyện Quỳnh Phụ9,0cấp III – ĐB/2-4 làn xe
23ĐT.452BHuyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh Phụ5,3cấp III – ĐB/2-4 làn xe
24ĐT.454 – Đoạn 2Huyện Hưng HàHuyện Hưng Hà6,4cấp III – ĐB/2-4 làn xe
25ĐT.457 – Đoạn 2Huyện Kiến XươngHuyện Kiến Xương10,7cấp III – ĐB/2-4 làn xe
26ĐT.459 – Đoạn 2Huyện Thái ThụyHuyện Thái Thụy5,8cấp III – ĐB/2-4 làn xe
27ĐT.463BHuyện Vũ ThưHuyện Vũ Thư9,6cấp III – ĐB/2-4 làn xe
28ĐT.465B (221D cũ và đường trục KKT)Huyện Kiến XươngHuyện Tiền Hải34,4cấp III – ĐB/2-4 làn xe
29ĐCD.02Huyện Thái ThụyHuyện Thái Thụy9,2cấp II – ĐB/2-4 làn xe

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. TUYẾN ĐƯỜNG SẮT

TTTên tuyếnChiều dài dự kiến (km)Khổ đường dự kiến (mm)
Tuyến đường sắt quốc gia
Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể: Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Thái Bình thuộc tuyến Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng – Hạ Long dài khoảng 37km)1011.435

B. GA ĐƯỜNG SẮT

TTTên gaĐịa điểm dự kiếnTuyến đường sắt kết nốiGhi chú
Ga đường sắt quốc gia
Thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

A. TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA CẤP QUỐC GIA VÀ CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

B. TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ

1. Tuyến đường thủy nội địa

TTTên tuyến đường thủy nội địaCấp kỹ thuật
Hiện trạngĐịnh hướng đến năm 2030
ICác tuyến hiện có
1Sông Tiên HưngVIV
2Sông Diêm HộVIVI
3Sông Đồng CốngVIVI
4Sông Tà SaVI
5Sông Kiến GiangVIV
6Sông Dục DươngVI
7Sông Nguyệt LâmVIVI
8Sông HệVI
IICác tuyến quy hoạch mới
9Sông Yên LộngVI
10Sông HoàiVI
11Sông Tiên HưngV
12Sông Diêm ĐiềnV
13Sông Thẫm (Pari)Trục cảnh quan
14Sông Cổ RồngVI
15Sông Tam LạcVI
ICác cảng, bến hiện có4006,91
1Bến Văn Tích (Km90 + 120 – Km90 + 290)Huyện Hưng HàSông Hồng200501,5
2Cụm bến cống Kem (Từ Km³6+600 đến Km³6+750 bên bờ Trái)Huyện Kiến Xương500500,5
3Cụm bến Hiệp (Km³2+200 – Km³2+350)Huyện Quỳnh PhụSông Luộc4001001,91
4Cụm bến cảng Diêm ĐiềnHuyện Thái thụySông Diêm Hộ5002003
IICác cảng, bến xây dựng mới90038,2
1Cảng Hưng NhânHuyện Hưng HàSông Hồng5001,5
2Cảng Hồng AnHuyện Hưng Hà2001
3Cảng Sa CaoHuyện Vũ Thư200501
4Cảng Hưng PhúHuyện Tiền Hải5001002
5Cảng Tịnh XuyênHuyện Hưng HàSông Trà Lý200501
6Cảng Tân PhongHuyện Vũ Thư4002
7Cảng Đông QuanHuyện Đông Hưng4002
8Cảng Thái PhúcHuyện Thái Thụy200501
9Cảng Ngũ ThônHuyện Thái Thụy200200,5
10Bến Sơn HàHuyện Thái Thụy300201,4
11Bến Đền BàHuyện Thái Thụy500301,8
12Cảng Tân SơnHuyện Thái ThụySông Diêm Hộ500501
13Cảng Tân TrườngHuyện Thái ThụySông Thái Bình2.0001002
14Cảng khác20

3. Cảng, bến thủy nội địa hành khách

TTTên cảngĐịa điểm dự kiếnSông, kênhĐịnh hướng đến năm 2030
Cỡ tàu (Ghế)Công suất (nghìn lượt HK/năm)Nhu cầu sử dụng đất dự kiến (ha)
ICác cảng, bến hiện có
IICác cảng, bến xây dựng mới1502007,2
1Bến Hưng NhânHuyện Hưng HàSông Hồng1500,3
2Bến Tiến ĐứcHuyện Hưng Hà1500,2
3Bến Hồng AnHuyện Hưng Hà1500,2
4Bến Minh TânHuyện Hưng Hà1500,2
5Bến Văn TíchHuyện Hưng Hà1500,2
6Bến Hồng MinhHuyện Hưng Hà1500,2
7Bến Tân ĐệHuyện Vũ Thư1500,5
8Bến Vũ TiếnHuyện Vũ Thư1500,2
9Bến Bồng TiênHuyện Vũ Thư1500,2
10Bến cống KemHuyện Kiến Xương1500,2
11Bến Bình ThanhHuyện Kiến Xương1500,2
12Bến Ba LạtHuyện Tiền Hải1500,5
13Bến Hồng GiangHuyện Đông HưngSông Trà Lý1500,1
14Bến Trọng QuanHuyện Đông Hưng1500,1
15Bến Thái BìnhThành phố Thái Bình1500,2
16Bến Hoàng DiệuThành phố Thái Bình1500,3
17Bến Trà GiangHuyện Kiến Xương1500,5
18Bến Hồng TháiHuyện Kiến Xương1500,5
19Bến Sơn HàHuyện Thái Thụy1500,2
20Bến Đền BàHuyện Thái Thụy1500,2
21Bến Tân SơnHuyện Thái ThuySông Diêm Hộ1500,3
22Bến Tân HưngHuyện Hưng HàSông Luộc1500,3
23Bến Điệp NôngHuyện Hưng Hà1500,2
24Bến Quỳnh LâmHuyện Quỳnh Phụ1500,2
25Bến HiệpHuyện Quỳnh Phụ1500,2
26Bến An ĐồngHuyện Quỳnh Phụ1500,2
27Bến An TháiHuyện Quỳnh PhụSông Hóa1500,2
28Bến Thụy NinhHuyện Thái Thụy1500,2
29Bến Thụy QuỳnhHuyện Thái Thụy1500,2

4. Cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng

TTTên cảngĐịa điểm dự kiếnSông, kênhĐịnh hướng đến năm 2030
Cỡ tàuCông suất
ICác cảng, bến hiện có
1Bến Hải HàHuyện Thái ThụySông Diêm Hộ5.000500
2Bến Đại DươngHuyện Thái Thụy300100
3Cảng VinacominHuyện Thái ThụySông Trà Lý2.000500
4Cảng Nhiệt điện Thái Bình 1Huyện Thái Thụy2.000500
5Cảng Nhiệt điện Thái Bình 22.000500
IICác cảng, bến xây dựng mới
6Cảng LNGHuyện Thái ThụySông Trà Lý2.000500
7Cảng Đông HảiHuyện Tiền Hải2.000500

