Thị trường bất động sản sẽ ra sao khi Luật Đất đai sửa đổi chưa thông qua?

Việc lùi thông qua Luật Đất đai sửa  được giới chuyên gia nhận định là phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bởi đây là bộ luật quan trọng, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất trong nhiều quy định.

Trước đó, không ít chuyên gia và nhà đầu tư kỳ vọng vào việc thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần khơi thông tắc nghẽn trên thị trường địa ốc. Như thời điểm khủng hoảng của bất động sản giai đoạn 2011-2013, khi Luật Đất đai 2013 ra đời, thị trường cũng dần có tín hiệu hồi phục và bắt đầu đi qua vùng trũng.

Ở thời điểm hiện tại, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội thừa nhận, nhiều dự án cũng đang trong trạng thái chờ đợi các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở… được Quốc hội thông qua để từ đó có cơ sở để được phê duyệt, triển khai dự án.

Vị này nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên liên quan sự hồi phục của thị trường là việc sửa đổi luật, mà điển hình nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản… Nếu việc này được làm quyết liệt và được thông qua như dự kiến cũng như có văn bản hướng dẫn sau đó thì có thể vào thời điểm quý IV/2023, thị trường sẽ có chuyển biến.

Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất và Quốc hội đồng tình thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp giữa năm 2024. Như vậy, Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua tại kỳ họp 6 lần này.

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản, đây là luật đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thị trường bất động sản. Với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư, đây là luật được mong chờ nhất để làm nền tảng hoạch định chiến lược và thực hiện đầu tư trong giai đoạn mới.

Các chủ đầu tư đang gặp bế tắc về pháp lý chưa được tháo gỡ thời gian qua cũng đang mong chờ luật ra đời để tìm hướng xử lý. Các nhà đầu tư đang nắm trong tay quỹ đất lớn thu gom trước đây, đang tồn đọng rất lớn nguồn vốn trong đó cũng mong chờ luật này ra đời để thực hiện các thủ tục pháp lý cơ bản để M&A hoặc triển khai thực hiện nếu có thể nhằm khơi thông thế bế tắc về dòng tiền.

Khi dự thảo Luật Đất đai chưa được thông qua, cả thị trường dừng lại và chờ đợi, chậm thì hao tổn nhiều. Tuy nhiên theo ông Lập, việc lùi thông qua dự thảo Luật đất đai là hợp lý trong bối cảnh hiện tại nhằm đảm bảo chất lượng. Bởi, nếu thông qua sớm khi nhiều quy định chưa thống nhất và trái chiều sẽ để lại di chứng nghiêm trọng hơn. “Rút kinh nghiệm Luật trước, nhiều nội dung đã phải sửa đổi, bổ sung. Trước đó, các quy định ban hành chưa rõ khiến một số nơi hiểu sai, vận dụng sai dẫn tới cán bộ và cả doanh nghiệp phải rơi vào cảnh khốn đốn”, ông Lập nói.

Vị này cũng cho rằng, trong dự thảo Luật đất đai, một số vấn đề như áp giá cho dự án, bồi thường theo giá thị trường, cách hiểu của người dân, doanh nghiệp và nhà nước sẽ vênh nhau lớn. Giải bài toán này theo cách nào vẫn là câu hỏi lớn? Các dự án hạ tầng đang được triển khai rầm rộ khắp nơi và sắp đến sẽ còn phải làm nhiều nữa sẽ như thế nào khi nguồn vốn cho dự án sẽ đội lên kinh khủng từ chi phí mặt bằng? Thế nên ông Lập tán thành việc cần xem xét kỹ lưỡng hơn nội dung trong quy định dự thảo Luật Đất đai.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng, việc chưa thông qua Luật Đất đai có thể khiến thị trường tiếp tục gặp khó khăn. Theo ông Quê, sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường đến từ thủ tục đầu tư phức tạp và các luật chồng chéo. Việc này làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, sự luân chuyển và hấp thụ vốn. Tất yếu điều này tác động tâm lý của nhà đầu tư.

Triệu Vương

Theo Nhịp sống thị trường Link

Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 0936314555