Một nghịch lý trên thị trường địa ốc luôn xảy ra, đó là trong những cơn sốt đất, giá đất càng tăng, người mua sẵn sàng xuống tiền và thậm chí chẳng do dự. Nhưng khi giá đất hạ, người mua lại dửng dưng, thậm chí sợ hãi khi xuống tiền.
Tâm lý FOMO được lý giải cho tình trạng, khi sốt đất, người người, nhà nhà “lao vào” đầu tư. Từ bà bán trà đá, đến ông lái taxi, đều phải cố gắng mua lô đất, chờ tăng giá. Sốt đất kéo theo nhiều người tham gia “cuộc chơi”. Giá đất càng tăng, người mua càng hào hứng xuống tiền. Họ lại tiếp tục kỳ vọng và tự tin vào giá đất sẽ còn tăng. Đó là lý do mà họ chạy theo cơn sốt đất, sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính để mua.
Các cuộc lướt sóng diễn ra nhanh chóng. Những cuộc mua bán trao tay trong chớp nhoáng với thương vụ “ăn chênh” đến hàng trăm triệu. Không chỉ đất nền, đất thổ cư mà ngay cả những mảnh đất nông nghiệp, đất rừng được cắt theo sào và rao bán.
“Khi thấy người khác mua đất và bán lãi, lòng tham của mỗi người đều dâng lên. Họ mua một lô đất đầu tiên, bán lãi. Họ lại tiếp tục muốn lãi hơn và bỏ tiền để mua. Thậm chí, họ sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong cơn sốt đất, người mua chỉ muốn lướt và lo sợ rằng, nếu không xuống tiền sớm, họ sẽ đánh rơi cơ hội làm giàu vào người khác”, M.P (môi giới đến từ Đồng Nai) nói. Chính môi giới này thừa nhận: “Thời điểm sốt đất, tôi môi giới thành công 3 lô đất nền khi mới vào nghề chưa tròn 1 tháng. Vì thấy lời, tôi đổ tiền tiết kiệm ra mua, sau đó lại vay ngân hàng. 5 cuốn sổ đỏ là 5 khoản vay ngân hàng. Vì kỳ vọng có lời, tôi cứ mua”.
Thế nhưng, đó là diễn biến của thị trường trong những tháng đầu năm 2022 trở về trước. Đến hiện tại, thị trường đã đảo chiều và đóng băng. Giá bất động sản liên tục ghi nhận tình trạng giảm giá và thậm chí cắt lỗ sâu. Những nền đất thổ cư ở khu vực vùng ven Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thảnh khác giảm trung bình từ 10-30%. Đất sào, đất nương rẫy,… từng được quảng cáo với giấc mơ “bỏ phố về quê” xây homestay, nơi nghỉ dưỡng cũng chào bán cắt lỗ 20-40%. Mức giá liên tục giảm. Người bán cần tiền giảm giá, không ai mua, họ lại tiếp tục giảm thêm. Nhưng người mua vẫn hờ hững.
Anh Trần Thái (nhân viên kinh doanh tại dự án lớn phía Đông Hà Nội) kể lại rằng, trước biệt thự tại khu đô thị này tăng giá liên tục, thậm chí có thời điểm lên tới hơn 20 tỷ/căn nhưng vẫn có người xuống tiền nhanh chóng. Đến hiện tại, nhiều căn biệt thự giảm còn 13 tỷ đồng nhưng cũng không ai hỏi han.
“Cùng một phân khu, chủ biệt thự đột ngột cắt lỗ quá sâu so với mặt bằng chung thị trường. Nếu không thông qua môi giới uy tín, khả năng thanh khoản rất khó vì chính những khách hàng lo ngại: Liệu căn đó có vấn đề gì mà lại giảm sâu đến như vậy. Như việc bạn ra chợ, cùng một mặt hàng, giá của một thực phẩm giảm đột biến so với thường ngày và so với mặt bằng chung của chợ thì bạn cũng e ngại đặt ra chất lượng của sản phẩm. Đó là tâm lý chung của người tiêu dùng và thực tế xảy ra ở dự án tôi đang làm”, ánh Thái cho biết.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng cho rằng, khi thị trường địa xuống, người mua vẫn luôn kỳ vọng giá còn giảm sâu hơn. Thậm chí, họ còn chờ thị trường sập để xuống tiền. Giá đã hạ, họ càng muốn hạ nữa. Vì tâm lý đó mà thị trường thanh khoản chậm.
Ông Nguyễn Khắc Việt, Chủ tịch KV Land giải thích, diễn biến của thị trường được hình thành dựa trên nỗi sợ và lòng tham của nhà đầu tư. Khi lòng tham càng dâng cao, nỗi sợ càng giảm, họ sẽ bỏ tiền vào mua bất động sản liên tục. Khi lòng tham xuống thấp, nỗi sợ tăng cao, họ không dám xuống tiền. Đó là lý do khi sốt đất, người dân bỏ tiền nhiều vào bất động sản và ngược lại.
Theo Nhật Linh
Nhịp sống thị trường Link