5. Khu neo đậu

TTTên khu neo đậuĐịa điểm dự kiếnChức năngCỡ tàu
IKhu neo đậu hiện có
1Khu neo đậu chuyển tải Hải Hàkhu vực 6 hải lý ngoài cửa sông Diêm Hộ thuộc vùng nước cảng biển Thái BìnhNeo đậu và truyền tải tàu hàng lỏng/khí, LPG (dầu mỏ hóa lỏng)20.000 DWT
IIKhu neo đậu xây dựng mới
2Khu neo đậu kết hợp tránh trú bão số 1khu vực 3 hải lý ngoài cửa sông Diêm Hộ thuộc vùng nước cảng biển Thái BìnhBến phao, neo đậu kết hợp tránh trú bão tại khu vực ngoài cửa sông Diêm Hộ20.000 DWT
3Khu neo đậu kết hợp tránh trú bão số 2khu vực 6 hải lý ngoài cửa sông Diêm Hộ thuộc vùng nước cảng biển Thái BìnhBến phao, neo đậu, chuyển tải hàng lỏng khí kết hợp tránh trú bão tại khu vực ngoài cửa sông Trà Lý50.000 DWT
4Khu neo đậu chuyển tải xăng dầu60.000 DWT
5Khu neo đậu kết hợp tránh trú bão số 3khu vực 3 hải lý ngoài cửa Ba Lạt, sông Hồng thuộc vùng nước cảng biển Thái BìnhBến phao, neo đậu, chuyển tải hàng lỏng khí kết hợp tránh trú bão tại khu vực ngoài cửa sông Ba Lạt20.000 DWT
6Khu neo đậu, bơm chuyển tải khí LNG, LPGngoài khơi vùng biển Thái BìnhNeo đậu, bơm chuyển tải khí LNG, LPG phục vụ Trung tâm điện khí Thái Bình>20.000 DWT

6. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

6.1. Cảng cá

TTTên cảng cáĐịa điểmLoại cảng cáQuy mô năng lựcGhi chú
Số lượt tàu cập cảng trong ngày (lượt)Chiều dài tàu cá lớn nhất có thể cập cảng (m)Lượng thủy sản qua cảng (tấn/năm)
ICảng cá hiện có
1Cảng cá Tân SơnHuyện Thái ThụyII1202415.000Kết hợp khu neo đậu tránh trú bão
2Cảng cá Cửa LânHuyện Tiền HảiII1003015.000Kết hợp khu neo đậu tránh trú bão
IICảng cá xây dựng mới
1Cảng cá Thụy TânHuyện Thái ThụyI1204025.000

6.2. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

TTTên khu neo đậuĐịa chỉCấp khu neo đậuQuy mô sức chứa (Chiếc)Chiều dài tàu cá lớn nhất có thể vào neo đậu (m)Ghi chú
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hiện có
1Cửa Trà LýHuyện Thái ThụyTỉnh30030
2Cửa LânHuyện Tiền HảiTỉnh30030Kết hợp cảng cá Cửa Lân
3Cửa Diêm HộHuyện Thái ThụyTỉnh30024Kết hợp cảng cá Tân Sơn

Ghi chú:

– Danh mục tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh bao gồm các tuyến đường tại Phụ lục này và một số tuyến đường khác nghiên cứu đầu tư, thực hiện theo nhu cầu phát triển của tỉnh;

– Quy mô thực tế sẽ được tính toán trong quá trình đầu tư; tên, diện tích và phạm vi ranh giới các tuyến sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư./.

PHỤ LỤC VII

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH SÂN BAY CHUYÊN DỤNG TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên sân bay dự kiếnVị trí dự kiếnGhi chú
1Sân bay chuyên dụng ven biển Thái BìnhHuyện Tiền HảiSân bay chuyên dụng phục vụ du lịch, an ninh – quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của công trình sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC VIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Phương án phát triển nguồn điện tiềm năng

STTHạng mụcQuy mô công suất (MW)
1Nhà máy nhiệt điện LNG Thái BìnhThực hiện theo Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII
2Nhà máy điện gió
3Điện sinh khối và rác
4Điện mặt trời áp mái

2. Phương án phát triển phát triển các trạm biến áp

TTTên công trìnhQuy mô(MVA)Ghi chú
ITrạm 500kV
Thái Bình1200Xây mới
IITrạm 220kV
1Trạm xây mới
Quỳnh Phụ1×250
Vũ Thư2×250
Thái Bình 500kV nối cấp1×250
2Trạm nâng công suất
Thái Thụy2×250
IIITrạm 110kV
1Trạm xây mới
1.1Quỳnh Phụ 22×40
1.2Quỳnh Côi2×40Lắp T2
1.3Vũ Thư nối cấp2×40Lắp T2
1.4Sông Trà2×63Lắp T2
1.5Đông Hưng2×40
1.6Thành phố 21×40+1×63Lắp T2
1.7Tân Trường2×63Lắp T2
1.8Hưng Phú2×40
1.9Tiền Hải 22×40Lắp T2
1.10Đồng Châu1×63Khi có khu dịch vụ Cồn Vành
1.11Hoàng Long2×63Lắp T2
1.12Hưng Hà 22×40Lắp T2
1.13Hưng Hà 32×40Lắp T2
1.14Kiến Xương 22×40Lắp T2
1.15Trà Linh2×63
1.16Trà Linh 22×63
1.17Thái Nguyên2×63
1.18Thụy Trường2×63Lắp T2
1.19Thái Thượng2×40
1.20Vũ Thư 22×40
1.21Thái Thụy 22×40
1.22Châu Giang2×40Lắp T2
1.23Thái Hưng2×40Lắp T2
1.24Long Bối2×63Nâng công suất máy T2
1.25Tiền Hải3×63Lắp T3
2Trạm nâng công suất
2.1Quỳnh Phụ2×63Thay T2

