Vài năm trở lại đây, nhu cầu công nghiệp đang tăng trưởng mạnh, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước liên tục tìm kiếm và sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào thị trường công nghiệp miền Bắc. Trong đó, Hải Dương là tỉnh được đánh giá có tiềm lực và dư địa phát triển kinh tế lớn, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai.
1. Vị trí địa lý
Hải Dương có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi khi nằm trên hai hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Nam Ninh – Quảng Châu. Bên cạnh đó, Hải Dương còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 57 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía đông thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh lân cận.
Phía Đông giáp với Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng nhờ đó Hải Dương đạt được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sang các nước Trung Quốc thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, xuất khẩu nông sản sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các cảng Cái Lân, cụm cảng Hải Phòng,…
Phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên (nơi có các tuyến đường quan trọng nối liền các khu kinh tế, thương mại của miền Bắc) tạo cơ hội tốt cho giao lưu kinh tế và vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh.
Phía Nam giáp với tỉnh Thái Bình (là tỉnh có dân số đông thứ 4 trong số 10 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng) đóng góp một lượng lớn lao động cho các KCN trên địa bàn tỉnh.
Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, hợp tác và học hỏi trên các phương diện: nông nghiệp, công nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông,…
2. Mạng lưới giao thông
Hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt phân bố hợp lý, thuận lợi cho việc giao thông qua lại giữa các tỉnh thành.
3. Đường bộ
Hải Dương có nhiều tuyến quốc lộ chạy ngang qua địa bàn: QL5, QL18 (đoạn qua Chí Linh dài 20 km), QL37, QL38, QL 38B (nối Hải Dương – Ninh Bình), QL10, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quốc lộ 5B). Ngoài ra còn có đường tỉnh với 14 tuyến dài 347,36 km (đường nhựa tiêu chuẩn cấp III đồng bằng) và đường huyện 392,589 km và 1.386,15 km đường xã đảm bảo cho xe ô tô đến tất cả các vùng trong mọi mùa.
4. Đường sắt
Hải Dương có tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng song song với Quốc lộ 5, vận chuyển hàng hóa và hành khách qua 7 ga trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân chạy qua Chí Linh, chuyên vận chuyển nông, lâm sản và các sản vật bản địa từ các tỉnh miền núi phía Bắc qua Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) ra nước ngoài, cũng như hàng nhập khẩu và than cho các tỉnh này.
5. Đường thủy
Với 400 km đường sông cho tàu, thuyền 500 tấn qua lại dễ dàng. Công suất cảng Cống Câu là 300.000 tấn/năm và hệ thống bến bãi đáp ứng vận tải hàng hóa một cách thuận lợi.
Hiện nay tỉnh Hải Dương có 12 tuyến sông do Trung ương quản lý gồm sông Thái Bình, sông Thương, sông Luộc, sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn, … Tổng chiều dài 274,5 km, trong đó sông Thái Bình và sông Luộc là những tuyến đường thủy quan trọng của khu vực đồng bằng sông Hồng.
6. Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng
Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, do đó tỉnh đã đầu tư mạnh cho công tác phát triển hạ tầng giao thông. Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua tỉnh dài 40 km, 82 km đường gom cao tốc, 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 189 km; 21 đường tỉnh với tổng chiều dài 354 km…
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Quảng Ninh và Hải Phòng để xây dựng hàng loạt công trình giao thông. Với Hải Phòng có cầu Quảng Thành nối huyện Thanh Hà với huyện An Lão trên sông Văn Úc; Cầu Đình bắc qua sông Kinh Thầy nối thành phố Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên. Với Quảng Ninh có dự án Cầu Triệu bắc qua sông Kinh Thầy nối TP Đông Triều với Quốc lộ 389, TP Kinh Môn.
7. Dân số và lực lượng lao động
Tỉnh Hải Dương bao gồm 10 huyện, 01 thành phố và 01 thị xã với dân số khoảng 1,8 triệu người, trong đó trên 60% trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ dân số cao (khoảng 84,5%) sống ở khu vực nông thông và chủ yếu là làm nghề nông. Đây sẽ là nguồn cung lao động rất quan trọng và dồi dào cho các dự án đầu tư.
8. Đồng bộ cải cách thủ tục hành chính
Tỉnh chủ động cung cấp địa chỉ thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, hoạt động.
Ngoài ra, Hải Dương còn là tỉnh đi đầu cả nước về bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ về mặt pháp lý, các vấn đề thủ tục hành chính, giải quyết công việc quản lý một cách nhanh chóng. Hỗ trợ người nước ngoài, tạo điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp thu, hướng dẫn, tháo gỡ và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/3/2022 thì Hải Dương thu hút 490 dự án FDI, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng số lượng nhà máy nhà xưởng và các công ty tại địa bàn lên đáng kể (Theo Báo Hải Dương)