3. Phương án phát triển đường dây

TTTên công trìnhTiết diện (mm²)Quy môGhi chú
Số mạchChiều dài (km)
IĐường dây 500kV
1NM NĐ Nam Định 1- Phố Nối2123Xây mới đấu nối NM Nam Định 1, trường hợp NĐ NĐ 1 chậm tiến độ xem xét xây dựng trước SPP 500kV và TBA 500kV Nam Đinh 1 hoặc chuyển đấu nối Thanh Hóa –NĐ Nam Định 1 – Thái Bình – Phố Nối
2Thái Bình- Rẽ NĐ Nam Định 1-Phố Nối42Đấu nối trạm 500kV Thái Bình
3Hải Phòng-Thái Bình235Đấu nối trạm 500kV Hải Phòng
4Gia Lộc- Rẽ Thái Bình- Phố Nối413Đấu nối trạm 500kV Gia Lộc
5Bắc Bộ 2 – Thái Bình250Đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực
IIĐường dây 220kV
1Xây dựng mới
1.1Vũ Thư-Rẽ Thái Bình-Nam Định42Đấu nối trạm
và Thái Bình-Ninh Bình220kV Vũ Thư
1.2Thái Bình 500kV-Thanh Nghị260
1.3Thái Bình 500kV-Rẽ Thái Bình- Kim Động45Đấu nối phía 220kV Thái Bình 500kV
1.4Quỳnh Phụ-Rẽ Thái Bình-Đồng Hòa42Đấu nối trạm 220kV Quỳnh Phụ
1.5Lý Nhân – Rẽ Thanh Nghị- Thái Bình42Đấu nối trạm 220kV Lý Nhân
1.6Phố Cao – Rẽ Thái Bình- Kim Động41Đấu nối trạm 220kV Phố Cao
1.7An Lão – Rẽ Đồng Hòa – Thái Bình42Đấu nối TBA 220kV An Lão, Hải Phòng
1.8LNG Thái Bình-Tiên Lãng256Đồng bộ LNG Thái Bình
1.9LNG Thái Bình-Trực Ninh250Đồng bộ LNG Thái Bình
1.10Ninh Bình 2 – Rẽ Ninh Bình – Thái Bình219Xây mới đấu nối TBA 220kV Ninh Bình 2
2Cải tạo, nâng cấp
Nâng khả năng tải Đồng Hòa-Thái Bình253Cải tạo, nâng khả năng tải
IIIĐường dây 110kV
1Xây dựng mới
1.1Rẽ Quỳnh Côi30029,7
1.2Rẽ Tiền Hải 230026,8
1.3Rẽ Sông Trà30021,9
1.4Rẽ Trà Linh40023,2
1.5Rẽ Thụy Trường30029,4
1.6Rẽ Quỳnh Phụ 230022,9
1.7Rẽ Tân Trường30028,1
1.8Xuất tuyến sau TBA 220kV Vũ Thư tách tuyến ĐZ 110kV TBA 220kV Thái Bình – Thái Bình30023,2
1.9Xuất tuyến sau TBA 220kV Vũ Thư tách tuyến ĐZ 110kV Long Bối – Kiến Xương và ĐZ 110kV Thành phố 2 – Kiến Xương300421,4
1.10Xuất tuyến sau TBA 220kV Vũ Thư tách tuyến ĐZ 110kV TBA 220kV Nam Định – Vũ Thư30021,5
1.11220kV Thái Thụy – Hoàng Long30027,2
1.12Rẽ Thái Nguyên30024,2
1.13Xuất tuyến sau trạm 220kV Vũ Thư300424,5
1.14Xuất tuyến sau trạm 220 kV Thái Thụy đấu chuyển tiếp trên đường dây 110 kV Thái Thụy – Châu Giang300212,1
1.15Rẽ Đông Hưng30022,3
1.16Rẽ Trà Linh 240023
1.17Rẽ Hưng Phú30026
1.18Rẽ Hưng Hà 330023
1.19Rẽ Đồng Châu30025
1.20Rẽ Thái Thượng30023
1.21Rẽ Thái Thụy 230025
1.22Rẽ Vũ Thư 230025
1.23Tách tuyến Thái Bình – Đồng Hòa300210
1.24Tách tuyến Hưng Hà – Hưng Hà 2300210
1.25Từ nhà máy điện gió Tiền Hải đấu nối đường dây 110kV từ Trạm 220kV Thái Thụy – Trạm 110kV Tiền Hải30027,4
2Cải tạo, nâng cấp
2.1Long Bối – Kiến Xương300115,1
2.2Rẽ Kiến Xương (chuyển đấu nối)30021,0
2.3Di chuyển đường dây 110kV đoạn qua KCN Nguyễn Đức Cảnh30021,2
2.4Long Bối-Thái Thụy300122,9
2.5Vũ Thư – Nam Định300215,1

Ghi chú:

– Quy mô công suất được xác định trên cơ sở tiềm năng điện gió ngoài khơi của tỉnh và đảm bảo theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện, đầu tư các dự án xây mới và cải tạo các trạm biến áp và tuyến đường dây trên địa bàn căn cứ vào Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Quy hoạch chuyên ngành điện (nếu có).

– Vị trí của các trạm biến áp, điểm đấu nối và chiều dài các tuyến đường dây được chuẩn xác trong giai đoạn lập dự án và thực hiện đầu tư.

– Khi triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, phát triển đồng bộ hệ thống đường dây và trạm biến áp để truyền tải công suất các dự án.

PHỤ LỤC IX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NHÀ MÁY CẤP NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên nhà máyCông suất dự kiến đến năm 2030 (m³/ngày đêm)
IThành phố Thái Bình
1NMN Thành phố Thái Bình70000
2NMN Hoàng Diệu40000
3NMN Số 1 Nam Long30000
4NMN Số 2 Nam Long20000
5NMN xã Đông Thọ (xây mới)50000
IIHuyện Đông Hưng
6NMN xã Bạch Đằng23000
7NMN Đông Động14000
8NMN xã Đông Huy10500
9NMN xã Phong Châu14000
10NMN xã Đông Cường7000
11NMN xã Trọng Quan5000
12NMN xã Đông Giang1000
13NMN TT Đông Hưng12000
14NMN Thăng Long2500
IIIHuyện Hưng Hà
15NMN xã Minh Tân25000
16NMN xã Tân Tiến30000
17NMN xã Hồng Minh5000
18NMN TT Hưng Hà10500
19NMN TT Hưng Nhân10000
IVHuyện Kiến Xương
20NMN xã Vũ Ninh14000
21NMN xã Lê Lợi9000
22NMN xã Hòa Bình2000
23NMN xã Quang Trung4000
24NMN xã Vũ Hòa5000
25NMN xã Thượng Hiền5000
26NMN xã Minh Tân1500
27NMN xã Bình Nguyên10500
28NMN xã Bình Thanh9000
29NMN xã Vũ Bình9000
30NMN xã Vũ Tây1500
31NMN Đình Phùng1500
32NMN TT Thanh Nê7000
VHuyện Thái Thụy
33NMN xã Thụy Liên10000
34NMN xã Thụy Ninh10500
35NMN xã Thái Hòa15000
36NMN xã Thái Thịnh10000
37NMN xã Thái Dương20000
38NMN xã Thụy Quỳnh1500
39NMN xã Thái Thủy2000
40NMN xã Thụy Dũng5500
41NMN xã Thái Hưng2500
42NMN xã Mỹ Lộc5000
43NMN TT Diêm Điền60000
44NMN nhà máy Amonitrat12000
VIHuyện Tiền Hải
45NMN xã Nam Chính80000
46NMN xã Đông Trung45000
47NMN Tam Đồng, xã Vũ Lăng1500
48NMN xã Đông Minh10500
49NMN xã Tây Tiến1500
50NMN xã Vũ Lăng1500
51NMN xã Vân Trường1000
52NMN xã Đông Trà1000
53NMN xã Nam Cường1000
54NMN TT Tiền Hải50000
55NMN xã Nam Trung3500
VIIHuyện Vũ Thư
56NMN xã Xuân Hòa10500
57NMN xã Tự Tân14000
58NMN xã Duy Nhất3000
59NMN xã Việt Hùng1500
60NMN xã Hồng Phong1500
61NMN xã Nguyên Xá5000
62NMN xã Việt Thuận5000
63NMN xã Minh Lãng9000
64NMN xã Bách Thuận7000
65NMN xã Hồng Lý2000
66NMN xã Vũ Tiến5000
67NMN Thị trấn Vũ Thư30000
VIIIHuyện Quỳnh Phụ
68NMN xã Quỳnh Giao40000
69NMN xã An Lễ20500
70NMN xã An Đồng9500
71NMN Quỳnh Minh4500
72NMN xã An Khê1500
73NMN xã An Mỹ5000
74NMN TT An Bài10000
75NMN TT Quỳnh Côi14500

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án. Các khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế tùy điều kiện cụ thể có thể xây dựng nhà máy nước riêng cho từng khu.

PHỤ LỤC X

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên khu xử lýVị tríPhạm vi, quy mô xử lýCông nghệ xử lý
1Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Quỳnh PhụHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
2Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Đông HưngHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
3Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Thái ThụyHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
4Khu xử lý chất thải rắn tập trung (*)Huyện Thái ThụyHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
5Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Tiền HảiHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
6Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Vũ ThưHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
7Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Kiến XươngHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật
8Khu xử lý chất thải rắn tập trungHuyện Hưng HàHuyện hoặc liên huyệnTiên tiến, hiện đại, đáp ứng quy định của pháp luật

Ghi chú:

(*) Khu xử lý chất thải rắn tập trung trong Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ;

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021 – 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Giáo dục mầm non và phổ thông

STTĐơn vịToàn tỉnh
Năm học
2020-20212024-20252029-2030
Tổng số trường732739755
– Công lập708703682
– Ngoài công lập243473
1Tổng số trường MN300308302
– Công lập286285269
– Ngoài công lập142333
2Tổng số trường TH120118131
– Công lập120117121
– Ngoài công lập0110
3Tổng số trường TH-THCS167164148
– Công lập167164148
– Ngoài công lập000
4Tổng số trường THCS106107124
– Công lập106107114
– Ngoài công lập0010
5Tổng số trường THPT393939
– Công lập292929
– Ngoài công lập101010
6Tổng số trường TH-THCS-THPT0311
– Công lập011
– Ngoài công lập0210

2. Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030

SttLoại hìnhNăm 2020Năm 2030
Tổng sốCông lậpTư thụcTổng sốCông lậpTư thục
1Trường đại học0202002020
2Trường cao đẳng (bao gồm cả trường Cao đẳng sư phạm)05050080503
3Trường trung cấp050302080305
4Trung tâm giáo dục nghề nghiệp181206191207
5Phân viện – Học viện nông nghiệp00001001
Tổng số302208382216

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHO XĂNG DẦU, KHÍ ĐỐT TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTDanh mục dự ánVị tríGhi chú
IHệ thống kho xăng dầu quốc gia
1Kho xăng dầu Hải HàHuyện Thái Thụy
2Kho trung chuyển xăng dầu Thái BìnhHuyện Vũ Thư
IIHệ thống kho xăng dầu dưới 5000 m³
1Kho dự trữ xăng dầu tại khu bến cảng Ba LạtHuyện Tiền Hải
2Kho Mỹ LộcHuyện Thái Thụy
3Kho Nam ThịnhHuyện Tiền Hải
4Kho Tịnh XuyênHuyện Hưng Hà
5Kho An BàiHuyện Quỳnh Phụ
6Kho An ĐồngHuyện Quỳnh Phụ

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XIII

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên mỏSố lượng mỏ
IQuy hoạch mỏ khí
1Mỏ khí Tiền Hải C1
2Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Thái Bình và Hàm Rồng Lô 102&106 – giai đoạn 11
IIBể than Đồng bằng sông Hồng
IIIQuy hoạch mỏ nước khoáng (ghi số lượng)
1Huyện Hưng Hà2
2Huyện Tiền Hải4
3Huyện Quỳnh Phụ1
IVMỏ cát xây dựng40
1Mỏ cát sông18
1.1Huyện Hưng Hà7
1.2Huyện Vũ Thư5
1.3Huyện Kiến Xương2
1.4Huyện Tiền Hải2
1.5Huyện Thái Thụy2
2Mỏ cát biển22
2.1Huyện Thái Thụy16
2.2Huyện Tiền Hải6

Ghi chú: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình rà soát, xác định và điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh số lượng, ranh giới, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.

PHỤ LỤC VIV

CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2030 TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

Đơn vị tính: ha

TTChỉ tiêu sử dụng đấtHiện trạng năm 2020Theo phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTgChỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 theo đề xuất của tỉnh
ILoại đất
1Đất nông nghiệpNNP106.71092.72286.642
Trong đó:
1.1Đất trồng lúa. Trong đó:LUA77.72869.84664.364
Đất chuyên trồng lúa nước (từ 2 vụ lúa trở lên)LUC77.66469.04663.564
1.2Đất trồng cây lâu nămCLN7.8986.329
1.3Đất rừng phòng hộRPH739721175
1.4Đất rừng đặc dụngRDD1.011
1.5Đất rừng sản xuấtRSX
Trong đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiênRSN
2Đất phi nông nghiệpPNN51.42765.64271.722
Trong đó:
2.1Đất quốc phòngCQP183336336
2.2Đất an ninhCAN47115215
2.3Đất khu công nghiệpSKK9092.5655.859
2.4Đất cụm công nghiệpSKN5324.198
2.5Đất thương mại, dịch vụTMD3571.228
2.6Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệpSKC580869
2.7Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sảnSKS577
2.8Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnhDHT27.04332.80333.227
Trong đó:
Đất giao thôngDGT14.73018.20718.340
Đất thủy lợiDTL10.67211.456
Đất xây dựng cơ sở văn hóaDVH93234234
Đất xây dựng cơ sở y tếDYT141235235
Đất xây dựng cơ sở giáo dục-đào tạoDGD7021.0411.041
Đất xây dựng cơ sở thể dục – thể thaoDTT328578726
Đất công trình năng lượngDNL268921921
Đất công trình bưu chính viễn thôngDBV95757
2.9Đất xây dựng kho dự trữ quốc giaDKG1515
2.10Đất có di tích, lịch sử – văn hóaDDT125050
2.11Đất bãi thải, xử lý chất thảiDRA244408408
2.12Đất cơ sở tôn giáoTON418529
2.13Đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa tángNTD1.8072.025
2.14Đất danh lam, thắng cảnhDDL
2.15Đất ở tại nông thônONT12.77514.181
2.16Đất ở tại đô thịODT1.0852.871
2.17Đất xây dựng trụ sở cơ quanTSC204381
2.18Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệpDTS1833
2.19Đất xây dựng cơ sở ngoại giaoDGN
3Đất chưa sử dụngCSD
3.1Đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng227227
3.2Đất chưa sử dụng còn lại3249797
IIKHU CHỨC NĂNG (*)
1Đất khu kinh tế (tính cả diện tích đất mặt nước ven biển theo chỉ tiêu quan sát)KKT30.58330.58330.583
2Đất đô thịKDT7.78022.46422.464
3Khu sản xuất nông nghiệpKNN91.66072.951
4Khu lâm nghiệp (tính cả diện tích đất mặt nước ven biển theo chỉ tiêu quan sát)KLN7399.286
5Khu du lịchKLD1146.060
6Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinhhọcKBT19.06019.060
7Khu phát triển công nghiệpKPC1.44110.058
8Khu thương mại – dịch vụKTM3571.228
9Khu dân cư nông thônDNT15.84419.421
IIIĐất có mặt nước ven biển (chỉ tiêu quan sát)MVB16.63716.637

Ghi chú:

(*) Khu chức năng không tổng hợp khi tính tổng diện tích tự nhiên.

Việc phân bổ đất đai cho từng huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và triển khai các dự án sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm (2021-2025) đã phân bổ cho các địa phương theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 và các quyết định điều chỉnh bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

PHỤ LỤC XV

PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên kênhVị trí (xã, huyện, tỉnh)Chức năng nguồn nước
Điểm đầuĐiểm cuối
AKhu Bắc Thái Bình
ILuộc
1Từ sông Hồng đến cống Nhâm LangHuyện Hưng HàHuyện Hưng hà (L1)Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước nông nghiệp
Giao thông thủy
2Từ cống Nhâm Lang đến cống bến HiệpHuyện Hưng HàHuyện Quỳnh Phụ (L2)Cấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
3Từ cống bến Hiệp đến cống Đại NẫmHuyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh Phụ (L3)Cấp nước nông nghiệp
Cấp nước công nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
4Từ cống Đại Nẫm đến phân lưu vào sông HóaHuyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh Phụ (L4)Cấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
IIHồng
1Từ phân lưu vào sông Luộc đến phân lưu vào sông Trà LýHuyện Hưng HàHuyện Hưng Hà (H1)Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước nông nghiệp
Giao thông thủy
IIIHóa
1Từ sông Luộc đến sông Thái BìnhHuyện Quỳnh PhụHuyện Thái Thụy (Ho1)Cấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
IVTiên Hưng
1Từ cống Nhâm Lang đến xã Thăng Long huyện Hưng HàHuyện Hưng HàHuyện Hưng HàCấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
Cấp nước nông nghiệp
2Từ xã Thăng Long huyện Hưng Hà đến nhập lưu sông Diêm HộHuyện Hưng HàHuyện Đông HưngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
VĐại Nẫm – Diêm Hộ
1Từ cống Đại Nẫm đến xã An Vinh huyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh PhụCấp nước sinh hoạt
Cấp nước nông nghiệp
2Từ xã An Vinh huyện Quỳnh Phụ đến hợp lưu với sông Tiên HưngHuyện Quỳnh PhụHuyện Quỳnh PhụCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
3Từ hợp lưu với sông Tiên Hưng đến cửa Diêm HộHuyện Quỳnh PhụHuyện Thái ThuỵCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
VISa Lung
1Từ Cống Lão Khê – Kênh HoàiHuyện Hưng HàHuyện Đông HưngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
2Đập Kim Bôi 1 – Bán SúyCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
BNam Thái Bình
IHồng
1Từ phân lưu sông Trà Lý đến cống Tân ĐệHuyện Hưng HàHuyện Vũ ThưCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
2Từ cống Tân Đệ đến cống Mộ ĐạoHuyện Vũ ThưHuyện Kiến XươngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
3Từ cống Mộ Đạo đến cửa Ba LạtHuyện Kiến XươngHuyện Tiền HảiCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
IITrà Lý
1Từ sông Hồng đến cống Hậu ThượngHuyện Hưng HàHuyện Đông HưngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Giao thông thủy
2Từ cống Hậu Thượng đến cống Thiền QuangHuyện Đông HưngTL2Cấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
3Từ cống Thiền Quang đến cửa Trà LýHuyện Thái ThuỵCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
IIISông Kiến Giang
1Từ cống Tân Đệ đến xã Vũ Phúc, TP. Thái BìnhHuyện Vũ ThưThành phố Thái BìnhCấp nước sinh hoạt
Cấp nước nông nghiệp
2Từ xã Vũ Phúc, TP. Thái Bình đến TT. Thanh Nê huyện Kiến XươngThành phố Thái BìnhHuyện Kiến XươngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
3Từ thị trấn Thanh Nê đến cửa LânHuyện Kiến XươngHuyện Tiền HảiCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
Cấp nước công nghiệp
Giao thông thủy
IVCổ Rồng
Từ ngã ba Mỹ Nguyên đến Cống Hoàng MônHuyện Tiền HảiHuyện Tiền HảiCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
VDục Dương
Từ Cống Dục Dương đến Âu Ngái (kênh Kiến Giang)Huyện Kiến XươngHuyện Kiến XươngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt
VICốc Giang
Từ đập Cốc Giang (kênh Kiến Giang) đến cống rân Lập (kênh Lân cũ)Huyện Kiến XươngHuyện Kiến XươngCấp nước nông nghiệp
Cấp nước sinh hoạt

PHỤ LỤC XVI

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH CÁC TUYẾN ĐÊ TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTTên tuyến đêĐịa điểm dự kiếnChiều dài dự kiến (Km)Vị trí dự kiếnCấp đê hiện tạiCấp đê quy hoạch
ĐầuCuối
A. ĐÊ SÔNG
1Tả Hồng Hà IHưng Hà17,00K133K150IIII
2Tả Hồng Hà IIVũ Thư, Kiến Xương50,40K150K200,4II
3Tả Trà LýHưng Hà51,00K0K51IIIIII
4Hữu Trà LýVũ Thư, Kiến Xương42,00K0K42IIII
5,00K42K47Chưa phân cấp
5Hữu LuộcHưng Hà, Quỳnh Phụ37,00K0K36IIIIII
6Hữu HóaQuỳnh Phụ, Thái Thụy16,00K0K16IIIIII
10,00K16K26Chưa phân cấp
Tổng228,40
B. ĐÊ CỬA SÔNG
1Tả HồngTiền Hải8,00K0K8IIIIII
2Tả Trà LýThái Thụy15,00K0K15Chưa phân cấpIII
3Hữu Trà LýKiến Xương, Tiền Hải12,00K0K12Chưa phân cấpIII
4Hữu HóaThái Thụy10,00K0K10Chưa phân cấpIII
5Tả Diêm HộThái Thụy6,50K0K6,5Chưa phân cấpIII
6Hữu Diêm HộThái Thụy5,00K0K5Chưa phân cấp
Tổng56,50
C. ĐÊ BIỂN
1Đê biển 5Tiền Hải18,00K0K18IIIIII
2Đê biển 6Tiền Hải22,30K0K22,3IIIIII
3Đê biển 7Thái Thụy16,10K0K16,1IIIIII
4Đê biển 8Thái Thụy12,556K0K12,556IIIIII
2,444K12,556K15Chưa phân cấpIII
Tổng71,40
D. ĐÊ BỐIVị trí tướng ứng với đê chính
IĐê tả Hồng Hà 1– Hưng Hà
1Bối Tân Hà – Hà XáTân Lễ5,39133,300135,300VV
II.1Đê tả Hồng Hà 2 – Vũ Thư
1Bối Hồng LýHồng Lý8,25Từ 0,690 đê Hữu Trà LýTừ 0,690 đê Hữu Trà LýVV
2Bối Việt HùngViệt Hùng3,21~ 152,800 đê Hồng Hà II~ 152,800 đê Hồng Hà IIVV
3Bối Bách ThuậnBách Thuận-Tân Lập9,21152,800155,46VV
4Đê Tuyến 1Duy Nhất0,2đê tả Hồng Hà IIđê tả Hồng Hà IIVV
5Duy Nhất0,8159,700164,900
6Duy Nhất1đê tả Hồng Hà IIđê tả Hồng Hà II
7Hồng Phong – Duy Nhất – Vũ Tiến – Vũ Đoài – Việt Thuận2,4172,800180,800
81
97,7
101
11Bối Hồng PhongHồng Phong6Nối với đê tuyến INối với đê tuyến IVV
12Bối Vũ VânVũ Vân5,2183,712185,650VV
II.2Đê tả Hồng Hà 2 – Kiến Xương
1Đê Bối Đại ThắngHồng Tiến – Bình Thanh – Bình Định8,2193,100200,400VI
III.1Đê tả Trà Lý – Hưng Hà
1Bối Tịnh ThuỷHồng Minh3,72,9006,200VV
III.2Đê sông tả Trà Lý – Thái Thụy
1Sơn HàSơn Hà142,85043,850VV
2Sơn HàSơn Hà3,550,50051VV
IVĐê sông Hữu Trà Lý – Kiến Xương
1Trà Giang – Hồng TháiTrà Giang – Hồng Thái7,254246,835VV
V.1Đê sông hữu Luộc – Hưng Hà
1Bùi XáTân Lễ3,7302,200VV
2Lưu XáCanh Tân1,742,2003,700VV
3Cộng HoàCộng Hòa3,558,500VV
4Cộng HoàCộng Hòa0,58,5009,000VV
5Tam NôngĐiệp Nông2,4712+20014+000VV
6Tam ĐiệpĐiệp Nông2,4514+70016+500VV
V.2Đê sông hữu Luộc – Quỳnh Phụ
1Quỳnh LâmQuỳnh Lâm7,819+10020+100VV
2Quỳnh HoaQuỳnh Hoa4,525+50028+500VV
VI.1Đê sông hữu Hóa – Quỳnh Phụ
1An KhêAn Khê50,0002,000VV
VI.2Đê sông hữu Hóa – Thái Thụy
1Thụy NinhThụy Ninh1,561617,360VV
2Thụy HưngThụy Hưng0,520,50021,080VV
3Thụy ViệtThụy Việt1,9121,08023,500VV
VIIĐê cửa sông Tả Hồng Hà – Tiền Hải
1Bối An Hạ 1Nam Hải1,8Km²Km²VV
2Bối An Hạ 2Nam Hải1,93,4004VV
VIIIĐê cửa sông tả Trà Lỹ – Thái Thụy
1Thuần ThànhThuần Thành3,502.000VV
2Thái ThọThái Thọ18,9510,00VV
3Thái ThọThái Thọ1,51113VV
4Mỹ LộcMỹ Lộc21315VV
IXĐê cửa sông hữu HóaHồng Quỳnh323,5VV
Tổng125,37
ĐÊ BAOVị trí tương ứng với đê chính
IĐê cửa sông tả Diêm Hộ
1Thị trấn Diêm ĐiềnThị trấn Diêm Điền4,45,56,5VV
2Thị trấn Diêm Điền, Thụy LiênThị trấn Diêm Điền, Thụy Liên3,825,5VV
IIĐê biển 7
1Thái ĐôThái Đô3,545,5VV
2Thái ThượngThái Thượng7916VV
3Thái ĐôThái Đô2,25,27VV
IIIĐê biển 8
1Thụy HảiThụy Hải3,27,710,2VV
2Thị trấn Diêm ĐiềnThị trấn Diêm Điền4,413,415VV
Tổng28,5

Ghi chú: Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

PHỤ LỤC XVII

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TTXã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025Phương án sắp xếpTổng diện tích tự nhiên (km²)Quy mô dân số (người)Sau sắp xếpLoại đơn vị hành chínhGhi chú
12341014
IHuyện Đông Hưng
1. Xã Đô Lương2. Xã An Châu3. Xã Chương Dương4. Xã Hợp Tiến5. Xã Đông Quang6. Xã Đông ĐộngXã Đô Lương4,024.47713,14 km², 18.457 ngườiIII
Xã An Châu3,815.779II
Xã Liên Giang5,318.201IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Chương Dương3,725.04011,98 km², 16.526 ngườiIII
Xã Hợp Tiến3,464.684III
Xã Phong Châu4,86.802IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Đông Quang3,576.25011,34 km², 19.212 ngườiII
Xã Đông Xuân4,397.171IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Đông Động3,385.791II
IIHuyện Quỳnh Phụ
1. Xã Quỳnh Bảo2. Xã Quỳnh XáXã Quỳnh Bảo3,654.36712,46 km², 16.919 ngườiIII
Xã Quỳnh Xá3,665.080III
Xã Quỳnh Trang5,157.472IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
IIIHuyện Hưng Hà
1. Xã Dân ChủXã Dân Chủ4,045.20217,68 km², 23.379 ngườiIII
Xã Hùng Dũng4,86.359IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Điệp Nông8,8411.818IIXã chịu tác động
IVHuyện Tiền Hải
1. Xã Đông Quý2. Xã Đông Trung3. Xã Tây Phong4. Xã Tây Tiến5. Xã Nam ThanhXã Đông Quý5,285.40315,67 km², 16.880 ngườiII
Xã Đông Trung4,355.233III
Xã Đông Phong6,046.244IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Tây Phong4,754.73110,13 km², 9.133 ngườiIII
Xã Tây Tiến5,384.402III
Xã Nam Thanh3,729.8289,7 km², 19.366 ngườiII
Xã Nam Thắng5,989.538IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
VHuyện Kiến Xương
1. Xã Đình Phùng2. Xã Vũ Thắng3. Xã Vũ BìnhXã Đình Phùng3,373.34412,74 km², 16.098 ngườiIII
Xã Thượng Hiền5,046.586IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030
Xã Nam Cao4,336.168II
Xã Vũ Thắng4,425.04613,8 km², 17.141 ngườiIII
Xã Vũ Bình4,194.918III
Xã Vũ Hòa5,197.177IIXã chịu tác động; thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030

PHỤ LỤC XVIII

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTTên chương trình, dự án, công trìnhVị tríQuy mô
INhóm chương trình ưu tiên thực hiện
1Chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanhTỉnh Thái Bình
2Chương trình phát triển các cụm ngành kinh tế biển, ven biển tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
3Chương trình phát triển nhân lực chất lượng cao tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
4Chương trình phát triển hạ tầng quan trọng của tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
5Chương trình phát triển công nghiệpTỉnh Thái Bình
6Chương trình du lịch nông nghiệp nông thônTỉnh Thái Bình
7Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
8Chương trình Nông thôn mới (giai đoạn 2)Tỉnh Thái Bình
IINhóm chương trình, dự án hạ tầng kỹ thuật
1Giao thông
1.1Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08)Các huyện: Kiến Xương, Thái Thuỵ, Quỳnh PhụQuy mô cấp II đồng bằng, 4 làn xe, chiều dài 109km (trên địa bàn tỉnh là 42km)
1.2Cao tốc Hưng Yên – Thái Bình (CT.16)Huyện Hưng HàCao tốc 4 làn xe, chiều dài 70km (trên địa bàn tỉnh 47,8km)
1.3Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn trên địa phận tỉnh Thái BìnhCác huyện: Hưng Hà, Quỳnh PhụCao tốc 6 làn xe, chiều dài 272km (trên địa phận tỉnh 28,5km)
1.4Đường bộ ven biển tỉnh Thái BìnhCác huyện: Thái Thụy, Tiền HảiQuy mô cấp II đồng bằng, 4 làn xe, chiều dài 43km
1.5Đường và cầu qua sông Luộc thuộc tuyến Vành đai 5 vùng Thủ đô (từ xã Văn Cẩm đến xã Quỳnh Giao)Các huyện: Hưng Hà, Quỳnh Phụ
1.6Luồng hàng hải
Nạo vét luồng sông Diêm Hộ, khơi thông luồng tuyến kết nối hướng biểnHuyện Thái Thụy
Nạo vét cồn cạn chắn cửa sông Trà Lý, khơi thông luồng tuyến kết nối hướng biểnCác huyện: Thái Thụy, Tiền Hải
Kè chắn sóng, bùn cát bồi cửa sông Diêm Hộ, sông Trà LýHuyện Thái Thụy
1.7Đường tỉnh là Trục động lực phát triển: ĐT.467 (Thái Bình – Cầu Nghìn), ĐT.469 (Thái Bình – Cồn Vành), ĐT.454 (Thái Bình – Đồng Tu).Tỉnh Thái BìnhCấp II đồng bằng, 4 làn xe, chiều dài tương ứng 21km, 34 km, 21km
1.8Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong khu kinh tế Thái BìnhCác huyện: Tiền Hải, Thái ThụyTối thiểu cấp III đồng bằng
1.9Nâng cấp cải tạo hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh 39, 39B, QL37BCác huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Thái ThụyTối thiểu cấp III đồng bằng
1.10Đường tỉnh ĐT.454 – đoạn 2 (nối đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình và cầu La Tiến).Các huyện: Quỳnh Phụ, Hưng Hà
1.11Xây dựng hạ tầng Khu bến cảng Diêm ĐiềnHuyện Thái Thụy
1.12Xây dựng Cụm cảng thủy nội địa Thái Bìnhsông Trà Lý, sông Hồng, sông Thái Bình8,4 triệu tấn/năm
1.13Sân bay chuyên dụng ven biển Thái BìnhHuyện Tiền HảiNghiên cứu sau năm 2030; thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc gia
1.14Dự án đầu tư xây dựng cảng Ba Lạt (trong đó có quy hoạch dự án kho xăng dầu cảng Ba Lạt quy mô dưới 5.000 m³)Huyện Tiền HảiTiếp nhận tàu có trọng tải từ 3.000 tấn phía trong sông hoặc đến 5.000 tấn nếu đủ điều kiện
2Năng lượng
2.1Trung tâm Điện – Khí LNG Thái BìnhHuyện Thái Thụy193 ha
2.2.Hạ tầng truyền tải điện quốc gia (Trạm 500KV, đường dây 500KV)Các huyện: Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ
2.3Hạ tầng truyền tải điện 220KV, 110KVTỉnh Thái Bình
2.4Dự án phát triển điện gió ngoài khơiKhông gian biển Thái Bình, từ 6 hải lý
2.5Hạ tầng ống dẫn khíKhu vực ven biển
2.6Nhà máy nhiệt điện LNG Thái BìnhHuyện Thái Thụy
3Đô thị
3.1.Chương trình phát triển đô thịToàn tỉnh
3.2.Hạ tầng đô thị thông minhThành phố Thái Bình
3.3Đường vành đai các đô thịTỉnh Thái Bình
3.4.Chương trình phát triển nhà ở đô thịThành phố Thái Bình
3.5Đề án phát triển và mở rộng không gian Thành phố Thái BìnhThành phố Thái Bình
3.6Chương trình cấp nước đô thịTỉnh Thái Bình
3.7Chương trình nâng cấp hạ tầng xử lý nước thải đô thịTỉnh Thái Bình
4Thủy lợi và ứng phó biến đổi khí hậu
4.1Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển, cống dưới đê, kè bảo vệ đê, kè bảo vệ bãi sông, công trình phụ trợ đê điều và các công trình phòng chống thiên taiToàn tỉnh
4.2Xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi, nước sạch nông thônToàn tỉnh
IIINhóm các chương trình, dự án hạ tầng kinh tế
1Hạ tầng công nghiệp
1.1Hạ tầng KCN trên địa bàn KKT Thái Bình (gồm KCN Tiền Hải (mở rộng), KCN Liên Hà Thái (Green iP-1), KCN Tân Trường và cảng cạn ICD, KCN Hải Long và các KCN khác)Các huyện: Tiền Hải, Thái Thụy
1.2Hạ tầng KCN Cầu Nghìn, KCN Thaco – Thái BìnhHuyện Quỳnh Phụ
1.3Hạ tầng KCN LogisticsHuyện Hưng Hà
1.4Hạ tầng Khu công nghiệp Dược – sinh họcHuyện Quỳnh PhụKhoảng 300 ha
1.5Hạ tầng các cụm công nghiệpTrên địa bàn các huyện
2Hạ tầng nông nghiệp
2.1Hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ caoTrên địa bàn các huyện, thành phốTùy theo điều kiện thực tế
2.2Trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi giá trịThành phố Thái Bình, huyện Vũ ThưTùy theo điều kiện thực tế
2.3Hạ tầng Khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ caoCác huyện: Thái Thụy, Tiền HảiTùy theo điều kiện thực tế
2.4Khu dịch vụ tổng hợp thuộc Dự án quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản chất lượng caoHuyện Tiền HảiTùy theo điều kiện thực tế
2.5Dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung công nghệ an toàn sinh họcHuyện Thái ThụyTùy theo điều kiện thực tế
2.6Dự án sản xuất rau sạch, an toànCác huyện: Vũ Thư, Đông HưngTùy theo điều kiện thực tế
2.7Dự án đầu tư xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi lợn và trồng cây dược liệuCác huyện
2.8.Dự án phát triển hạ tầng các vùng sản nông nghiệp tập trungCác huyện
3Hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch
3.1Trung tâm Hội chợ triển lãmThành phố Thái Bình15 ha
3.2Các trung tâm dịch vụ logistics thành phố Thái Bình, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Hưng Hà, Quỳnh PhụThành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Hưng Hà, Quỳnh Phụ
3.3Khu dịch vụ thương mại (thuộc dự án quy hoạch Khu phố biển Đồng Châu)Huyện Tiền Hải
3.4Khu dịch vụ (thuộc dự án Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Hải Long)Huyện Tiền Hải400 ha
3.5Khu dịch vụ tập trung Đông Hoàng, Nam Cường, Nam Hưng, Nam Phú,Huyện Tiền Hải
3.6Các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng
3.6.1Hạ tầng Khu du lịch Cồn Vành
Khu thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, resort nghỉ dưỡng (thuộc dự án Khu Đô thị – Du lịch – Nghỉ dưỡng – Sân gôn Cồn Vành – Cồn ThủHuyện Tiền Hải3.448 ha
3.6.2Hạ tầng Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn ĐenHuyện Thái Thụy1.150 ha
3.6.3Khu du lịch sinh thái Thụy TrườngHuyện Thái Thụy1.500 ha
3.6.4Hạ tầng phát triển du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái, tâm linh tại các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, huyện Thái ThụyHuyện Thái Thụy
3.6.5Khu du lịch phố biển Đồng ChâuHuyện Tiền Hải837 ha
3.6.6Khu du lịch cộng đồng gắn với làng nghề Bách Thuậnhuyện Vũ ThưTùy theo điều kiện thực tế
3.6.7Khu dịch vụ tổng hợp,vui chơi giải trí, thể dục thể thao, sân gôn
Sân gôn Cồn VànhHuyện Tiền HảiTùy theo điều kiện thực tế
Sân gôn Trà GiangHuyện Kiến Xương
Sân gôn Quỳnh LâmHuyện Quỳnh Phụ
Sân gôn Hồng MinhHuyện Hưng Hà
3.7Phát triển các sản phẩm du lịch
3.7.1Kinh tế ban đêmThành phố Thái Bình, Khu kinh tế Thái Bình
3.7.2Điểm du lịch Chùa KeoHuyện Vũ Thư
3.7.3Du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với văn minh lúa nướcTỉnh Thái Bình
3.7.4Tuyến du lịch sông Trà LýCác xã hai bên sông Trà Lý
3.7.5Tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề (Chạm bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, Làng Khuốc, thêu Minh Lãng, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới, đúc đồng An Lộng, thảm len Đại Đồng, đan mũ Tây An…Các huyện
4Hạ tầng khoa học công nghệ
4.1Xây dựng khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao tỉnh Thái BìnhHuyện Vũ Thư9,9 ha
4.2Xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ caoTrên địa bàn các huyện, thành phốTheo nhu cầu
4.3Hình thành cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hạ tầng thông tin thống kê KH&CN, các khu nghiên cứu, khu thực nghiệm…Thành phố Thái Bình, Khu kinh tế Thái BìnhTheo nhu cầu
4.4Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN
IVNhóm các chương trình, dự án hạ tầng xã hội
1Y tế
1.1Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại Khu trung tâm Y tế tỉnhThành phố Thái Bình1.500 giường bệnh
1.2Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng Bệnh viện Tim mạch 200 giường bệnh; Bệnh viện Ung bướu 150 giường bệnhThành phố Thái Bình350 giường
1.3Đầu tư xây mới trụ sở hoạt động cho Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Giám định Pháp y.Thành phố Thái Bình
1.4Nâng cấp, xây dựng bệnh viện chuyên khoa: Phụ Sản, Nhi, Mắt, Phổi, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Tâm thần, Phổi, Da liễu, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện Đột quỵThành phố Thái Bình
1.5Xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Đầu tư trang thiết bị để bổ sung cho Toà nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tậtThành phố Thái Bình0,72ha
1.6Đầu tư mở rộng nâng cấp, cải tạo đầu tư trang thiết bị các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyệnCác huyện, thành phố trong
1.7Xã hội hóa nâng cấp, mở rộng cơ sở y tế tư nhânTỉnh Thái BìnhTheo các điều kiện, tiêu chí hiện hành
1.8Đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế trên địa bàn tỉnhTỉnh Thái Bình
1.9Đầu tư trang thiết bị chuyển đổi số (bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh (PACS), Khám chữa bệnh từ xa, quản lý y tế cơ sở, phát hiện cảnh báo dịch bệnh,…) của ngành Y tế Thái Bình.Các đơn vị y tế công lập trong ngànhNgành Y tế
1.10Trung tâm Nghiên cứu phát triển Vắc xin đạt tiêu chuẩn Quốc tếTrên địa bàn tỉnhTheo các điều kiện, tiêu chí hiện hành
1.11Bệnh viện Đa khoa tư nhânHuyện Tiền HảiTheo các điều kiện, tiêu chí hiện hành
2Văn hóa, thể dục thể thao
2.1Bảo tồn quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Đền TrầnHuyện Hưng HàToàn bộ ranh giới quần thể di tích quốc gia đặc biệt
2.2Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Thái BìnhTỉnh Thái Bình
3Giáo dục
3.1Phát triển hệ thống trường chuyên, chất lượng cao
3.2Nâng cấp hệ thống trường các cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia
3.3Xã hội hóa đầu tư các trường ngoài công lập
3.4Chương trình phổ cập tiếng Anh THPT
4An sinh xã hội
4.1Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hộiHuyện Vũ Thư2,85ha
4.2Trung tâm bảo trợ xã hội người khuyết tậtHuyện Vũ Thư0,72 ha
4.3Cơ sở cai nghiện ma túy công lậpHuyện Đông Hưng
4.4Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tậtThành phố Thái Bình
4.5Làng trẻ em SOSThành phố Thái Bình
4.6Các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lậpTỉnh Thái Bình
4.7Trung tâm dưỡng lão đạt tiêu chuẩn quốc tếHuyện Vũ Thư10ha
5Đào tạo – Lao động
5.1Thành lập Phân viện Học viện nông nghiệpHuyện Hưng Hà100 ha
5.2Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Thái BìnhHuyện Vũ Thư10 ha
5.3Chương trình đào tạo nghề chất lượng cao gắn với thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
5.4Trung tâm dữ liệu thông tin thị trường lao động, dự báo cung – cầu lao động, khu điều hành và đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, giải quyết chính sách bảo đảm thất nghiệpTỉnh Thái Bình
5.5Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật tỉnh Thái BìnhTỉnh Thái Bình
VNhóm các chương trình, dự án môi trường
1Bảo vệ môi trường đất, nước, không khí
1.1Dự án trồng mới rừng vùng bãi triều ven biển: trồng mới 1.000 ha và trồng bổ sung 500 haCác huyện: Thái Thụy, Tiền Hải1500ha
1.2Dự án Giảm chất thải nhựa trong du lịch thông qua giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lầnTỉnh Thái Bình
2Bảo vệ môi trường biển
2.1Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái ThụyHuyện Thái ThụyKhoảng 6.560 ha
2.2Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền HảiHuyện Tiền HảiKhoảng 12.500 ha

Ghi chú:

– Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cam kết không hợp thức hóa các dự án sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và các quyết định đầu tư dự án thuộc Phụ lục này.

– Việc triển khai thực hiện các dự án nêu tại Phụ lục phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.

– Về tên gọi, quy mô, diện tích sử dụng đất, nguồn vốn, tổng mức đầu tư của các dự án trong danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn đầu tư của từng thời kỳ.

– Các dự án, công trình khác ngoài Danh mục trên căn cứ vào các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành của địa phương,…được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

PHỤ LỤC XIX

DANH MỤC SƠ ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH THÁI BÌNH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

STTTên bản đồ
1Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn
2Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng
3Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, dạy nghề, khoa học và công nghệ)
4Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, hệ thống cấp thoát nước)
5Sơ đồ phương án quy phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất
6Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên (gồm cả tài nguyên nước)
7Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu
8Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555